Cuộc chiến giữa thiên nhiên và con người

Nguyễn Văn Lục

Những ý nghĩ vụn về đại dịch Covid-19 tiếp nối những suy nghĩ miên man từ trước. Nó  không mang tính học thuật, kinh tế, chính trị hay phê phán mà chỉ là những suy nghĩ về sự tương quan giữa thiên nhiên gửi với con người, nhằm nhắc nhớ chính mình và chia sẻ với bạn đọc. Hy vọng con người ra khỏi được cơn đại dịch theo niềm tin tôn giáo của mỗi chúng ta.

Tôi cố gắng đừng sợ và xin trọn nghĩa chữ Fiat trong Genesis.

Lúc này hơn lúc nào hết, những sinh vật nhỏ bé, thụ tạo như tôi, trước sự tử-sinh thì có còn gì là quan trọng và nghĩa lý gì? Phải chăng chỉ còn là buông. Chia sẻ những tâm tình trong câu chuyện của những nhân chứng, bác sĩ người Ý, như Daniele Macchini:

Bs Daniele Macchini

Các nhân viên y tế đều kiệt lực. Tôi đọc được sự mệt mỏi của họ trên các khuôn mặt của họ mà trước đó đã không biết điều gì đã xảy ra, mặc số việc quá sức họ làm mỗi ngày […] Tôi cũng thấy sự đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau trong đám chúng tôi, và vì thế không bao giờ chúng tôi quên đi thăm các đồng nghiệp đang nội trú để hỏi họ chúng tôi có thể làm gì cho họ bây giờ? […] Các bác sĩ đã đẩy giường và chuyển bệnh nhân và cho  thuốc điều trị làm thay cho y tá. Các y tá đã khóc bởi vì chúng tôi không thể nào cứu được tất cả mọi người.”

Daniele Macchini, Facebook, March 6.

Số phận họ cũng là số phận mọi người.

Một bác sĩ khác, Jason Van Schoor, viết: “ Mes amis m’appellent en larmes parce qu’ils voient des gens mourir devant eux et qu’ils ne peuvent offrir qu’un peu d’oxygène.” (Coronavirus: les témoignages de médecins italiens sur le cauchemar vécu dans les hôpitaux submergés par le Covid-19.)

Nghĩ đến tình hình bên Ý, tôi tự hỏi bao giờ đến lượt chúng tôi và con cháu người gốc Việt ở Canada? Tuần tới, tháng tới? Hôm nay là ngày thứ tư, 8-4-2020, chúng tôi đã cầm cự, hoàn toàn tuân thủ cách ly được hơn hai tuần rồi.

Triết lý nhân bản về con người trong những hoàn cảnh phải sống “chậm lại” càng giúp tôi có thêm thời gian hiểu sâu xa hơn về thân phận người ở đời, trong cái bất toàn, trong lẽ tương đối, trong cái mong manh trước thiên nhiên, và trong những tham vọng điên cuồng. Cùng lắm tôi chỉ dùng những dữ kiện khoa học để suy nghĩ và nhận ra rằng cuối cùng và trên hết, con người phải đọ sức với thiên nhiên ngay từ thời Homo Sapiens đến hiện nay, tạm gọi là thời Homo Deus như một cao vọng thách thức thiên nhiên?

Thời cổ đại

Ngay từ khi có lịch sử loài người ở thời bình minh lịch sử là tham vọng. Con vật chỉ có bản năng. Tham vọng ấy càng rõ rệt khi con người mạnh, có thể đứng trên đôi chân mình. Tầm nhìn từ nay trải rộng vì họ có rất nhiều điều để chế ngự thiên nhiên đến lố bịch. Và chỉ khi trong những nỗi khó khăn, trong những lúc thân tàn lực kiệt của thân phận người, họ mới thấm thía.

Thuở xưa, người phụ nữ đứng thẳng trên đôi chân của mình một cách nào đó chậm chạp, không nhanh nhẹn và yếu hơn 4 chân.

Đã thế, hông sẽ hẹp lại khép đường sinh đẻ vì bị đôi chân ép lại. Đứa trẻ sinh ra muốn an toàn thì cái đầu phải mềm, mềm bao nhiêu ra dễ bấy nhiêu, mới đầu nhọn rồi to dần. Vậy mà không một ai thắc mắc về một điều xem ra dễ hiểu mà lại huyền nhiệm như vậy. Câu hỏi vẫn còn đọng lại, tại sao đầu đứa trẻ sinh ra lại mềm?

Những thóp trên và quanh sọ giúp trẻ dễ chào đời. Nguồn: Bs John Campbell/YouTube

Đàn ông được coi là phái mạnh. Đàn ông được coi là sinh vật mạnh nhất trên trái đất từ hai triệu năm thật ra chỉ là một huyền thoại. Đàn ông nói riêng và con người nói chung sống còn nhờ ăn bám vào nhiều chủng loại khác từ cây cỏ đến động vật lớn nhỏ. Phải bao nhiêu thiên niên kỷ nó mới biết dùng lửa?[1]

Người ta vội hãnh diện là con người đã biết dùng đá để đập vỡ các loại hạt. Và còn hơn thế nữa, dùng đá để đập vỡ các xương súc vật để lấy tủy ăn.

Tại sao lại ăn tủy mà không ăn thịt? Giả sử có muốn ăn cũng không có mà ăn vì sức chạy.  Giả sử bạn quan sát một con hổ vồ con hươu cao cổ sau một cuộc truy, chặn đầu này đầu kia, rồi cuối cùng dùng răng ngoạm được cổ con hươu và chia nhau ăn ngấu nghiến.

Sau đó vẫn chưa đến lượt con người. Chờ đến lượt các con linh cẩu và chó rừng đến hoàn tất những mảnh thịt còn sót lại.  Kiên nhẫn chờ cho chúng đi khỏi, ngó trước ngó sau rồi nhặt những mảnh xương ấy, dùng đá để đập vỡ ra lấy tủy để ăn.  Hai triệu năm con người đã sống, đã tiến hóa và nay muốn làm chủ vũ trụ. Hơn thế nữa một Homo Deus.

Đó là sự thông minh của con người tìm ra được liên hệ giữa viên đá và xương tủy?

(Cảm hứng từ cuốn Sapiens, A brief history of Humankind của Yuval Noah Harari)

Một tốp thợ săn thú không cần vũ khí: với thể lực và lợi thế sinh học (toát mồ hôi để giảm thân nhiệt và uống nước trong khi chạy. Loài thú không có lợi thế đó) họ tách con mồi ra khỏi đàn để săn đuổi. Cuộc săn chấm dứt khi con mòi kiệt sực và gục ngã. Nguồn: James Owen, “Humans Were Born to Run, Fossil Study Suggests”, National Geographic (2004).

Ngày nay

Trong cuộc đọ sức giữa thiên nhiên và con người ngày hôm nay, hai lãnh vực thảo luận là các trận đói và các trận dịch đủ loại trong nhiều thế kỷ. Cuộc chiến giữa thiên nhiên và con người vốn là loài thông tuệ nên kết quả chung cuộc, con người đều sống sót với những mất mát khôn lường được.

Trong tĩnh lặng, tôi cảm thấy rằng những ngày tốt đẹp của vũ trụ hình như đang đe dọa đến sự sống còn của chính con người. Lá phổi của thế giới mỗi ngày bị cắt xén, phá hoại thiên nhiên đến bao giờ? Đã có tiếng gọi từ Phi Châu kêu cứu. Tiếng gọi khẩn thiết từ Amazon về sự hủy hoại sinh thái. Nay thì tiếng gọi ấy từ các nước tân tiến nhất trên toàn cầu!

Mặt khác, tôi vẫn tin vào luật tuần hoàn, luật bù trừ như thể một trật tự thiên nhiên giúp cho một sự cân bằng hoàn hảo. Chúng ta biết chắc rằng, chúng ta sẽ không cô độc trên trái đất này. Nhưng chúng ta sẽ không còn nữa, nếu chúng ta hủy hoại trái địa cầu này.

Chúng ta sẽ không có mặt sau hai triệu năm có mặt!

Đã thế, cho dù có chiến thắng, con người lại rơi vào một tình trạng “vỡ trận” do sự lạm dụng hay do chính sách chính trị bất nhân, độc đoán gây ra.

Nạn đói

Đây không phải là chủ điểm của bài. Thuở hồng hoang lịch sử của Homo Sapiens, nạn đói là mối đe dọa thường trực đối với con người; chỉ cần một trận mất mùa vì lụt, hạn hán đã đủ đưa cả một vùng tới cái chết thê thảm.

Con người chết vì đói như ở nước Pháp dưới thời vua Louis XIV vào năm 1692 và 1964. 2.8 triệu người Pháp chết, tức 15% dân số Pháp. Nhưng con người còn chết đói vì những lý do chính trị như trận đói năm Ất Dậu với gần hai triệu người chết ở Bắc Kỳ. Nói chi đến con số hàng 50 triệu người chết đói ở Trung Hoa thời Mao Trạch Đông.

Ở các xứ văn minh ngày hôm nay trớ trêu thay họ có thể chết vì no. Chết dần chết mòn chẳng khác gì “sống mòn” khi đói. Sự dùng quá độ muối, tinh bột, và nhất là đường sinh ra bệnh béo phì và những bệnh tật khác. Trong một số đặc biệt táng 12-2013 của National Geographic cho thấy chất đường có nhiều nhất trong các nước uống có gas, trong các loại xi rô, trong các bánh kẹo và trong các loại ngũ cốc cho bữa ăn sáng.

Ba Tây tiêu thụ 45.5 kí đường trong một năm2011. Nga 33 kí, Mễ Tây Cơ 28 kí. Ai Cập 26. Âu châu 26.

Bác sĩ Richard Johnson, chuyên khoa thận đại học Colorado, Denver cho hay:

Tôi có cảm tưởng, mỗi lần tôi  đi tìm nguyên do một bệnh, tôi đều thấy là tất cả do đường. Ngày nay 1/3 dân số mắc bệnh cao máu mà vào năm 1900 chỉ có 5%. Năm 1980 chỉ có 153 triệu người mắc bệnh tiểu đường mà hiện nay là 347 triệu. Đường là một trong những thủ phạm, nếu không nói là thủ phạm chính.

Bác sĩ Richard Johnson, National Geographic, Ibid, trang 39

Nạn dịch

Chúng ta có thể nói tự hào hầu như con người đã có thể chế ngự được các trận đói, ngay cả một số bệnh dịch, mặc dầu dân số tiếp tục gia tăng. Nhờ vào kỹ thuật khoa học mà hơn 7 tỉ người trên thế giới tương đối trên nhiều vùng được ăn no.

Nhưng các trận dịch thì chưa hẳn. Trận dịch xa xôi gọi là Cái Chết Đen trong thế kỷ XIV hẳn nhiều người đã quên. Nó đã giết chết từ 75-200 triệu người lan truyền từ Đông Á sang Châu Âu và Bắc phi.

Võ khí duy nhất mà con người xử dụng khi ấy chỉ là những lời cầu kinh và những đám rước trong nỗi bất lực. Chúa ở đâu không nghe tiếng con  chiên kêu cầu? Rất nhiều người nghĩ đến sự giáng phạt vì sự xúc phạm đến thần linh.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha[2] và coronavirus mới

Trong một bài diễn văn của Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron vào thứ năm 12 tháng 3, ông đã muốn gián tiếp cho rằng Covid-19 là “một trong những khủng hoàng nặng nề nhất về y tế từ một thế kỷ nay”. Ông muốn nhắc đến cách đây 100 năm, cúm Tây Ban Nha đã lan tràn hầu như trên khắp thế giới.

Liệu sự ám chỉ ấy có cho thấy có thể so sánh hai trận đại dịch ấy không? Có và không.

Theo chuyên gia Anne Rasmussen, sự so sánh giữa hai cơn dịch bệnh là hoàn toàn khác biệt.

Thứ nhất, về mặt khoa học, cả hai thuộc về hai họ Virus khác nhau. Cúm Tây Ban Nha do virus cúm A tiểu loại H1N1 gây ra trong khi  Covid-19 do SARS-CoV-2 (một loại Coronavirus mới) mặc dầu cả hai đều đưa đến những triệu chứng giống nhau là viêm phổi với sổ mũi, sốt.

“Nhưng cúm Tây Ban Nha đã làm rất nhiều người chết năm 1918 do bị sưng phổi và chứng viêm phổi có mủ. Người bệnh bị ngạt như thể bị chết đuối.”

Anne Rasmussen.

Theo chuyên gia Jérôme Salomon, những dấu hiệu lâm sàng, bề ngoài bệnh trạng, những dấu hiệu sinh học và quang tuyến cho thấy chúng khác nhau.

Coronavirus mới thường gây tình trạng nguy cập cho người già và đã có căn bệnh trong khi nạn nhân của dịch cúm 1918 lại thường là những người trẻ.

Đại dịch năm 1918-1920 có ba đợt và số người thiệt mạng đã lên tới cả 50 triệu. Thuốc men thời đó không thể so sánh với bây giờ và kỹ  thuật hiện đại như phòng hồi sức để ngăn ngừa những biến chứng của bệnh.

“Nói chung thì ngày nay chúng ta được trang bị đầy đủ hơn.” Thời trước cũng có một số biện pháp như cấm tụ họp đông người, đóng cửa các nơi công cộng. Nhưng vì thời chiến tranh nên không thể tránh được sự di chuyển của đám đông binh sĩ. Binh sĩ sống tập thể nên lây lan chết nhiều”

Quan điểm của một vài sử gia

Các chuyên gia nói ở trên  cho rằng có sự khác biết về chủng loại vi khuẩn và các cách kỹ thuật để ngăn ngừa dịch hẳn là khác bây giờ. Nhưng đó là phần chuyên môn của họ. Phòng ngừa dịch bệnh xưa và nay có thể có nhiều điều trùng hợp đáng nói.

Vấn đề sinh hoạt xã hội cách xa (về cơ thể, mặt vật lý. Social distancing hay physical distancing).  Từ này xem ra mới lạ, nhưng nguyên tắc thì đã có từ một thế kỷ trước trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch cún 1918. Nhiều nơi đã áp dụng cách ly xã hội như tại tỉnh Toronto. Theo sử gia Pierre Cameron, giáo sư đại học Laurentian ở Sudbury cho hay:

“Người ta đóng cửa trường học, cấm các buổi hội họp đông người, cách ly, đóng tất cả các cửa tiệm buôn, trừ các cửa hàng thịt và tạp hóa, tất cả đều phải đóng cửa.  Khạc nhổ thì bị phạt 15 đô la (tương đương với một tuần lễ lương bổng lúc bấy giờ).”

Pierre Cameron/ Bibliothèques et Archives Canada/ PA-025025. La grippe Espagnole tue tellement de Canadiens en 1918 qu’on manque de cercueils pour les enterrer.)

Giáo sư sử Mark Humphrey, đại học Wilfrid Laurier ở Waterloo nói thêm, “Bởi vì Canada đang trong thời kỳ chiến tranh (năm 1918) nên các xưởng máy vẫn hoạt dộng.”

Người ta cũng vẫn tuyển mộ thêm lính mới cho nhu cầu chiến tranh. Và đám lính này sống tập trung trong cái trại lính nên vấn đề cách ly xã hội lỏng lẻo.

Sử gia Humphreys nói thêm. Việc cách ly xã hội này đem đến kết quả là vùng Saskatchewan và Alberta có tỉ lệ bệnh nhân chết trên 100000 dân là 677, Ontario là 310 và Québec là 433.

Thông báo đóng của trường học, nhà thờ, rạp hát, khu giải trí các cuộc hội họp nhiều hơn 10 người, 19 tháng 10, 1918, Kelowna, Canada.

Một thế kỷ sau, Canada cũng áp dụng một phương pháp cách ly cổ truyền một cách triệt để hơn và kết quả hữu hiệu hơn.

Sử gia Pierre Cameron cũng còn kể thêm một câu chuyện trong bài viết của ông:

“Tại một ngôi làng nhỏ thuộc vùng Baie-johan-Beetz ở xa về phía Đông Bắc tỉnh bang Quebec, nhờ cách ly sinh hoạt về mặt vật lý nên không một ai trong dân chúng trong làng bị nhiễm virus H1N1. Ông Johan Beetz, vị ân nhân của làng đã đã buộc toàn thể dân làng phải cách ly, cấm mọi ra vào và tẩy trùng mọi tờ báo, thư từ cũng các bưu kiện.”

Pierre Cameron

Bài học rút ra từ trận đại dịch lần này

Không nên coi đại dịch này như một kẻ giết người mà như một sứ giả do thiên nhiên gửi đến. Như một báo động. Như một lời cảnh giác. Vấn đề là con người học được bài học gì?

Bài học thiên nhiên về đại dịch dạy chúng ta rằng  trái đất này không là của riêng ai.  Bầu trời là không có đường biên giới. Dưới biển cũng vậy. Sự phân chia vùng lãnh thổ, ranh giới, trên không, trên biển dựa theo công pháp quốc tế nhưng không có nghĩa ai muốn làm gì thì làm.

Con người có thể đang điên cuồng tranh dành cướp đoạt mọi thứ từ trái đất cho riêng mình.

Cuộc sống hay đúng hơn sinh mệnh con người ngày hôm nay tùy thuộc vào không khí trong sạch, vào nước và đất trong cái tinh thần Trời che, Đất trời, đất lành chim đậu.

Thế giới xem ra càng ngày càng thu nhỏ lại. Biên giới giữa các quốc gia nay có thể chỉ còn là biên giới làng xóm. Cho nên đại dịch này còn bùng phát chỗ nào thì cả thế giới này không yên. Có cái hại bấp cập và cái lợi không ngờ.

Theo François Gemenne và Anneliese Depouxtrên trong bài “De la crise du coronavirus, on peut tirer des leçons pour lutter contre le changement climatique” (Lemond, 18-3-2020)

Khi nền kinh tế bắt buộc phải chậm lại do những biện pháp triệt để nhằm ngăn chặn dịch. Việc chậm lại đó, như việc cắt giảm các chuyến bay giữa các vùng, cũng cắt giảm đáng kể lượng khí CO2.

Ô nhiếm không khí trước và trong đại dịch COVID-19 tại Trung Hoa. Chỉ số vệ tinh tháng hai ở tầng đối lưu (khí quyển thấp hơn) của NO2, một chất khí gây ô nhiễm từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng so với đầu tháng 1 khi các nhà máy điện hoạt động ở mức bình thường.. Nguồn: Đài thiên văn Trái đất của NASA

Trong trận dịch này,  hình như người ta đã quên cô gái Thụy Điển Greta Thunberg – người đã thức tỉnh thế giới – và đanh thức cả nước Mỹ khi chính quyền Mỹ rút lui ra khỏi Hiệp Định chống biến đổi khí hậu ở Paris 2015. (Thải khí CO2. Mỹ là nước thứ hai, chỉ sau Trung Quốc, thải 5.1 triệu nghìn tấn khí CO2, nhiều hơn cả 28 nước thuộc Liên Minh Châu Âu. Chiếm 1/6 lượng khí thái trên thế giới.)

TT Trump chắc cũng phải thở bằng dưỡng khí? Và cô Greta Thunberg chắc cũng vậy?

Riêng nước Tàu đã giảm 25% khí CO2 trong tháng 2. Giảm bụi mịn từ 20-30%. Sự ô nhiễm không khí ở đây hàng năm giết gián tiếp 1.1 triệu người dân theo cách tính của cơ quan OMS/WHO. Vậy thì tại sao con người cả thế giới này hoảng sợ trước dịch coronavirus?

Điều này cho phép người ta nghĩ là do nạn đại dịch này các chính quyền phải dùng những biện pháp khẩn cấp và triệt để mặc dầu có thể tốn kém. Người ta bắt buộc phải thay đổi nhiều phương thức phát triển kinh tế của một xã hôi tiêu thụ như:

Việc quảng cáo đến man rợ mở đầu cho việc tiêu thụ đến không phân biệt cái gì là nhu cầu, cái gì chỉ là lòng tham không cần thiết. Một phụ nữ có đến 300 áo dài và vài trăm đôi giầy là điều không chấp nhận được.

Thứ đến những sản phẩm dùng một lần rồi vứt là một sự lãng phí; như thế chẳng những làm bẩn môi trường sinh sống, nhất là rác nhựa nay trở thành tai  họa các dòng sông, bãi biển.

Các chiến thuật tiếp thị như giảm giá, quà tặng, không tính  thuế, trả góp, mua hàng lố, mua  một tặng một chỉ với mục đích tăng số lượng số hàng bán. Kỹ thuật canh tân sản phẩm, thay đổi mẫu mã, làm mới sản phẩm, tăng thêm nhiều tiện ích kỹ thuật đôi khi không hẳn là cần thiết như các điện thoại cầm tay, làm tăng thêm ô nhiễm môi trường.

Việc mua bán qua credit dù có chút tiện lợi, nhưng thúc đẩy người mua trả góp đã tạo thành thói quen mua bán không cần thiết, chất đầy tủ mà có thể chưa một lần dùng.

Chúng ta cần thay đổi cách làm ăn, cách sinh hoạt ấy để đạt tới một thứ tạm gọi là một thứ đạo đức chừng mực.

Kết luận

Trận đại dịch này có thể đưa nhiều người già đến độ trầm cảm vì không biết làm gì và rơi vào khoảng trống cô độc và cô đơn. Nhưng có lẽ điều tốt nhất cho mọi người lớn tuổi nhân dịp này thay đổi một cách sống, thay đổi ngay cả cái nhìn về cuộc đời, tìm lại dĩ vãng thân thương, kiểm điểm lại đời mình, về cái được cái mất, cái hơn thua.

Đây là cuộc nhìn lại quý giá nhất và ý nghĩa trước khi về cõi như một dọn mình chân thủng thăng bước sang bên kia.

Cuộc sống cùng lắm chậm lại như một buổi thiền.

Tôi đã dành nhiều thời giờ để đọc đủ thứ mà nhiều sách trước đây chưa có dịp đọc.

Nhưng có điều là con người và dứt khoát và khẳng định  như lời trích dẫn câu nhận xét của David Suzuki trong bài: “La société de consommation ne répond plus à nos besoins” (Xã hội tiêu thụ này không còn đáp ứng được nhu cầu của con người nữa. Bản dịch sang tiếng Pháp của Michel Lopez et Monique Joly trên trang nhà của Fondation David Suzuki.)

Nhu cầu tiêu thụ là lẽ sống còn của công việc sản xuất. Và tương lai con người không thể đặt trên kỹ nghệ plastic được.

Có cần thế này nữa hay không? Nguồn: David Suzuki Foundation

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVONline biên tập, minh họa và chú thích.

[1] Người ta không biết chắc con người biết dùng lửa từ khi nào. Bằng chứng Homo erectus sử dụng lửa của vào khoảng 400.000 năm trước được sự hậu thuẫn rộng rãi trong giới hàn lâm. Nhưng cũng có những bằng chứng cho biết loài người  đã biết dùng lửa từ 0,2 đến 1,7 triệu năm trước. (Wikipedia: Control of fire by early humans.)

[2] Đây là một cách dùng chữ sai. Dịch cúm năm 1918-1920, mệnh danh là dịch cúm Tây Ban Nha vì trong Đệ nhất Thế chiến bộ máy kiểm duyệt đã cắt tin tức về bệnh dịch và số người chết ở Đức, Anh, Pháp và Hoa Kỳ. Trong lúc đó ở Tây Ban Nha trung lập, báo chí được tự do đưa tin về ảnh hưởng của dịch bệnh. Đại dịch 1918-1920 phát nguồn không phải ở Tây Ban Nha. Có 3 địa điểm bị ngờ là nơi virus H1N1 xuất phát: 1) Những căn cứ lớn của và quân y viện của  Anh ở Étaples (Pháp) là một  giả thuyết của giới nghiên cứu cho là trung tâm của đại dịch; 2) Sử gia Alfred W. Crosby tuyên bố năm 2003 rằng dịch cúm bắt nguồn từ Kansas, và tác giả nổi tiếng John M. Barry đã mô tả, trong bài báo năm 2004, về một ổ dịch hồi tháng 1 năm 1918 tại Hạt Haskell, Kansas, là điểm xuất phát; 3) Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận rằng có tương đối có ít người chết vì cúm ở Trung Hoa so với các khu vực khác trên thế giới. Điều này đã dẫn đến suy đoán rằng đại dịch cúm năm 1918 bắt nguồn từ đây.