Hiện tình Giáo Hội Thiên Chúa giáo tại Việt Nam

Nguyễn Văn Lục

Chức tước chẳng là cái gì mà phải sống cho đến chết, đừng để chết đang khi còn sống.”

Câu nói trên là của Lm Phạm Hân Quynh (1923-2006), một trong những tu sĩ kiên cường sống với đức tin giữa lòng chế độ cộng sản cách đây trên nửa thế kỷ ở miền Bắc, sau 1954. Ông được gọi là linh mục. tiêu biểu “lội ngược dòng”. Năm 1989, khi được sang París, ông bày tỏ sự buồn chán vì Giáo Hội Thiên Chúa giáo với các căn bệnh cố hữu: bệnh xây cất và rước kiệu. Nếu nay còn sống, ông sẽ thất vọng biết chừng nào vì ước vọng của ông xây dựng lại tâm hồn Ki Tô giáo mới là điều quan trọng. Hai căn bệnh cố hữu xây cất và rước kiệu liệu nay như thế nào? Đó là mặt của hiện tình giáo hội Thiên Chúa giáo ở Việt Nam thảo luận ở đây.

Cùng với một số các vị đàn anh như các lm Nguyễn Văn Vinh, Nhân, Trọng và các tu sĩ cùng thế hệ với Phạm Hân Quynh du học ở Pháp, Bỉ và Mỹ tình nguyện trở về miền Bắc, sau 1954 để phụng sự Giáo Hội, và tất cả không trừ, đều chịu chung số phận tù đầy hoặc bị quản chế, cách ly trong nhiều năm. Chuyện ấy đã xa rồi nay có thể không cần nhắc lại.

Đất nước nay đã đổi mới và chuyển mình về nhiều mặt, trong đó có tôn giáo. 27 giáo phận trên cả nước mà mỗi giáo phận đều có trên 100 lm coi xứ. Có nhiều điều được “cởi trói” như việc truyền chức linh mục, việc phụng vụ, việc tự do hành giáo.

Hội đồng Giám muc Việt Nam (2013): “Củng cố đức tin, dựa vào sứ điệp của Phúc âm và là những sứ giả của Lời Chúa.” Nguồn: http://clericalwhispers.blogspot.com

Nhiều điều đáng mừng theo cái nhìn bên ngoài, dựa trên số lượng. Nhưng nhiều điều thật không vui bởi vì một giáo hội bị tha hóa nhiều mặt như tính cách phong kiến hơn cả phong kiến, bệnh sùng bái, thần thánh hóa cá nhân, tính cách thế tục trọng cái bề ngoài rước đón như “một người làm quan cả họ được nhờ” đến chướng tai gai mắt nếu những ai đã có kinh nghiệm với cuộc sống của Giáo Hội miền Nam trước 1975, hoặc Giáo hội miền Bắc sau 1954 và nhất là giáo hội Thiên Chúa giáo tại Mỹ, Đức, Canada, Pháp mới có dịp so sánh đưa ra những nhận định tương đối khách quan và công bằng.

Phải sống, phải có kinh nghiệm cả ba thế hệ tổ chức Thiên Chúa giáo trước 1954, sau 1954 tại miền Nam và tại hải ngoại như thế với suy nghĩ nghiêm chỉnh may ra nhận thức mới đủ.

Trong mỗi thời kỳ, bất kỳ giai đoạn nào cũng có những mục tử tốt, đạo đức và kiên cường cũng như các con chiên sống hiền hòa tốt lành, nhất là nơi các vùng xa và hẻo lánh. Nhưng cũng không thiếu mục tử phẩm chất chưa đạt. Đó cũng là lẽ thường tình của con người. Nhưng trên bình diện nhận thức, phân tích, dựa trên nguyên tắc nào để phân biệt được lẽ chính, tà?

Người Thiên Chúa giáo dựa trên chính lời hứa hẹn của Chúa Ki Tô để lại như sứ điệp của Người để lại. Đó là căn tính của đạo Chúa. Ai theo thì sẽ được cứu rỗi..

Người viết căn cứ ít nhất vào ba điều: Điều thứ nhất dựa trên Tám mối phúc thật do Chúa để lại. Điều thứ hai dựa trên vị giáo hoàng đương nhiệm về những điều giảng dạy và gương mẫu của đời sống của chính ngài. Và điều thứ ba dựa trên những nhận xét và nỗi ưu tư với cương vị mục tử — Giám mục Michael Hoàng Đức Oanh, giáo phận Kontum, đã tình nguyện lên phục vụ giáo phận Tây nguyên lúc đã làm linh mục. Những kinh nghiệm sống phúc âm giữa lòng chế độ hẳn là hữu ích và ý nghĩa..

Về Tám mối phúc thật

Bài giảng trên đồi. Nguồn: http://catholicbb.org/

Ngoài mười điều răn ra, Tám mối phúc thật như 8 cánh cửa mà Chúa hứa đem lại hạnh phúc thật cho những ai tuân giữ. Trong Tin mừng Thánh Mathêu 5,1-11 trên sườn đồi bao quanh hồ Galilée, Chúa ngồi xuống và rao giảng 8 tin mừng như Phúc cho ai: ai nghèo khó, ai hiền lành, ai khóc than, ai giữ lòng trong sạch, ai giữ lòng chính trực, ai xót thương người, ai giữ hòa bình và ai bị ngược đãi thì nước Trời là của họ.

Trong đó Tin mừng thứ nhất là: Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước Trời là của họ. Đó là thứ thẻ căn cước của tín hữu để vào nước Trời. Hãy tự hỏi lòng mình, chung quanh mình, anh em mình, bà con mình hiện nay Giáo Hội Thiên Chúa giáo có thực sự sống khó nghèo? Câu trả lời không khó. Nhưng vấn đề có đủ can đảm để trả lời mà không sợ đụng chạm. Tôi xa Việt Nam đã lâu, như người ngoài cuộc.

 Ở trong, ở ngoài quan trọng lắm! Có thể, nhiều giám mục, nhiều linh mục dưới gọng kìm của hai cơ chế: Chính quyền và hệ thống quyền lực của giáo hội không tiện nói đến không dám nói. Sự im lặng của họ không phải đồng lõa mà chịu đựng. Tôi hy vọng và trân trọng hoàn cảnh bất đắc dĩ của họ.

Nhưng tôi, người ngoài cuộc, không gì câu thúc, tôi có câu trả lời của riêng tôi theo lương tâm, bằng bài viết này. Tôi cũng không nhất thiết có lý do chính đáng nào để nhắm chỉ riêng ai để phê phán. Tôi cùng lắm chỉ gợi lên những điểm nhìn cần được nhìn lại..

Gương sáng và lời giảng dạy của Giáo Hoàng Francis

Từ năm 1995 đến năm 2017, tỷ lệ người Chile tự nhận mình là người Công giáo đã giảm đáng kể từ 74 xuống 45%, trong khi những người không thuộc bất kỳ tôn giáo nào tăng từ 7 lên 35% trong cùng thời kỳ. ITại Chile, GH Phanxicô xin lỗi vì ‘Thiệt hại không thể sửa chữa’ do Lạm dụng tình dục gây ra. GH Phanxicô đã cử hành thánh lễ vào thứ Ba tại một công viên ở Santiago, Chile (Jan 2018). Nguồn: L’Osservatore Romano

Tôi đã sống qua nhiều triều đại Giáo Hoàng từ Piô XII, Giáo Hoàng Gioan XXIII, Phao lô Đệ Lục, Jean Paul II, Bemoit 16 và hiện nay, Giáo Hoàng Francis (Phan Xi cô). Mỗi thời kỳ, mỗi triều đại có những biến động chính trị, xã hội và cách ứng xử của từng vị. Có những thách thức và cách giải quyết của từng thời kỳ. Pio XII được coi là người chịu nhiều thử thách nhất trong Thế chiến II với việc giết hại 6 triệu người Do Thái. Giáo Hoàng Gioan XXIII với tham vọng canh tân giáo hội với công đồng Vatican II. Giáo Hoàng Phao lô đệ II được coi là nguời có công đánh sụp đổ chủ nghĩa cộng sản trên chính quê hương Ba Lan của ngài. Ông cũng là nguồn cảm hứng khơi nguồn cho giới trẻ tìm lại được chính mình.  Riêng Giáo hoàng Phan xi cô, ngay từ khi nhận chức Giám mục ở Á Căn Đình, ông đã nêu nhiều gương sáng trên quê hương của mình như: ông vẫn xử dụng xe buýt, từ chối ngồi xe riêng và đi bộ đến nơi hành lễ. Khi ở ngôi vị Giáo Hoàng, ông cũng từ chối lên xe có tài xế riêng và lên chiếc xe thông dụng chở các vị hồng y. Ông đến với người nghèo, đến với người cùng khổ. Ông đã quỳ xuống rửa chân cho những người mắc bệnh Sida bị người đời ruồng bỏ. Tôi cũng đã được coi một video, ông đến thăm một nhà tù dành riêng cho các nữ phạm nhân, những người phụ nữ nghèo khó, vì miếng ăn rơi vào tay các trùm ma túy của Chí Lợi. Sự có mặt của ông và những lời an ủi, khich lệ, bồng bế các em bé đã làm rơi lệ và niềm hạnh phúc hướng về tương lai của những người đàn bà bất hạnh, nhất là chứng từ của một nữ phạm nhân bộc lộ tâm tình và nỗi khổ đau, bất hạnh của họ.

Tôi thực sự xúc động và rơi nước mắt. Xin nói thêm, ông “quên” mang theo gậy và mũ, biểu tuợng của quyền uy. những phát biểu của ông về người đồng tính, về nạn lạm dụng tình dục cần phải được bạch hóa và xử phạt. Ông cương trực, đứng về phía người cùng khổ, người bị áp bức, người khó nghèo theo đúng tinh thần của: Tám mối phúc thật. Ông cũng khuyên mọi người nên đọc và suy niệm mỗi ngày về Tám mối phúc thật này.

Thứ ba, quy chiếu vào những khó khăn đủ loại, xách nhiễu đủ thứ của chính quyền cộng sản, từ đó, tôi đặt ra những thắc mắc là tại sao hầu hết các giáo phận khác đều có liên lạc tốt đẹp kiểu “Tốt đời đẹp đạo” mà riêng Kon Tum dưới quyền quản nhiệm của giám mục Michael Hoàng Đức Oanh, từ 2003 đến 2015 lại gặp nhiều khó khăn và trắc trở, từ đó giúp tôi nhìn thấy được bộ mặt thật của Giáo Hội và của chế độ.

Tôi có đủ lý lẽ để nhìn về giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay qua kinh nghiệm của các vị tiền nhiệm. Những vị mục tử đã một thời qua rồi như Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình, Hồng y Nguyễn Văn Thuận, Hồng y Trịnh Như Khuê, Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, Hồng y Phan Đình Tụng, Giám Phục Phao lô Lê Đắc Trọng và gần đây nhất, giám mục Hoàng Đức Oanh và Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt.

Ngoài các vị mục tử đáng kính ở trên, những người nối nghiệp sau này có thể đều có những vấn đề mà chính bản thân họ không nói ra, che dấu cũng có vì quyền lợi riêng tư, hay đang ngụp lặn trong cơ chế, trong nỗi bất lực không tiện nói ra lời.

Việc thứ nhất, nếu căn cử trên Tám mối phúc thật và đời sống khó nghèo, đến với người cùng khổ, chia xẻ với họ thì quả thực hàng giám mục Viêt Nam nói chung, giới linh mục, giới tu sĩ và ngay cả giáo dân rất xa vời đời sống khó nghèo. Chỉ căn cứ bề ngoài qua những cuộc đón tiếp, rước sách xa hoa và phung phí, phô trương và tổ chức hoang phí nhân lực, tài lực một cách không cần thiết đến độ tha hóa nhiều mặt. Còn nhớ, trước 1954. Giám mục Thịnh (Schaize), địa phận Hà Nội, mặc dù có xe riêng của Tòa giám mục, ông vân thường chỉ dùng xe đạp đến thăm tại các xứ chung quanh Hà Nội như xứ Cửa Bắc, xứ Hàm Long, xứ Nam Đồng, dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà.

Giáo Hoàng hiện tại cũng đã chọn đời sống khó nghèo như gương mẫu mà hàng giám mục Việt Nam học được gì?

 Ngày nay, thì các Tổng Giám Mục, các giám mục đều có những chiếc xe bóng lộn, có tài xế riêng. Đến hàng linh mục, ông nào cũng ráng mua xe hơi riêng để đi lại. Nó như một lớp tư bản đỏ. Đành rằng, đời sống đã phát triển, xe hơi trở thành phương tiện. Một giáo dân than phiền, sân nhà xứ không trù liệu có đông xe như thế, mỗi khi có tụ họp các linh mục. Chúng ta cứ xem bất cứ vidéo buổi đón tiếp nào của giám mục tại các địa phận sẽ thấy một sự phô trương kệch cỡm đến lố bịch. Vài chục giám mục từ các nơi tụ về, vài trăm linh mục, vài trăm các nữ tu sĩ xếp hàng chờ đợi, hàng ngàn giáo dân, trẻ già, lớn bé, phụ nữ, thanh niên, áo quần đồng phục, các hội đoàn đủ loại, các ông các bà lớn tuổi áo thụng xanh, thụng vàng, quần mầu. Các đội kèn đồng, phường bát âm đủ loại. Có nơi còn kéo đi trên các xe với những chiếc trống khổng lồ vài người ôm, một chiếc, hai chiếc, đến ba bốn chiếc. Xe của vị Giám mục được các đoàn đi hộ tống đi đằng trước, đi hai bên, ùn ùn, rồi tiếng pháo nổ, tiếng trống, tiếng chuông nhà thờ kéo inh ỏi. Đoàn rước ấy đi hết lượt mất nửa tiếng đồng hồ.

Tôi không đủ kiên nhẫn để xem hết những cuộc đón tiếp nhàm chán ấy. Đến nơi, các vị giám mục có lọng che. như thể vinh quy về làng. Tôi liên tưởng đến trường họp Thich Nhất Hạnh khi lần đầu tiên về Việt Nam cũng có lọng che như vậy mà cảm thấy tủi hổ. Trên bàn thờ đã được sắp đặt chỗ ngồi đâu ra đó. Ghế của vị giám mục là loại ghế bành, hoặc sơn son thếp vàng lộng lẫy, hoặc trạm trổ tinh vi. như ghế các vị vua chúa. Hoặc nghĩ tới chiếc kiệu của Giáo Hoàng Piô XII thuở nào. Ngồi trên kiệu, dưới có hàng trăm vệ sĩ, gốc tuyển chọn là người Thụy Sĩ nghiêm chỉnh đứng hầu. Lại có những đoàn xe jeep hầu như mới toanh, lộng lãy, kết hoa, mỗi xe đều có lọng che! Ôi vinh quang và quyền lực thuở nào nay được tái diễn trở lại! Mỗi xứ, mỗi giáo phận thi đua tùy theo sáng kến của ban tổ chức mà nguyên tắc phải huy hoàng, phải lộng lẫy, phải đông đảo, phải hơn và khác biệt chỗ khác, bất kể tốn kém. Quanh năm ngày tháng, trong cả năm với các ngày lễ hội như vậy. Họ vinh danh Chúa hay vinh danh chính họ. Tôi không được vinh hạnh được đón tiếp như vậy. Nhưng giả như tôi rơi vào trường hợp đó thì sao? Còn các vị giám mục, họ có cảm nghĩ thế nào!

 Quyền lực thế gian cũng không được như vậy. Tôi vẫn không hiểu các ông Tổng Bí thư Đảng, ông Chủ tịch nước, chủ tịch Quốc Hội, ông Thủ tướng có được đón tiếp trọng vọng như vậy không? Thú thật là tôi chưa từng thấy khi Lê Duẩn vào miền Nam lần đầu sau 1975.

Điều tôi trăn trở là những vị mà bề ngoài đạo hạnh, ăn nói, giảng dạy rất là đạo đức, khi họ ngôi vào những vị trí ấy, họ nghĩ gì. Họ có cảm nghĩ ngượng với chính mình không? Bởi vì họ không đáng được trọng vọng và xưng tụng như thế.

Phần những vị tu sĩ, từ lúc làm thày Phó tế, chuẩn bị làm linh mục… Đã có lúc, họ sấp mình trước bàn thờ tuyên hứa ba điều: Giữ khiết tịnh, sống khó nghèo và tuân phục… Họ có giữ nổi ba điều đó không? Hay họ ngưỡng vọng trông lên các bậc đàn anh, mơ ước một ngày nào đó sẽ có mũ và gậy? Nhưng dù thế nào thì nay cuộc đời của họ cũng lên như diều gặp gió. Kể từ nay, cha mẹ vốn gốc dân giả được xưng tụng là bà cố. vinh dự với xóm làng, với bà con làng nước. Rồi mừng lể 25 năm linh mục, 50 năm linh mục. nay cuộc đời của nhà tu khá bận bịu. Nào làm đám cưới, dự các bữa tiệc đủ loại, rửa tội, ma chay. Cuốn lịch đầy ắp các bữa tiệc, các hội hè, các đình đám trong xứ phải làm sao sắp xếp cho thuận lợi. Mỗi sự tham dự ấy đều có quà cáp, biếu xén, phong bì mang về. Không ai biết là bao nhiêu. Chung quanh lại không thiếu những quyến rũ đủ loại mà không không thiếu gì những tranh dành, đố kỵ, nói xấu, nói hành, ghen tuông dễ gì giữ được khiết tịnh. Trong số hơn 10.000 linh mục, tôi không nghe những tố cáo công khai về tình dục. Sự im lặng ấy như một cấm kỵ mà cả hai bên đều giữ sự im lặng. Tôi nghĩ đến Film: Les oiseaux se cachent pour mourir.

Tôi đã xem cảnh bà cố của một vị linh mục qua đời cũng mời được giám mục và vô số các cha bạn bè về dự. Họ về dự vì biết rằng đến lượt họ cũng sẽ được vinh dự như vậy.

Một vị giám mục khác có về Xuân Lộc, để thăm viếng mộ phần của ông bà cụ… một việc rất riêng tư và không làm phiền bất cứ ai khác mới phải. Nhưng Giáo phận Xuân Lộc cũng nhân dịp này, biến buổi lễ thành việc công. Nhiều giám mục có mặt, nhiều linh mục về dự và cố nhiên luôn luôn có nhiều các sơ về dự, chưa kể họ hàng thân thuộc… Cũng cờ xí, cũng tiếp đón, cũng hàng rào danh dự, cũng hình ảnh vị giám mục với biểu ngữ và một bức tranh vẽ chân dung to tướng. Càng phô trương bề ngoài, càng trống rỗng bên trong. Tôi lại hỏi một lần nữa vị Tổng Giám mục đáng kính này mà tương lai có thể lên Hồng y, liệu ông nghĩ gì về những danh lợi trần thế như trên. Ông có nghĩ rằng kẻ đón tiếp ông, ca đoàn đã phải bỏ ít lắm cả tháng trời tập luyện. Các tổ chức nhân sự, các dòng nữ tu, phải bỏ công ăn việc làm, bổn phận hàng ngày và hàng tỉ đồng để chuẩn bị cờ quạt, xe cộ, nhân sự, cỗ bàn tiệc tùng chiêu đãi khách mời. Và một năm đã tốn biết bao buổi đón tiếp cùng loại nơi một cá nhân ông, nhân rộng ra 27 giáo phận và nơi hàng 10 ngàn linh mục, nơi hàng vạn tu sĩ nam nữ. Ai là người thiệt thòi, ai là người đã phải bỏ công sức? Ông có biết không? ông nghĩ gì? Tôi có nghĩ sai cho ông không?

Trong khi đó, hơn 40 năm nơi xứ người, các vị hồng y, tổng giám mục được đón tiếp như thế nào? Một trăm lần ít hơn. Điều chắc chắn là không có tính cách thế tục như thế. Mới đây, trên TV thành phố cho chiếu lại hình ảnh các vị cựu Thủ tướng liên bang như Jean Chrétien, Brian Mulroney, Joe Clark đã lần lượt xếp hàng như người dân bình thường để được đến lượt tiêm chủng ngừa Covid-19. Đấy là dân chủ. Đấy là xứ người. Đấy là bài học cho Giáo hội Việt Nam.

 Đấy không phải là một xã hội phong kiến tôn giáo. Trong một tương lai không xa, khi xã hội phát triển, chỗ đứng của họ sẽ không còn như trước nữa. Nhiều người trong các vị mục tử cũng hiểu rõ vấn đề này. Ơn gọi làm linh mục thường xảy ra nơi làng xã xa xôi, còn nghèo nàn mà không còn tìm thấy như các vùng chung quanh Saigon như Gia Đinh, Tân Định hoặc Thủ Đức, Biên Hòa.

 Có một chiều đảo ngược. Càng phát triển càng ít ơn gọi như hoàn cảnh xã hội bên này. Sụ thiếu vắng ấy đành thay thế bằng các linh mục từ các nước Phi Châu, với những người xử dụng Pháp ngữ như tiếng mẹ đẻ nên dễ dàng hội nhập. Một hiện tượng mà ta có thể gọi là truyền giáo ngược. Từ khi ở xứ người đã trên 40 năm. Số lượng linh mục Việt Nam lúc đầu là, 5, 6 vị vốn gốc gác đã đi tu từ Viêt Nam. Nay hầu như không ththêm được vị tân linh mục nào. Nghĩ người lại nghĩ đến ta. Nhà thờ có sức chứa 4000 người sẽ có một lúc không còn cần thiết nữa.

Suy nghĩ từ Giáo phận Kontum như một quy chiếu về thực tại Giáo hội Thiên Chúa giáo tại các giáo phận khác

Tôi tự đặt ra câu hỏi so sánh là trong số 27 giáo phận, chỉ có Kontum là có chính sách phân biệt khắc nghiệt như vậy?

Phải nhìn nhận là có một số thực tế khách quan là đa số dân tộc Tây Nguyên là người các dân tộc ít người chưa có tổ chức xã hội tôn giáo hoàn chỉnh. Giáo phận không đủ điều kiện vật chất để thiết lập nhà xứ, nơi thờ phượng. Hoặc chưa quan tâm cho đủ. Dựa vào những yếu kém ấy, Chính quyền bắt chẹt, làm khó dễ. Theo Giám mục Hoàng Đức Oanh, trong bài trả lời phỏng vấn Việt Catholic. Có những vấn đề có tính cách thông lệ như xin phép tổ chức các buổi lễ lạc thường niên trong cả năm… Đáng lẽ chẳn cần khai báo, xin phép. Nhưng để đạt được kết quả, đôi khi các vị linh mục phải khéo léo quà cáp, ngay cả đút lót. Chuyện trở thành tham nhũng làm hư hỏng linh mục đồng thời biên cán bộ thành tham ô. Kết quả là cả hai đều thối nát một cách không cần thiết đến có thể nói mọi việc đều trở nên khó khăn.

Trong một bài phỏng vấn L’église du Viet Nam Aujourd’hui của Hai giám mục Michael Hoàng Đức Oanh và Giám mục Mai Thanh Lương cho Hội Thừa sai Ba Lê vào ngày 22/12/2016 đã đưa ra một bức tranh sống động về hiện tình Giáo Hội Việt Nam. Họ nhìn nhận rằng đó là một giáo hội can đảm, anh hùng trong trong bốn thế kỷ truyền đạo tại Việt Nam (1615-2016). Giám mục Hoàng Đức Oanh cũng cho rằng cuộc di cư năm 1954 và cuộc di tản của Thuyền nhân năm 1975 đã để lại nhiều ý nghĩa..

Trên tổng thể, vào năm 1954, tỉ số dân số Thiên Chúa Giáo chiếm ngót 8% dân số. Nay con số đó giảm chỉ còn 6.5%, đứng sau với Phi Luật Tân, Nam Hàn, Đông Nam Timor và Liban. (Số giáo dân tuyệt đối tăng theo tổng số dân tăng từ 35 triệu năm 1954  đến 2021 gần 100 triệu)

Hình ảnh về một Giáo Hội hiện nay trên thực tế là một hoàn cảnh Giáo Hội sống trong một Xã hội mà người cộng sản đang nắm quyền. Nhưng chính yếu vẫm là việc đào tạo linh mục mà theo giám mục Oanh, Il y a beaucoup d’enseignants et peu de formateurs.” (Nhiều giảng viên giảng dạy nhưng lại ít người đào tạo.).

Việc đào tạo chỉ đáp ứng cho nhu cầu của xứ đạo, theo tôi, như tổ chức các buổi lễ lạc, tổ chức các đoàn thể như thiếu nhi, ca đoàn hơn là nhu cầu của sứ mạng truyền giáo. Vì thế, phô trương sự giàu có bên ngoài là rào cản khiến người không có đạo không muốn theo đạo và có thể một số người đã theo đạo cũng không bằng lòng.

Hàng Giám mục có thái độ im lặng đáng quan ngại trong khi họ cần có can đảm chu toàn trách nhiệm đã được giao phó

Nhà thờ Thánh Tâm thuộc Giáo phận Thái Bình, Việt Nam. Nguồn: Daaé

 Vài trích dẫn trên như một lời cảnh cáo tới Giáo hội Thiên Chúa giáo hiện nay trong nước. Họ quá chú trọng tới việc phô trương và phát triển xây cất như một căn bệnh thành tích. Xây được bao nhiêu nhà thờ, nhà xứ. Đó là những công trình để đời của một giáo phận, của một linh mục giáo xứ. Giáo dân, nhiều người tham gia vào các công trình xây dựng này mong được Chúa trả công! Giáo dân Tây Nguyên chỉ cần một nhà thờ che mưa nắng không được. Trong khi ở Trà Cổ, Lãng Văn, Cổ Việt được phép xây dựng nhà thờ thả giàn … Giám mục đến đặt viên đá, ban phép lành. Nhà thờ nào cũng tự cho là lớn nhất miền Bắc, lớn nhất Đông Nam Á.

 Quả thực đó là những công trình xây dựng to lớn, vĩ đại mà trước đây không hề có và không thể có. Nhưng không ai tự hỏi những nhà thờ ấy để làm gì? (Mặt khác, chùa chiền Phật giáo còn được cấp đất trên những ngọn đồi mà sự xây dựng hoành tráng đến có thể không thua gì những ngôi chùa danh tiếng, vĩ đại nhất của Trung Hoa.)

Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn trả lời nhóm Vietcatholic, Giám mục Hoàng Đức Oanh với con mắt vượt suy nghĩ trần thế lại thấy rằng những lúc bị cấm cản lại là lúc mà ông cảm thấy tràn đầy ơn phúc như một ân sủng Chúa ban cho.  Trong một lần trả lời cuộc phỏng vấn mới đây nhất, ngày 20-12-2019. Ông đã thẳng thừng và nói huỵch tẹt ra hết những cảm nghĩ của ông.Câu hỏi thứ nhất. Những nét nổi bật của giáo hội Thiên Chúa giáo năm vừa qua. Ông cho biết, theo sự hỏi ý của các lm VN, ông thấy có hai nét nổi bật nhất. Một là xây dựng nhiều nhà thờ, nhiều trung tâm mục vụ, đền đài. Hai là tránh né những thực tại của xã hội.

Bên trong nhà thờ Tân Định, Sài Gòn, Việt Nam. mage: Historic Vietnam

Câu hỏi về những khó khăn của Giáo Hội Việt Nam… Ông cho biết các tôn giáo vẫn bị cấm cách. Không có tự do tôn giáo. Dưới chế độ cộng sản chủ trương tam vô: vô tôn giáo, vô tổ quốc, vô gia đình. Cách cai trị của họ là chia rẽ, chia để trị và hủ hóa các tôn giáo..

Thay lời kết luận

Căn cư theo Tám mối phúc thật và đời sống thanh bạch của Giáo Hoàng Phan Xi Cô, tôi nghĩ không có lời lẽ nào rõ nét cho bằng cộng sản đang hủ hóa các tôn giáo, biến Giáo Hội Việt Nam thành một tôn giáo bị lũng đoạn, bị tha hóa, trần tục hóa. Một giáo hội phô trương, cao ngạo về quyền lực mà bị mục ruỗng từ bên trong. Các giám mục được trọng vọng đón rước long trọng thành những ông hoàng bà chúa thời phong kiến cổ xưa.

 Và phải chăng, họ tuyệt đối im lặng và tránh né mọi thực tại xã hội bất công, bè phái, tham nhũng, vô đạo đức, vô pháp luật. Tất cả các vị giám mục đều trở thành những kẻ bù nhìn, không thấy, không nghe, không nói. Họ ngoan ngoãn vô cảm trước những bất công mặc dầu một số giới trẻ bất đồng chính kiến, đã bị bắt, bị tù đầy một cách bất công, chịu những bản án nặng nề, biệt giam hàng mười mấy năm tù. Bài học cho thấy là Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt bị ép phải từ chức về quy ẩn. Giám mục Hoàng Đức Oanh có thể cùng chung số phận. Người thay thế ông hiện nay hẳn là biết rõ điều ấy hơn ai hết.

Họ bầy ra nhiều trò như diễn tả lại các Màn thương khó, được gọi là ngắm đứng. Mở ra câc cuộc thi đua liên địa phận biến thành một trò kệch cỡm mà nội dung sai lạc đã không được sửa đổi. Chẳng hạn gọi ba môn đệ của Chúa là ba tên đầy tớ. Làm gì có chuyện đó trong giáo lý. Nhưng ngay tiếp đó lại gọi là ba thánh Tông Đồ. Gọi Giu Đa là thằng bán Chúa, nguyền rủa. Kinh thánh không bao giờ dược chép như vậy. Vậy mà các vị giám mục làm khán thính giả vẫn thản nhiên ngồi nghe..

Nói tắt một lời, họ vô tình trở thành những tiên tri giả, vô tình trở thành những kẻ buôn thần bán thánh mà Chúa đã xua đuổi những kẻ đó ra khỏi đền thờ thủa nào.

 Xin nhắc nhở với nhau rằng như lời lm Phạm Hân Quynh để lại:

“Chức tước chẳng là cái gì cả. Mà phri sống cho đến chết, đùng để chết khi còn sống.”

Lm Phạm Hân Quynh

Hy vọng rằng trong mấy chục Giám Mục còn có những vị nghĩ đến tiền đồ giáo hội để có thể sống Đức tin giữa lòng dân tộc như Muối và ánh sáng cho Giáo Hội Việt Nam.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa