Đàn ông Mỹ khác đàn ông Việt như thế nào?

Tiểu Xí Mụi @ Cam Thảo Đường

Đàn bà nếu không biết về đàn ông sao là… đàn bà được.

Không có màu khác cho em
Đàn ông Việt Nam cuối thế kỷ 20. Nguồn LIFE

Anh hỏi tôi đàn ông Mỹ khác đàn ông Việt như thế nào.

Câu hỏi hay đấy chứ. Đàn bà nếu không biết về đàn ông sao là… đàn bà được. Một người 8 tiếng một ngày, 5 ngày một tuần làm việc chung với những người đàn ông Mỹ trong nhiều năm như tôi không thể (và không nên) nói rằng mình không biết gì, hay “em” chả để ý gì.

Nhưng cũng nên để cho các “bị cáo” lên tiếng trước. Tôi đem câu: “Đàn ông Mỹ có gì đặc biệt?” đi hỏi các người bạn-đàn ông Mỹ của tôi. Cả đám tắc tị hết. “À cái đó để tui nghĩ thêm,” họ trả lời. Thông cảm đi, người Mỹ, nhất là đàn ông, có lẽ thấy mình không cần so sánh với ai khác (trên thế giới) nên không biết chính mình như thế nào.

Anh bảo làm khó chi mấy ổng. Tôi nói thấy họ tỉnh rụi hà, với lại lâu lâu cũng để mấy lão có dịp “động não” chút. Không cầu viện ai được tôi đành tự mình tìm điều khác biệt/đặc biệt ở những người bạn-đàn ông Mỹ để trả lời anh dù biết những nhận xét của tôi có thể rất hạn hẹp, không chừng còn sai lệch nữa.

Điều đầu tiên bạn có thể thấy ngay ở đàn ông Mỹ là sự thẳng thắn. Họ thích nói thẳng điều họ nghĩ và họ cũng thích người khác nói thẳng điều người đó nghĩ. Đàn ông Mỹ không thích rào trước đón sau, không thích “bắt mạch” không thích đưa đẩy, không thích “gài độ”. Họ cũng không thích nói quá điều họ nghĩ, nếu họ không thích sẽ nói không thích, nếu thích vừa sẽ nói thích vừa. Họ không cần nói chuyện “cho phải phép”, lịch sự không phải là tán tụng, ngoại trừ lúc cần “đối phó” với “nàng” hay sếp lớn, cái này thuộc về “phép ngoại giao”, không tính.

Sự thẳng thắn đem đến nhiều cái lợi, nhất là trong công việc. Đàn ông Mỹ không ngại nói ba chữ “Tôi không biết”. Nghe họ nói chuyện với nhau tôi học được một câu tuyệt diệu: “Tôi hiểu điều anh hỏi nhưng tôi không có câu trả lời”. Người có câu hỏi nghe trả lời như vậy không trách cứ, cũng không nổi nóng, chỉ đơn giản yêu cầu tìm cho anh ta lời giải đáp trong thời gian ngắn nhất.

Nhờ thế tất cả đều rõ ràng minh bạch, không ai hiểu sai ai, không ai tưởng tượng thêm. Bên cạnh rất nhiều khác biệt dường như đàn ông Mỹ “đồng thuận” với nhau ở một điểm là không ai có thể biết được tất cả hay làm được tất cả. Ai cũng có giới hạn và nên nói giới hạn của mình cho người khác biết để mọi người cùng tìm giải pháp tốt nhất cho một vấn đề nào đó.

Điều đặc biệt thứ hai tôi thật sự ưa thích ở đàn ông Mỹ là họ chấp nhận người khác như người đó là. Họ không bắt buộc người khác phải cư xử theo một khuôn mẫu nào đó. Ví dụ đàn bà thì phải ăn nói dịu dàng, đi đứng thong thả, cười đùa nhỏ nhẹ. Đàn bà thì phải biết nấu ăn ngon, biết săn sóc con nít, và chỉ nên biết làm những việc dành riêng cho đàn bà mà thôi.

Có một lần lão bạn của tôi đến than thở cái xe hơi của lão bị nổi đèn báo hiệu. Lão đang định đưa xe cho thợ máy sửa một vài thứ khác và nghĩ rằng sau khi sửa xong những thứ đó cái đèn báo sẽ thôi chớp. Lão e nói thêm về cái đèn sẽ bị thợ máy chế thêm chuyện, tốn thêm tiền nên hỏi tôi có ý kiến gì không.

Tôi nhìn lão cười cười ngó lơ qua chỗ khác. Hổng dám đâu! Anh là người sinh ra ở xứ này, anh biết lái xe từ năm một ngàn chính trăm hồi đó, anh còn là một người đàn ông chính gốc con nai vàng… sao đi hỏi chuyện xe cộ một đứa: con gái – nhỏ tuổi hơn – mới tới xứ Mẽo. Chắc nói chiện cho dzui thôi a?

Ngó điệu “a li hò lờ” của tôi lão bạn nói ngay, bằng một giọng rất nghiêm trang, ê tui hỏi ý you thiệt mà, I appreciate your oppinion. Ủa, ủa, thiệt hả. À, nếu vậy thì sao you không làm vầy làm vầy… thử xem. Nè, bạn đừng ngạc nhiên nghen, nếu một người đi 5 cái xe cũ trong 10 năm người đó chắc phải biết tí chút về máy xe và các ông thợ sửa xe chứ.

Có lẽ vì không ép buộc ai theo khuôn mẫu nên đàn ông Mỹ cũng không khép họ vào bất cứ “kiểu” nào, “xì-tin” nào. Họ không có những khuôn mẫu ước lệ như: dân “chơi” cần có ria mép, cười nói sang sảng mới ra dân chơi; trí thức cần có cung cách chững chạc, quần áo đầu tóc tươm tất; nghệ sĩ không tóc dài, nói chuyện tưng tửng, sẵn sàng “nhả” vài câu thơ, vài dòng triết thì không đúng nghệ sĩ thứ thiệt.

Đàn ông Mỹ không cần chứng tỏ họ là cái gì khác hơn họ đang là. Một người gốc nông dân, dù trở thành kỹ sư, vẫn thản nhiên kể chuyện cuối tuần đi về quê giết heo, nấu thịt, làm dồi. Một người có chức vị xếp lớn vẫn nói chuyện tự tay làm vườn, sửa nhà sửa cửa. Những việc “chân tay” đó không “giáng cấp” anh ta xuống hạng thợ thuyền. Một người mua xe vì khoái hay vì cần, anh ta không mua xe để chứng tỏ (với người khác) mình thuộc “giai cấp” nào đó trong xã hội.

Nghe tôi nói tới đó bỗng anh hỏi, “Vậy thích đàn ông xứ nào hơn?” Tôi cười No, đàn ông Mỹ làm bạn, làm thầy thì vui lắm nhưng …chỉ vậy thôi, không… hơn được. Ủa, mà sao “người” hỏi vậy.

Anh viết Nothing – I just worry about you.

Đàn ông Mỹ cuố thế kỷ 20. Nếu cần nói “Tôi muốn ngủ với em” họ có thể nói nhiều cách khác nhau. Nguồn HA.com

Đó đó, còn thêm cái đó nữa. Đàn ông Mỹ khi đổi giọng hổng cần đổi… tiếng. Nếu cần nói “Anh lo cho em thôi” đàn ông Mỹ sẽ nói tiếng Mỹ. Nếu cần nói “Tôi muốn ngủ với em” họ có thể nói nhiều cách khác nhau nhưng chắc chắn cũng bằng tiếng Mỹ chứ không phải là “Voulez vous coucher avec moi?”

Cuộc đối thoại về đàn ông Mỹ của chúng tôi tới đây chấm dứt. Tôi không “ca ngợi” những người da trắng made in USA thêm nữa, anh cũng không hỏi thêm về họ nữa .

Nhưng có một điều tôi đã không nói với anh. Một điều phải mất lâu lắm tôi mới biết ra, mới thấy rõ.

“Vấn đề” không phải ở những người đàn ông phóng khoáng và… sáng nước đó, vấn đề do chính ở tôi, nằm ngay trong tôi: tôi mang nặng những nghịch lý mà người Mỹ, dù thông minh tài giỏi đến đâu, sẽ không thể và không bao giờ hiểu được

Nghịch lý thứ nhất là Trung Quốc, là nền văn minh lâu đời và sâu thẳm của Trung Quốc. Nền văn minh đó đã ăn quá sâu vào con người tôi. Nó tạo nên tính cách của tôi bây giờ và sẽ còn tiếp tục mọc nhánh nhóc trong suy tư của tôi cho tới lúc chết.

Vậy mà tôi không nguôi thù hận Trung Quốc, thù từ lúc bé tí teo, thù từ lúc học sử lớp năm, thù từ lúc hát câu một ngàn năm đô hộ giặc Tàu. Mối thù hận chất chứa âm ỉ rồi nổi lên từng chập mỗi khi chạm phải những dốt nát lạc hậu tàn bạo ti tiện nhỏ mọn ham hố hợm hĩnh tôi dán ngay hai chữ ghê tởm, “Ba Tàu”

Phong trào người Mỹ gốc Á: những người biểu tình phản đối sự tàn bạo của cảnh sát và phân biệt chủng tộc trong những năm 1970. Nguồn ảnh: Corky Lee.


Thế nhưng ở một góc trái tim, tôi yêu làm sao những anh hùng của đất nước đó: khi cao quý như Gia Cát Lượng, khi bình dị như Tế Điên, khi ngang tàn như Tôn Ngộ Không. Biết bao người Trung Quốc đã dạy tôi làm người, dạy tôi hiểu đời. Họ cho tôi kiến thức, họ cho tôi ngôn ngữ, họ cho tôi niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất. Ân này nghĩa này sao có thể quên?

Với đàn ông Mỹ chuyện đơn giản lắm: “Nếu triết Tàu hay như vậy sao người Tàu nghèo đến vậy (“If China philosophy is so great why Chinese people are so poor”). Người tình Hoa Kỳ sẽ không bao giờ hiểu được sự tranh chấp Yêu-Ghét-Tàu trong lòng tôi, và vì thế anh ta sẽ không bao giờ hiểu được cấu trúc tâm hồn tôi, hiểu được tôi.

Nghịch lý thứ hai là Việt Nam. Gọi đó là đất nước hay gọi đó là định mệnh. Chạy đi đâu thì chạy, trốn đi đâu thì trốn. Dù đổi thay cho lắm, cải sửa cho cố, tôi vẫn không thể không làm người Việt Nam. Số phận lênh đênh bạc phước ngàn năm là một câu hỏi không ngừng dày vò tôi vì tôi biết mình là di sản nhưng cũng chính là khởi nguồn cho vận mệnh của giải đất đó.

Người tình Hoa Kỳ nếu nghe tôi kể lể về “căn bịnh VN” anh ta sẽ nói: “Làm được (gì) thì làm, không làm được thì quên (nó) đi” (Get it done and/or get it over). Tôi sẽ im lặng vì biết anh ta không bao giờ hiểu được Việt Nam là “việc” tôi không bao giờ làm xong và cũng không bao giờ có thể quên.

Tôi viết thơ cho anh, anh viết cho tôi. Không hẹn nhưng hiểu, chúng tôi tránh “than thở” với nhau về Việt Nam. Khi tôi đùa “người” làm mai chắc đắt hàng lắm vì tính cẩn thận, không biết những thứ khác thì sao. Anh nói tui còn lãnh nợ nè, nợ đất nước.

Không trả lời anh nhưng tự nhiên tôi thấy lòng mình êm ả. Ở kia kia có người đang bị dằn vặt y chang như mình nghen. Sự đau khổ đòi có bạn, ai nói thế nhỉ. Không biết “người đó” có biết ở đây đây cũng có một người cùng tâm tư? Nếu biết có người cùng niềm riêng, người đó có cảm thấy lòng êm ả như tôi?

Tôi đem thắc mắc đó hỏi mấy người bạn-đàn ông Mỹ. Như loài thú đánh hơi mùi bẫy sập – bẫy tâm lý học tuổi hoa tím lãng mạn xí mụi, dính vào một lần là bị làm phiền suốt đời – họ bất giác bước lùi, trợn mắt, rồi thoát thân bằng cách hô to ba chữ thần kỳ: “I… don’t know!” Tôi cằn nhằn tạo dịp cho mấy người động não mà cứ hổng biết hổng biết hoài, thiệt nản. Mấy lão bạn tả oán ai bảo you kêu cái khó qwá, kêu gì hổng kêu đi kêu “động não”. Não khó “động” lắm. Thôi kêu lại đi, kêu cái… khác đi. Mấy cái khác thì… bảo đảm, động đậy…tới…bến lun!


© 2008 – 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể.lệ.trích.đăng.lại.bài.từ.DCVOnline.net


Nguồn: Bài đăng lần đâu trên DCVOnline ngày 14 thang 6, 2008. DCVOnline minh họa