Đọc Phát triển và Dân chủ của Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs

Trần Giao Thủy

“Để giết bọn văn nghệ, không gì bằng lùa chúng vào Hội nhà văn Việt nam.
Để giết lũ sinh viên, không gì bằng cấp cho chúng bằng tiến sĩ Việt nam.”

Nguyễn Quốc Chánh, “Ê tao đây! Phỉnh” (1)
Cả hai cùng chuyển động. Nguồn: dhakatribune.com

Khảo luận “Phát triển và Dân chủ” (2) của Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs bắt nguồn từ công trình nghiên cứu của hai ông về trường hợp 150 quốc gia từ năm 1970 đến năm 1999 để hiểu tại sao hiện nay vẫn còn nhiều chế độ độc tài tồn tại cùng lúc với sự phát triển kinh tế. Điều này dường như mâu thuẫn với khái niệm kinh tế tạo ra tầng lớp trung lưu lớn, tác động trực tiếp của khối trung lưu sẽ đưa đến một xã hội dân chủ.

Về hai tác giả – de Mesquita (1946 – ) là một chuyên gia về xung đột quốc tế, chính sách ngoại giao và diễn tiến hoà bình. Ông đang nghiên cứu về các những tương liên giữa các thể chế chính trị, tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị. Downs (1946-2015) dạy chính trị và là Chủ nhiệm khoa Khoa Học Xã Hội tại Đai học New York chú trọng nghiên cứu về hợp tác quốc tế, kinh tế chính trị và các thể chế chính trị.

Khái niệm phát triển kinh tế đưa đến xã hội dân chủ không phải là kết quả trí tuệ của thế kỷ 21. Aristotle khi phân biệt chế độ dân chủ với chính trị đầu sỏ hay chính thể chuyên chế đã cho tầng lớp trung lưu lớn là tập thể thúc đẩy xã hội tiến đến dân chủ. Khi kinh tế phát triển thì khoảng cách mức thu nhập giàu nghèo không còn quá xa, đấu tranh giai cấp để giải quyết vấn đề phân bố thu nhập không còn là giải pháp thích hợp nữa. Nửa thế kỷ qua, rất nhiều nhà khảo cứu, khoa học xã hội đã xác định tương quan của phát triển kinh tế và dân chủ, Seymour Martin Lipset (3) là một học giả trong số đó. Lipset bắt đầu nhìn vấn đề dân chủ và các yếu tố tương liên từ năm 1959, và trở lại với chủ đề này vào năm 1993-4. Gần 50 năm nghiên cứu về chính trị xã hội, Lipset đồng nghĩa với uyên bác về dân chủ – điều kiện để có dân chủ, thử thách và viễn cảnh. Ông đã đại chúng hoá, đưa vào quần chúng khái niệm phát triển kinh tế tất yếu sẽ gầy dựng được tầng lớp trung lưu tầm cỡ, có kiến thức – tập thể này sẽ bồi dưỡng, cổ vũ cho tiến trình dân chủ hoá xã hội.

Nhập đề bằng một khẳng định ngược với kiến thức thông thường “Giàu lên nhưng chẳng tự do hơn” để mô tả các quốc gia đang sống với một thể chế chính trị độc tài, hai tác giả đưa những thí dụ tiêu biểu và dễ thấy nhất qua hình ảnh 25 phát triển đến phát sốt, Trung Quốc vẫn dậm chân ở vũng bùn chuyên chế như ¼ thế kỷ trước. Đã hai mươi năm từ giai đoạn mới Mở cửa (Glasnost, гла́сность, 1985), rồi Đổi mới (perestroika, Перестро́йка), và Dân chủ hoá (demokratizatsiya, Демократизация) vào năm1987, và cuối cùng giải thể cả liên bang Sô Viết và đảng cộng sản cùng khủng hoảng kinh tế theo sau ở đầu thập niên 1990s, hiện nay dù kinh tế Nga đã và đang phát triển, quyền lực vẫn nằm gọn ở điện Cẩm Linh (Kremlin).

Tác giả cho rằng lý do tại sao khoảng cách từ lúc kinh tế phát triển đến lúc dân chủ thành hình lại quá xa vì các chính thể chuyên chế ngày nay đang độc tài một cách tinh vi. Họ khôn khéo dùng kết quả của tăng trưởng làm công cụ củng cố chế độ. Đến đây tác giả cũng nhắc khéo các cơ quan phát triển thế giới và chính phủ Bush nên xem lại chính sách cho vay, viện trợ cùng phương án truyền bá dân chủ toàn cầu thay vì cứ chờ ông phát triển kinh tế đem nàng dân chủ đến cho các quốc gia đang phát triển.

Làm thế nào các chế độ độc tài ngày nay thoát khỏi cãi bẫy xập phát triển kinh tế để tiếp tục nắm giữ quyền lực cho chế độ? Tuy đồng ý với Lipset về diễn trình phát triển đến dân chủ, hai tác giả chỉ rõ lầm lẫn của các chính phủ dân chủ phương Tây về khoảng thời gian từ phát triển đến dân chủ không ngắn như họ tưởng và cổ vũ: “đổi mới chính trị vẫn bám sát, chỉ cách một khoảng ngắn, sự phát triển kinh tế, và các chế độ độc tài khó có thể làm gì khác để ngăn chận dân chủ”. Đây có thể cũng là một thể loại các nhà “dân chủ sốt ruột” (4) khác.

Vẫn gườm cái bẫy tăng trưởng kinh tế, nhưng các chế độ độc tài ngày nay đã biết dùng nó như một công cụ củng cố chế độ. Họ dùng tài nguyên gia tăng từ nền kinh tế phát triển để đối phó với những vấn đề khác nhau (những cú sốc vì kinh tế, chính trị hay thiên tai). Tại Việt Nam, cách phát triển thu nhập tài nguyên chưa tinh vi qua hệ thống thuế (thương mại và lợi tức) nhưng nhà nước Việt Nam gần như tham nhũng hối lộ có bài bản chẳng thua ai như Transparency International vừa báo cáo (5).

Sự phát triển kinh tế vừa là công cụ vừa là bẫy xập của các chế độ độc tài đồng thời cũng là con dao hai lưỡi đối với tiến trình dân chủ. Trong ngắn hạn, kinh tế tăng trưởng có chiều hướng làm người dân hài lòng hơn với chính quyền vì tại các thành phố lớn – nơi cư ngụ của tầng lớp trung lưu đang thành hình, người dân đã được ăn cơm thay vì phải ăn bo bo độn khoai, có xe máy chạy vù vù thay xe đạp cọc cạch, có quần áo thời trang thay cho những bộ khaki cán bộ, vi-la và nhà cao tầng thay cho những gác xép ẩm thấp xiêu vẹo, v.v.. Từ một cái lồng nhỏ bé ngày xưa, vì kinh tế phát triển, chế độ đưa dân chúng đô thị sang một cái lồng lớn hơn khiến họ tưởng rằng đã có tự do dân chủ. Hội chứng cá chậu (lớn hơn), chim lồng (rộng hơn) khiến dân chúng bận rộn nhiều hơn với sinh nhai, đời sống vật chất, và như thế khả năng họ ủng hộ việc thay đổi chế độ giảm sút rất nhiều.

Bài khảo luận của de Mesquita và Downs đã phân tích toa thuốc các chế độ chuyên chế hiện đang dùng để đề kháng và trì hoãn dân chủ. Dùng khái niệm “phối hợp chiến lược” tác giả cho rằng các nhà nước độc tài đã tập tành khá thuần thục và khéo léo giới hạn, thắt chặt một số quyền dân sự cần thiết cho việc phối hợp chính trị trong tầng lớp trung lưu để tạo thành khối đối lập nhưng không mang tính chủ yếu trong việc phát triển kinh tế. Tác giả gọi đó là những quyền kết hợp.

Bằng những thí dụ cận đại về việc các chính thể chuyên chế đàn áp, bóp nghẹt dân chủ bằng cách giới hạn các quyền kết hợp như tại Trung Quốc (cảnh sát mạng kiểm soát internet, áp lực với cả Microsoft để chận nhóm chữ “tự do” và “dân chủ”), tại Nga (kiểm duyệt tất cả đài truyền hình), tại Venezuela (kiểm duyệt thông tin gắt gao), và Việt Nam (ngoài những bắt chước từ mô hình TQ, kiểm soát gắt gao các tôn giáo độc lập, quy chụp giới lãnh đạo tôn giáo là bọn phản động) dẫn chứng mức độ độc tài tinh vi của chế độ.

Nhà nước CHXHCNVN hơn cả Nga, kiểm soát toàn bộ hệ thống truyền thông – hơn 600 tờ báo, kể cả báo điện tử, đài truyền thanh, truyền hình.. Và cũng như Trung Quốc, CSVN kiểm soát chặt chẽ mạng internet. Thế giới dân chủ hẳn chưa ai quên các ông Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn đều đang bị giam tù chỉ vì những bài viết, những điện thư nói về dân chủ gởi trên mạng Internet. Những người khác bị đuổi việc, bị truy bức, bị hạn chế tối đa các quyền kết hợp với thân hữu khắp nơi (bi tịch thu máy điện toán, không còn khả năng nối mạng dễ dàng, v.v..)

Cùng lúc ông Hoàng Minh Chính được “phép” đi chữa bệnh tại Hoa Kỳ, ông Trần Khuê lại không được cấp chiếu khán xuất ngoại, nhà nước độc tài Việt nam đã uyển chuyển, nhịp nhàng giới hạn quyền đi lại (trong cũng như ngoài nước) của các người bất đồng chính kiến như trường hợp ông Khuê gần đây hay các đại diện tôn giáo trước đó. Quyền tự do tụ họp, lập hội hay tổ chức biểu tình ôn hòa tại Việt Nam ngày nay vẫn chỉ là điều nằm trong trí tưởng tượng của người dân. Tất cả mọi cuộc tụ họp, biểu tình đền bị nhà nước CSVN đàn áp nhanh chóng, và nếu cần họ dùng đến cả vũ lực như đã xẩy ra dịp lễ Phục Sinh năm 2004 tại cao nguyên miền Trung.

Đường vào đại học tại Việt Nam và kết quả giáo dục đại học và sau đại học hiện nay không còn là vấn đề tranh cãi; Cuộc hội thảo, 30-31/3/2004, về giáo dục đại học (GDĐH) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội tập trung hầu hết các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước với hơn 200 báo cáo khoa học và ý kiến đóng góp, đi đến kết luận sau cùng là “Giáo dục đại học Việt Nam: Tụt hậu quá xa so với thế giới” (6) . Cũng ở hội thảo này ông Nguyễn Văn Ân, cố vấn trưởng Công ty IBMI đưa 3 nhận xét tổng quát và cũng là cách nhìn khá phổ biến về giáo dục ĐH hiện nay: “Chất lượng và hiệu quả đào tạo kém, thiếu liên tục, tuyển sinh bất cập và tốn kém, chưa đạt được tiêu chuẩn hội nhập quốc tế” (7). Trong bài “Giáo dục đại học Việt Nam ngày càng xa chuẩn quốc tế!” (8) trên báo điện tử Người Lao Động ngày 17-05-2005, ông Đỗ Trần Cát, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước nhận định, “Càng đổi mới, càng thụt lùi.”

Bốn loại quyền kết hợp có tác động chính yếu đến khả năng tổ chức và hoạt động đối lập là quyền chính trị, nhân quyền (một cách tổng quát), tự do báo chí, và đường vào đại học. Những sự kiện nêu trên chứng tỏ nhà nước độc tài tại Việt Nam đã thành công khá lớn trong việc trực tiếp hay gián tiếp giới hạn cả bốn quyền kết hợp vừa kể.

Như thế chế độ độc tài tại Việt Nam có thể trì hoãn dân chủ bao lâu nữa hay có thể phát triển kinh tế đến đâu? Hãy thử nhìn qua vài chỉ số của các thành phần kinh tế Viêt Nam – một quốc gia có đa số lao động là nông dân, nền kinh tế đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ – trong năm 2004: canh nông và lâm sản chiếm 21.8% GDP, công nghệ và xây dựng khoảng 40.1% GDP, dịch vụ, 38.1%.

Định hướng phát triển kinh tế Việt Nam hẳn không ra ngoài con đường tăng trưởng hai khu vực kỹ nghệ và dịch vụ. Tuy nhiên, một nền kinh tế tiên tiến ở thế kỷ 21 không chỉ thuần tuý phát triển những dịch vụ phần lớn thuộc loại dịch vụ cá nhân như Việt Nam hiện có như buôn bán lẻ, sửa xe, khách sạn, nhà hàng, v.v..

Robert B. Reich, chuyên gia về chính sách xã hội và kinh tế, cựu Bộ trưởng Lao động Hoa Kỳ thời Clinton, trong tác phẩm “Việc làm của Quốc gia” (9), đã phân định rõ rệt ngoài dịch vụ sản xuất công nghiệp, còn hai loại dịch vụ khác:

  1. Tư nhân phục vụ: y-tá, công nhân bán lẻ, bảo quản công thự, kỹ nghệ chiêu đãi (du lịch, khách sạn, nhà hàng,…)
  2. Những dịch vụ có tính phối hợp chiến lược cần một số khả năng chuyên nghiệp cao hơn: khoa học gia, luật sư, bác sĩ, chuyên viên điện toán, tài chánh, kịch tác gia, kỹ sư, v.v..

Loại dịch vụ thứ nhì ắt là một thành tố quan trọng và cần thiết của nền kinh tế phát triển bền vững. Để phát triển thành phần kinh tế quan trọng này thì bốn loại quyền kết hợp đã nêu trên phải được tôn trọng triệt để. Không một nền kinh tế phát triển nào có thể có một tầng lớp chuyên viên giải quyết những vấn đề phức tạp mà không dùng đến các quyền kết hợp ấy trong công việc thường ngày.

Do đó, chế độ độc tài Việt Nam hiện nay dù có tinh vi đàn áp để trì hoãn dân chủ một thời gian nhưng cùng lúc họ cũng chỉ có thể phát triển kinh tế thị trường nửa đường, nửa đoạn, một nền kinh tế thị trường hạng hai – đây có thể là là kết quả của bước đột phá về tư duy lý luận của đảng cộng sản Việt Nam mà ông Nguyễn Phú Trọng (10) gọi đó là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Bruce Bueno de Mesquita: Năm quy tắc của chính trị quyền lực. Nguồn: Big Think/YouTube

Trở lại với khảo luận của de Mesquita và Downs, tác giả công bố bốn khám phá mới từ nghiên cứu về tương liên giữa phát triển và dân chủ ở 150 quốc gia từ năm 1970 đến năm 1999:

  1. Bóp nghẽn quyền kết hợp là một chiến lược sinh tồn có hiệu quả cao của các chế độ độc tài;
  2. Chính thể chuyên chế thủy chung và kiên định giới hạn các quyền kết hợp hơn tất cả mọi quyền dân sự khác;
  3. Mực đàn áp quyền kết hợp càng nhiều thì khoảng cách từ thời phát triển kinh tế đến khi dân chủ xuất hiện càng lớn;
  4. Nếu giữ được kinh tế phồn thịnh và vẫn đàn áp quyền kết hợp thì khả năng trường tồn của chế độ gia tăng và viễn cảnh dân chủ lại giảm (ít nhất từ năm đến mười năm).

Những điểm kể trên, đặc biệt là khám phá thứ 4, có thể giải thích cho việc tại sao giới lập chính sách trong chính phủ Bush và các quốc gia dân chủ giầu mạnh khác – đang thất vọng với nhịp thay đổi quá chậm tại các quốc gia đang phát triển. Hai ông de Mesquita và Downs tặng họ ba bài học:

  1. Các quốc gia dân chủ giàu mạnh cần ý thức rằng cổ xúy phát triển kinh tế tại các quốc gia đang phát triển không phải là một phương kế bồi dưỡng dân chủ có hiệu quả như đã tưởng.
  2. Mở rộng điều kiện cho vay hay viện trợ phát triển gồm cả những bảo đảm quyền kết hợp cho công dân, như những quyền tự do dân sự cơ bản, nhân quyền, tự do báo chí.
  3. Bài học Trung Đông – hãy đo lường tiến bộ dân chủ trong vùng bằng mực độ sẵn có của các quyền kết hợp ở đấy; thí dụ, giới truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ đến cỡ nào, hay an toàn tổ chức biểu tình chống chính phủ khó ra sao.
Nỗ lực dân chủ hóa Đảng Cộng sản Trung Hoa một lần nữa đã thất bại. Nguồn: The Economist

Bài khảo luận với những phê bình về phát triển và dân chủ của de Mesquita và Downs là một đóng góp tốt cho tập thể người Việt trong và ngoài nước đang vận động và đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ (và cả những tổ chức hay cá nhân đang làm công tác từ thiện, xã hội hay khoa học, giáo dục, chuyển giao kỹ thuật) – một số dữ kiện mới, một số lý luận mới, một số chỉ dấu khá rõ ràng và dễ hiểu ngõ hầu giúp cho việc thiết kế và áp dụng những phương án tối ưu và thích hợp nhất nhằm rút ngắn khoảng cách giữa tăng trưởng kinh tế và tiến trình dân chủ hoá tại Việt Nam.

Tháng 10, 2005

© 2005-2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Đăng lần đầu trên DCVOnline 31/10/2005

Ghi chú:

(1) Nguyễn Quốc Chánh, “Ê, tao đây – Phỉnh”, Đàn Chim Việt Online, 28 tháng 10, 2005, http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=726

(2) Bruce Bueno de Mesquita & George W. Downs, Development and Democracy, Foreign Affaires – September/October 2005 – Volume 84 No. 5 , 77-86 (Published by the Council on Foreign Relations) https://www.foreignaffairs.com/articles/2005-09-01/development-and-democracy

(3) Seymour Martin Lipset hiện nghiên cứu chính trị xã hội tại Hoover Institution, và là giáo sư tại đại học George Mason. Trước đó ông là giáo sư chính trị, xã hội tại đại học Stanford (1975-1990) và cũng đã giảng dạy tại đại học Harvard. Một số tác phẩm mới nhất của Lipset là American Exceptionalism: A Double-Edged Sword (W.W. Norton, 1996) and Continental Divide: The Values and Institutions of the United States and Canada (Routledge, 1990).

(4) Vũ Thư Hiên, Thảo luận về HMDC2005 – Diễn Đàn Paltalk

(5) http://www.transparency.org/cpi/2005/dnld/ (cpi2005.highlights_asia_pacific.pdf)

(6) Võ Thơ, Giáo dục đại học Việt Nam: Tụt hậu quá xa so với thế giới http://diendan.edu.net.vn/ShowPost.aspx?PostID=4457

(7) Hạ Anh, Giáo dục ĐH Việt Nam: Thay “chặn lũ” bằng “phân lũ”, http://www.vnn.vn/giaoduc/vande/2004/03/57109/

(8) H.L. Anh – D. Hằng, Giáo dục đại học Việt Nam ngày càng xa chuẩn quốc tế! http://www.nld.com.vn/tintuc/giao-duc/118329.asp

(9) The Work of Nations: Preparing Ourselves for 21st-Century Capitalism. Alfred A. Knopf, 1991

(10) Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Thường trực Tiểu Ban Văn kiện Đại hội X