Nền Kinh tế Thị trường định hướng XHCN và con đường nào cho Việt Nam?

Dương Quốc Chính

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của chế độ cộng sản mang màu sắc Trung Hoa, là nền kinh tế con la (do lừa giao phối với ngựa đẻ ra).

Lãnh đạo hai đảng cộng sản Trung Hoa và Việt Nam (Hà Nội 5/11/2015). Nguồn: Taota/Xinhua

Tổng quan về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Kinh tế thị trường định hướng XHCN bản chất vẫn là nền kinh tế kế hoạch kiểu XHCN nhưng đã được cải cách theo hướng tự do hơn nguyên bản (như Việt Nam thời trước đổi mới, dùng tem phiếu). Khi phân tích, đánh giá về chế độ cộng sản thì cần minh định rõ 2 chế độ cộng sản; phê bình lẫn lộn là chả hiểu gì về cộng sản.

Cộng sản nguyên thủy quản lý hầu như toàn bộ các mặt kinh tế, xã hội, sử dụng tem phiếu để phân phối hàng hóa tới người tiêu dùng. Hầu hết mọi ngành kinh tế đều do nhà nước kiểm soát. Ủy ban kế hoạch nhà nước sẽ dự báo về cung và cầu để các nhà máy, nông trường…, cung cấp hàng hóa hoặc xuất nhập khẩu.

Lúc đó thị trường tự do vẫn còn — vì nhà nước không thể kiểm soát nổi — nên người ta gọi đó là thị trường chợ đen; người bán ở đó gọi là con phe, con buôn. Chợ đen có lẽ không chiếm nổi 5% nền kinh tế và phần lớn gồm các nhu yếu phẩm. Do thế tiền lúc đó không quý bằng tem phiếu vì dân ít cơ hội chi tiêu.

Cuba trên đường giải phóng. Nguồn: The Economist

Khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chế độ cộng sản nguyên thủy coi như đã cáo chung. Nước cộng sản nguyên thủy còn vật vờ sống sót duy nhất là Cuba. Bắc Hàn (Bắc Triều Tiên. DCVOnline) thì đã biến tướng, lai tạp với chế độ phong kiến mà họ gọi “Chủ thể” (Juche), được diễn giải là “Coi con người là chủ thể” hay tính tự lực, tự cường của người Bắc Hàn. Hiểu nôm na về tính tự lực của Bắc Hàn là đóng cửa thủ dâm tinh thần.

Trung Hoa, chính xác hơn là Đặng Tiểu Bình, đã sớm nhận ra những hạn chế của chế độ cộng sản nguyên thủy của Liên Xô. Một phần là do Trung Hoa mâu thuẫn với Liên Xô về con đường phát triển và liên minh với Mỹ kể từ năm 1972, nên Đặng đã học được nhiều điều từ chế độ tư bản, để áp dụng vào việc cải cách kinh tế.

Đặng là kẻ “phát minh” ra khái niệm Kinh tế thị trường định hướng XHCN, mà Trung Hoa gọi là Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Việt Nam sau khi mất đi đại ca Liên Xô, phải quay lại ôm chân nước bạn thì cũng áp dụng rập khuôn theo mô hình kinh tế, xã hội này, có lẽ giống Trung Hoa 90%.

Xi Jinping phát triển Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình. Nguồn: China Global Television Network

Chế độ cộng sản kiểu mới này không còn giáo điều như chế độ cộng sản nguyên thủy. Nó chấp nhận có kinh tế tư nhân, có người bóc lột người; đảng viên được làm kinh tế; nhà nước không còn kiểm soát toàn bộ nền kinh tế cũng như xã hội; xóa bỏ tem phiếu và ủy ban kế hoạch nhà nước. Tuy nhiên, nhà nước vẫn kiểm soát một số ngành kinh tế quan trọng và cần thiết, có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Những công ty nhà nước vẫn được nhiều đặc quyền đặc lợi cho dù cùng chung một ngành kinh tế với tư nhân.

Về mặt xã hội, chính quyền cũng giảm bớt sự kiểm soát; một số mặt được thả lỏng hơn, như giáo dục đã được có trường tư, trường Tây; tư nhân được tham gia liên kết với các nhà xuât bản nhà nước để phát hành sách báo… Toàn dân không hoàn toàn bị trói chặt vào tư tưởng cộng sản như cũ.

Tuy nhiên một số mặt quyết định, ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân vẫn bị nhà nước kiểm soát rất chặt như sách báo vẫn bị kiểm duyệt; Giáo dục vẫn chỉ có 1 bộ sách nặng về tuyên truyền nhồi sọ, dù quyền tự do tư tưởng và ngôn luận đã được nới lỏng tương đối nhiều.

Chế độ cộng sản nguyên thủy vốn quản lý mọi mặt của xã hội, nên nó đẻ ra rất nhiều các cánh tay nối dài như đoàn, đội, các hội, công đoàn, Mặt trận Tổ quốc… Tất cả đều ăn bám ngân sách, ngay cả đảng cộng sản cũng vậy. Có nghĩa là bộ máy nhà nước cộng sản nó như con bạch tuộc khổng lồ mà mỗi cái vòi kiểm soát một mặt của kinh tế xã hội. Không có gì thoát ra khỏi sự kiểm soát đó, ngoài trừ một số thành phần dân chúng rất nhỏ sống dựa vào thị trường chợ đen. Người viết ước tính có 95% dân số là có liên quan đến chế độ cộng sản nguyên thủy. 5% còn lại sống ngoài lề. Ở Việt Nam còn có thành phần khác là những người thuộc chế độ cũ, cũng bị đẩy ra ngoài lề xã hội như vậy.

Còn chế độ cộng sản kiểu mới, do nhận thức được rằng kiểm soát như vậy là chết (như Liên Xô), nên nó đã giảm sự kiểm soát kinh tế, xã hội. Hiện nay, người viết ước tính, có khoảng 20-30% dân số là nằm trong hệ thống, tức là cán bộ công chức hoặc nằm trong các doanh nghiệp nhà nước. Trong một số liệu đăng báo gần đây thì Việt Nam đang có khoảng 11/90 triệu dân sống dựa vào ngân sách.

Thành phần còn lại nằm trong khối tư nhân, gồm cả nông dân. Nhưng có lẽ phải tới 80-90% dân số là có mối liên hệ với chính quyền, do là công ty sân sau hoặc có thân nhân nằm trong hệ thống. Hiện tại, rất khó tìm được người không có mối liên hệ nào với bộ máy nhà nước.

Để bảo vệ nồi cơm của mình và thân nhân là lý do khiến người dân không dám, không thể lên tiếng phản đối chính quyền. Bộ máy tuyên truyền cũng như an ninh xoáy sâu vào yếu tố đó. Họ giao nhiệm vụ cho đảng viên, công chức phải có trách nhiệm giáo dục, tuyên truyền cho thân nhân, chống phản động. Vì thế nên rào cản lớn nhất cho bọn phản động chính là thân nhân của họ, rồi mới tới cơ quan an ninh.

Phân tích dài dòng như vậy để mọi người thấy rằng bộ máy nhà nước càng to thì chế độ càng bền vững. dù nó có thối nát cỡ nào vì nó có khả năng ban phát nhiều quyền lợi cho những người nằm trong bộ máy và thân nhân họ.

Ngược lại, bộ máy càng bị thu hẹp lại, càng ít người phụ thuộc nó, thì số phản động sẽ tăng lên. Người ta chỉ có thể lên tiếng khi không còn trong hệ thống. Đó là lý do tại sao quan chức nghỉ hưu thì mới bi bô lộn lề, dù khi đương chức họ cũng biết thừa những cái sai của hệ thống. Ông Chu Hảo hay tướng Lê Mã Lương, bà Chi Lan, ông Đăng Doanh và các “nhân sĩ, trí thức” cấp tiến khác cũng vậy thôi. Dù sao nghỉ hưu mới nói còn hơn không bao giờ nói. Và như vậy họ cũng phải hi sinh quyền lợi của con cháu. Vẫn đáng trân trọng.

Cho dù đã cố thu hẹp lại, nhưng bộ máy nhà nước hiện nay vẫn rất to, so với các nước “tư bản giãy chết”, lý do chính đã nêu bên trên. Bộ máy to, khó thu thuế khiến lương công chức không thể cao, tạo nên cái vòng luẩn quẩn. Ngoài ra, lương thấp cộng với việc buộc phải tham nhũng khi làm công chức, sẽ không thể thu hút được những người vừa có tài, vừa có tâm, có đức vào trong hệ thống. Điều này dẫn đến trình độ công chức yếu kém hơn nhiều so với những người trong khối tư nhân. Hiện nay, công chức trong chính quyền ngu hơn dân là điều rất bình thường, nhưng đó chính là điều bất hạnh nhất đối với bất kỳ quốc gia nào.

Minh chứng là thứ trưởng Lê Hải An mới chết, lần đầu tiên được cả phe phản động nhao nhao ca ngợi. Chính là vì đó là một công chức có tài, có tâm. Họ bây giờ như lá mùa thu.

Ông An vừa ý được cả anh em phản động đến nỗi người ta quên luôn đi một thực tế hiển nhiên là ông ấy có giỏi bằng giời mà không có quan hệ và tiền thì cũng chả lên được thứ trưởng nhanh như thế. Thôi thì nghĩa tử, nghĩa tận, tạm cho qua chuyện đó cũng được!

Với phân tích trên, tiền đồ nước Việt tối như tiền đồ chị Dậu. Vì bị rơi vào vòng lặp của tham nhũng, công chức yếu kém, thất thu thuế, vay nợ nước ngoài, kinh tế chậm tiến…

Vậy còn con đường nào không?

Theo phân tích bên trên thì chỉ có con đường duy nhất, bền vững, là thu hẹp dần bộ máy nhà nước, để có thể giảm chi ngân sách nuôi những thành phần ăn bám. Đầu tiên trong số đó là những hội, đoàn, cánh tay nối dài vô tích sự với nền kinh tế, chỉ có tác dụng tuyên truyền và bảo vệ chế độ. Sau đó đến các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, thậm chí không kém mà bán được giá.

Đồng thời nới rộng quyền tự do ngôn luận, để người dân có tiếng nói phản biện. Các hội đoàn nhà nước chuyển thành xã hội dân sự(1), tự thu chi, thì họ mới có thể phản biện xã hội, phản biện chính sách, giám sát hệ thống.

Cơ chế kiểm soát Giáo dục tại CHXNCN Việt Nam. Nguồn: Kathryn Lattman, 2013

Cải cách giáo dục và xuất bản sách báo, dần xóa bỏ kiểu tuyên truyền, giáo dục ngu dân. Người dân phải nhận thức được đúng, sai thì mới có thể lựa chọn được những lãnh đạo tốt nhất cho hệ thống, mới phát huy được trí tuệ toàn dân.

Trong 10-20 năm tới có thể chưa cần đa đảng, chỉ cần cải cách như trên, để tạo nền tảng dân trí chuẩn bị cho đa đảng.

Nhưng, cũng theo các phân tích nêu trên. Thu hẹp bộ máy tức là tự tạo ra nguy cơ mất chế độ, do số lượng phản động tăng lên. Thế nên có thể nói, Việt Nam có sánh vai được với các cường quốc 5 châu hay không, là do lòng can đảm của các ủy viên Bộ Chính trị, nhờ công học tập (tự diễn biến) của anh em quan lại.

Câu “Còn đảng, còn mình” đã nói lên tất cả.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Dương Quốc Chính, “Nền Kinh tế Thị trường định hướng XHCN và con đường nào cho Việt Nam?” Facebook, 24 tháng 10, 2019. DCVOnline biên tập và minh họa và phụ chú.
(1) Trần Giao Thủy, Xã hội Dân sự và Dân chủ, DCVOnline, October 20, 2019.