Nữ tu sĩ bị bắt, Bắc Kinh đàn áp giáo hội ở Hong Kong

Nữ tu sĩ bị bắt, Bắc Kinh đàn áp giáo hội ở Hong Kong
Minh họa của Catherine Tai/REUTERS

Greg Torode | Trà Mi

Các giáo sĩ cao cấp coi vụ những bắt giữ là dấu hiệu Trung Hoa cộng sản muốn đóng cửa cơ quan truyền giáo không chính thức của Vatican ở Hong Kong, nơi hai nữ tu sĩ này làm việc.

Khi Bắc Kinh thắt chặt quyền kiểm soát thành phố, giáo phận địa phương cũng đã chuyển sang kiềm chế tiếng nói ủng hộ dân chủ trong khối giáo dân của mình.

Trong một biệt thự Art Deco kín cổng cao tường ở ngoại ô Kowloon của Hong Kong, Vatican điều hành một phái đoàn ngoại giao không chính thức, tiền đồn chính trị duy nhất của nó dưới bất kỳ hình thức nào ở Trung Hoa cộng sản.

Đoàn ngoại giao này kín tiếng đến nỗi không được liệt kê trong danh bạ chính thức của Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã về tất cả những linh mục và tài sản trong thành phố. Hai đức ông phụ trách ngoại giao đoàn không có quan hệ chính thức với Bắc Kinh hoặc chính quyền Hong Kong, và họ không tiến hành công việc chính thức, thậm chí không gặp các quan chức Hong Kong. Chỗ đứng vững chắc là một dấu hiệu cho thấy vị thế mỏng manh ở Trung Hoa cộng sản của giáo phái Ki-tô giáo lớn nhất thế giới, nhiều người trong số họ có các giáo dân ở Hong Kong ủng hộ nhiệt tình phong trào dân chủ của thành phố.

Và giờ đây, đoàn ngoại giao — và toàn thể Giáo hội TCG ở Hong Kong — đang chịu áp lực ngày càng lớn khi Bắc Kinh tiến hành dập tắt các tiếng nói chống đối trong thành phố theo luật an ninh quốc gia mới.

Theo ba giáo sĩ Thiên Chúa giáo có hiểu biết về vấn đề cho hay, vào tháng 5, hai nữ tu sĩ Trung Hoa làm việc tại nhà truyền giáo đã bị chính quyền đại lục bắt giữ trong một chuyến thăm nhà ở tỉnh Hà Bắc. Hai vị nữ tu sĩ, ở độ tuổi 40, đã bị giam giữ trong ba tuần trước khi bị quản thúc tại gia mà không bị buộc tội. Một trong những giáo sĩ cho hay họ bị cấm rời khỏi Hoa lục. Trong khi đó, các nhà ngoại giao phương Tây cho biết, các nhân viên an ninh Trung Hoa cộng sản đã tăng cường giám sát phái bộ ngoại giao TCG trong những tháng gần đây.

Các vụ bắt giữ, chưa được báo cáo trước đây, được các giáo sĩ hàng đầu ở đây và ở Vatican coi là dấu hiệu Bắc Kinh muốn đóng cửa ngoại giao đoàn. Nó không có vị thế chính thức vì Tòa thánh và Trung Hoa cộng sản chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Trong khi các linh mục đôi khi bị bắt ở Hoa lục, một giáo sĩ khác, người có liên hệ lâu năm ở đại lục cho biết, “việc các nữ tu sĩ bị giam giữ là điều rất bất thường. Bình thường không ai để ý đến họ.”

Lãnh đạo của giáo phận địa phương lớn cảm nhận được áp lực ở trung tâm của Giáo hội ở Hong Kong.

Các thành viên cao cấp của hàng giáo phẩm ở Hong Kong nói với Reuters rằng Bắc Kinh đang cố gắng mở rộng quyền kiểm soát trong với giáo phận, một phần bằng cách tác động đến việc lựa chọn giám mục kế vị của thành phố, một vị trí đã bỏ trống kể từ khi vị giám mục cuối cùng qua đời hai năm trước. Họ cho biết, Bắc Kinh đang tìm cách áp dụng cho Hong Kong một thỏa thuận đã có hiệu lực hai năm với Tòa Thánh nhằm giúp chính phủ Trung Hoa cộng sản có tiếng nói quan trọng trong việc bổ nhiệm các giám chức ở đại lục.

Theo các giới hữu trách ở Vatican, Hong Kong không phải là một phần của thỏa thuận vì tình trạng bán tự trị của thành phố. Nhưng với việc Bắc Kinh kiểm soát nhiều hơn đối với Hong Kong, các linh mục ở đại lục đã chuyển thông tin cho các linh mục trong thành phố về giáo sĩ nào mà Đảng Cộng sản cầm quyền ủng hộ để đảm nhận vai trò giám mục, các giáo sĩ cao cấp cho biết.

Hồng Y John Tong, người đứng đầu giáo phận Hong Kong, đã kêu gọi các linh mục địa phương không đưa ra những bài giảng mang tính chất chính trị. REUTERS/Tony Gentile

“Chúng tôi đang ở đáy vực — không còn quyền tự do ngôn luận nữa… Chúng tôi đang trở nên giống như bất kỳ thành phố nào khác ở Trung Hoa cộng sản.”

Hồng Y Joseph Zen, nguyên Giám mục Hong Kong

Theo bốn người có hiểu biết về vấn đề cho biết khi áp lực gia tăng, quyền lãnh đạo Giáo hội địa phương, Hồng Y John Tong, đã kiềm chế tiếng nói của những giáo dân hoạt động trong hệ thống phẩm trật Thiên Chúa giáo. Một đích ngắm là Ủy ban Công lý và Hòa bình, một cơ quan nhân quyền trong giáo phận có truyền thống ủng hộ tự do chính trị và tôn giáo.

Vào tháng 10, bốn người nói trên cho biết, ủy ban điều hành của Hồng Y Tong, được gọi là curia, đã kiểm duyệt một tuyên bố về quan hệ Trung Hoa cộng sản-Vatican do ủy ban công bố. Họ xóa phần nói đến James Su Zhimin, Giám mục của Bảo Định, người đã bị chính quyền Trung Hoa cộng sản bắt giữ hơn 20 năm trước ở Hoa lục và đã trở thành một anh hùng đối với nhiều người trong Giáo hội. Số phận của ông đến nay vẫn không rõ.

Tong, 81 tuổi, cũng đã nói với các linh mục của mình không được đưa ra các bài giảng quá chính trị, cảnh cáo rằng họ nên tránh sử dụng ngôn ngữ gây “rối loạn xã hội”. Tong, giống như tất cả các giám mục, có toàn quyền hành chính đối với giáo phận của mình. Cựu Giám mục Hong Kong, Hồng Y Joseph Zen, nói với Reuters trong một văn bản trả lời các câu hỏi,

“Chúng tôi đang ở đáy vực — không còn quyền tự do ngôn luận nữa. Tất cả những điều này là bình thường ở đại lục. Chúng tôi đang trở nên giống như bất kỳ thành phố nào khác ở Trung Hoa.”

Hồng Y Joseph Zen

Ngoại trừ Hồng Y Zen, 88 tuổi, tất cả trong giới lãnh đạo Giáo hội, các linh mục địa phương và giáo dân được phỏng vấn cho bài báo này đều từ chối nêu tên. Zen nói với Reuters:

“Đối với bất kỳ từ nào bạn nói, nhà chức trách có thể nói rằng bạn đang vi phạm Luật An ninh Quốc gia.”

Hồng Y Joseph Zen

Trong một tuyên bố bằng văn bản, văn phòng của Giám đốc điều hành Hong Kong Carrie Lam cho biết các quyền và tự do của người dân Hong Kong, gồm cả quyền tự do tôn giáo, được bảo vệ theo Luật cơ bản của Hong Kong, hiến pháp nhỏ của thành phố và luật an ninh quốc gia.

Văn phòng Liên lạc, cơ quan chính của chính phủ Trung Hoa cộng sản tại Hong Kong, đã không trả lời các câu hỏi cho bài viết này. Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh không trả lời câu hỏi về tình trạng của các nữ tu sĩ đã bị bắt giam. Khi được hỏi liệu Trung Hoa cộng sản có tìm cách đóng cửa cơ quan đại diện không chính thức của Vatican tại thành phố này hay không, Bộ Ngoại giao cho biết:

“Theo chúng tôi được biết, Vatican chưa thành lập bất kỳ cơ quan đại diện chính thức nào tại Hong Kong.”

Hồng Y Joseph Zen, nguyên Giám mục Hong Kong, từ lâu đã là người lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ tại thành phố. Hình trên, ông phát biểu một cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở chính phủ trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở thành phố vào năm 2014. REUTERS / Liau Chung-ren

Một phát ngôn viên của Vatican từ chối bình luận cho bài viết này. Trong một tuyên bố, giáo phận Hong Kong nói rằng giáo dân được khuyến khích bày tỏ quan điểm của họ. Bản tuyên bô viết,

“Do đó, thay vì đàn áp, Giáo phận hoan nghênh nhiều tiếng nói khác nhau.”

Hồng Y Tong đã từ chối trả lời phỏng vấn.

Áp lực đối với Giáo hội Thiên Chúa giáo đang gia tăng khi Bắc Kinh tiến hành một nỗ lực rộng lớn hơn để tiêu diệt các lực lượng chính trị độc lập ở Hong Kong. Áp lực đó bắt đầu vào đầu năm nay, sau nhiều tháng diễn ra các cuộc biểu tình quần chúng bạo lực. Nó tăng cường vào ngày 30 tháng 6, khi Trung Hoa cộng sản áp đặt luật an ninh quốc gia mới khiến bất cứ điều gì mà Bắc Kinh coi là lật đổ, ly khai, khủng bố hoặc thông đồng với các lực lượng nước ngoài có thể bị phạt tù chung thân.

Từ đó, giới hoạt động ủng hộ dân chủ hàng đầu đã bị bắt. Các nhà lập pháp dân chủ đã bị lật đổ khỏi cơ quan lập pháp, và những người khác đã từ chức để phản đối. Tháng này, một trong những người hoạt động dân chủ nổi tiếng nhất của Hong Kong, ông trùm truyền thông Jimmy Lai, đã bị buộc tội thông đồng với các lực lượng nước ngoài theo luật an ninh quốc gia. Và các giáo viên đã bị thu hồi giấy phép vì bị cáo buộc đưa ra các bình luận chính trị trong lớp.

Giáo hội là tổ chức lớn mới nhất ở đây cảm thấy bị Bắc Kinh chèn ép. Năm nay, Reuters đã ghi lại cách các thể chế khác tiêu biểu cho quyền tự do và nền pháp trị của thành phố, gồm cơ quan tư pháp, lực lượng cảnh sát và chính phong trào dân chủ, đã bị suy yếu, hợp tác hoặc thu hẹp. Đối với Đảng Cộng sản đương quyền, người Thiên Chúa giáo ở Hong Kong là một thách thức nghiêm trọng đối với quyền lực của đảng này.

Ở Hoa lục, bộ máy hành chính tôn giáo của chính phủ và nhiều thập kỷ đàn áp đã kìm hãm hoạt động tôn giáo và sự lung lay của Vatican, đẩy một cách hiệu quả phần lớn của Giáo hội Thiên Chúa vào sinh hoạt bí mật. Nhưng ở Hong Kong, Giáo hội đã phát triển mạnh mẽ.

Giáo dân tham dự một buổi lễ bên ngoài tòa nhà Hội đồng Lập pháp trong cuộc biểu tình gây chấn động Hong Kong năm ngoái. REUTERS / Thomas Peter

Khối giáo dân Thiên Chúa giáo ngày càng trở nên quan trọng trong suốt nhiều thập kỷ nước Anh cai trị thành phố sau khi Đảng Cộng sản nắm quyền vào năm 1949 và cắt giảm đáng kể tự do tôn giáo ở Hoa lục. Hong Kong trở thành căn cứ cho các tiền đồn truyền giáo vươn vào Hoa lục, cố gắng giữ liên lạc với các tín hữu.

Ngày nay, ước tính có khoảng 400.000 người Thiên Chúa giáo ở thành phố 7,5 triệu người này, và Giáo hội đã thâm nhập vào xã hội qua mạng lưới trường học, bệnh viện, tổ chức từ thiện và báo chí. Nhiều thành phần ưu tú của thành phố là sản phẩm của các trường Thiên Chúa giáo được khai giảng vào thời thuộc địa Anh. Đặc biệt gây khó khăn cho Bắc Kinh, các nhà hoạt động Thiên Chúa giáo đã có ảnh hưởng trong các cuộc biểu tình và phong trào ủng hộ dân chủ của thành phố.

Theo ba trong số các giáo sĩ nói chuyện với Reuters, với cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với Hong Kong đang gia tăng, Hồng y Tong và ban lãnh đạo giáo phận của ông hiện đang chuyển sang kiềm chế tiếng nói của những người hoạt động này, gồm cả tiếng nói của Ủy ban Công lý và Hòa bình. Quyết định của hệ thống giáo phẩm về việc xóa những đoạn nói đến Giám mục Su và các giáo sĩ khác bị giam giữ ở Hoa lục khỏi tuyên bố vào tháng 10 của ủy ban. Trong nhiều năm, ủy ban đã sát cánh bên Gm Su, thường xuyên đưa ra những lời kêu gọi đòi trả tự do cho ông.

Một người biểu tình mang theo bức ảnh của Giám mục James Su Zhimin, người đã bị bắt cách đây hơn 20 năm ở Hoa lục, bên ngoài Văn phòng Liên lạc của Trung Hoa cộng sản ở Hong Kong vào năm 2012. REUTERS / Bobby Yip

Sự tập trung vào ủy ban phản ảnh nhiều thập kỷ ủy ban đã ủng hộ các phong trào dân chủ trong thành phố.

Thành lập vào năm 1977 và được giáo phận tài trợ, ủy ban gồm các tình nguyện viên giáo dân Thiên Chúa giáo và nhân viên toàn thời gian do các giáo sĩ cao cấp giám sát. Nó từ lâu đã theo dõi cuộc đàn áp tôn giáo ở Hoa lục. Và nó là một thành viên của một nhóm hành động dân chủ lớn hơn tên là Mặt trận Nhân quyền Dân sự đã tổ chức một số cuộc biểu tình thường xuyên ở Hong Kong, cũng như hàng loạt một số cuộc biểu tình ôn hòa vào năm ngoái. Lina Chan, thư ký điều hành của cơ quan, cho biết khi trả lời các câu hỏi.

“Mặc dù ủy ban phải đối phó với nhiều thách thức hơn theo Luật An ninh Quốc gia, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các Giáo huấn Xã hội Thiên Chúa giáo để thúc đẩy công bằng xã hội trong mọi khía cạnh của cuộc sống con người.”

Lina Chan

Công việc của ủy ban gồm việc lên tiếng bênh vực các nhân vật tôn giáo, chẳng hạn như Giám mục Su, người đã bị đàn áp ở đại lục. Ví dụ, vào tháng 10 năm 2017, ủy ban đã tổ chức một buổi cầu nguyện để đánh dấu việc giam giữ ông với sự tham dự của Michael Yeung Giám mục lúc đó.

Người Thiên Chúa giáo Hong Kong cho biết hoàn cảnh của Gm Su từ lâu đã gây được tiếng vang trong cộng đồng của họ, do sự khắc nghiệt và hời gian bị giam giữ quá lâu cũng như vai trò của một nhà lãnh đạo tinh thần ở tỉnh Hà Bắc của Trung Hoa cộng sản, theo truyền thống là một thành trì Thiên Chúa giáo ngầm. Số phận của Gm Su chưa bao giờ được chính quyền Trung Hoa cộng sản giải thích.

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ, Chris Smith, đã chỉ trích Trung Hoa cộng sản vì sự đối xử với Gm Su tại một phiên điều trần về nhân quyền của quốc hội năm nay. Smith, đã gặp Su năm 1994, cho biết,

“Tại sao một chế độ độc tài hùng mạnh lại sợ những người đàn ông và phụ nữ hòa bình có đức tin và đức hạnh?”

Chris Smith
Cộng đoàn tham dự một buổi lễ trong một nhà nguyện Thiên Chúa giáo tạm ở thành phố Thiên Tân vào năm 2012. Một thỏa thuận năm 2018 giữa Vatican và Bắc Kinh nhằm giải quyết sự chia rẽ giữa một nhà thờ được nhà nước chấp thuận và một nhà thờ ngầm ở Hoa lục. REUTERS / David Grey

Một người quen thuộc với các hoạt động của ủy ban cho biết kể từ khi luật an ninh quốc gia được áp dụng, lãnh đạo giáo phận đặc biệt quan tâm đến việc cơ quan này “áp dụng một tư thế trung lập hơn”.

Trả lời các câu hỏi, giáo phận cho biết họ không nhận được

“bất kỳ thông điệp hoặc chỉ thị nào từ các nhà chức trách liên quan nói rằng Hồng Y Tong và các thành viên của hàng giáo phẩm cần phải kiềm chế các phần tử ủng hộ dân chủ trong giáo phận.”

Việc xóa đoạn đề cập đến Gm Su trong tuyên bố của Ủy ban Công lý và Hòa bình không phải là lần đầu tiên cấp trên kiểm soát cơ quan này. Vào tháng 5, ủy ban đã ban hành một tuyên bố lo ngại về việc cảnh sát thực thi các hạn chế COVID-19 để cản trở các hoạt động biểu tình. Sau đó, sau khi giáo phận nhận được khiếu nại từ bên trong cộng đồng Thiên Chúa giáo về tuyên bố này, ủy ban đã được lãnh đạo giáo phận thông báo rằng họ phải đệ trình tất cả các báo cáo trong tương lai để kiểm tra, theo bốn người có hiểu biết về vấn đề này.

400.000, Số người Thiên Chúa giáo ước tính ở Hong Kong.

Hồng Y Zen nói

“Rõ ràng các nhà chức trách trong giáo phận hiện đã quyết định làm hài lòng chính phủ bằng cách không khuyến khích một số sáng kiến ​​của ủy ban… thay vì tôn trọng ủy ban thực hiện công việc của mình theo giáo huấn xã hội của Giáo hội. Tôi sợ rằng một cuộc bức hại thực sự đã bắt đầu.”

Hồng Y Zen

Vào cuối tháng 8, Hồng y Tong đã công bố một lá thư cho các giáo sĩ kêu gọi họ tránh các bài thuyết giáo mang tính chính trị. Trong một tuyên bố khác được đưa ra vào tháng 9, Tong nhắc đến bức thư tháng 8, nói rằng anh đã kêu gọi các giáo sĩ trong các bài giảng của họ

“bám sát thời đại và lên tiếng vì công lý, và mặt khác, tránh sử dụng các biểu hiện vu khống và lạm dụng. nói bóng gió hoặc xúi giục lòng thù hận và rối loạn xã hội, vì chúng đi ngược lại đức tin Ki-Tô.”

Hồng Y Tong

Tong, người sinh tại Hong Kong, đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong phong cách khi ông được giáo hoàng bổ nhiệm làm giám mục vào năm 2009, khi Zen nghỉ hưu. Năm ngoái, Tong đã kêu gọi chính quyền thành phố lắng nghe người dân Hong Kong, nhưng ông được biết đến với cách tiếp cận không đối đầu với Bắc Kinh. Ngược lại, Zen từ lâu đã thẳng thắn ủng hộ dân chủ và dân quyền.

Sinh ra ở Thượng Hải và được các linh mục Salesian nuôi dưỡng sau khi gia đình ông rơi vào cảnh nghèo đói trong Thế chiến thứ hai, Zen thường xuyên chỉ trích chính quyền Hong Kong về quyền công dân trong bảy năm làm giám mục, từ 2002 đến 2009. Ông cũng là một nhân vật nổi bật trong cuộc tuần hành thường niên ủng hộ dân chủ và lễ cầu nguyện để kỷ niệm vụ đàn áp Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Trong những năm gần đây, Zen ngày càng chỉ trích thỏa thuận của Vatican với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục Trung Hoa.

Ông trùm truyền thông Jimmy Lai (thứ năm từ phải sang), một trong những người Thiên Chúa giáo nổi bật nhất thành phố, đã bị buộc tội trong tháng này theo luật an ninh quốc gia mà Trung Hoa cộng sản áp đặt lên Hong Kong vào tháng 6. Trong hình, Lai đang tham dự một buổi cầu nguyện dưới ánh nến vào ngày 4 tháng 6 năm nay để đánh dấu cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989, chỉ vài tuần trước khi luật mới có hiệu lực. REUTERS / Tyrone Siu

Tong, người từng giữ chức giám mục từ năm 2009 đến 2017, trở lại trong vai trò quyền Giám mục sau cái chết của người kế nhiệm, Giám mục Michael Yeung, vào tháng 1 năm 2019.

Ông đã công khai ủng hộ thỏa thuận giữa Vatican-Bắc Kinh về việc bổ nhiệm giám mục.

Một số người chỉ trích Tong nói rằng ông quá mềm mỏng với Bắc Kinh. Nhưng những người biện hộ nói rằng ông ấy đang cố gắng “giữ con sói không qua được cửa”, như một linh mục đã nói.

Một linh mục khác cho biết:

“Lưng của ông ấy đã sát tường và ông ấy đang cố gắng cứu đàn chiên của mình dưới áp lực dữ dội này. Ông ấy ủng hộ Vatican hơn là ủng hộ Bắc Kinh.”

Tong cũng chủ trì một cộng đoàn bị chia rẽ. Một số nhân vật thân Bắc Kinh có ảnh hưởng nhất ở Hong Kong là người Thiên Chúa giáo, gồm Giám đốc điều hành Lâm và các thành viên khác của giới thượng lưu thành phố. Và một số người chỉ trích gay gắt nhất đối với chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh cũng là những trụ cột của cộng đồng Thiên Chúa giáo, chính yếu trong số đó là Hồng y Zen, ông trùm truyền thông Lai, và luật sư Martin Lee, người đã thành lập đảng dân chủ lớn nhất Hong Kong.

Khi được hỏi Lam, với tư cách là một người Thiên Chúa giáo Hong Kong, có nhận xét về những hành động của Bắc Kinh đối với Giáo hội như thế nào, phát ngôn viên của Lam nói rằng “bất kỳ nỗ lực chính trị hóa” đức tin của bà đều đáng tiếc và đó “nên  là một vấn đề riêng tư.”

Thật hiếm khi dễ dàng trở thành một người Thiên Chúa giáo ở Trung Hoa cộng sản. Giáo hội đã đấu tranh để giành được một chỗ đứng đáng kể trong nhiều thế kỷ bị đế quốc cai trị, bắt đầu từ những nỗ lực ngoại giao đầu tiên của Vatican vào thế kỷ 13. Chiến thắng của Đảng Cộng sản vào năm 1949 đã dẫn đến việc đàn áp các cơ sở truyền giáo của Ki-Tô giáo trên khắp đất nước.

Nhiều người trong giới thượng lưu Hong Kong là người Thiên Chúa giáo, trong đó có Giám đốc điều hành Carrie Lam. Văn phòng của bà cho biết các quyền và tự do của người dân Hong Kong được bảo vệ theo luật. REUTERS / Lam Yik

“Lưng của ông ấy đã sát tường và ôngh ấy đang cố gắng cứu đàn chiên của mình dưới áp lực dữ dội này.”

Một linh mục Hong Kong nói về Hồng Y John Tong

Tình hình ở Hoa lục vẫn khó khăn đối với Vatican. Đảng coi Thiên Chúa giáo là một mối đe dọa cố hữu bởi vì nó công nhận một nhân vật lãnh đạo nước ngoài, Giáo hoàng, là thẩm quyền đạo đức của Giáo hội. Bắc Kinh cũng cảnh giác về vai trò của Giáo hội trong sự sụp đổ của các chế độ cộng sản trên khắp Đông Âu vào năm 1989, đặc biệt là Ba Lan. Và Vatican tiếp tục công nhận Đài Loan, nơi nước này thiết lập sự hiện diện chính thức sau chiến thắng của Cộng sản ở đại lục, và không có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh.

Ước tính có khoảng 10 triệu người Thiên Chúa giáo ở đại lục Trung Hoa cộng  sản trong nhiều thập kỷ bị chia rẽ giữa một giáo hội được nhà nước công nhận và một giáo hội hoạt động ngầm công nhận thẩm quyền của Giáo hoàng. Sau đó, vào năm 2018, Tòa thánh đã đạt được một thỏa thuận tạm thời với các chính quyền Trung Hoa cộng sản nhằm giải quyết sự chia rẽ. Trong khi thỏa thuận cho phép giáo hoàng có tiếng nói cuối cùng về việc bổ nhiệm các giám mục, nó cho phép chính phủ có quyền đề nghị các ứng cử viên. Các điều khoản chính xác của thỏa thuận vẫn còn là bí mật.

Những người chỉ trích thỏa thuận nói rằng nó đã không thể chấm dứt cuộc đàn áp các tín đồ Ki-Tô giáo trên đất liền, trong khi Vatican nói rằng cần phải hàn gắn sự chia rẽ trong Giáo hội ở Trung Hoa cộng sản. Nó đã được gia hạn thêm hai năm nữa vào tháng 10 bất chấp các báo cáo về việc các linh mục đang bị giam giữ và việc phá hủy một số nhà thờ trên đất liền. Reuters đã không xác nhận độc lập các báo cáo này.

Nhưng thỏa thuận không bao gồm Hong Kong, giới hứu trách Vatican nói. Họ nói với Reuters rằng nó đã được cố tình tránh khỏi sự sắp xếp, phản ảnh sự bảo đảm “một quốc gia, hai hệ thống” mà theo đó Anh trao lại thuộc địa cũ của mình cho Trung Hoa cộng sản cai trị vào năm 1997 và điều này đã mang lại cho thành phố một mức độ tự trị cao và các quyền tự do cá nhân rộng rãi. Việc bổ nhiệm các giám mục trong thành phố đã được bảo tồn thuộc quyền quyết định của Vatican.

Giáo hoàng Phanxicô. Vào tháng 10, Vatican đã gia hạn một thỏa thuận tạm thời với Trung Hoa cộng sản về việc bổ nhiệm các giám mục ở đại lục, bất chấp những lời chỉ trích từ một số người Thiên Chúa giáo rằng thỏa thuận này vẫn chưa chấm dứt việc đàn áp các tín đồ Cơ đốc giáo ở đại lục. Andrew Medichini / Pool qua REUTERS

“Giáo hội Hong Kong đã rất mạnh đối với chúng tôi trong những năm qua, nhưng bây giờ nó có vẻ quá yếu.”

Một giáo dân 62 tuổi ở Hong Kong

Tuy nhiên, giờ đây, các giáo sĩ và linh mục truyền giáo cao cấp của Hong Kong nói rằng thành phố đã nổi lên như một chiến trường mới giữa Rome và Bắc Kinh. Theo họ, Trung Hoa cộng sản đang hành động như thể luật an ninh mới cho phép nước này áp dụng thỏa thuận này một cách hiệu quả đối với Hong Kong, nơi cộng đồng Thiên Chúa giáo đang nóng lòng chờ đợi sự công bố của vị giám mục tiếp theo, người kế nhiệm Hồng Y Tông, người đang giữ quyền lãnh đạo tạm thời.

Ngay cả trước khi luật an ninh quốc gia được ban hành, các linh mục ở đại lục đã bắt đầu truyền thông tin cho những người đồng cấp của họ ở Hong Kong về việc giáo sĩ nào mà Đảng Cộng sản ủng hộ để lãnh đạo Giáo hội ở Hong Kong, theo nhiều nguồn tin của Giáo hội. Một linh mục có liên hệ lâu năm ở đại lục cho biết,

“Các linh mục ở đại lục trước đây ít hiểu biết về chính trị của Giáo hội Hong Kong bỗng nhiên trở thành chuyên gia và đề nghị các ứng cử viên.”

Năm linh mục trong thành phố nói với Reuters rằng Bắc Kinh đã âm thầm ủng hộ Lm Peter Choy làm giám mục, gửi thông điệp về điều đó thông qua các linh mục đại lục. Choy, 61 tuổi, là thành viên của ủy ban điều hành giáo phận và cũng là phó giám đốc của trung tâm nghiên cứu giáo phận tập trung vào sự phát triển của Giáo hội ở Trung Hoa cộng sản. Một số linh mục và giáo dân nói rằng ông giữ kín tiếng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2019 khi tình hình bất ổn leo thang.

Nhiều người Thiên Chúa giáo nói rằng Giám mục Phụ tá Joseph Ha sẽ là một lựa chọn được ưa chuộng trong giới giáo dân Hong Kong. Ông ấy được đánh giá cao hơn Choy giữa các cuộc biểu tình năm ngoái, dẫn đầu một buổi cầu nguyện công khai cho hòa bình và cố gắng làm trung gian hòa giải giữa cảnh sát và những người biểu tình trong một cuộc bạo động tại Đại học Bách khoa của thành phố.

Một viên chức Vatican ở Rome nói với Reuters rằng Giáo hội biết rằng Bắc Kinh sẽ không muốn một ai đó ở vị trí quá cấp tiến.

Choy và Ha đều từ chối trả lời phỏng vấn.

Bộ Ngoại giao Trung Hoa cộng sản đã không trả lời câu hỏi về việc liệu họ có đang cố gắng gia hạn thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục cho Hong Kong hay không. Bộ cho biết trong một tuyên bố, thỏa thuận với Vatican là “một thỏa thuận quan trọng” và hai bên “vẫn giữ liên lạc tốt” về việc thực hiện nó.

Hồng Y Zen cho biết ông lo ngại Vatican có thể không có đủ can đảm để chống lại Trung Hoa cộng sản trong cuộc tuyển chọn giám mục. Zen nói:

“Họ sợ chọc tức hoặc làm mất lòng chính quyền Bắc Kinh, nên mọi người đều biết rằng vị giám mục tương lai của Hong Kong cần phải nhận được sự chúc phúc từ Bắc Kinh. Chúng tôi hy vọng họ có can đảm để bổ nhiệm một chủ chăn tốt cho giáo phận của chúng tôi thay vì chỉ định một người nào đó sẽ chỉ là một công chức được chính quyền Bắc Kinh lựa chọn.”

Hồng Y Zen
Một người biểu tình đeo mặt nạ Guy Fawkes vẫy cờ trong cuộc tuần hành do Mặt trận Nhân quyền Dân sự tổ chức vào tháng 12 năm ngoái. Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận là một thành viên của Mặt trận. REUTERS/Danish Siddiqui

Các giáo dân của Tong cũng cảm thấy áp lực. Cũng như ở các giáo phận trên khắp thế giới, quần chúng ở Hong Kong đã bị khuất phục vì những hạn chế của COVID-19. Người mộ đạo vẫn đi cầu nguyện trong những giây phút yên tĩnh trong nhà thờ chính tòa và các nhà thờ giáo xứ nhỏ hơn nằm rải rác trong thành phố, một số ở các tòa nhà cao tầng. Những người khác đến thăm các hang động ngoài trời được xây dựng trong các bức tường của nhà thờ với các bức tượng của Đức Mẹ Maria. Mặc dù vậy, một số người Thiên Chúa giáo Hong Kong nói về cảm giác về một bóng tối bao trùm đáng ngại. Một phụ nữ 62 tuổi nói khi rời một hang động ở Quận Đông của thành phố,

“Tôi đã bắt đầu cầu nguyện cho giáo hội lần đầu tiên. Giáo hội Hong Kong đã rất mạnh mẽ đối với chúng tôi trong những năm qua, nhưng bây giờ nó dường như quá yếu. Có quá nhiều bí mật – chúng tôi không biết điều gì trong thỏa thuận kỳ lạ này giữa Vatican và Bắc Kinh, và chúng tôi không biết giám mục của chúng tôi sẽ là ai.”

Một giáo dân 62 tuổi ở Hong Kong

Vatican không có tòa đại sứ chính thức để đại diện cho lợi ích của mình với chính phủ Trung Hoa cộng sản. Ngược lại, ở các quốc gia mà Tòa thánh có quan hệ đầy đủ, các phái bộ của Vatican thường xuyên tham gia vào các hoạt động ngoại giao cởi mở.

Nhưng Vatican có ngoại giao đoàn không chính thức ở một góc ngoại ô của Kowloon, đối diện bến cảng với đảo chính Hong Kong. Theo các nhà ngoại giao phương Tây, mặc dù hai đức ông lãnh đạo phái bộ phải kín đáo, nhưng họ vẫn duy trì mối liên hệ với các giáo sĩ và tổ chức truyền giáo địa phương và đại lục, theo các nhà ngoại giao phương Tây.

Đối với Tòa thánh, nhà chức trách Vatican cho biết, ngoại giao đoàn cung cấp một lợi thế khác: đòn bẩy. Điều mà Vatican thực sự muốn là sự hiện diện ở Bắc Kinh. Quan chức này cho biết, nếu Trung Hoa cộng sản đồng ý cho sự hiện diện của Vatican ở Hoa lục, thì ngoại giao đoàn ngầm ở Hong Kong có thể bị đóng cửa.

Hai nữ tu sĩ Trung Hoa cộng sản bị giam giữ của phái bộ bị kẹt giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh. Các nữ tu, những người đã tham gia nhiều vào công việc truyền giáo, đã phục vụ ở đó trong năm năm qua.

Hai giáo sĩ cho biết họ đã bị giam giữ ở Hà Bắc sau khi đến đó thăm gia đình. Sau ba tuần bị giam giữ, họ bị quản thúc hàng tháng trời và nhà của gia đình họ bị giám sát. Các hạn chế đã được nới lỏng vào tháng trước. Họ được tự do tham dự thánh lễ ở các nhà thờ gần đó nhưng không thể rời đại lục và trở về Hong Kong.

Giáo hội đã không công khai đề cập đến các vụ bắt giữ này. Nhàn chức trách Vatican tại Rome nói với Reuters rằng ông giải thích động thái này là một cách để Bắc Kinh thể hiện sự không hài lòng của họ đối với sự hiện diện của phái bộ ở Hong Kong.

Hồng Y Zen nói rằng những nỗ lực của chính quyền nhằm bịt ​​miệng Giáo hội ở Hong Kong là không thể tránh khỏi. Ông viết trong tuyên bố của mình gới Reuters,

“Tôi không biết quý vị vẫn có thể nghe thấy giọng nói của tôi trong bao lâu nữa. Vì vậy, xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi.”

Hông Y Zen
Quốc kỳ Trung Hoa cộng sản tung bay trước một nhà thờ Thiên Chúa giáo ngầm ở tỉnh Hà Bắc vào tháng 9 năm 2018. REUTERS/Thomas Peter

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Nuns arrested as Beijing turns up heat on Church in Hong Kong | Greg Torode | A Reuters Special Report | December 30, 2020. Philip Pullella tại Rome và các tòa soạn báo ở Bắc Kinh và Hong Kong đưa tin bổ túc.