Người lớn tuổi, Gặp khó khăn trong Đại dịch? Một Câu lạc bộ để giúp bạn vượt trở ngại

Malaka Gharib | DCVOnline

Thật khó để mô tả về CLB Liên thế hệ tự giúp nhau của Việt Nam.

Đào Thị Hoa, phải, chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại phường Khương Đình, Hà Nội, kiểm tra sổ tài chính của câu lạc bộ với các thành viên khác. Ảnh: Nguyễn Văn Hốt

Nhưng có một điều rất dễ nói. Nếu bạn lớn tuổi –  như trên 60 tuổi – và cần giúp đỡ, câu lạc bộ sẽ giúp bạn. Đó có thể có nghĩa là một khoản vay nhỏ nếu đang túng thiếu, một buổi học đánh trống như một cơ hội để tự biểu lộ và hoạt động xã hội (và để chứng minh rằng người già cũng có thể chơi trống). Và trong đại dịch, những câu lạc bộ này đã giữ một vai trò quan trọng trong việc thông báo và hỗ trợ các thành viên.

Có khoảng 3.000 câu lạc bộ ở Việt Nam, với 160.000 thành viên tham gia, hầu hết là người lớn tuổi. [Mỗi câu lạc bộ có trung bình 50-60 thành viên. – DCVOnline]

Mục đích là để giúp đỡ người lớn tuổi và người khuyết tật – và người ở mọi lứa tuổi đều có thể tình nguyện. Đó là lý do tại sao “liên thế hệ” là một phần trong tên của CLB.

Nhưng mục đích là để các thành viên câu lạc bộ tự tìm ra giải pháp cho vấn đề của họ. Đây là một mô hình đã mang lại cho câu lạc bộ Giải thưởng Người cao tuổi Khỏe vì Sáng tạo Châu Á vào tháng Bảy. Giải thưởng này do Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nhật Bản và Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á tổ chức để khuyến khích các phương pháp hay nhất trong việc giải quyết các thách thức của những xã hội đang lão hóa nhanh ở châu Á.

Mặc dù Việt Nam đã tương đối may mắn khi xảy ra đại dịch – với chỉ khoảng 1.000 người nhiễm COVID-19 – virus vẫn là tâm điểm của các thành viên câu lạc bộ.

Our World in Data chỉ có dữ liệu xét nghiệm của Việt Nam đến cuối tháng 4; Biểu đồ tỉ số xét nghiệm mỗi 1,000 dân so với hai nước có tương đương dân số, Phi Luật Tân và Congo.

Đức Lê, nhân viên truyền thông của Help Age International, Việt Nam, nói,

“Họ giữ vai trò rất tích cực như giúp phổ biến những thông tin hữu ích về COVID-19 cho những người lớn tuổi. Họ cũng giúp gây quỹ và quyên góp tiền, gạo và nặt nạ để tặng cho những người lớn tuổi trong câu lạc bộ.”

Đức Lê

Năm 2006, nhóm đã giúp bắt đầu chương trình thí nghiệm cho các câu lạc bộ tại Việt Nam. Sau đó, vào năm 2016, chính phủ đã tiếp quản, đưa chương trình đó vào chiến lược quốc gia để giúp đỡ người cao tuổi và cấp một số tài trợ.

Chu Việt Nga, giám đốc chương trình Help Age International, Việt Nam, cho biết một trong những mối quan tâm lớn nhất của người cao tuổi trong nước là thu nhập – hiện rõ trong các cuộc thăm dò những thành viên câu lạc bộ trong thời kỳ đại dịch.

Một vấn đề ở  đây là có ít hơn một phần ba dân số Việt Nam trên 60 tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội của chính phủ.

[Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một nước XHCN trên danh nghĩa và không có kế hoạch an sinh xã hội về lương hưu và trợ cấp xã hội cho lớp người cao tuổi đã nghỉ hưu. DCVOnline.]

Chu Việt Nga nói, chính phủ Việt Nam đang tài trợ cho các gia đình trong cuộc khủng hoảng coronavirus, nhưng nhiều người cao tuổi không đủ điều kiện vì họ không nằm trong hệ thống an sinh xã hội – và quy trình tham gia khá phức tạp.

[Quy trình để người dân một nước XHCN tham gia hệ thống an sinh xã hội khá phức tạp là một nhận xét rất mỉa mai. DCVOnline.]

Ví dụ như Nguyễn Hương Hải, 68 tuổi, là thành viên của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở phường Khương Đình, Hà Nội. Tháng 4, vợ chồng ông lo lắng về tình hình tài chính vì họ không có lương hưu và – giống như nhiều gia đình Việt Nam – dựa vào con cái đã trưởng thành gửi tiền một cách thường xuyên trợ giúp. Thật không may, con trai của họ, sống ở Úc, đã phải nghỉ làm vì đại dịch. Và việc kinh doanh của con gái họ, một cửa hàng ăn nhanh cạnh một trường học ở Hà Nội, đã phải đóng cửa.

Ông Hải rất căng thẳng lo lắng làm thế nào ông và vợ  sống sót trong vài tháng tới?

Bà Đào Thị Hoa, 69 tuổi, chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở Khương Đình, nghe được câu chuyện của vợ chồng ông Hải và ra tay hành động. Bà và một nhóm tình nguyện viên đã tập hợp 60 thành viên câu lạc bộ để quyên góp – gần 500 Kg gạo, 85 thùng mì và tiền mặt, họ chia cho 30 thành viên nhóm cần nhất, trong đó có vợ chồng ông Hải, được 10 Kg gạo và khoảng 50 USD – đủ để giúp họ trong ngắn hạn.

Đào Thị Hoa, 69 tuổi, ảnh tự chụp. Kể từ khi nghỉ hưu bà đã tình nguyện làm chủ nhiệm Liên thế hệ tự giúp nhau  ở phường Khương Đình, Hà Nội. Ảnh Đào Thị Hoa

Bà nói, “Đây là tinh thần Việt Nam. Chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ người nghèo và bất cứ ai cần nó.”

Đó là một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất của Bà Hoa khi làm tình nguyện viên. Việc nhóm đưa ra giải pháp riêng cho vấn đề của một thành viên câu lạc bộ khiến bà nhận ra một điều quan trọng: “Người lớn tuổi không bất lực. Họ có thể mạnh mẽ và có thể có tác động lớn đến cuộc sống của chính họ.”

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, câu lạc bộ đã cung cấp một mạng lưới an toàn tài chính nhỏ cho các thành viên – các khoản vay nhỏ và cũng có các khóa học về cách bắt đầu một cuộc kinh doanh nhỏ để giải trí hoặc để có thêm thu nhập.

Bà Hoa, bên trái, ngồi cùng thành viên câu lạc bộ, bà Báu, đang cần được câu lạc bộ tài trợ. Ngân quỹ có sẵn cho các thành viên có nhu cầu. Ảnh: Nguyễn Văn Hốt

Trong các buổi hội thảo kéo dài nhiều ngày với các bài thuyết trình PowerPoint, các chuyên gia tình nguyện (một số là thành viên) dạy cách ngâm xoài, trồng nấm bằng rổ nhựa, trồng giá trong thùng hoặc nuôi gà thả vườn.

Bà Hoa nói: “Một người trong câu lạc bộ của tôi đã trồng được một tấn đậu trong vài tháng qua. Bây giờ họ bán chúng trong túi giấy ở chợ.”

Bà Hồi, thành viên CLB, học cách trồng giá trong xô từ CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Bây giờ bà ấy bán giá cho cộng đồng địa phương để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Đào Thị Hoa

[Như vậy, 2/3 dân số cao tuổi ở nước CHXHCN Việt Nam không “nằm trong hệ thống an sinh xã hội” và không có con cái trợ cấp thường xuyên sẽ tiếp tục làm việc để mưu sinh. DCVOnline.]

Chu Việt Nga nói, ngoài việc huấn luyện các thành viên, có rất nhiều cơ hội để sinh hoạt xã hội, từ các lớp tập thể dục đến các bài học đánh trống – những cách để tránh không cảm thấy cô đơn đến cùng với sự già nua. Bà Hoa nói,

“Nhiều người nói với các thành viên câu lạc bộ lớn tuổi, tại sao bạn chơi trống? Bác lớn tuổi như vậy. Tại sao bạn nhảy múa? Bác đã quá già. Nó không phù hợp với bác.”

Đào Thị Hoa

Nhưng, bà ấy nói thêm, các thành viên trả lời, “Bất cứ điều gì! Chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì chúng tôi thích.”

Các thành viên của câu lạc bộ tập một điệu múa truyền thống của Việt Nam để biểu diễn cho Ngày Quốc tế Người cao tuổi vào ngày 1 tháng 10 sắp tới. Ảnh: Đào Thị Hoa

Và mặc dù đại dịch hạn chế tụ tập đã khiến một số hoạt động này bị đình trệ, câu lạc bộ vẫn tiếp tục tạo cơ hội cho những người lớn tuổi như bà Hoa đóng một vai trò tích cực trong việc giúp đỡ mọi người trong khu phố của bà.

Bà Đào tham gia CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở phường Khương Đình khi mới thành lập cách đây hai năm, ở tuổi 67. Khi nghỉ hưu sau 35 năm làm công chức, bà bắt đầu hoạt động tình nguyện, làm việc tại một tổ chức cứu trợ thiên tai và khu ung thư của một bệnh viện. Là bà ngoại/nội đã quan tâm đến câu lạc bộ sau khi biết đến sứ mệnh của nó – và quyết định trở thành tình nguyện viên dẫn đầu. Bà Hoa nói,

“Đúng, tôi là một người lớn tuổi nhưng tôi cảm thấy đủ khỏe mạnh để giúp đỡ người khác. Vì có thể làm điều đó, tôi cảm thấy có niềm vui. Nó khiến tôi cảm thấy trẻ trung và tràn đầy năng lượng.”

Đào Thị Hoa

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Older People, Got A Pandemic Problem? A Club To Help You Figure It Out — Yourself | Malaka Gharib | NPR,  September 23, 2020