Ảo tưởng Cộng sản | Tuyển tập

Ảo tưởng Cộng sản | Tuyển tập

DCVOnline

Cuộc khủng hoảng về ý thức hệ, chính trị và kinh tế đã làm đổ vỡ Liên bang Sô Viết. Chính sự kiện này đã đưa đến sự tan rã của đế chế đó; nó vừa là nguyên nhân và cũng là hậu quả của sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa Cộng sản. Tại Đông Âu, ngày 9 tháng 11, năm 1989, hàng ngàn người Đức đã đập đổ bức tường Bá Linh, biểu tượng của sự ngăn ngách giữa tự do và cộng sản.

Sinh viên “yêu nước” trốn quân dịch không về nước: (từ trái qua phải): Lương Châu Phước, Đỗ Đức Viên, Trần Tuấn Dũng, và Nguyễn Văn Nhã. 1970. Nguồn: Tạp chí PARADE/Washington Post June 14, 1970

Chủ nghĩa Cộng sản cũng là nguyên nhân của cuộc chiến và lằn ranh chia cách hai xã hội ở hai miền Nam Bắc Việt Nam.

Trong suốt thời chiến tranh, một số nhỏ thanh niên miền Nam đã chọn đứng về phía những người Cộng sản. Trong nước thì họ đã trực tiếp hay gián tiếp hợp tác với cộng sản nằm vùng tổ chức chống phá chính phủ ở miền Nam ở cả hai nền Cộng hòa. Ở nước ngoài, một số sinh viên, cũng rất nhỏ, khoác lên mình chiếc áo “phản chiến”, “chống Mỹ” hợp tác với những tổ chức và đảng cộng sản địa phương chống đối chính phủ Việt Nam Cộng hòa và sự hiện diện của người Mỹ ở miền Nam. Đặc biệt, gần như đa số những sinh viên “phản chiến” hay như họ tự cho là thành phần “đứng ngoài cuộc chiến” là những người đã được chính phủ Việt Nam Cộng hòa gởi đi học để về giúp xây dựng đất nước. Mỉa mai hơn nữa, họ còn là những sinh viên được chính phủ Mỹ nuôi đi học bằng những học bổng trong chương trình “Leadership” do USAID tài trợ hay của Kế hoạch Colombo, ban đầu do những quốc gia trong Khối Thịnh vượng chung thành lập vào tháng 1, 1950 tại Colombo, thủ đô của Ceylon (Tích Lan) nay là Sri Lanka, để giúp những nước vùng châu Á-Thái Bình Dương chống lại hiểm họa cộng sản. Mỹ lại là quốc gia đóng góp phần lớn nhất trong Kế hoạch Colombo.

Sau 30 tháng Tư, 1975 những người “đứng ngoài cuộc chiến” ở Âu châu cũng như ở Bắc Mỹ bỗng dưng trở thành người của bên thắng cuộc. Họ đi vào dòng chính, được chính quyền hậu thuẫn, và họ tích cực, công khai ủng hộ và làm việc cho Cộng sản Việt Nam.

Tuyển tập “Ảo tưởng Cộng sản” là tập hợp những nhận định về những hoạt động, tổ chức, và nhân sự của nhóm người đã “đứng ngoài cuộc chiến” và bỗng dưng thắng cuộc. Đây là những câu chuyện về những cựu sinh viên Việt Nam đi học ở Canada rồi theo cộng sản. Thành phần cởi áo, trở cờ, đón gió ngay sau ngày 30 tháng Tư không phải là chủ đề của Tuyển tập này có lẽ vì các tác giả cho rằng chẳng có gì đáng để viết về hạng người cơ hội chủ nghĩa như thế.

Tác giả của những bài viết trong Tuyển tập trước nhất là người miền Nam Việt Nam; họ là sinh viên du học ở những thập niên 1960-1970 hay là người tị nạn cộng sản sau năm 1975. Họ viết có thể vì thấy cần phải viết hay là những người làm báo từ lâu hoặc là nhà văn có có nhiều tác phẩm đã xuất bản; đa số là những tác giả viết riêng cho DCVOnline từ nhiều năm qua.

Tuyển tập này có tiếng nói từ hai phía, những người ủng hộ miền Nam và những người đứng ngoài cuộc chiến. Tuy vậy, trong đó vẫn còn thiếu quan điểm và nhận định của những nhân vật lãnh đạo nhóm sinh viên theo cộng sản, chống miền Nam, chống Mỹ, rồi một thời “hồ hởi” làm việc cho cộng sản để rồi một số đã phải ngỡ ngàng, hụt hẫng, như kẻ bị lừa phỉnh khi va chạm với thực tế cộng sản. Những va chạm thực tế và cuộc đấu đá tranh dành quyền lợi, dưới khẩu hiệu “Đổi mới”, đã dẫn đến sự sụp đổ từ nền tảng cơ sở kinh tài cho cộng sản do nhóm cựu sinh viên thân cộng đứng đầu. Tổ chức này sụp đổ ngay sau khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ trên toàn thế giới và trước khi vai trò “kinh tài” ngắn hạn cho cộng sản chấm dứt với sự tái lập bang giao giữa Mỹ và Cộng sản Việt Nam vào năm 1995.

Hy vọng những nhận định và ghi chép về một giai đoạn lịch sử ngắn – hẳn còn nhiều thiếu sót – về một phần nhỏ của cộng đồng sinh viên Việt Nam đi học tại Canada trước năm 1975 sẽ được bổ túc trong tương lai.

Cuối năm Mậu Tuất, ngày 2 tháng 2, 2019.