Đàn ông đàn bà trong thân phận lứa đôi (2)

Nguyễn Văn Lục

Con người ở giai đoạn nguyên thủy – hay còn gọi là giai đọan “ăn lông ở lỗ” rất gần với thiên nhiên. Giữa các loài trong thiên nhiên ấy, về hình thái, vóc dáng, cách sinh hoạt như ăn ở, giao cấu sự khác biệt là có, nhưng không nhiều, vẫn có cái chung.

Con người và thiên nhiên

Ngày nay, nhiều người do không đọc, không tìm hiểu nên họ khó chấp nhận đời sống tổ tiên chúng ta chính là thời vạn năm, triệu năm sống “ăn lông ở lỗ”.

Chẳng hạn, một ví dụ rất thô thiển, nhưng cắt nghĩa được nhiều chuyện. Tại sao loại Sapiens biết ăn tủy xương mà các súc vật man dã như hổ báo, cáo chồn không ăn? Tại sao răng loài Sapiens thì nhỏ và dạ dày, ruột thi ngắn?

Câu trả lời chỉ bằng vào sự quan sát. Loài Sapiens vốn tạng nhỏ yếu không thể so sánh với sức mạnh như hổ báo nên khi những thú vật này chia nhau xẻ thịt thì loài Sapiens ngồi nhìn, thèm rỏ dãi ra và đợi khi bữa tiệc tàn.

Kẻ mạnh ăn no rồi bỏ đi, để lại ít xương vụn không nhai được.

Khi đó mới đến bữa tiệc tàn của loài Sapien. Sapiens mới chịu khó đi thu lượm được những miếng xương còn sót lại, dùng đá đập vỡ các xương để mút lấy cái tủy. Đã có đá để đập nên không cần phải có răng nanh nhọn, khỏe và sắc như các thú ăn thịt.

Lẽ đời là vậy. Mạnh tính theo mạnh, yếu tính theo yếu, ai có phần người nấy.

Có lửa để đun nấu nên tiến trình sinh hóa qua lửa không vất vả cho dạ dầy như các loài khác nên ăn ít hơn mà phẩm chất vẫn có đủ. Dùng lửa đun nấu làm thực phẩm dễ ăn hơn, dễ tiêu hóa hơn và không cần ăn nhiều.

Sự khác biệt hiển hiện nữa và rõ nét là con người đứng thẳng bằng hai chân. Các loài động vật khác đứng trên bốn chân.

Hai chân và bốn chân là mức độ đánh giá tiến trình tiến hóa từ loài vật lên loài người.

Với hai chân đi lại có điều tiện mà cũng có không thiếu điều bất tiện.

Về tốc độ thì hai chân không đi nhanh được bằng bốn chân. Hầu như với hai chân, loài Sapiens tỏ ra chậm nhất. Mà chậm là yếu là có thể dễ chết nhất. Vậy phải có cái gì đó bù trừ.

Trong tất cả các loài sinh vật trên trái đất thì đều tuân theo một cách hòa điệu theo luật bù trừ. Yếu cái này thì trời cho mạnh cái kia. Không có cái mạnh tuyệt đối theo nghĩa mạnh được yếu thua. Nếu như thế thì chẳng mấy chốc sinh vật muôn loài sẽ không có cơ hội tồn tại trên trái đất này. Tinh thần cá lơn nuốt cá bé là có thật. Nhưng cá lớn đẻ mỗi lần vài con, cá bé đẻ cả bọc cả ngàn con, mất con này có con khác thay thế. Càng to lớn, càng đẻ ít. Càng nhỏ càng sinh sản nhiều. Càng mạnh, to lớn thì “cái trí” càng nhỏ, sức chịu đựng về thời tiết, về ăn uống sinh tồn càng thua sút. Nói chi đến thay da đổi mầu hòa lẫn vào thiên nhiên. Nói chi đến bộ lông chịu đựng được thời tiết giá lạnh hay bộ da cứng. Nói chi đến khả năng phun nọc độc làm chết đối thủ. Nói chi đến sống ở sa mạc thì có túi đựng nước để sống mà không cần cung cấp nước.

Nghêu vòi voi. Nguồn: Naomi Tomky

Nghêu (hào) vòi voi cân nặng 1kí 50 đến 2 kí, sống ở nước mặn, ăn các phôi sinh. Tên tiếng Anh là “geoduck” có gốc từ chữ “gʷídəq”, tiếng Lushootseed của bộ lạc da đỏ Nisqually ở Bắc Mỹ. Phần đầu vô nghĩa nhưng “əq” lại có nghĩa là sinh thực vật hay “đào sâu”, có lẽ cả hai đều có nghĩa bóng. (Xem thêm Geoduck.)

Con nghêu chẳng hiểu tại sao giống đến lạ cái phần sinh thực khí của đàn ông. Các bà vừa ăn vừa nhìn, vừa so sánh, vừa đỏ mặt. Nào phải ý muốn của vòi voi? Nhỏ như thế, ăn uống thô sơ đạm bạc như thế, sống chui rúc trong cát biển. Vậy mà có con sống cả 140-170 năm.

Khả năng miễn nhiễm nào, bản năng sinh tồn nào giúp con vòi vọi tồn tại lâu như thế? Nếu không có sự an bài, sắp xếp nào đó của một thẩm quyền ngoài con người?

Ôi biết bao điều kỳ diệu trong cuộc sống của muôn loài tuân theo cái luật bù trừ.

Nay nếu đem áp dụng vào con người thì cũng một điều kỳ diệu như thế! Và hơn thế!

Chỉ cần quan sát cái cơ thể con người về bề ngoài đã cho thấy sự an bài rất chi tiết và có mục đích giúp cho sự sống con người tránh được biết bao nguy hiểm của thiên nhiên. Xương chỗ nào cần cứng? Lớp da nào cần dầy? Tại sao cái mũi có sụn? Tại sao cần xương sống, lồng ngực. Nói chi đến khả năng miễn nhiễm ở bên trong có thể giúp chống lại bao nhiêu sự xâm nhập của các virus đủ loại..

Hóa cho nên, nhờ đó vật lớn, vật nhỏ đều có cái cơ may tồn tại được.

Sống còn là ý nghĩa lớn lao nhất, căn thiết nhất của muôn loài. Phải sống cái đã. Phải tồn tại cái đã, phải tựa vào nhau mà sống, mà tồn tại trước khi nói cái gì khác.

Vì thế, giữa đàn ông đàn bà phải “khác nhau” để tồn tại, để bù trừ cái có và cái không có.

Phụ nữ tranh đấu để bình đẳng, được như đàn ông là một khái niệm sai lạc ngay từ đầu bởi vì nó đi trái luật tự nhiên và đi trái với luật bù trừ. Chúng ta bị thu hút lẫn nhau bởi vì như một thú nhận cái thiếu cần được bù đắp và cái thừa cần được san sẻ.

Vì thế, tranh đấu để vẫn duy trì được cái khác, cái cá biệt, cái làm đàn bà là đàn bà, khác đàn ông là một tranh đấu có nghĩa lý.

Biện chứng thiếu thừa trước hết là nó thuộc bản chất con người, nói cao sang hơn là thuộc thân phận người, trước khi là một quy luật xã hội, một tranh đấu như đòi giải phóng cái âm hộ? Giải phóng con người trong cái toàn thể hay chỉ nhằm giải phóng một đòi hỏi nhất thể của một bộ phận cơ thể?

Tiếp theo, nói về tầm nhìn xa thì loài đứng trên hai chân có điểm lợi là loai Sapiens nhìn xa được vì chiều cao đứng thẳng. Nó không cần phải leo lên cây để nhìn. Nhưng mắt con chuồn chuồn chẳng những có thể nhìn xa mà còn nhìn được tứ phía. Mắt mèo, hổ báo không nhìn xa, nhưng lại có thể nhìn ban đêm như có đèn pha sáng quắc.

Nhưng rất tiếc, mũi lại không thính, cái tai lại không bắt được tiếng động từ xa vì thiếu cần ăng ten. Đúng là được cái nọ mất cái kia.

Nhưng có lẽ cái lợi nhất là với hai bàn tay của loài Homo Sapiens được tự do, nó có thể làm nhiều công việc đa dạng đòi khó khăn khéo léo mà loài bốn chân không làm được.

Đây là điều kỳ diệu trong muôn vàn điều kỳ diệu.

Cộng sản nói bàn tay làm nên tất cả. Cũng gần đúng đấy.

Đôi khi chỉ mất bàn tay, ta mới cảm nhận được điều kỳ diệu ấy.

Kinh nghiệm hiện sinh cho thấy cánh tay ma là có thật. Bệnh nhân nằm trên giường bệnh, nhìn bông hoa để trên bàn ngủ, muốn ngửi, muốn dơ tay với bông hoa để ngửi mà bất lực. Nhưng vẫn đưa khủy tay ra với như thể bàn tay vẫn còn, mặc dầu cánh tay đã bị cụt.

Đôi khi phải mất mát, ta mới cảm thức đầy đủ hiện sinh con người và sự kỳ diệu của nó.

Sự kỳ diệu của bàn tay thì ngay từ khi còn trẻ, người viết bài này đã có dịp suy nghiệm và viết về nó. Nay thấy không cần thiết phải nhắc lại cái kinh nghiệm đầu đời ấy nữa.

Bàn tay làm nên mọi sự. Từ chiến tranh chém giết đến nghệ thuật như âm nhạc, vẽ, v.v..

Đối với tổ tiên chúng ta, hai tay còn là biểu tượng của sức mạnh cần lao. Sức mạnh cơ bắp. Nhờ sức mạnh cơ bắp này, mà người đàn ông chế ngự người đàn bà buộc phải phục tùng mình.

Sức mạnh trung bình của nắm tay đàng ông, đàn bà và nữ lực sĩNguồn: Leyk, D., et al. “Hand-grip strength of young men, women and highly trained female athletes.” European journal of applied physiology 99.4 (2007): 415-421.

Nhờ sức mạnh này, họ còn đảm đương những công việc nặng nhọc như cầy bừa, săn bắn, độc quyền nắm giữ việc sản xuất và làm chủ nhiều kẻ khác như phụ nữ. Chung quanh người đàn ông nay dần hình thành một nhóm người, trong đó một người có sức mạnh cơ bắp nhất làm chủ cả bầy đoàn.

Sau này, các chế độ nông nô, chế độ nô lệ thì đều lạm dụng sức mạnh của đôi bàn tay con người cho những mục đích riêng của họ.

Văn hóa cơ bắp đến một lúc, chỉ nhường bước khi có những người có khả năng tổ chức xã hội, biết dùng quyền năng để tập họp, phân phối lợi nhuận, v.v.. Ông ta thường là người lớn tuổi, trở thành “bố già”, tù trưởng mà ít khi phải xử dụng đến sức mạnh cơ bắp. Ông biết xử dụng những thanh niên cường tráng và trai trẻ hơn làm những công việc mà đáng lẽ ông phải làm.

[Roles of Women in the Stone Age – Video & Lesson Transcript | Study.com: Vai trò của phụ nữ thời đồ đá không khác nhiều với nam giói: ngoài việc hái lượm, canh tác họ cũng săn những loài thú nhỏ.]

Tương quan đàn ông đàn bà là một tương quan lệ thuộc mà rất giao hảo, không có cạnh tranh giữa những người phụ nữ. Ai cũng có phần và được phân chia một cách công bằng tạo một sự điều hợp của một trật tự được ấn định do bố già quyết định.

Trở lại tiếp nối câu truyện đôi bàn tay trong một xã hội được gọi là “văn minh”.

Đôi bàn tay trong một xã hội “văn minh” còn có thể là khởi đầu của các tương giao đôi lứa. Nhưng nó cũng là đề tài cho sự phản bội. Khi còn trẻ, người viết rất thích bài thơ của Nguyên Sa viết về 5 ngón tay. Đại khái, bàn tay 5 ngón, có ngón dài, ngón ngắn. Ngón tay đeo nhẫn. Ngón tay đếm tiền. Ngón tay tô son. Ngón tay thử coóc xê. Em còn ngón tay nào để giữ lấy tay anh?

Tay người và tay khỉ. Nguồn: Getty Images

Ngoài bàn tay, con người Sapiens còn vượt trội các loài khác nhờ khối lượng óc. Bộ não như một thứ “thinhkinhg department” ngày nay, con người dùng não bộ để bảo tồn sự sống sau đó chế ngự sức mạnh của thiên nhiên để bù trừ cho sự yếu kém về thể lý. Bộ não loài Sapiens lớn bao nhiêu thì nay có nhiều bằng chứng xác minh. Theo đó, bộ não trung bình của loài động vật có vú khoảng 60cm3. Bộ não con người Sapiens hiện đại có dung lượng khoảng 1.200-1400cm3.

(Xem thêm Yuval Noah Harari, Ibid, trang 18)

Đó là cái giá của tư duy trong suốt nhiều năm lịch sử loài người. Và từ đó, từ bước nhảy vọt này sang bước nhảy vọt khác, loài người như đi hia bảy dậm. Từ khả năng biết trồng trọt đến nấu nướng, đến phân chia tài sản, đến việc bảo vệ những con cái và biết hưởng thụ từ những vật ấy như một chiến tích tự nhiên.. tất cả như một thứ trật tự hoàn hảo và ổn thỏa.

Cho nên, không lạ gì khi mà Darwin chủ trương thuyết tiến hóa cho rằng thủy tổ loài người chỉ là một loài động vật thì nhiều người cho đó là một xúc phạm đến con người thuần chủng!

Tuy nhiên, như đã nói đi nói lại nhiều lần, luật bù trừ là luật của sự sáng tạo, luật của Đấng ngoài con người, có cái lợi và có cái hại..

Cái hại nhiều ít tùy quan điểm. Các nhà Nhân chủng học đưa ra một cái hại của con người.

Con người Sapiens có một điều bất lợi về mặt giao cấu là “thiếu tự nhiên” như các loài động vật bốn chân. Chữ thiếu tự nhiên này hàm hồ lắm! Tuy nhiên, về mặt ngoại hình ở đây thiếu tự nhiên, con người Sapiens còn gặp rất nhiều những cản trở đủ loại làm cho cái việc ấy trở thành thiếu tự nhiên và không đạt đỉnh được.

Loài bốn chân có thể vừa đi vừa làm việc ấy, vẫn thản nhiên gặm cỏ như thể câu chuyện đang xảy ra với một động vật khác. Nhưng để bù trừ cho cái thiếu tự nhiên thì với bộ não tinh xảo đã khai thác biến cái bất lợi, cái yếu điểm thành lợi điểm.


National Geographic, ngày 13 tháng 1 năm 2017 | Clip có cảnh nhạy cảm. Bạn đọc lưu ý.
Hành vi hiếm y thấy: Một con khỉ muốn giao phối ỉ và hươu sika ghi lại trên máy ảnh. Video: Alexandre Bonefoy.

Cho nên, những tụ điểm khoái lạc từ vùng đồi cỏ non, đến đỉnh vu sơn, điểm G đều là những sản phẩm nhiều khi chỉ được “chế tạo” bởi bộ não con người tô vẽ ra hơn là nằm trong tinh thần Sáng thế ký của Thượng Đế.

Khi Chúa dựng nên con người thì Ngài chỉ chú trọng tới giống Nam tính, một người đàn ông. Sau đó, Chúa mới nghĩ cần có thêm một giống nữ để cho giống Nam vui. Ngài bèn rút một cái sương sườn, thổi vào đó, tạo ra một người nữ.

Đó là tinh thần Adam-Eva.

Xem xét và học hỏi cho kỹ tinh thần ấy thì tránh được biết bao hệ lụy sản sinh ra từ chế độ “Một vợ-một chồng” của xã hội ngày hôm nay.

Hỏi bây giờ giống Nam có vui không? Nếu không vui thì có phải tại Chúa không?

Lại nữa, việc mang bầu với dáng đi thẳng, cũng là nhận xét của các nhà nhân chủng học, làm cho cái hông người phụ nữ hẹp làm khó cho đường sinh sản. Sinh đẻ trở thành nan giải, sẽ làm khó cho thai nhi trong bụng mẹ vì bị ép, bị cấn ở một tư thế lộn ngược mà theo thời gian cần có một sự vận hành khéo léo của thai nhi để tìm được lối ra.. Cái đầu thai nhi lại phải mềm, nhiều khi phải o ép mới ra khỏi bụng mẹ được. Nhiều thai nhi sinh ra đầu dẹp và cần một thời gian mới lại cân bằng.

Các loài khác bốn chân, thai nhi nằm thoải mái hơn. Con vật cái vận hành đời sống một cách bình thường. Đến khi đến lúc thai nhi ra ngoài như đã được chuẩn bị cho cuộc sống mới và nét ưu điểm thứ nhất không chối cãi được là thai nhi đã được vận hành và chuẩn bị một chu kỳ tự lập đến ngạc nhiên một cách nhanh chóng khác hẳn thai nhi loài Sapiens..

Cái 9 tháng 10 ngày chỉ là một thời gian chuẩn bị thiếu sót, bởi vì thai nhi con người còn cần ít lắm 10 lần cái 9 tháng mười ngày để có thể tạm thời tự lập.

Hỏi tại sao như thế thì tôi đành chịu, nhưng tôi có thể đổ thừa cho luật Bù-Trừ làm tạm đủ.

Hình thái con đực, con cái nơi con người cũng như con vật có nhiều điểm tương đồng. Trên căn bản, con đực các loài động vật có vú cũng có một cái chày và con cái có một cái lỗ. Cả hai vị trí của chúng đều ẩn khuất và chỉ thực lộ diện khi đúng thời.

Sự bù khuyết thiếu thừa, sự bổ xung là một điều kỳ diệu nữa do sự an bài của một Đấng mà ta tạm gọi là Thượng Đế là một điều kỳ diệu.

Người viết cần nói thêm và nói lai. Sự thiếu thừa này không chỉ ở ngoại hình mà phải nhìn cao hơn ở phái tính. Có những đức tính chỉ tìm thấy đầy đủ nơi đàn ông và ở chỗ khác nơi đàn bà. Sự thiếu ở chỗ này là để bù vào chỗ thừa ở chỗ khác là một điều kỳ diệu lắm chứ.

Biện chứng thiếu thừa là biện chứng cho thấy con người phải tựa vào nhau mà sống.

Cái mạnh của đàn ông bù khuyết cho cái yếu của đàn bà. Ngay cái yếu của đàn bà cũng có thể là chỗ tựa cho đàn ông.

[Giáo sư Brian Dalton, tác giả nghiên cứu về sức chịu đựng và sức bền cơ bắp, cho biết:

“Đôi khi chúng ta biết rằng phụ nữ ít mệt mỏi hơn nam giới trong những thử nghiệm cơ bắm đồng đẳng này – ví dụ đưng yên ôm vận nặng. Nhưng chúng tôi muốn biết điều đó đúng không trong những hoạt động năng động hơn và cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.
Và câu trả lời khá dứt khoát: phụ nữ có thể chịu đựng bền bỉ hơn đàn ông rất nhiều.” rộng.” – DCVOnline]

Nếu hiểu như thế thì đấy là một kết hợp quá tốt đẹp. Vậy mà sao trên thực tế nó lại nảy sinh biết bao nhiêu điều dị biệt đưa đến đau khổ chia lìa?

Và những sinh hoạt thuộc phạm vi dục tính ở căn bản cũng rất nhiều điểm tương đồng giữa các loài. Động vật có vú thể hiện thế nào? Giản dị-mau chóng nhiều khi chớp nhoáng- “xong rồi thôi”. Con cái thường được coi là tài sản chung là vật không hẳn là độc quyền thì con người “đáng nhẽ” cũng có vậy.

[“Trong số khoảng 5.000 loài động vật có vú, chỉ có 3 đến 5 phần trăm được biết là sống suốt đời với một con khác giống. Nhóm này gồm hải ly, rái cá, chó sói, một số dơi và cáo và một vài động vật có móng.” — Ker Than, “Wild Sex: Where Monogamy is Rare”, Live Science, November 20, 2006]

Trước khi có quần áo che thân thì không có khái niệm “xấu hổ”. Vú ngực, vùng kín cũng chỉ là một bộ phận trong cái toàn thể con người không cần che đậy.

Che đậy là có ý niệm xấu, có tà ý. Theo khái niệm của tinh thần người sống hoang dã.

Nếu không cần che đậy thì việc giao cấu hầu như tự nhiên, Như ăn, như ngủ. Có nhiều hình ảnh, tài liệu trong các xã hội thô sơ, ở đó đàn ông, đàn bà làm việc giao cấu trong khi con cái bò chung quanh vui đùa.

Xin xem thêm tác giả Claude Levy-Strauss trong cuốn Triístes Tropiques, năm 1957 để rõ hơn. Claude Lévy-Straus một nhà nhân chủng học thuộc trường phái cấu trúc đã có dịp sống và quan sát các thổ dân sơ khai nhất tại vùng Amazone. Ông cũng là tác giả gây cho tôi ấn tượng khó quên khi tôi còn là sinh viên đại học.

Đối với tác giả, ông như một khám phá và mở ra một chân trời mới về Nhân chủng học khác với những lý thuyết nhàm chán của một E. Durkheim và một số các nhà xã hội học Pháp thời thập niên 1960.

Nó giúp những người trẻ như tác giả lúc bấy giờ có một cái nhìn khai phóng, rộng lượng và cả bao dung cũng như dẹp những rào cản không còn cần thiết nữa..Không còn “vùng cấm” hay những cấm kỵ (tabou) mà tùy thuộc vào nhu cầu của bày đoàn, không phải cá nhân.

Những khảo cứu của Claude Lévy Strauss tại Ba Tây, nơi mà người theo đạo Thiên Chúa giáo được coi là đông đảo nhất thế giới với một sự thực hành tôn giáo có phần khác với những mẫu mực tôn giáo các nơi khác.

Sao Paulo và Rio de Jainero cũng như những thành phố lớn khác của họ có một lối sống đạo điển hình cho một lối sống đạo phóng khoáng và cởi mở của thời đại hôm nay.

Trong khi đó, ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, vẫn còn vết tích của một nếp sống đạo cổ truyền của 100-200 năm trước.

Điều đặc biệt vẫn là sức sống mãnh liệt bày tỏ công khai ở những nơi ấy pha trộn nhiều nguồn ảnh hưởng từ truyền thống Ấn độ, Phi Châu đến Âu Châu.

5 bộ lạc bí ẩn chưa được giải mã không có liên lạc với thế giới bên ngoài, một số trong số họ vẫn chưa được biết đến khoa học hiện đại. Dark5 khám phá rừng thẳm của Amazon, một hòn đảo cô lập, một sa mạc xa xôi và rừng rậm của Việt Nam.

Nếu được chọn lựa, người viết vẫn thích một cuộc sống sinh động, đầy nhân bản con người thay vì nếp sống cằn cỗi, khô cằn mà từ tiếng nhạc đến văn chương thơ phú, chỉ là những tiếng thở dài của ngàn năm lịch sử lấy bạo lực chiến tranh làm lẽ sống còn.

Yuval Noah Harari cho thấy tính cách chung của con người Sapiens là tính cách “bầy đàn”. Cho nên sự riêng tư và cô đơn tách lẻ là rất hiếm nếu không nói là một khái niệm xa lạ.

Và họ hàng lớn của chúng ta không ai khác bao gồm tinh tinh tinh, khỉ độc và đười ươi.

Ngày nay chúng ta cho rằng cốt lõi như hạt nhân của đời sống gia đình là một vợ một chồng mà biểu tượng là Adam và Eva. Adam và Eva mở đầu cho giai doạn tách biệt ra khỏi bầy đàn, tách biệt ra khỏi giai đoạn hái lượm – như đoạn bình minh của nhân loại — bước vào thời trồng trọt và chăn nuôi với lkasi niệm tư hữu, tích lũy và kế thừa của cải.

Adam và Eve là nguồn gốc của khái niệm biết “xấu hổ”, nguồn gốc của khái niệm tội lỗi với tội tổ tông. Nếu hiểu vườn địa đàng theo một nghĩa nguyên ủy thì đó là một nơi sống hồn nhiên tự tại, không có khái niệm biết lành, biết dữ thì phải chăng tổ tiên loài người đã từng sống trong một thế giới được gọi là địa đàng?

Tuy nhiên, đứng về mặt lịch sử con người thì vài ngàn năm bước vào giai đọan trồng trọt và chăn nuôi của chúng ta vẫn chỉ là một cái chớp mắt so với hàng vài chục ngàn năm đến triệu năm tổ tiên chúng ta ở giai đoạn săn bắn và hái lượm.

Kể từ đây, mọi chuyện đổi khác khi có tích lũy và khái niệm đực-cái trong giao hợp không còn ý nghĩa nguyên thủy của nó nữa. Có sự ức chế, trên dưới, có sự tich lũy tài sản sẽ phá hủy bình đẳng giới tính giữa cùng phái và nhất là khác phái. Sự ưu đãi dành cho giống đực hay một con đực do làm chủ tài sản đưa đến chỗ độc quyền một số con cái vây chung quanh một con đực và dần được hợp thức hoá qua các thể chế bộ lạc.

Chế dộ đa thê thành hình vì những áp lực kinh tế, miếng ăn và sự sống còn mà sinh ra nó.

Nhưng, ngày nay, người ta quên rằng đã có một loại thổ dân Bari ở Châu Mỹ nơi đó người ta tin rằng có một tập tục của “người làm cha tập thể”. Cụ thể là một đứa trẻ không được sinh ra từ tinh trùng của một nam giới duy nhất mà từ sự tích tụ của nhiều tinh trùng trong tử cung của nữ giới.

Theo Yuval Noah Harari:

“Một người mẹ tốt sẽ quan hệ tình dục cùng thời điểm với nhiều nam giới khác nhau, đặc biệt là khi cô ta đang mang thai, do đó con của cô sẽ được thừa hưởng những phẩm chất (và cả kỹ năng chăm sóc con cái) không chỉ đơn thuần từ các thợ săn tốt nhất mà từ người kể chuyện hay nhất, những chiến binh mạnh nhất và những người tình chu đáo nhất. Nếu điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, hãy nhớ rằng trước khi các nghiên cứu hiện đại về phôi thai phát triển, người ta không có bằng chứng chắc chắn rằng các em bé luôn được sinh ra bởi một người cha duy nhất hơn là bởi nhiều người.”

(Yuval Noah Harari, bản dịch Sapiens Lược sử loài người. Nguyễn Thủy Chung dịch. Võ Minh Tuấn hiệu đính. Nxb Trí thức, trang 58)

Ở một góc nhìn xã hội, thời cổ đại, môt phụ nữ có thể giao cấu với nhiều người Nam mà không bị liệt vào một khung đạo đức nào. Điều ấy có khác chi — nếu không nói nó vượt lên trên về mặt nhân sinh quan xã hội thời hiện nay — với định chế hạt nhân một vợ một chồng cần phải ly dị hoặc chọn đời sống độc thân để có tự do luyến ái với bất cứ ai? Khái niệm “cùng thời điểm” nay đổi ra khái niệm “một lượt một người”. Lúc nào cũng độc thân mà chiếc gối bên trái thường không bao giờ bị bỏ trống!

Và với nhiều hình thái, phương pháp mà trước đây người cổ sơ có thể không biết đến. Chẳng hạn hình thái thủ dâm được coi là thời thượng của đời sống tình dục thời nay đạt tới đỉnh điểm của khoái lạc mà không cần thiết có cuộc giao cấu tự nhiên nào.

Cho nên, cá nhân tôi vẫn có một xác tín rằng cuộc sống tự nhiên của tổ tiên chúng ta trong mọi sinh hoạt, trong đó có sinh hoạt tính dục vẫn ở một tầm đáng nể.

Người viết không dám kết luận về hơn kém. Vì không có đủ thẩm quyền chọn lựa, ngay cả quyền làm lại. Nhưng vẫn cảm thấy có một cái gì không ổn trong chế độ hạt nhân một vợ một chồng. Nó chồng chất nhiều tai hại khôn lường được.

Người viết cũng vẫn tin rằng có một pensée sauvage chẳng thua kém gì cái cái tư tưởng của thế giới văn minh tiến bộ.

Phản bác là chối bỏ một sự thật. Nếu không phản bác là giả hình, giả đạo đức.

Thiển nghĩ rằng nếu các phụ nữ Việt- hẳn là có sự khác biệt với phụ nữ Mỹ — nếu đọc đượcnhững tài liệu trích dẫn trong bài này — thì họ sẽ “bớt hung hăng con bọ xít”, bớt “ta đây”, bớt “con nhà lành” và biết tự trọng bằng cách im lặng.

Nhưng chỉ trích dẫn tài liệu thôi cũng chưa đủ. mà phải bằng chính cuộc sống hiện hữu của con người, bằng phân tâm học, bằng tâm lý học. Chúng ta sẽ hiểu rằng, con người ai ai – trai cũng như gái, giàu hay nghèo, sang hay hèn, thành công hay thất bại – trong thế gian thường tình cũng luôn luôn tìm cách biện hộ cái lý lẽ ở đời của mỗi người. La raison d’être là cứu cánh cuộc đời của mỗi người để ta tự soi gương và lúc nào cũng thấy ta toàn thiện.

Thiện ý bao giờ cũng trang bị đầy đủ. Thiện chí bao giờ cũng có thừa.

Chinh vì cái có thừa đó mà trong triết học tôn giáo mới có một nhận xét mỉa mai như sau: Ở dưới Hỏa ngục thì đầy những kẻ có thiện chí.

(Còn tiếp)

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline hiệu đính, phụ chú và minh họa.