Bàn thờ của tôi lúc này là giường của người bệnh

Nguyễn Văn Lục

Trong trận đại dịch này, riêng tại Ý, số các linh mục chết vì đại dịch là 67 người (Paris Match số ra ngày 25-03-2020.) Số các bác sĩ Ý chết vì COVID-19 cũng khoảng 100 (CNN).

Lm. Alberto Debbi. Nguồn: ChurchMilitant.com

Đó là những cái chết gây xúc cảm khác nhau cho từng người; có người gọi các bác sĩ Ý đã chết là những người anh hùng; người theo tôn giáo gọi các linh mục là thánh tử đạo. Trong số những vị linh mục bị chết, có một vị đã nhường máy thở cho một người trẻ. Cử chỉ ấy coi vậy là vượt sức người, không dễ mấy ai làm được. Cho nên, dù gọi là gì đi nữa, họ đáng được vinh danh sau này sau mùa đại dịch.

Nghĩ tới những con người đã chết thư thế và những người đang hoạt động trong tuyến đầu mặt trận này trên khắp thế giới khiến tôi viết bài này.  Và ở đâu cũng có thể những người anh hùng như thế! Hầu hết là vô danh. Và nếu chúng ta biết được một ai đó thì chỉ là muôn một.

Có một điều đặc biệt nên nói. Hầu như các nhà thờ trên toàn thế giới không có tiếng chuông. Không có Thánh Lễ ngày Chủ Nhật. Lịch sử đạo Thiên Chúa chắc phải lui về nhiều thế kỷ trước mới thấy được khung cảnh này. Khung cảnh buồn hiu. Trên cây thập giá, chẳng hiểu Thiên Chúa ở trên nhìn xuống có thấy buồn không?

Hình như có một điều gì dó xem ra không hiểu được. Một cụ già nay đã 103 tuổi cho biết suốt cuộc đời — ngay cả thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất — cũng chưa bao giờ chứng kiến cảnh này. Phải chăng đây là bi kịch lớn nhất của thế kỷ này mà con người cảm thấy mình bất lực, trơ trọi và cô đơn?

Nhưng ở ngay trung tâm của trận dịch như tại Ý xem ra vẫn lóe lên một niềm hy vọng và độc giả đọc mẩu chuyện sau đây như một niềm an ủi.  Bởi vì con người cho dù trong lúc nguy nan tuyệt vọng vẫn có một cái quyền tối thượng: Quyền hy vọng.

Một gợi ý khác đưa tôi viết bài này, nhân lúc rảnh rỗi, tôi rơi vào một cuốn sách rất lôi cuốn: Une Vie Bouleversée. Journal 1941-1943 của Etty Hillesum. (Nhật ký của Etty Hillesum, một cuộc đời bị đảo lộn).

Etty Hillesum, một phụ nữ  gốc Do Thái sinh ra và lớn lên ở Amsterdam. Vào thời kỳ bị Đức chiếm đóng, bà đã viết cuốn nhật ký này từ 1941 đến 1943 trước khi bị bắt đi đầy vào trại Auschwitz. Hillesum biết, một ngày nào đó sẽ bị bắt. Nhưng bà vẫn tình nguyện hoạt động hợp tác với lính Đức để cứu vớt những người Do Thái khác trong đó có cả gia đình bà. Cuối cùng thì bà và cả gia đình đều chết trong trại tập trung vào tháng 11-1943. Trong nhật ký bà ghi lại như sau:

“Je sais déjà tout. Et pourtant je considère cette vie belle et riche de sens. A chaque instant.”

Etty Hillesum

(Tôi biết rõ tất cả. Nhưng tôi vẫn coi cuộc đời này là đẹp và đầy ý nghĩa. Ở trong từng giấy phút.)

Phải là người có một niềm tin thế nào mới tin rằng thế giới này vẫn tốt đẹp. Độc giả tự tìm cho mình câu trả lời và tự mình rút ra một kết luận riêng sau khi đọc bài này.

Cách đây hơn một năm, đúng ra là ngày 15/12 năm 2018 thì cộng đoàn giáo phận Reggio Emilia-Guastalla là một ngày vui. Cộng đoàn này là một tập hợp ở tỉnh nhỏ với số dân 15,000 người, trước đây còn thuộc Milan. Nó giống như bất cứ phần đất nào trên đất Ý cũng đều không thiếu những di tích lịch sử. Một đất Ý mà lúc nào cũng như một ngày lễ hội, không khí tưng bừng dưới điệu nhạc và khiêu vũ. Ngay cả khi cả vùng bị cách ly. Tôi vẫn thấy những người Ý mang đàn ra đứng trước ban công để đàn hát.

Câu chuyện tôi kể ngày hôm nay có thể có một ngày sẽ trở thành một địa danh. Nào ai biết được. Bởi vì cộng đoàn này họ vừa đón nhận thêm một tin vui. Họ có thêm một tân linh mục. Vào lúc 6 giờ chiều hôm đó, Giám mục Massimo Camisasca đã đặt tay lên đầu một vị phó tế Alberto Debbi.

Alberto Debbi (đứng, phải) thụ phong tại nhà thờ Reggio Emilia (2018). Nguồn: https://www.churchmilitant.com/

Và kể từ nay ông là linh mục.

Câu chuyện của ông cũng chỉ là bình thường. Đã bao nhiêu người đã “đỗ cụ” như thế. Nhưng hành trình đi đến chức linh mục của Alberto Debbi tôi phải thú nhận ngay ở đây là ngòng nghèo, đặc biệt.

Không một ai chờ đợi ông như thế. Có thể ngay cả cha mẹ ông, nhất là người đời theo lẽ thường tình. Nhưng cái không chờ mà đến vẫn là cái đẹp nhất trên đời này! Bởi vì năm nay ông đã 42 tuổi. Nhiều lẽ bởi vì lắm. Người theo đạo thì gọi ông một cách trọng vọng là một ơn gọi độc đáo và duy nhất. Chúa ban cho như một hồng ân.

Từ tấm bé đến 42 tuổi

Alberto Debbi sinh năm 1976, con thứ tư trong một gia đình có 6 người con. Năm 18 tuổi, cha ông qua đời sau một cơn bệnh nặng… Sau biến cố đau thương này như xoay chuyển cuộc đời Alberto. Ông quyết định học Y khoa để ra giúp đời, giúp những người đau đớn vì bệnh tật.

Học y là để cứu người. Tôi chắc là Alberto đã nghĩ như thế.  Và tôi cũng chắc nhiều người trẻ sau này khi chọn ngành này cũng nghĩ như thế. Chỉ không tiện nói ra.

Và chưa bao giờ cái ý nghĩa trang trọng ấy được tôn vinh như hơn bao giờ hết, như lúc này. Ý nghĩa cao đẹp đôi khi chỉ các người trẻ ấy mới thấm đậm hết ý nghĩa được trong hoàn cảnh này.

Chỉ khi ra trận mới biết được ai là lính thiệt!

Mà không chắc hẳn là “người thân”  đã hiểu biết được. Nhiều người thân đã có thể hãnh diện và chờ đợi họ ở một cách không đúng chỗ. Và như thế chẳng khác gì hạ thấp họ xuống.

Thật vật, đã có mấy khi mà từ Thủ tướng Anh, TT Trump và cảnh sát ở Montréal chỗ tôi ở, diễn hành ban đêm, xe cảnh sát bật đèn sáng choang để bày tỏ lòng biết ơn họ.

Alberto bắt đầu theo học y khoa tại đại học Modena. Sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục học nội trú. 2005, anh ra trường. Như nhiều bác sĩ khác. Anh làm nhiều nơi. Khi thì ở bệnh viện Scandiano. Khi ở khu cấp cứu của Castelnovo Monti. Rồi cuối cùng anh làm ở khoa phổi ở Sassuolo cũng thuộc Modena.

Tổng cộng tất cả những năm tháng này khoảng 7 năm. Và cũng như nhiều bác sĩ trẻ cùng lứa tuổi, anh có bạn gái và đã đi đến quyết định tối quan trọng là kết hôn.

Rất tiếc là tôi không tìm ra được tấm hình nào của bạn gái Alberto. Nhưng ngoài tình yêu dành cho người bạn gái. Có một tiếng gọi khác réo gọi từ bên trong.

Tôi mường tượng ra cuộc xung đột quả là gay go lắm. Đầy bi kịch cũng có? Có những đêm trắng? Chỉ có điều, từ góc độ con người, chọn lựa này có thể làm cho anh có cảm tưởng không trọn vẹn chăng? Tôi không dám nghĩ xa nữa trong sự tôn trọng những quyết định cuối cùng của anh.

Nhưng cũng phải nhìn nhận anh đã có một người bạn gái đầy lòng độ lượng, chia xẻ về mong muốn và quyết định của anh. Và cả hai đã đồng ý một thời gian hoãn, phân định vào năm 2011.

Alberto chia sẻ:

“Nó có vẻ như là mâu thuẫn, nhưng bước căn bản chính là, qua tình yêu của vị hôn thê của tôi, tôi nhận ra rằng có một Tình Yêu lớn hơn mà tôi được mời gọi đến với tình yêu đó.”.

Alberto Debbi

Hành trình làm linh mục

Quyết định đã xong. Chia tay nhau 2012, Alberto tham dự năm dự bị của chủng viện như một thử thách đầu tiên và vẫn tiếp tục làm việc ở bệnh viện. Đến tháng 09/2013, anh đã quyết định nghỉ việc tại bệnh viện và tiếp tục theo học Triết và Thần học tại Đại chủng viện, khoảng 3-5 năm.

Đây không phải là những năm “dạo chơi”, “cưỡi ngựa xem hoa” mà đầy thử thách như thể một thời gian “huấn nhục” về độ quyết tâm, kiên cường và rèn luyện sức mạnh tinh thần. Trong hai năm cuối cùng, thầy Alberto đã ra ngoài giúp các sinh hoạt bác ái cùng với các người trẻ.

Ngày 27-5-2017, thầy Alberto được lãnh chức phó tế.   Sau đó cha đi giúp xứ như nhiều linh mục khác.

Sau đó, cuộc  đời của cha lại quẹo vào một khúc quanh khác không ai ngờ tới khi xảy ra trận Đại Dịch. Hẳn là từ tháng giêng đến trung tuần tháng ba. Bác sĩ lo chữa bệnh, cứu người khác, còn cha hẳn là mỗi ngày lo đi chôn xác các người đã chết vị bệnh đại dịch.

Không lòng dạ nào có thế đứng nhìn người ta chết mỗi ngày như rạ. Lm Alberto xin phép bề trên của mình cởi áo dòng, mặc áo blouse đi cứu người, tạm thời bỏ bàn tế lễ mỗi ngày.

Tựa đề của bài viết “Bàn thờ của tôi lúc này là giường của bệnh nhân” (“My altar will be the bed of the sick”) là lời của Alberto Debbi, giáo sĩ 43 tuổi, một bác sĩ phổi. Hôm thứ Tư, 18 tháng 3, Debbi đã trở lại làm việc tại trung tâm COVID-19 của Bệnh viện Sassuolo – cùng bệnh xá nơi ông làm bác sĩ từ năm 2007-2013.  (Nguồn: Jules Gomes, “Hero priest returns to serve as lung doctor” ChurchMilitant.com,  March 19, 2020),

Tôi xin mạn phép viết câu này và ai muốn thay đổi danh xưng tùy theo tôn giáo của mình đều không có vấn đề: Làm linh mục là để cứu đời, làm bác sĩ là để cứu người. Còn có gì đẹp hơn trong hai tước vị đó ở đời này.

Nhưng như mọi sự ở đời có đen có trắng: người lính chỉ khi ra trận mới thực sự biết được ai là chiến sĩ, ai là lính kiểng!

Chiếc áo hẳn là không làm nên thày tu.

Bác sĩ Phổi Alberto Debbi. Nguồn: https://www.modenaindiretta.it/

Bác sĩ Phổi Alberto Debbi. Nguồn: https://www.modenaindiretta.it/

Linh mục Alberto đã rời nhà xứ để quay trở lại hành nghề bác sĩ ngay từ trung tuần tháng ba. Phần linh mục Alberto thì tôi tin chắc chiếc áo thày tu và áo blouse của ông chỉ là Một. Cho đến lúc này, không biết số phận của Lm Alberto như thế nào? Hy vọng là đã qua khỏi cơn đại dịch. Mong thay.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Tác giả lấy cảm hứng từ một bản tin của Hồng Thủy, đài Vatican https//www.vatican new. Va/vi/Church/news/ 2020/03 Alberto-debbt-linh- muc-bac-si-tro-lai-benh-vien-chua-tri- html.

DCVOnline biên tập và minh họa. Tựa: Lời của bác sĩ Alberto Debbi (“My altar will be the bed of the sick.”)