Chuyện những người hái dâu bị kẹt lại Na Uy

Nguoihaidau | DCVOnline

Những người Việt Nam đi hái dâu ở Na Uy lo rằng họ sẽ về nhà với số nợ nhiều hơn cả khi họ ra đi.

Chán nản: Đào Thị Hiệp (trước) và Trần Minh Hùng (sau) đã làm việc được hơn hai tháng cho trại trồng dâu tây Marius Egge ở Lier. Kể từ ngày 31 tháng 8, họ đã không còn lãnh lương và không có nơi cư trú ở Na Uy. Nguồn: https://klassekampen.no/

Câu chuyện thuyền nhân, chuyện những công dân Việt trốn chạy trong những chuyến xe hàng đông đá, thiếu không khí, và chuyện các cô dâu Việt luôn là những mối tang thương, trăn trở. Hôm nay, mời các bạn nghe những câu chuyện của những mảnh đời tình cờ trong thời điểm này, đang ở cùng xứ sở Na Uy, nhưng mang một tâm trạng rất khác với phần đông chúng ta. Đó là những câu chuyên đầy nước mắt, qua 1 bài phóng sự vào thứ hai, 2 bài vào thứ ba và 1 bài vào ngày thứ tư hôm nay (Xem phần tahm khảo).

Khoảng 250 công nhân Việt Nam ở Na Uy sau mùa hái dâu và rau cỏ cho nông dân Na Uy vì chi phí kiểm dịch ở Việt Nam họ có thể mất gần hết tiền lương. Ảnh: Nadir Alam / NRK

Khoảng 250 người Việt làm ở những nông trại tại Na Uy đã hết hợp đồng và chiếu khán (visa) đã  hết hạn, hết giấy phép làm việc, vì dịch COVID-19 hiện đang kẹt lại Na Uy do không có chuyến bay về lại Việt Nam. Mặt khác, chi phí cách ly tại khách sạn ở Việt Nam quá cao. Theo thông báo hiện tại của chính phủ Việt Nam, thì những ai không đi những chuyến bay “giải cứu”/“nhân đạo” của chính phủ/các tòa đại sứ Việt Nam trên thế giới tổ chức, thì phải cách ly tại khách sạn với giá tối thiểu 1.350.000 VND/người/ngày. Việt Nam không cho phép cách ly tư kiểm dịch tại tư gia vì chính phủ Việt Nam sợ tình trạng COVID-19 lây lan mất kiểm soát.

Nhiều công nhân Việt Nam làm nông trại tại Na Uy lo ngại số tiền họ để dành được sẽ cháy sạch nếu phải chi trả cho hai tuần cách ly & hai lần xét nghiệm COVID-19 (VND 735.000 x 2) với tổng chi phí hơn 20 triệu VND (khoảng kr. 8.000 / USD 900).

Ghế máy bay cho những người đã có vé khứ hồi của Qatar Airways thì trước đây, theo phỏng đoán của ông Lysan Trần vào khoảng giữa tháng 9 là khoảng USD 500 – USD 1.000, vào đầu tháng 10 khoảng 700 USD, và theo thông tin mới nhận tối thứ Ba là kr. 3.000 – 3.500 (khoảng USD 400). Về phía tòa đại sứ Việt Nam tại Oslo thì có thông báo chuyến bay “giải cứu”/“nhân đạo” từ Frankfurt ngày 22 tháng 10 với giá USD 1.300 , chưa tính tiền vé từ Oslo đến Frankfurt.

🍂 🍂 🍂

🍂 Chuyện từ nông trại ở Minnesund

Tạm trú trong những căn phòng 2 giường đơn chật chội ở một khu kỹ nghệ ở Minnesund, 87 người Việt Nam đang chờ về nước. Ảnh: Nadir Alam / NRK

Nguyễn Sơn đại diện 87 người Việt hái dâu cho biết:

Nguyễn Sơn đại diện 87 người Việt hái dâu. Ảnh: Nadir Alam / NRK

Nguyễn Sơn đại diện 87 người Việt hái dâu. Ảnh: Nadir Alam / NRK

“Ngày này qua ngày khác, chúng tôi không có việc gì làm. Chúng tôi ngồi và chờ đợi ngày được về nhà. Từ cuối tháng 8 đến giờ, chúng tôi không có việc làm, và cũng không có cách nào về nhà được. Nhiều người trong chúng tôi rất lo bị mất việc ở Việt Nam vì không về kịp. Chúng tôi rất hy vọng chính phủ Na Uy giúp đỡ chúng tôi.”

Công nhân Nguyễn Sơn
Lysan Tran ở công ty lữ hành Transreiser đang chờ đợi thông tin các chuyến bay từ Na Uy đến Việt Nam bằng đường hàng không Qatar phải được sự đồng ý của chính phủ Việt Nam. Ảnh: Birger Kjølberg / NRK

🍂 🍂 🍂

🍂 Chuyện của Đào Thị Hiệp, 40 tuổi

Hè năm nay, Đào Thị Hiệp đi hái dâu ở Na Uy. Nay không biết bao giờ bà mới có thể về với gia đình và ba con. Ảnh: Ola Karlsen

Hiệp là nguồn kinh tế chính cho gia đình với 3 con 18, 16 & 11 tuổi. Đây là lần đầu tiên Hiệp xa gia đình đi nước ngoài. Ở làng quê biển Phú Yên, Hiệp cũng làm nông, nên việc hái dâu ở nông trại Egge tại Lier không phải là khó khăn. Hiệp đến Na Uy do người nhà ở Na Uy giới thiệu và cho biết công việc ở Na uy rất tốt và có thu nhập tốt.

Hiệp đến Na Uy với hy vọng sẽ làm được ít nhất 3 tháng, và sẽ dành dụm được lương 1 tháng – tương đương với thu nhập một năm ở Việt Nam. Rốt cuộc việc làm chỉ được 2 tháng và vài ngày.

“Tôi không biết phải làm gì. Tôi đã hy vọng dư giả lương mang về lo cho gia đình. Nhất là đứa con lớn sang năm đến tuổi vào đại học. Giờ thì lại phải mượn thêm tiền để trang trải. Tôi không lo gì được cho cuộc sống gia đình!”

Công nhân Đào Thị Hiệp

Tiền lương làm được ở Na Uy được chuyển thẳng về Việt Nam, vào một trương mục chỉ có Hiệp có quyền sử dụng theo lời khuyên của một ngân hàng tại Na Uy. Và kết quả là gia đình tại quê nhà phải mượn tiền để trang trải chi phí sinh hoạt.

Trở lại câu chuyện của Hiệp với nỗi nhớ nhà và những giòng nước mắt đã được chùi đi nhiều lần. Những lễ cưới, tiệc hỏi, giỗ trong gia đình đã vắng bóng Hiệp. Ngoài ra, Hiệp còn chia sẻ những suy tư:

“Nếu bây giờ ở Việt Nam, thì tôi đã đi làm và kiếm tiền lại. Thay vì như thế, thì bây giờ tôi chỉ ngồi nhà, không làm gì. Tôi càng có thời gian suy nghĩ và lo lắng thêm trong lòng. Giấy phép ở lại Na Uy cũng là một vấn đề. Hậu quả kinh tế là mối lo lắng rất lớn. Tiền làm được đã không bao nhiêu, mà những chi phí không dự định trước, phí phải trả thêm cho vé máy bay, chi phí cách ly vượt quá số tiền tôi đã làm ra. Tôi hy vọng chính phủ hai nước có thể nói chuyện với nhau để chúng tôi được trở về với giá rẻ hơn, nhất là đối với chi phí cách ly.”

Công nhân Đào Thị Hiệp

Tuy nhiều lo lắng, suy tư cho chuyến đi làm đầu tiên này, Hiệp vẫn muốn trở lại Na Uy làm viêc với hy vọng kiếm được số tiền như người nhà đã kể: tương đương như hai năm dành dụm ở Việt Nam, tương đương thu nhập của một năm ở Việt Nam.

🍂 🍂 🍂

🍂 Chuyện của Nguyễn Thanh Bình, 34 tuổi

Mùa hè năm nay, Nguyễn Thanh Bình (34 tuổi) từ miền quê Việt Nam sang Na Uy để hái dâu ở khu đô thị Lier ở Viken. Bây giờ ông bị kẹt lại Na Uy. Nguồn: https://frifagbevegelse.no/

Bình đến Na Uy vào tháng 6 với hy vọng kiếm được khoảng 3.000 USD (kr. 27.000), tương đương với lương 1 năm ở Việt Nam.

“Ở Việt Nam gia đình đang cần tôi. Tôi còn gánh nặng cha mẹ già đang bệnh. Tiền tôi kiếm được cũng được dự định sẽ chia với anh chị em trong gia đình.”

Công nhân Nguyễn Thanh Bình

Dịch COVID-19 đã là một vấn đề ngay từ đầu mùa hè. Dự định là Bình sẽ bắt đầu hái dâu từ ngày 1 tháng 6, và sẽ làm việc 3 tháng hoặc lâu hơn. Nhưng vì không có chuyến bay, đến 19 tháng 6 Bình mới đặt chân đến Na Uy. Sau đó cách ly kiểm dịch 10 ngày. Ngày 31 tháng 8 là ngày làm việc cuối cùng tại nông trại. Có nghĩa là thời gian làm việc ngắn hơn dự định rất nhiều.

Khi vừa kết thúc công việc, Bình muốn bay trở về Việt Nam càng sớm càng tốt, nhưng lại không có chuyến bay. Vé khứ hồi với Qatar Airways thì không biết có dùng được không, phải trả thêm bao nhiêu tiền nữa. Ngoài ra còn có chi phí cách ly tại Việt Nam. Chi phí đó có thể rất cao.

Ở Việt Nam Bình cũng làm nghề nông với gia đình, và làm thêm những việc thuê khi có.

“Tôi rất lo và rất muốn về. Khi tôi vắng nhà, thì anh chị em trong nhà phải làm luôn phần việc của tôi. Bây giờ tôi đã không còn gì để làm ở Na Uy, tôi rất muốn về nhà lại để tiếp tục phụ giúp. Tôi đến Na Uy để kiếm tiền, giờ tôi chỉ ngồi không, chờ đợi, không kiếm được đồng nào.”

Công nhân Nguyễn Thanh Bình

Chiếu khán của Bình hết hạn ngày 26 tháng 9.

Từ ngày hết việc làm ở nông trại, Bình đã về tá túc tại nhà người em họ ở Strømmen. Bình cho biết việc làm ở nông trại rất tốt. Làm việc từ thứ hai đến thứ sáu. Thỉnh thoảng làm cuối tuần. Về việc nếu bay về nước làm lỗ vốn sau mấy tháng đi làm, Bình tại:

– Có lẽ tôi sẽ phải mượn tiền của gia đình bà con ở Na Uy. Đợi khi về về tới Việt Nam, tôi sẽ xem có trả được hay không.

– Nếu hoàn cảnh khác hiện tại, nếu đi làm có tiền dư mang về Việt Nam như đã hy vọng, thì ông có muốn quay lại Na Uy làm nữa không?

– Nếu có cơ hội, tôi rất muốn trở lại Na Uy. Bây giờ tôi chỉ muốn về càng sớm càng tốt.

🍂 🍂 🍂

🍂 Chuyện của Trần Minh Hùng, 39 tuổi

Cũng như Hiệp và Bình, Hùng sang Na Uy qua lần tuyển chọn nhân viên vào tháng 9 năm 2019 — trước khi COVID-19 bùng phát và do người nhà xin giùm. Với mức lương chính phủ Na Uy quy định tối thiểu kr. 123 một giờ cho những ai làm việc dưới 12 tuần. Hùng sang Na Uy với ước muốn kiếm được kr. 20.000 – 27.000 sau khi trừ cước phí vé máy bay, visa, quần áo, giầy dép, tiền nhà, tiền ăn và đóng thuế. Ước vọng của Hùng là kiếm được tiền để mang về lo cho người mẹ thường xuyên ốm đau ở quê nhà.

Cả Hiệp, Bình và Hùng đã xem video người về nước đăng tải trên Facebook về cảnh tượng nhốn nháo vì phí cách ly đắt đỏ. Cả ba đều rất lo lắng.

🍂 🍂 🍂

🍂 Ông Lysan Trần: “Không chắc có chuyến bay.”

Lysan Tran, chủ nhân của Trans Reiser Reisebyrå, đại lý du lịch ở Horten, cho biết ông liên lạc chặt chẽ với Qatar Airways để đưa công nhân về nước. Ông cho biết:

“Qatar Airways đã hủy các chuyến bay theo lịch trình đi Việt Nam. Qatar đang cố gắng làm việc với chính phủ Việt Nam để tổ chức chuyến bay đưa công nhân về nước. Mọi giấy tờ hành chánh đã chuẩn bị xong. Tôi đã hy vọng vào chuyến bay này 6 tháng 10, nhưng đã không được chấp thuận. Nhà nước Việt Nam nói vấn đề ở đây là việc cách ly: ‘Không đủ chỗ cách ly’.”

Lysan Tran

Hiện tại Qatar đang lo cho chuyến bay ngày 16 tháng 10. Ông Lysan cho biết thêm:

“Rất hy vọng. Chưa có gì là chắc chắn, nhưng tôi có nguồn tin đáng tin cậy là sẽ có chuyến bay từ Oslo đến Hà Nội vào ngày 16 tháng 10. Qatar sẽ ưu tiên cho những người đã mua vé khứ hồi với Qatar, nhưng họ phải trả thêm từ kr. 3.000 đến kr. 3.500, như một cước phí cho việc thay đổi từ vé “theo lịch trình bay” thành vé “trở về nước”. Hiện tại thì trường hợp của những người hái dâu rất bi ai. Họ kẹt lại đây và điều gì cũng mù mờ.”

Lysan Tran
Văn phòng Trans Reiser Reisebyrå. Nguồn: transreiser.no

Tin cuối cùng ông Lysan thông báo vào chiều tối thứ ba đến những người trong danh sách được bay chuyến 16 tháng 10 là: “Chính phủ Việt Nam đang dự định cho công nhân cách ly tại các địa điểm tổ chức (institusjon) với giá rẻ.

🍂 🍂 🍂

🍂 Chủ nông trại Per Isingrud tại Minnesund

Không dễ kiếm được người hái dâu ngon Bốn nông dân chi hơn một triệu kroner để đưa lao động Việt Nam sang làm việc trên đất Na Uy. Ảnh minh họa: Roland Schgaguler/Scanpix

Ông Per Isingrud lo ngại rằng sau vụ này, những người hái dâu sẽ không dám sang Na Uy làm việc nữa. Nguyễn Sơn cho biết: “Nếu về được, sang năm chúng tôi chắc chắn muốn quay lại làm”.

Ông Per Isingrud là một trong những người chủ đã thuê chuyến bay đưa gần 200 người công nhân làm theo mùa sang Na Uy vào tháng 6. Ông không dự định sẽ thuê máy bay cho chuyến về, nhưng ông đang hợp tác chặc chẽ với Qatar Airways để giúp đưa người lao động về lại quê nhà.

🍂 🍂 🍂

🍓 Chủ nông trại Jens Kase tại Rygge

Trại rau quả ở Bygdetunveien 105, 1580 Rygge. Google Maps

Ông Jens Kase cho biết nếu những người Việt đã làm cho ông, vướng vào tình trạng phải trả chi phí cách ly quá nặng, thì ông sẵn sàng giúp đỡ.

Nông dân trồng rauquả Jens Kase ở Rygge sẵn sàng trả tiền để công nhân Việt Nam được kiểm dịch khi họ về nước. Ảnh: Birger Kjølberg / NRK

🍓 Chủ nông trại Egge Gård, Marius Egge, tại Lier

Ông Marius Egge – chủ nông trại Egge gård nơi Hiệp, Bình và Hùng làm việc, cảm thấy rất tiếc cho hoàn cảnh hiện tại. Ông đã mướn nhân công Việt Nam nhiều năm. Những người đã làm cho ông, thường thì được làm lại năm sau. Năm nay ông nhận khoảng 20 nhân công Việt Nam. Theo ông Marius Egge cho biết thì năm nay mùa màng năm nay rất thất. Thu hoạch chỉ được khoảng tương đương phân nửa những năm trước. Và mùa thu hoạch bị rút lại rất ngắn.

Chủ vườn nho và rau quả Egge Gård Marius Egge tại Lier.
Ảnh: Alexander Jansen / Drm24

Một số vẫn còn làm việc cho tôi. Một số đã sang làm cho nông trại khác. Và một số đã kết thúc việc ở chỗ của tôi, và không có việc làm nơi khác. Chỉ mới vừa tối hôm qua tôi mới biết là họ còn kẹt lại Na Uy. Hoàn cảnh bây giờ thật đáng buồn. Tôi hy vọng chính phủ Na Uy sẽ giúp để họ có thể về nước.

Sự việc này có ảnh hưởng đến việc ông còn muốn mướn nhân công từ Việt Nam sang nữa không?

Những khó khăn của covid-19 dĩ nhiên sẽ cho ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho mùa thu năm 2021. Ngành nông ở Na Uy rất lệ thuộc vào nhân công lao động từ nước ngoài. Tôi hy vọng ngành nông và chính phủ Na Uy có thể chung tay hợp tác lên kế hoạch chuẩn bị, vì chúng tôi không thể nào tiên đoán được tình hình covid-19 sẽ ra sau vào năm tới.

Ông cũng cho biết tối thứ hai ông mới được thông báo về tình trạng nhân công của ông đang bị kẹt lại ở Na Uy.

🍂 🍂 🍂

🍓 BONDELAGET – Nghiệp đoàn của các chủ nông trại

Bondelaget cho biết theo luật thì chủ nông trại không có trách nhiệm gì với những nhân công khi hợp đồng đã kết thúc. Tuy nhiên, những người chủ vườn dâu đã tự nguyện giúp những người còn kẹt lại và còn cư trú tại nông trại: hỗ trợ thực phẩm và không lấy tiền nhà.

Ngoài ra, các chủ nông trại đã lập ra một nhóm lo về các việc liên quan đến COVID-19, trong đó việc công nhân bị kẹt lại Na Uy được quan tâm rất cao.

Lise Boeck Jakobsen nói chuyện với NRK. Ảnh: NRK

Về câu hỏi công đoàn Bondelaget sẽ liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam tại Oslo để giải quyết vấn đề hay không bà Lise Boeck Jakobsen cho biết:

– Việc đó chúng tôi chưa bàn qua.

– Trong vụ việc này ai là người có trách nhiệm?

– Chúng tôi sẽ xem xét lại. Mặc dù trách nhiệm không nằm nơi người chủ nông trại, nhưng họ đã sắp xếp để công nhân đặt chân được đến Na Uy.

– Có nghĩa là công đoàn nhận định là những ông chủ này là người phải gánh trách nhiệm?

– Những việc như thế này chúng tôi phải xem xét kỹ lưỡng lại để phân chia trách nhiệm.

🍂 🍂 🍂

Phóng viên Ola Karlsen của báo Nationen & Åse Brandvold phóng viên của báo Klassekampen đã nhiều lần liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam tại Oslo để tìm hiểu chính phủ Việt Nam có dự định gì với mấy trăm công dân lao động Việt Nam tại Na Uy đang cần về nước. Phóng viên chưa lần nào được tiếp.

Ông Ola Karlsen cho biết, trái ngược với tòa đại sứ Việt Nam, tòa đại sứ Thái-Lan từ Na Uy đã nhanh chóng lo cho công dân của họ về nước. Mới cách đây hai tuần, tòa đại sứ Thái đã cử đại diện đến sân bay Gardermoen gặp gỡ và đưa tiễn hàng chục công nhân Thái về nước.

🍂 🍂 🍂

Vài con số

Theo ước tính của Trang, và tất cả 4 nhà báo của 4 bài phỏng vấn trên đã nhận được vào chủ nhật 4 tháng 10, với những thông tin nhận được vào thời điểm đó, thì tổng chi phí về nước tối thiểu khoảng kr. 15.000. Có nghĩa là những người lao động dưới 3 tháng sẽ thiếu hụt từ kr. 8.000 đến kr. 15.000 mỗi người. Theo thông tin nhận được tối thứ ba thì chuyến bay ngày 16 tháng 10 lại đáp cánh tại Hà Nội trong khi hành khách toàn là người lao động đã bay từ Tân Sơn Nhất. Như vậy lại thêm chi phí di chuyển vào miền Nam.

Theo ông Lysan Trần phỏng đoán thì có khoảng 500-700 người lao động vụ mùa đang còn ở Na Uy. Một số trong những người này vẫn còn hợp đồng làm việc, nhưng đến cuối tháng 11 họ cũng phải về nước. Hiện tại thì có 200-300 người cần về nước ngay bây giờ. Các chuyến bay về theo vé , đã bị hủy vô thời hạn.

Theo UDI cho biết thì tính đến thời điểm này của năm nay, có tổng cộng 1.061 công dân Việt Nam được cấp giấy phép làm việc tại Na Uy.

Và theo tin tức thế giới, thì các tòa đại sứ của các quốc gia khác luôn nổ lực tìm cách đưa công dân của mình về nước. Còn trong trường hợp này, chúng ta đọc qua 4 bài phỏng vấn, thì đều thấy hãng hàng không Qatar Airways  phải chủ động hợp tác với tòa đại sứ và chính phủ Việt Nam, và đã gặp rất nhiều trở ngại. Rõ ràng không thể nào viện lý do “Việt Nam nghèo” để áp dụng vào trường hợp này được! Chính phủ Việt Nam mỗi năm đều muốn đẩy mạnh “xuất khẩu lao động” vì công nhân mang tiền tệ về Việt Nam, giúp Việt Nam trả nợ quốc tế.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Người hái dâu gửi. DCVOnline biên tập và minh họa. Tham khảo: https://bit.ly/3jHwGMz, https://bit.ly/34GgX9Y, https://bit.ly/30LpkQK, https://bit.ly/2GSfAg7