Đài Loan đã chuyển sang chế độ dân chủ như thế nào?

Qin Chen | Trà Mi

Đài Loan thường được Hoa Kỳ ca ngợi là một nền dân chủ kiểu mẫu bắt nguồn từ xã hội Trung Hoa, thành hình do một sự chuyển đổi mà họ từng hy vọng sẽ diễn ra ở Hoa lục.

Đài Loan. Ảnh: Reuters/Tyrone Siu

Khi cựu Tổng thống Đài Loan Lee Teng–hui (Lý Đăng Huy) qua đời ở tuổi 97 vào ngày 30 tháng 7, các chính khách trên khắp thế giới đã gửi lời chia buồn với Đài Loan.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói ông Lý Đăng Huy rất quan trọng trong việc biến Đài Loan thành một “ngọn hải đăng của nền dân chủ”. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Lee đã mang lại cho Đài Loan “tự do, dân chủ, nhân quyền và các giá trị phổ quát khác.”

Tuy nhiên, luận điệu ở Hoa lục lại rất cay nghiệt. Đưa tin Lý Đăng Huy qua đờinhư một sự lên án vì ông bị chính phủ Hoa lục coi là người cổ súy độc lập cho một Đài Loan tự trị. Chính phủ Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của Hoa lục, và sẽ bị khống chế bằng vũ lực nếu cần.

Để trả lời trước nguồn tin về sự qua đời của Lý Đăng Huy, Zhu Fenglian (朱鳳蓮, Chu Phụng Liên), phát ngôn viên của Văn phòng Quan hệ Đài Loan–Hoa lục nói,

“Tôi muốn nhắc lại độc lập là ngõ cụt của Đài Loan.”

Chu Phụng Liên

Đài truyền hình nhà nước cộng sản Trung Hoa CCTV nói Ông Lý Đăng Huy sẽ luôn được nhớ đến như một kẻ có tội đối với người dân Đài Loan và quốc gia Trung Hoa.

Sự tương phản rõ rệt về quan điểm phản ảnh nhưng khuynh hướng chính trị khác nhau của Đài Loan và Hoa lục kể từ năm 1949 – kết thúc cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng sản và Trung Hoa Quốc Dân Đảng – và đặc biệt là trong 40 năm qua.

Chính phủ Hoa lục chấp nhận một số đổi mới kinh tế nhưng vẫn giữ vững hệ thống chính trị độc đảng, trong khi Đài Loan dần chấm dứt chế độ độc đảng, cho phép các chính đảng đối lập hoạt động, báo chí tự do, tự do ngôn luận và quyền bầu cử phổ quát.

Lý Đăng Huy, tổng thống được bầu chọn trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của Đài Loan, thường được xem là người lãnh đạo tinh thần cho nền dân chủ của đảo quốc. Ảnh: SCMP/Simon Kwong

Mối quan hệ giữa Hoa lục và Đài Loan là gì?

Năm 1999, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Lý Đăng Huy nói ông coi mối quan hệ Đài Loan với đại lục là một mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia, như một phần trong nỗ lực lớn hơn của ông nhằm cổ súy ý tưởng về một Đài Loan độc lập. Nó dã làm chính quyền Bắc Kinh nổi giận, và gọi Lý Đăng Huy là kẻ ly khai và ngừng hầu hết các kênh đối thoại.

Trong hai mươi năm gần đây, mối quan hệ giữa hai khu vực thường dao động dựa trên lập trường chính trị của giới lãnh đạo Đài Loan. Hoa lục đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan vì lập trường của tổng thống đương nhiệm Thái Anh Văn, người được chính quyền Hoa lục xem là một nhân vật chủ trương độc lập.

Quá trình chuyển đổi sang dân chủ Đài Loan một phần đã được Hoa Kỳ khuyến khích, họ coi đây là một mô hình thành công mà lúc đầu họ hy vọng Hoa lục có thể đi theo.

Nhưng sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Hoa về thương mại, kỹ thuật và ảnh hưởng toàn cầu đã trở nên trầm trọng hơn vì Hoa Kỳ chỉ trích sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Hoa và việc Hoa lục kiềm chế Hong Kong, một thuộc địa cũ của Anh, lror lại dưới quyền quản trị của Trung Hoa vào năm 1997 như một khu vực tự trị hành chính.

Trong khi đó, Mỹ và Đài Loan đã đến gần nhau hơn trong những năm gần đây, với sự gia tăng doanh số bán vũ khí bị được Washington chấp thuận cho đảo quốc này trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump – dù Mỹ đã chuyển sự công nhận ngoại giao chính thức từ Đài Bắc sang Bắc Kinh từ năm 1979.

Tổng thống đương nhiệm của Đài Loan, Thái Anh Văn (đứng giữa, áo xanh lá cây) đã làm việc chặt chẽ với Lý Đăng Huy (đeo kính râm) trong các nhiệm kỳ tổng thống của ông Lý Đăng Huy. Ảnh: EPA/David Chang

Đài Loan đã trở thành một nền dân chủ như thế nào?

Năm 1996, Lý Đăng Huy trở thành tổng thống đầu tiên của Đài Loan được bầu trực tiếp với 54% số phiếu bầu, đánh bại ba ứng cử viên khác trong cuộc đầu phiếu có đến 95% cử tri đủ điều kiện tham gia.

Cuộc bầu chọn Lý Đăng Huy được nhiều người coi là bước khởi đầu của một Đài Loan dân chủ. Kể từ đó, Đài Loan đã tổ chức sáu cuộc bầu cử và bầu tổng thống từ cả hai đảng Kuomintang (Quốc dân Đảng, THQDĐ), và Đảng Dân chủ Cấp tiến.

Tuy nhiên, trước đó, Đài Loan đã trải qua ba mươi năm dưới sự cai trị độc tài.

Năm 1949, những người Quốc gia đã rút về Đài Loan từ Hoa lục sau khi họ bị cộng sản đánh bại trong cuộc nội chiến. Những người quốc gia cai trị hòn đảo bằng một bàn tay sắt, trên cơ sở chống lại cộng sản và chuẩn bị chiếm lại đất liền.

Trung Hoa Quốc dân Đảng (THQDĐ) đặt thiết quân luật trên đảo, cấm các đảng chính trị mới hoạt động và kiểm soát chặt chẽ những cuộc tụ họp xã hội, tự do ngôn luận và xuất bản. THQDĐ cũng cầm tù những người bất đồng chính kiến ​​bị nghi là cộng sản, tạo ra sự áp bức kéo dài hàng chục năm ngày nay thường được gọi là là “khủng bố trắng.”

Đến thập niên 1970, sự phát triển kinh tế trên đảo quốc đã tạo ra một tầng lớp trung lưu mạnh dạn, dám đòi hỏi tự do nhiều hơn. Đồng thời, áp lực từ Mỹ, nguồn viện trợ chính về kinh tế và quân sự, cũng tạo điều kiện cho sự thay đổi xã hội.

Sự kiện Cao Hùng[1] năm 1979 là một điểm quan trọng đối với phong trào dân chủ ở Đài Loan. Các nhà hoạt động đối lập yêu cầu chấm dứt thiết quân luật và chế độ độc đảng trong một cuộc tụ họp công khai. Họ đã bị chính quyền cầm tù và tra tấn.

Cùng năm đó, Washington đã chuyển việc chính thức công nhận về mặt ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh, khi mỹ muốn cô lập Liên Xô và thành lập Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), thực tế như một tòa đại sứ Mỹ tại Đài Bắc.

Hoa Kỳ đã thúc đẩy Đài Loan cải tiến về nhân quyền và dân chủ để có thể duy trì sự ủng hộ của Mỹ, và Tổng thống Tưởng Kinh Quốc đã bị David Dean, giám đốc của AIT, thuyết phục, để chính phủ Đài Loan kết án nhẹ hơn đối với người trong giới hoạt động.

Shih Ming-teh (施明德, Thi Minh Đức, tiền cảnh, áo đỏ), một nhân vật hoạt động chính trị nổi tiếng ở Đài Loan đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang dân chủ của đảo quốc, đôi khi được giới truyền thông địa phương ca ngợi là “Mandela của Đài Loan”. Ảnh: AP

Một nhân vật chủ chốt, Shih Ming-the (Thi Minh Đức), ban đầu đã bị kết án tử hình, nhưng đã được giảm án thành tù chung thân.

Chính quyền nới lỏng những hạn chế trong giới truyền thông địa phương, và họ đã được phép đưa tin về những vụ xét  xử những người hoạt động. Ít nhất 45 nhà hoạt động đã lãnh án tù.

Năm 1986, đảng đối lập lớn đầu tiên trên đảo quốc, Đảng Dân chủ Cấp tiến, thành lập, và một năm sau đó, tổng thống Tưởng Kinh Quốc tuyên bố chấm dứt thiết quân luật.

Lee Teng-hui trở thành tổng thống vào năm 1988 sau cái chết của Tưởng Kinh Quốc và tiếp tục đổi mới dân chủ. Ông đã phóng thích những người hoạt động chính trị bị tù sau sự kiện Cao Hùng và đã gặp gỡ giới lãnh đạo sinh viên trong phong trào dân chủ năm 1990. Năm 1996, ông đã đắc cử trong cuộc bầu phiếu dân chủ đầu tiên trên đảo Đài Loan.

Ai cai trị Đài Loan trước năm 1949?

Cho đến thế kỷ 16, Đài Loan là một vùng đất tự trị của những thổ dân trên đảo. Các nhóm sắc tộc lớn hơn từ Hoa đại lục bắt đầu di cư đến đó vào đầu thế kỷ 17, trong thời kỳ đó một phần của hòn đảo cũng bị người Hòa Lan và Tây Ban Nha chiếm đóng.

Từ năm 1683 đến 1895, Đài Loan nằm dưới sự cai trị của triều nhà Thanh. Nó được nhượng lại cho Nhật Bản vào năm 1895 sau Chiến tranh Trung–Nhật và là thuộc địa của Nhật Bản trong 50 năm tiếp theo.

Năm 1945, những người của Quốc Dân Đảng giành lại quyền kiểm soát hòn đảo sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.

Tác giả | Qin Chen (Trần Tần) nhà nhà sản xuất đa phương tiện (mutimedia) tại Inkstone. Cô là một chuyên viên sản xuất video cao cấp cho tạp chí The New Yorker.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: How did Taiwan transition to democracy? | Qin Chen | Inkstone | Aug 4, 2020.

[1] Trà Mi | Sự kiện đảo Formosa (hay sự kiện Cao Hùng, chính quyền Tưởng Kinh Quốc của Quốc dân đảng Trung Hoa gọi đó là “Cuộc nổi loạn bạo lực ở Cao Hùng”) là một cuộc xung đột lớn diễn ra tại Cao Hùng, Đài Loan trong Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/1979. Giới hoạt động phi đảng phái với các thành viên của Tạp chí Formosa đã tổ chức biểu tình và diễn thuyết trước công chúng vào ngày 10 tháng 12, kêu gọi dân chủ và tự do, và chấm dứt lệnh cấm chính đảng sinh hoạt và thiết quân luật. Lực lượng dẹp biểu tình đã bao vây quần chúng, phóng hơi cay, dần dần thu hẹp vòng vây, và cuối cùng đã gây ra cuộc xung đột giữa cảnh sát-dân sự. Sau cuộc biểu tình, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Đài Loan đã bắt giữ những người không đảng phái và đưa ra tòa án quân sự. Đây là cuộc xung đột giữa cảnh sát-dân sự lớn nhất tại Đài Loan kể từ sau sự kiện ngày 28 tháng 2, 1947 (sự kiện hay cuộc thảm sát nhị nhị bát) khiến khoảng 5000-28000 dân Đài Loan thiệt mạng, đánh dấu bước đâu của cuộc “khủng bố trắng” do chính quyền THQDĐ chủ động. [Nguồn: (1) Forsythe, Michael (July 14, 2015). “Taiwan Turns Light on 1947 Slaughter by Chiang Kai-shek’s Troops”The New York TimesArchived from the original on October 27, 2018. (2) Chang, Sung-sheng Yvonne (2004). Literary Culture in Taiwan: Martial Law to Market Law. New York: Columbia Univ. Press. ISBN 9780231132343.]