Hội chứng Stockholm

Trần Quang Hạ (1951-2019)

Ngày 23 tháng 8 năm 1973 hai tay súng đột nhập vào một nhà băng ở Stockholm, Thuỵ Điển. Một trong hai tên cướp là tù vượt ngục từng có tiền án hình sự. Một tên bắn thị uy sau đó bắt giữ 4 nhân viên làm con tin trong lúc cảnh sát và đội đặc nhiệm bắt đầu bao vây bên ngoài.

Cảnh sát bắn tỉa đối diện Kreditbanken nơi Jan-Erik Olsson bắt giữ công nhân làm con tin trong sáu ngày. Nguồn: AFP

Số con tin gồm có ba phụ nữ và một đàn ông bị nhốt dưới hầm nhà với khối thuốc nổ buộc sẵn. Cuối cùng họ được giải cứu an toàn sau hơn 5 ngày bị cầm giữ. Tất cả tỏ vẻ kinh hoàng vì bị hành hạ và đe doạ mạng sống.

Trong cuộc phỏng vấn báo chí, những con tin tiết lộ sự sợ hãi khi cảnh sát tiến vào giải thoát. Trong suốt 5 ngày bị bắt, con tin đã hình thành một tình trạng tâm lý kỳ lạ. Họ cho rằng kẻ bắt cóc đã bảo vệ mình trước tấn công của đội đặc nhiệm. Một nữ con tin sau đó đã kết hôn với một trong hai kẻ bắt cóc, người khác vận động quyên tiền giúp luật sư phí cho hai tên cướp.

Từ đó cụm từ hội chứng Stockholm (Stockholm Syndrome) ra đời để chỉ một trạng thái tâm lý phức tạp: nạn nhân bị ngược đãi quay sang cảm tình với kẻ gây tội ác. Gần đây nhất một câu chuyện xảy ra ở Vienna cũng chứng minh hội chứng nầy có thật.

Buổi sáng tháng 3 năm 1998, cô bé 10 tuổi người Áo Natascha Kampusch bị mất tích trên đường đi học. Kẻ bắt cóc là Priklopil ‒ một thợ điện 36 tuổi. Hắn nhốt cô suốt 8 năm trong căn hầm bí mật chỉ rộng 5 mét vuông dưới gầm một garage xe hơi. Cô chạy trốn vào ngày 23/08/2006 khi kẻ bắt cóc bận nói chuyện điện thoại. Lúc phát hiện cô đã đào thoát, Priklopil lao đầu vào xe điện để không phải đối diện với luật pháp.

Trong suốt thời gian bị giam giữ, tâm lý Natascha diễn biến phức tạp: từ một nạn nhân trở thành một phạm nhân tự nguyện. Hàng xóm thấy cô đi chung với Priklopil như người bạn, người khác gặp cô trượt tuyết với kẻ bắt cóc. Trả lời phỏng vấn, cô tỏ ra xúc động khi hay tin tên bắt cóc tự tử. Dĩ nhiên thời gian đầu cô bị hành hạ, đánh đập để triệt tiêu khả năng phản kháng. Sau đó kẻ bắt cóc làm cho cô tin rằng hắn đang giúp cô cách ly với thế giới phức tạp bên ngoài.

Có ít nhất ba điều kiện để có thể hình thành hội chứng Stockholm

1. Mối quan hệ bất bình đẳng ‒ Mối quan hệ hết sức bất bình đẳng, trong đó kẻ cầm giữ ra lệnh cho con tin được phép làm việc nầy hoặc nghiêm cấm không làm việc khác.
2. Đe dọa và trững trị ‒ Đe doạ trừng phạt nặng nề hoặc giết chết tàn nhẫn nếu nạn nhân chống cự hay tìm cách trốn thoát. Quyền sinh sát là tuyệt đối trong tay kẻ bắt cóc.
3. Sự tê liệt phản kháng ‒ Phản ứng sinh học xuất phát từ bản năng sinh tồn của nạn nhân. Bao gồm sự tin tưởng không có cơ may trốn thoát, nghĩa là sự sống sót chỉ có thể xảy ra nếu họ chấp hành luật lệ của kẻ bắt cóc. Nạn nhân tê liệt mọi phản kháng trước khi trở nên ngoan ngoãn dễ sai bảo.

Các nhà khoa học tin rằng có sự tương đồng giữa hiện tượng tẩy não (brainwashing) và hội chứng Stockholm. Kết quả từ mối quan hệ bất bình thường của quyền lực và nạn nhân của quyền lực. Các dấu hiệu của hội chứng Stockholm cũng được tìm thấy ở mối quan hệ nô lệ ‒ chủ nô, giữa các gia đình có bạo hành thường xuyên và các hoạt động tín ngưỡng bí hiểm.
Điều đáng lưu ý là một số trường hợp, hội chứng tồn tại cả khi nạn nhân đã được cứu thoát. Nghĩa là điều kiện vật lý đã thay đổi nhưng kết quả tâm lý vẫn kéo dài, có khi thay đổi hẳn thái độ nhận thức của nạn nhân.

Từ lâu chế độ độc tài biết cách biến chuyển con người qua các điều kiện hình thành hội chứng Stockholm. Răn đe, trừng phạt kết hợp tuyên truyền tẫy não. Chế độ cộng sản nổi tiếng trong việc sùng bái lãnh tụ; không phải những nhân vật (lãnh tụ) nầy tài ba đáng kính mà thực chất họ chỉ là chất xúc tác cho những phản ứng có điều kiện hình thành.

Ở Việt Nam không chỉ xảy ra ở vài trường hợp mà mở rộng trên phạm vi xã hội. Hàng trăm ngàn nạn nhân cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp vẫn sống với hội chứng Stockholm. Hàng triệu người dân vẫn sống với tâm lý bị cài cắm. Kẻ quyền lực không trang bị dăm ba cây súng hay vài khối thuốc nổ mà có nguyên hệ thống chuyên chính gồm công an quân đội trung thành với ý thức hệ cộng sản.

Nhà nước khẳng định quyền lực qua Điều 4 Hiến pháp: Đảng Cộng Sản là đảng lãnh đạo đất nước. Mối quan hệ giữa đảng và nhân dân là mối quan hệ giữa người chỉ đạo và quần chúng làm theo. Không có chuyện thế lực khác tham gia vào việc lãnh đạo. Đây là mối quan hệ tuyệt đối. Người dân được làm những gì cho phép, chứ không phải làm những gì luật pháp không cấm; đó là mối quan hệ xin và cho. Rõ ràng đây là mối quan hệ rất bất bình đẳng.

Trong chiến tranh việc bắt cóc thủ tiêu là đỉnh cao chuyên chính được áp dụng. Những bản án thi hành chóng vánh tỏ ra có hiệu quả đè bẹp mọi phản kháng. Chỉ nghe đến 4 chữ Toà án Nhân dân là người ta có thể hình dung được tính chất phi pháp luật. Bị nhân dân kết án có nghĩa phạm nhân không có cách nào chạy thoát tội. Nhân dân là khái niệm to lớn để đè bẹp mọi ý chí nhỏ bé. Chống lại chính quyền cộng sản cũng được gọi chống lại nhân dân, chống lại chân lý. Sau tháng 4 năm 75, các tỉnh thành miền Nam không xa lạ với hai từ nghiêm trị được phát đi ở cuối mỗi thông báo quân quản, ngắn gọn nhưng đầy tính đe doạ.

Quyền lực của Đảng bao trùm lên mọi sinh hoạt xã hội. Việc chỉ đạo những bản án bỏ túi chứng tỏ ngành tư pháp Việt Nam chỉ là cộng cụ đàn áp đứng sau ngành công an mật vụ.Trong chế độ cộng sản không có khái niệm luật pháp bảo vệ công dân như trong xã hội dân sự. Nhà nước có thể can thiệp, áp đặt ý muốn mình mà không đếm xỉa đến những nguyên tắc pháp lý.

Bản án dành cho công dân Điếu Cày chống Trung Quốc là một thí dụ về sự phỉ báng tư pháp trong thời kỳ đổi mới. Đồng thời việc bỏ tù nhà báo Nguyễn Việt Chiến chống tham nhũng cũng phát đi thông điệp cảnh cáo những ai có ý định làm hại đến quyền lợi bất khả xâm phạm của tập đoàn lãnh đạo.

Để hội chứng xảy ra một cách hoàn hảo, cộng sản kết hợp việc thờ cúng bí hiểm (sùng bái lãnh tụ), quan hệ chủ nô ‒ nô lệ (đảng viên ‒ dân thường) kết hợp với tuyên truyền tẩy não. Nguyên tắc lượng biến thành chất có thể thấy trên thế hệ trẻ sinh thập niên 1980 khi các em trẻ tuổi tỏ ra không hoài nghi đạo đức của “Bác”, khi trí thức trẻ tuổi phát biểu rập khuôn không thể hiện tư duy độc lập.

Sự tê liệt phản kháng có thể thấy qua thái độ cam chịu trong thời kỳ bao cấp và thoả hiệp trong thời đổi mới. Nạn nhân bị bắt cóc không tin mình được giải thoát, thì người dân trong nước cũng có tâm trạng tương tự, nghĩa là không thay đổi được đâu, ở ta cái cơ chế nó là như thế. Từ đó xuất hiện một nghịch lý: Biết nó là bất công vô lý nhưng vẫn chấp nhận và thoả hiệp ngay cả trong tiềm thức.

Tâm lý e ngại dân chủ gây hỗn loạn được cài cấy vào quần chúng không khác niềm tin của Natascha: Cô phải ở đây để tách rời cái xã hội ngoài kia lắm cái xấu. Kẻ giam hãm cuộc đời cô là người bạn tốt, hắn chỉ giúp cô có cuộc sống thiên đường trong căn hầm ẩm thấp.

Hàng chục ngàn người Việt Nam đổ ra đường cổ vũ và tin đội banhU22 Việt Nam sẽ vô địch SEA Games 08/12/2019 . Nguồn: http://netnews.vn

Tôi có đọc một số ý kiến trên các diễn đàn nói rằng thanh niên, trí thức Việt Nam ngày nay không tha thiết với dân chủ. Họ thoả hiệp để lo lắng cho bản thân vì thấy cuộc sống hiện tại cũng không đến nỗi tệ. Có ý kiến khác ca tụng chế độ hay bào chữa cho những sai trái của nhà cầm quyền cộng sản. Họ có thể là nô bộc tuyên truyền cho chế độ nhưng cũng có thể là nạn nhân đáng thương của cộng sản, nạn nhân mang hội chứng Stockholm.  

© 2009-2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài đăng lần đầu trên DCVOnline ngày 06-04-2009. Tác giả Trần Quang Hạ vừa mãn phần ngày 11 tháng 12, 2019 tại Hoa Kỳ.
Tham khảo:
 What causes Stockholm syndrome? by Julia Layton
‒ Natascha Kampusch, wikipedia.org