Tham vọng toàn cầu hóa của nước Tầu và tương lai thế giới (p1)

Nguyễn Văn Lục

Người viết thú nhận đã bắt đầu viết về nước Tầu trong nỗi sợ. Cách làm ăn và sự phát triển kinh tế của họ thay vì gây tin tưởng thì gây lo ngại. Đúng như dự đoán của Alain Peyrefitte từ năm 1973.

Rõ ràng có tâm lý trái ngược, khi nước Mỹ giầu nhiều nước chia sẻ niềm vui và tin tưởng. Khi Tầu khởi lên giầu có, nhiều nước từ láng giềng đến Âu Châu, Mỹ Châu và cả Phi Châu bắt đầu dấy lên những lo ngại. Làn sóng lo sợ ấy như một dịch truyền nhiễm. Nỗi lo ấy có tác động làm cho các nước phòng hờ co cụm lại và cảnh giác.

 Năm 2009, trong lễ nhậm chức, Obama tuyên bố:

“… our power grows through its prudent use; our security emanates from the justness of our cause, the force of our example, the tempering qualities of humility and restraint.”

Năm 2009, Ngoại trưởng Clinton cũng tuyên bố:

“…We must use what has been called ‘smart power’, the full range of tools at our disposal…”

Liệu lời tuyên bố của TT Mỹ Obama và Ngoại trưởng Clinton có còn là một phương châm hành động cho thế giới trước sự giầu mạnh của Tầu không hay chỉ bày tỏ một lý tưởng không tưởng trước một Trung Quốc đang trỗi dậy?

Phần nước Tầu, mặc dầu vẫn bày tỏ sự hòa hoãn với thế giới như trong Olympic Games 2007. Nhưng hành động của họ như vẽ đường 9 đoạn trên biển Đông, vẽ lại con đường tơ lụa cũng như xông xáo có mặt khắp nơi làm thế giới không tin vào họ nữa.

Đó là cái bất lợi lớn nhất của Trung Quốc. Và còn xa họ mới bắt kịp Hoa Kỳ và Tây Phương về quyền lực mềm.  Hơn thế nữa 2/3 người giầu Trung Quốc cũng lo ngại cho chính tương lai của họ nên tìm có thẻ xanh ở nước Mỹ, hoặc thẻ thường trú nhân ở Canada, v.v..

Bàn về cái tâm lý sợ Tầu thì người Á Châu hiểu rõ hơn người Tây Phương. Cách so sánh đơn giản nhất là người Tầu là một Do Thái Á Châu! Phải chăng đó chỉ là thành kiến của người đời hay có chút sự thật?

Nó cho thấy tâm lý sợ Tầu về đủ mọi loại sức mạnh: sức mạnh về dân số tại Trung Quốc với 1 tỉ 300 triệu người. Rồi sức mạnh lãnh thổ, sức mạnh tiền bạc, sức mạnh tài nguyên, sức mạnh người tài, sức mạnh tồn tại qua lịch sử, sức mạnh mưu kế, khôn ngoan lẫn xảo quyệt, lừa đảo, sức mạnh “quản lý” con người.

Trong đó sức mạnh đông dân là đáng sợ hơn cả. Một thứ “lấy thịt đè người”.  Họ nhung đông như kiến, như bầy ong vỡ tổ. So sánh với bầy ong vỡ tổ xem ra thích hợp nhất, vì vừa đông, vừa ồn ào.

Đi đâu cũng thấy khu phố Tầu họp chợ. Chỗ nào có Tầu, chỗ đó có chợ ồn ào. Ăn uống như thể đói ăn. Trong tương lai thế kỷ 21 hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ ở vị trí hàng đầu về GDP? Nói chuyện kinh tế một nước là nói chuyện GDP.

GDP và dân số của Trung Quốc và Ấn Độ. Nguồn World Bank

Trung Quốc còn vượt Ấn Độ là ở đâu cũng có Tầu! Sức mạnh di dân Tầu trên thế giới khoảng trên dưới 50 triệu người, đa số họ ở châu Á (Xem: Overseas Chinese). Trong đó số Hoa kiều ở Việt Nam là  823,071 người (Xem: General Statistics Office of Vietnam. “Kết quả toàn bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009–Phần I: Biểu Tổng hợp”). Tuy vậy mà dân miền Trung các vùng Đà Nẵng, Nha Trang đã nhốn nháo cả lên về sự đông đảo của người Tầu.

Mỹ có 5,025,817 Hoa kiều (“Asian Alone Or In Any Combination By Selected Groups: 2016”. U.S. Census Bureau. Retrieved 15 October 2016.) Rồi Canada chỉ với hơn 37 triệu dân cũng có 1,769,195 Hoa Kiều (Ethnic origins, 2011 counts, for Canada, provinces and territories – 20% sample data). Ở đâu có giá nhà lên cao là đổ cho Hoa Kiều xâm nhập; ví dụ như ở Toronto, Vancouver.

Bất cứ nơi đất nước giầu sang như Mỹ hay nơi khỉ ho cò gáy tận Angola, Ecuador, Kazakhstan, Iran, v.v. tưởng không có người Trung Quốc, nhưng đâu cũng có, dù là rừng sâu, dù núi non hiểm trở, dù là sa mạc, đều có người Tầu làm ăn.

Đọc vớ vẩn Tam Quốc Chí cũng đâm sợ từ Tào Tháo đến Khổng Minh.

Thêm vào đó là sợ sức mạnh tàn bạo.

 Như đã nói ở trên, Mỹ mạnh, người ta không có cảm giác sợ. Nhưng Tầu mà mạnh thì tương lai thế giới không biết đi về đâu? Nhất là Việt Nam,

Đã có hàng triệu người chết vì đói, vì bệnh tật dưới các triều vua. Hàng chục vạn người chết dưới tay Tào Tháo. Hàng triệu người chết vì các đợt chính sách của Mao trạch Đông như cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Và cũng đã có hàng triệu người chết vì các cuộc chiến tranh. Mạng người Tầu đã chẳng khác gì như cỏ rác thì mạng người nước khác họ coi ra gì?

Nghĩ đến khối dân Tầu mà sợ cho dân mình.     

Trong chính sách kinh tế toàn cầu hóa từ năm 1980, cũng vài trăm triệu nông dân Tầu đã là vật hy sinh, bị bỏ đói, bị mất nhà mất cửa như trường hợp xây đập Tam Hiệp.

Đâp Tam Hiệp. Nguồn: http://primaryfacts.com

[Công trình xây đạp Tam Hiệp đã nhận chìm hơn một ngàn thị trấn và làng mạc, do đó phải tái định cư khoảng 1,3 triệu người (hay nhiều hơn). – Brian Handwerk, “China’s Three Gorges Dam, by the Numbers”, NatGeo, June 9, 2006]

Cái đập ấy cho thấy sự hùng mạnh khủng khiếp đáng nể của con người trước thiên nhiên, nhưng đồng thời nơi đó sự tàn bạo cũng không bút nào tả hết được! Cái Vạn lý trường thành hùng vĩ với bao sức người, sức của, nhưng đã có hàng triệu người phải bỏ làng mạc, ruộng vườn tản cư đi nơi khác?

Nhưng trong những nỗi lo sợ ấy, có nỗi sợ canh cánh bên lòng, nỗi sợ từ thời tiền thân thời Việt Nam Cộng hòa, nỗi sợ lúc bấy giờ chưa rõ tên, chưa có cơ hôi đọc sách đầy đủ như bây giờ. Nỗi sợ tiền thân của nước Tầu như một con hổ đói tham lam vơ vét của “đoàn quân Tầu ô đi/Sao mà ốm đói! (nhại lời theo nhạc của bài Tiến quân ca).

Tỉ lệ đói nghèo ở Việt Nam 2013

Cái mặc cảm Việt Nam bị Tầu áp đảo, chèn ép đã nằm trong cõi tiềm thức từ lâu trong những bài học lịch sử. Tôi cố nặn óc, đọc, suy nghĩ nhận ra cái yếu, cái mạnh của nền kinh tế ấy để cố trấn an chính mình, hy vọng điều đó không xảy ra trong tương lai..

Và cuối cùng nỗi lo sợ ấy lại trở thành một thực tế đau lòng khi quay về với đất nước mình: Nền kinh tế của Việt Nam với bề ngoài hiện nay có bề ngoài khá sáng sủa với xa lộ, với xe điện ngầm, bãi biển, khu du lịch, khu nghỉ mát, nhà cao tầng, đời sống dân chúng cao, sung túc, dư ăn, dư mặc, tiện nghi nhà cửa. Vậy mà trong tôi vẫn có một nỗi bất an thường trực

Nói cho cùng, Việt Nam chỉ là bản sao của Tầu. Tầu hay 10 thì Việt Nam theo đuôi chỉ được một hai. Tầu xấu 10, Việt Nam xấu một nửa. Việt Nam chỉ là bản sao của nền kinh tế Trung Quốc nên có có tất cả những hệ lụy, điểm mạnh và điểm yếu của nó.

Tìm hiểu nền kinh tế Trung Quốc là gián tiếp chỉ ra một bài học cho Việt Nam.

Nước Tầu là tư bản hay cộng sản?

Một trong số những nhận xét đầu tiên về nước Tầu là càng ngày họ là nước có nền kinh tế  tư bản hơn là cộng sản. Tư bản theo nghĩa làm giầu -phi thương bất phú- vốn là căn tính của người Tầu.  Cho nên, ý thức hệ cộng sản không có lý do để tồn tại ở Tầu, trước sau nó cũng phải đội nón ra đi.

 Cả cuộc đời hoạt động, tranh đấu, họ Mao chỉ mong vô sản hóa toàn dân. Tư hữu bị xoá bỏ năm 1954. Trước đổi mới, tư hữu của người dân Tầu là chiếc xe đạp, một vài vật dụng thường ngày và chiếc áo cán bộ làm nên tài sản tư hữu của người dân.

Cục diện nước Tầu thay đổi khi sức khỏe của Mao bắt đầu suy yếu. Việc khai trừ  Lâm Bưu khiến không có người kế thừa. Cuộc khủng hoảng kế thừa xẩy ra giữa Châu Ân Lai vad Đặng Tiêu Bình. Mao Trạch Đông tạo mâu thuẫn giữa đôi bên để không bên nào đủ mạnh. Kẻ đứng giữa hai địch thủ lúc bấy giờ là Hoa Quốc Phong trở thành kẻ kế thừa đương nhiên. Nhưng đến khi chính họ Chu bệnh tật và chết trước cả Mao thì con đường mở ra cho tương lai không còn ai khác hơn là họ Đặng.

Thời cơ đến kể từ cuối năm 1974-1976

Phải đợi đến sau 1980, sau khi dạy cho Việt Nam một bài học, bắt tay với Mỹ, Đặng Tiểu Bình nắm giữ chặt quyền lực chính trị, nhưng thả lỏng kinh tế. Ông tung ra khẩu hiệu: Hãy trở nên giầu có và vinh hưởng. Hãy để cho một số người có khả năng làm giầu vượt trên người khác.

Jean- Francois Huchet đã dành hai ba bài báo viết về những Les nouveaus riches (Những nhà giầu mới) để ca tụng lớp người này ở Trung Quốc. Như họ sống trong các khu vực sang trọng dành riêng cho họ. Có sân Golf riêng, bể bơi, những văn phòng làm việc thoáng, rộng rãi, bài trí rất mới tiện nghi, những chiếc xe hơi đắt tiền trong lối vào biệt thự như cung điện. Con cái họ luôn luôn có người cảnh vệ canh gác ngày đêm phòng ngừa bị bắt cóc.  Cái vấn đề giầu sang hình như là độc quyền riêng của họ.

Nhưng nguồn gốc làm giầu của họ có điều bất chính. Họ lại có xu hướng cố tình phơi bày sự giầu có và sang trọng của họ như thể cho mọi người thấy họ là những thành phần gần gũi và có quan hệ cấp cao với lãnh đạo, thuộc thành phần ưu tú được gọi là “Bureaucratie céleste” tạm dịch là chế độ quan liêu tuyệt vời. (GEO, La Chine du IIIe millénaire, số 327, tháng 5-2006. Xem các bài viết của Jean-Francois Huchet: Les nouveaux riches, trang133-143.)

Ở Việt Nam họ được gọi một cách giản dị hơn: Đó là bọn tư bản đỏ. Chế độ đã để lộ liễu tất cả thói quen hiếp đáp, chà đạp, cướp bóc đất đai của nông dân mà không cần biết phải trái, luật lệ là gì. Họ thường khởi đầu sự làm giầu bằng hai nguồn: đất đai và quyền thế.

Người viết tin rằng ngọn đuốc bùng cháy vì đất đai sẽ còn cháy sáng.

Việc đền bù nếu có đều không thỏa đáng. Bộ trưởng bộ đất đai và tài nguyên của Tầu nhìn nhận: từ năm 1999- 2002, hơn 1.500.000 triệu nông dân là nạn nhân của các vụ chiếm đất bất hợp pháp.

Phải là nông dân, phải là những người có mảnh đất từ đời xưa do cha ông họ để lại, phải là những giáo hội, mất nhà thờ, mất chùa mới thấm thía hết nỗi đau này. Nạn chiếm ruộng đất khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh không nhà không cửa xảy ra khắp nơi trên đất nước Tầu. Cảnh ấy cũng bày ra đầy rẫy ở Việt Nam. Dân chúng thôn quê tin rằng chính quyền ở Bắc Kinh còn nghe lời cầu cứu của họ. Phần lớn, chính phủ làm như đui mù không đếm xỉa đến quyền lợi sống còn của người dân. Cùng lắm, chính quyền tìm cách xoa dịu chẳng khác gì như những người lính cứu hỏa đến dập tắt ngọn lửa, kỷ luật một vài lãnh đạo địa phương để xoa dịu.

Rồi chuyện đâu vẫn còn đó. Giống như đất đai ở Thủ Thiêm và ở tất cả nơi nào có đất. Có đất là có tiền, là có tất cả. Họ chỉ cần làm thế nào để cho những sự chống đối không trở thành những phong trào có tổ chức có nguy cơ lật đổ chính quyền.

Phần người viết cũng đang chờ đợi để đọc cuốn sách của LM Nguyễn Ngọc Nam Phong tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế thuộc Cộng đoàn Hà Nội Thái Hà viết kể lại tất cả: “Mười năm Thái Hà- Tòa Khâm sứ”.

Sự giầu có của họ bắt đầu từ đất đai và sự phẫn uất của nông dân cũng từ nơi đây. Lạy trời có một ngày- một ngày không xa, họ phải trả cái giá này!

Con cái những đại gia này cũng chẳng biết gì “quá khứ trong rừng” của bố mẹ chúng. Có biết họ cũng cố tình quên cái quá khứ chẳng ra gì ấy. Khoe giầu là cái mốt hiện đại tìm thấy ở bên Tầu cũng như Việt Nam.

Tư tưởng của Đăng Tiểu Bình còn được diễn tả đầy đủ mà tác giả Martin Jacques dành hẳn một chương: The age of China. (Thời đại của nước Tầu). Sau cái chết của họ Mao năm 1976, không ai có thể tiên đóan được nước Tầu sẽ ra sao?

Nhưng họ Đặng đã có cái nhìn viễn kiến tin rằng phải có một tư duy mới. Ông tuyên bố vào năm 1978:

“To make revolution and build socialism we need large numbers of pathbreakers who dare to think, explore new ways and generate new ideas.”

(Emancipate the mind, seek truth from facts and unite as one in looking to the future, From Selected Works of Deng Xiaoping, Volume II <1975-1982>)

Trong câu trích dẫn trên của họ Đặng, ông còn nhắc tới việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng vốn là con người có đầu óc thực tiễn và không lệ thuộc vào lý thuyết khi nền kinh tế càng phát triển thì nhóm chữ “Chủ nghã xã hội” càng mờ nhạt đi. Chữ nghĩa ấy chỉ còn là vết sơn phết bên ngoài còn giữ lại mà từ kẻ nói đến người nghe đều không tin là có thật.

 Nhưng trên thực tế, đó vẫn là một nước tư bản có mô hình kiểu Trung Hoa.

Mặc dầu vậy, khó có thể nói phát triển kinh tế mà không vay mượn, học hỏi người ngoài. Những ông thầy vỡ lòng cho nước Tầu – qua Đặng Tiểu Bình – từ Nhật, từ các con rồng Á Châu như Đại Hàn, Đài Loan, Singapore.

Họ Đặng chỉ cần mở mắt học sự phát triển từ những nơi đó.

Điều này thật rõ rệt với một bằng chứng. Tỉnh Quảng Đông, vốn giáp giới với Hồng Kong, gần gũi với Đài Loan và chịu ảnh hưởng những cải cách từ nước này. Nó là một mô hình đầu tiên về sự phát triển. Sau này ai đó đặt nước Tầu biểu tượng cho một mô hình mới về sự phát triển qua bốn con rồng Á Châu cách đây 30 chục năm. Đó là Nam Hàn, Hồng Kông, nay đã sát nhập vào nước Tầu, Singapore và Đài Loan.

Nhưng xem ra 4 con rồng ấy nay cũng ít còn được các tác giả nhắc tới. Nhưng khách quan mà nói làm sao có thể có bốn rồng một lúc? Bốn rồng kia có cộng lại về dân số bị Tầu thổi một cái cũng biến mất!

Vào năm 1993, Quảng Đông còn nửa phát triển, nửa tụt hậu. Những con đường trong thành phố còn bụi bậm, lầy lội khi mưa. Xe cộ thì đủ loại. Cả xe hơi, xe kéo, hoăc do súc vật, xe thồ, xe cải tiến, xe đạp của nông dân cùng chạy ngổn ngang trên đường phố.

Vậy mà chỉ cần hai năm sau, nhiều cao ốc đang được xây dựng dở dang, đường phố với xa lộ phẳng phiu nối đuôi nhau là các xe hơi đủ loại.

Giầu lên thì phải có triệu phú. Triệu phú đầu tiên xuất hiện của Trung Hoa là vào năm 1992. 12 năm sau, con số lên đến 300.000 ngàn triệu phú. Sao lại có tốc độ làm giầu nhanh đến như thế? Đến năm 2016 con số triệu phú người Hoa lên hơn 1,6 triệu người nhưng 1/3 số triệu phú đó muốn ròi khỏi Hoa Lục.

Hiện nay ở Trung Quốc có hai loại giới trẻ giầu có.

Loại thứ nhất là con cái các lãnh tụ chính trị cao cấp, tài sản xây dựng dựa vào quyền lực chính trị của bố mẹ. Tiêu biểu nhất là con của Vinh Nghị Nhân (Rong Yiren), Phó Chủ tịch nước thời 1993-1998 đi vào lãnh vực thương mại. Larry Yung Chi-kin hay Rong Zhijian (Vinh Trí Kiện) đứng đầu CITIC Pacific và thú giải trí là nuôi ngựa đua. Lý Tiểu Bằng (Li Xiaopeng) con của Li Peng (Lý Bằng), thủ tướng chính phủ từ 1987- 2003 trở thành Bộ Trưởng bộ  Giao thông (2016). Con gái Lý Bằng, Lý Tiểu Lâm từng là Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Điện lực Trung Quốc và hiện chỉ còn là Phó Chủ tịch Tập đoàn Đại Đường Trung Quốc. Con trai của Jiang Zemin (Giang Trạch Dân), Jiang Mianheng (Giang Miên Hằng), Phó Chủ tịch Học viện Khoa học Trung Quốc, Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Kỹ thuật Thượng Hải.

Do tham nhũng tiêu phí ngân quỹ quốc gia trị giá từ 3 đến 5% GDP, tương đương 70 tỉ Euro năm 2003.

Loại thứ hai là loại tự lập, xuất thân gia cảnh tầm thường nhưng nhờ quyết tâm và chịu khó cũng đã làm nên chuyện như Liu Yonghao (Lưu Vĩnh Hảo) vào năm 1980 cùng với ba em đã xây dựng thành công hãng New Hope trong ngành thực phẩm. Tài sản được định giá là 1 ti 300 triệu. Tất cả những thành phần đi sát với chế độ được gọi chung là “Bureaucratie céleste”, chữ dùng của nhà báo Jean Francois Huchet như đã nói trên. (Jean-Francois Huchet, Ibid, trang 142)

Hiện tượng “thái tử đỏ” nêu trên cũng rập khuôn lại ở Việt Nam như trường hợp con cái của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và con cái các Bí thư tỉnh ủy vậy.

Lạy trời có một ngày, một ngày không xa, họ phải trả cái giá này! Việt Nam rồi cũng sẽ không tránh khỏi ngày tàn của chế độ cộng sản. Sẽ có một ngày. Vâng sẽ có một ngày. Tôi thường lẩm nhẩm câu thơ của anh Nguyễn Chí Thiện,

“Sẽ có một ngày con người hôm nay / Vất súng, vất cùm, vất cờ,vất Đảng…”

Nguyễn Chí Thiện, Sẽ có một ngày.

Và đối với tôi, “Sẽ có một ngày” là bài thơ hay nhất của anh, một giấc mơ cho tất cả chúng ta. Tôi tin như thế. Tin chắc như vậy. Nên dù nước Tầu sau này có thể đứng đầu thế giới. Nhưng. Nhưng nó không thể có lý do tồn tại lâu được!

 Đế Quốc La Mã cũng đã qua đi. Chủ Nghĩa Phát Xít Đức-Nhật-Ý như cái bóng thoảng qua lịch sử. Chủ nghĩa Cộng Sản cũng chỉ là cái chớp mắt lịch sử. Phải tin là có sự khởi đầu và sự chấm dứt. Sống thì phải có một ước mơ. Không thì sống làm gì?

Thế hệ cộng sản thứ hai là hậu duệ của bọn lãnh đạo thế hệ cha ông chúng. Chúng tạo sự nghiệp dễ dàng với đầy tham vọng có thể – tham vọng mà cha ông chúng không dám làm, không dám nghĩ tới. Chúng phô trương sự giầu có, quyền thế một cách công khai, không cần dấu diếm nữa. Chúng ở những căn nhà sang trọng nhất, đắt giá nhất. Chúng tậu nhũng xe cộ cả triệu đô la. Các phương tiện giải trí đắt tiền như sân Golf riêng.

Nhưng liệu chúng có giữ được đến đời kế tiếp không?

Kinh tế thị trường của Trung Quốc phần chính là được người dân quê xây dựng.

Dân quê đã từng làm nên cuộc cách mạng vô sản. Chính họ chứ không ai khác như thợ thuyền theo lời tiên đoán của Mác. Mao Trạch Đông cũng đã tự hào về cuộc cách mạng đến từ nông dân như thế. Nhưng cũng trớ trêu thay, dân quê một lần nữa cũng là nồng cốt làm nên chế độ tư sản hiện nay. Họ không phải giới thợ thuyền như ở phương Tây mà là dân quê mù chữ và không có tay nghề.

 Khởi đầu của giai đoạn bùng lên phát triển là nhờ số dân quê đông đảo. Hầu hết họ còn trẻ. Phần lớn là phụ nữ không có tay nghề. Hàng triệu người dân quê đã bỏ quê ra tỉnh, ở các tỉnh dọc bờ biển, thuộc miền Nam nước Tầu. Họ làm việc trong các hãng may. Buổi sáng, trong các bộ đồng phục, trước khi bắt đầu làm việc, họ tập thể dục buổi sáng, sau đó đứng nghiêm chỉnh chào lá cờ của hãng. (Một ngày làm việc của họ: 5 giờ 30 sáng thức dậy. Vệ sinh. 7 giờ bắt đầu làm. 11 giờ 30 ăn trưa. 17giờ 30 nghỉ làm. Nếu làm phụ trội thường không được trả thêm).

 Họ làm việc như thể ở thời kỳ như trong film Temps modernes của tài tử Charlie Chaplin dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các đốc công như một trại binh.  Nhiều công nhân đã tự tử để cảnh cáo giới chủ bóc lột công nhân. Trung bình, lương của họ là từ 3 đến 4 Euro/ngày. Nó cũng giống như hiện nay hoàn cảnh của 1 triệu công nhân trong ngành may mặc của Việt Nam với đồng lương chết đói không đủ sống.

Nói đúng ra, trong thời kỳ của 30 năm đầu là xưởng thợ của thế giới, ông chủ hãng người Tầu cũng chỉ là một nhà thầu làm công cho các ông chủ tận đâu đâu bên Mỹ, bên Tây. Họ là một trong số 350 triệu người nông dân bỏ quê ra tỉnh.

Nếu may mắn được làm trong các cơ xưởng lớn của nhà nước thì họ được cung cấp nhà ở, môt trợ cấp xã hội đủ sống và cũng hiếm có việc bị sa thải. Chẳng hạn, tại các xưởng thép thuộc thanh phố Vũ Hán, thủ đô của tinh Hồ Bắc, mướn 110.000 nhân công. Họ được mua một căn nhà giá rẻ, 2000 euro, 80% rẻ hơn giá thị trường.

Trong nhà thường có đầy đủ tủ lạnh, tivi, DVD, tủ lạnh hai cửa, máy giặt, máy điện toán chưa kể trường học cho trẻ nhỏ, xe chuyên chở ngay cả cung cấp gạo, dầu ăn.

Ở trong những công ty nhỏ thuộc nhà nước quản lý thì khó khăn hơn nhiều. Trong số 126.000 hãng nhỏ, một phần tư đóng cửa, một phần tư khác tư nhân hóa. Và hơn 30 triệu công nhân thất nghiệp từ năm 1998-2003. Mặc dầu tìm kiếm công việc khó khăn và bấp bênh, tiền ít, nhưng vẫn còn hơn làm ruộng.  (La Chine du IIIe millénaire. Dans les coulisses d’une société qui bouge très vite. GEO, N. 327, tháng 5-2006, trang 128-131)

Vào những thập niên1990, hàng hóa dưới nhãn hiệu Made in China đã tràn ngập khắp thế giới. Nhưng chữ Made in China thì không có nghĩa rằng hàng hóa ấy được Made by China. Thật vậy, hàng hóa xuất cảng từ Trung Hoa thực ra là do các công ty lớn ngoại quốc đã đặt hàng cho các công ty Trung Hoa làm. Các mẫu mã sản phẩm đến các thành phần sản phẩm đều do các công ty ngoại quốc đặt hàng và Trung Hoa chỉ là nơi lắp ráp với nhân công rẻ. Trường hợp tiêu  biểu là công ty Walmart.

Chính những công ty ngoại quốc nắm kỹ thuật cũng như dây chuyền sản xuất bán ra nước ngoài. Và họ  nắm đầu ra đầu vào của một sản phẩm về chất lượng sản phẩm cũng như lợi nhuận. Theo các nhà chuyên môn đánh giá 100 Euro món hàng sản xuất tại Trung Hoa, nhà thầu Trung Quôc chỉ được hưởng từ 20-25 euro. Số tiền còn lại rơi vào tay các đại công ty ngoại quốc.

Nhìn phần lớn các đồ tiêu dùng, các dụng cụ như các máy cưa, đục, các loại máy khoan, tiếng là Made in China, nhưng đều là thương hiệu của Mỹ, Canada của Nhật đặt hàng. Giá rẻ gấp 4-5 lần sản phẩm chế tạo ở Canada hay Mỹ.

Lấy một vài tỉ dụ cho rõ. Vào mua một cái mở hộp tại những của hàng lớn đề rõ ràng Made in China. Nhưng nếu vào một cửa hàng Un dollar rất phát đạt ở Canada, giá chỉ là 2 đô 50. Cũng cái mở hộp ấy vào cửa hàng lớn như Canadian Tires, cái mở hộp nay đề giá 10 đô la 50. Sự chênh lệch cho thấy các công ty tư bản Tây Phương ăn lời một cách vô tội vạ.


Không phải cứ ở Dollar store mới có dụng cụ rẻ tiền (1,99$ là giá ở Canadian Tires). Vấn đề là ưu tiên và chọn lựa của người tiêu thụ: muốn hàng giá thấp hay muốn có phẩm chất cao và chế tạo ở bản xứ (các nước phương Tây) — DCVOnline

Tuy nhiên, tình trạng trên mỗi ngày, mỗi thay đổi vì Trung Hoa đã gửi đi rất nhiếu sinh viên đi du học nước ngoài, học kỹ thuật, tạo được nguồn vốn để tự họ chế tạo ra các sản phẩm tiêu dùng.

Các nhà chuyên môn như các kinh tế gia ngân hàng thế giới nhận xét, trong tương lai, trình độ chuyên môn hóa sẽ thay đổi. Trung Hoa sẽ có thể sản xuất được những hàng hóa thuộc loại cao cấp, tinh tế như các nước tư bản theo kịp đà tiến bộ của thế giới.   (Martine Bulard, Ibid, trang 40)

Bù lại thì nay nước Tầu nhận lãnh hậu quả là độ ô nhiêm không khí cao nhất thế giới vì những loại khí thải như Carbon dioxide CO2, Methane (CH4), Nitrous oxide (N2O), Ozone (O3), Chlorofluorocarbons (CFCs).

Có ba loại phế thải  theo Huang Hung-liang, một chuyên viên của văn phòng xử lý chất thải tại Thượng Hải là: nước thải từ các nhà máy, không khí ô nhiễm và các chất thải rắn.

Như thường lệ, ông Huang đề cao những cố gắng của chính quyền Trung Quốc để giải quyết vấn đề ô nhiễm để cuối cùng phải nhìn nhận: chúng tôi còn thiếu kinh nghiệm và tin chắc rằng sẽ tìm ra giải pháp!

Kết luận là câu hỏi về xử lý chất thải còn nguyên vẹn. Và phải chăng nước Tầu thành công nhất trong kỹ nghệ, nhưng cũng là nước có độ ô nhiếm báo động nhất thế giới. (Orville Schell. In the people’s Republic. Bản dịch tiếng Pháp do Martine Wiznitzer, Les Chinois, năm 1978, các trang từ 132-139).

Một trong những lý do các nước Tây phương thẩy hàng hóa sang cho Trung Quốc sản xuất giản dị là vì họ không muốn sản xuất những đồ tiêu dùng ấy ở nước họ và phải tốn kém hơn để tránh gây ô nhiễm nước và không khí.

Đồ tiêu dùng ở Mỹ làm ở Trung Quốc có giá rẻ vì giá nhân công rẻ ở Trung Quốc đồng thời nước Tầu ở trong tình trạng ô nhiễm đến báo động.

(Jane Spencer. “China pays a steep price as textile export boom”. The Wall Street Journal, 1er November 2007.)

Cho nên Bộ trưởng môi trường Trung Quốc đã nhận xét một cách cay đắng:

Ô nhiễm không khí. Nguồn: The Economist/AFP/ImageChina

“Sản phẩm làm ra thì đã được xuất cảng. Cái còn lại dành cho Trung Quốc là tình trạng ô nhiễm. Cho nên giá thành sản phẩm được xuất khẩu không phản ảnh trung thực giá thành sản phẩm thực sự. Sự thặng dư  thương mại đã che dấu một sự thật không bao giờ được công khai hóa. 40 % năng lượng tiêu thụ chỉ để dành sản xuất cho việc xuất cảng.”


(Jane Spencer: “China shifts pollution fights. The Wall Street journal, 1-11-2007).

Nhưng nước Tầu cũng như Việt Nam chỉ nhìn thấy cái lợi kinh tế trước mắt, bất kể cái hại nào khác như trường hợp của Việt Nam với Formosa. 200 km dọc bờ biển miền Trung đã bị nhiễm độc. Các ngư dân phải bỏ nghề đánh cá đi nơi khác kiếm công việc. ¾ thành phần giới trẻ lao động đi làm ăn ở  Đại Hàn, Đài Loan hoặc lên Đà Lạt trồng rau.

Sẽ tốn kém bao nhiêu tiền và làm sạch ô nhiễm môi trường là một bài toán chưa có lời giải đáp? Thời gian bao lâu nữa để trả lại môi trường biển trở lại như cũ?

Vì thế chỉ một mình cái đập Tam Hiệp là một mối đe dọa trên môi sinh, môi trường, chưa kể hơn 1 triệu người phải di dời đi nơi khác.

Vì những cái lợi trước mắt, nước Tầu phải trả giá gấp bội lần nhiều hơn để làm sạch môi trường. Các dòng sông đều nhiễm độc. Nghẽn mạch các dòng sông. Nước uống sạch không còn. Không khí nhiễm độc. Đến 20 thành phố nước Tầu đều thuộc loại ô nhiễm nhất thế giới.

Một tỉ dụ điển hình là Trung Quốc đang phải đối đối đầu với vụ bê bối y tế mới nhất sau khi một đợt huyết tương lớn dùng để điều trị bệnh nhân bị phát giác là đã nhiễm HIV. (Laurie Chen , “12,000 Chinese blood plasma treatments contaminated with HIV”, SCMP, 6 tháng Hai, 2019). Mhuwng gay sau đó giới hữu trách y tế đã cho hay loạt huyết tương hơn 12.000 chai đều không bị nhiễm HIV hsy hepatitis B and C. (Michelle Wong, Chinese blood plasma ‘clear’ of HIV as authorities give mixed messages , SCMP, 7 tháng Hai, 2019).

700 triệu dân Trung Hoa vẫn chịu cảnh đồng lương 2 euro/ngày.


1 quan (RMB) bằng 0,13 Euro. Năm 2018, lương cao nhất ở Bắc Kinh khoảng 44 euro/ngày, thấp nhất, 25 euro.ngày là lương ở Hạ Nhĩ (Harbin) thủ phủ của Tỉnh Hắc Long Giang. Nguồn:
Zhaopin Limited

(Còn P2)

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  Bài của tác giả. DCVOnline minh họa, hiệu đính và phụ chú.