Các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung (Kết)

Cao Tuấn

Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua cho đến tận ngày nay có đến hằng trăm triệu độc giả ở Trung Hoa, Đài Loan, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Âu Châu,… say mê nghiền ngẫm truyện Võ Hiệp Kim Dung, có hàng trăm tác giả viết sách, báo bình luận về tư tưởng, cuộc đời của Kim Dung, thậm chí xuất hiện cả trường phái “Kim Học”. (Hình bên: Bìa cuốn Lộc Đỉng Ký, tiếng Ahh)

— Nhân vật tượng trưng cho các nước Đế Quốc Âu Châu: Tây Độc

Cao thủ 91 tuổi biểu diễn cáp mô công (của Tay Độc Âu Dương Phong). Năm 2009. Nguồn CNSphoto

Tây Độc là một nhân vật kinh khủng, có lẽ còn đáng ghét hơn cả Đông Tà, theo sự diễn tả của Kim Dung ám chỉ các nước đế quốc thực dân Âu Châu đã sâu xé, dày xéo, bóc lột Trung Hoa và các dân tộc ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ hàng trăm năm.

Tây Độc là ngoại hiệu của Âu Dương Phong. Âu là Âu Châu. Âu Châu ở phía Tây của Trung Quốc. Người Âu Châu còn gọi là người Tây Dương, hay người Tây Phương. Tây Độc Âu Dương Phong cũng xưng là Bạch Đà Sơn Chủ, tức chúa núi Bạch Đà. Bạch là mầu trắng khiến liên tưởng đến người da trắng, giòng giống… Bạch Quỷ!

Trái với nếp sống thanh tĩnh theo Đạo Giáo của Trung Thần Thông Vương Trùng Dương, nếp sống của Tây Độc Âu Dương Phong là sự hưởng thụ vật chất tầm thường, ô trọc. Căn cứ Bạch Đà Sơn chứa đầy gái đẹp, ngọc ngà, châu báu, của ngon vật lạ… vốn là chiến lợi phẩm có từ cướp của, giết người, bắt cóc…do hai chú cháu Âu Dương Phong và Âu Dương Công Tử thực hiện. Mô tả này nhắc thời kỳ các nước Âu Châu ùa nhau đi chiếm thuộc địa, bắt buộc các dân tộc khác làm nô lệ, thực thi chính sách đế quốc bóc lột tàn nhẫn, trở nên giầu có và truỵ lạc

Sự mất trí, điên cuồng lúc về sau của Tây Độc biểu tượng cho sự vong thân của người Tây Phương dẫn đến khủng hoảng xã hội, cách mạng, nội chiến và đánh giết lẫn nhau gây ra đại chiến thế giới 1 và 2.

— Nhân vật tiêu biểu cho Liên Sô: Bắc Cái

Bắc Cái là ngoại hiệu của Hồng Thất Công.

Chữ Hồng (Hán tự). Nguồn DCVOnline

Bắc Cái là bang chủ Cái Bang, là chúa ăn mày, tức là trùm vô sản.

Liên Sô ở phía Bắc và Tây của Trung Quốc. Bắc nhiều hơn Tây, vả lại Tây đã dùng cho trường hợp Tây Độc để ám chỉ Âu Châu.

Chữ Hồng, họ của Bắc Cái (Hồng Thất Công) theo Hán Văn là rộng lớn mênh mông nhưng lại đồng âm với chữ Hồng là đỏ, mầu tiêu biểu cho đảng Cộng Sản, tức Cái Bang. Thêm nữa, chữ Hồng gồm 2 phần, bên tả là bộ thuỷ, bên hữu là chữ cộng, y như chữ Cộng trong từ ngữ Cộng Sản.

Kỹ thuật tranh đấu của Bắc Cái là Đả Cẩu Bổng Pháp – dùng gậy để đánh chó của nhà giầu, đánh cả cường hào, ác bá, tham quan ô lại – tiêu biểu cho chủ trương Giai Cấp Đấu Tranh, Hàng Long Thập Bát Chưởng tiêu biểu Biện Chứng Pháp Duy Vật. Kiên Bích Trận của Cái Bang biểu tượng kỹ thuật tổ chức và tranh đấu tập thể của Đảng Cộng Sản Quốc Tế do Liên Sô lãnh đạo.

Cái Bang của Hồng Thất Công có 2 phe ăn mày hiềm khích và chống chọi nhau. Một phe áo lành và sạch nhưng ít người, ám chỉ Cộng Sản Đệ Tứ với thủ lãnh Trotsky. Một phe áo rách và dơ nhưng đông người hơn, ám chỉ Cộng Sản Đệ Tam do Stalin cầm đầu. Bắc Cái Hồng Thất Công có thể vừa tượng trưng cho Liên Sô như là một quốc gia, vừa tượng trưng cho Lenin như là một nhân vật. Chỉ khi Lenin lúc còn sống mới dung hợp được cả phe Stalin và phe Trotsky.

— Nhân Vật tiêu biểu cho các nước thuộc thế giới đệ tam – tức là các nước đang mở mang như Thái Lan: Nam Đế

Nam Đế là ngoại hiệu của Đoàn Chính Minh, vua nước Đại Lý, thuộc sắc dân Thái, sau thoái vị đi tu với pháp danh là Nhất Đăng, Nhất Đăng Đại Sư. Người thế độ cho ông không phải là một cao tăng Trung Hoa mà là một nhà sư Thiên Trúc, tức là Ấn Độ, theo Phật Giáo Tiểu Thừa khác với Phật Giáo Đại Thừa thịnh hành ở Trung Hoa.

Hiện nay có cuộc mâu thuẫn giữa các nước đã phát triển ở phương Bắc và các nước đang mở mang ở phương Nam, được gọi là tranh chấp Bắc Nam. Nam Đế là biểu tượng của thế lực phương Nam.

— Nhân vật biểu tượng cho Đức Quốc Xã và Phát Xít Ý : Anh em Cừu Thiên Nhạn và Cừu Thiên Lý

Được mời nhưng không tham dự cuộc Hoa Sơn Luận Võ, Bang Chủ Thiết Chưởng Bang Cừu Thiên Nhạn được xem là có tài nghệ ngang với Võ Lâm Ngũ Bá. Cừu Thiên Lý là anh song sinh của Cừu Thiên Nhạn, trông rất giống , có tánh mưu mẹo, gạt gẫm nhưng tài nghệ kém người em rất xa hàm ý Phát Xít Ý của Mussolini ra đời trước, hay khoa trương, nhưng không có thực lực như Đức Quốc Xã của Hitler.

Theo sự mô tả của Kim Dung, Thiết Chưởng Bang (Bang hội Bàn Tay Sắt) lúc đầu là hội của những người yêu nước chống sự xâm lấn của nước ngoài, về sau lầm lạc đi vào con đường cướp bóc, hung bạo, xem mạng người như cỏ rác phù hợp với lịch sử chung của 2 chế độ độc tài hữu phái Quốc Xã và Phát Xít.

Ngoại hiệu Thuỷ Thượng Phiêu phản ảnh công phu độc đáo đi trên mặt nước của Cừu Thiên Nhạn ám chỉ chủ nghĩa siêu nhân và siêu tộc của Đức Quốc Xã.

Tín hiệu bàn tay sắt của bang chủ Cừu Thiên Nhạn là gợi ý đến từ bội tinh Thập Tự Sắt, huy chương quân công cao quý nhất của dân tộc Đức cũng như huy hiệu chữ Vạn thời Hitler.

— Nhân Vật biểu hiệu cho nước Mỹ: Dương Qua

Dịch giả Anna Holmwood và bìa cuốn Tuyện Anh hùng Xạ điêu (tiếng Anh) của Kim Dung. Nguồn: Ảnh cấp cho China Daily

Dương Qua nhận Tây Độc làm nghĩa phụ và được truyền dậy những công phu siêu đẳng hàm ý nước Mỹ có gốc gác Âu Châu, văn hoá Mỹ cùng tính chất văn hoá Âu Châu, gọi chung là Tây Phương. Dương Qua còn được gọi là Tây Cuồng.

Dương Qua chính là Thần Điêu Đại Hiệp mà chim điêu (eagle) là biểu hiệu của nước Mỹ. Quốc huy của nước Mỹ có hình chim điêu.

Trong lần Hoa Sơn Luận Võ cuối cùng, trong số 5 cao thủ có mặt thì Dương Qua là người trẻ nhất được xem như kế vị Tây Độc nhưng không ác hại như nghĩa phụ, lại học thêm được tinh hoa võ thuật của các cao thủ khác, cũng như tự sáng chế nên có bản lãnh cao hơn mọi người. Điều này phù hợp với sự kiện nước Mỹ là quốc gia Tây Phương, trẻ trung, cường thịnh vượt hẳn các nước đế quốc Âu Châu già nua, tàn tạ như đế quốc Bồ Đào Nha, đế quốc Tây Ban Nha, đế quốc Anh, đế quốc Pháp, đế quốc Hoà Lan, đế quốc Bỉ… để trở nên đệ nhất siêu cường.

2. Các nhân vật được dùng để mô tả một vài chính khách nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa cận đại

Trước hết là trường hợp các lãnh tụ Trung Cộng

Trong thời kỳ sáng tác ba bộ Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp, Kim Dung còn thiên tả nhưng đến khi viết hai bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ và Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung đã nhận chân được sự thật về Cộng Sản Quốc Tế nói chung và Cộng Sản Trung Hoa nói riêng.

Trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ đề tài chính là cuộc tranh chấp đẫm máu giữa Triêu Dương Thần Giáo và các phe gọi chung là bạch đạo. Ông Huy đã tìm thấy nhiều dữ kiện chứng tỏ rằng Triêu Dương Thần Giáo trong Tiếu Ngạo Giang Hồ được dùng để ám chỉ đảng Cộng Sản Trung Hoa và hai vị giáo chủ Nhậm Ngã Hành và Đông Phương Bất Bại biểu tượng hai nhà lãnh đạo quan trọng của Trung Cộng là Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ. Ông Huy lý luận như sau:

Triêu Dương là buổi sớm mai lúc mặt trời ở phía Đông mà bản quốc thiều của Trung Cộng là bản Đông Phương Hồng.

Khẩu hiệu chính của Trung Cộng trong thời kỳ chiến tranh lạnh là “gió đông thắng gió tây” cho nên Giáo chủ Triêu Dương Thần Giáo có tên là Đông Phương Bất Bại là hiện thân của Lưu Thiếu Kỳ, người làm chủ tịch nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) trong 9 năm và nắm thực quyền một thời gian dài trước khi bị lật đổ, bị tra tấn và bị giết.

Giáo chủ Nhậm Ngã Hành biểu tượng cho Mao Trạch Đông, Chủ Tịch đảng Cộng Sản Trung Hoa. Việc Đông Phương Bất Bại bí mật giam Nhậm Ngã Hành trong lòng đất dưới đáy Tây Hồ ở Hàng Châu ám chỉ thời kỳ Lưu Thiếu Kỳ liên kết với Đặng Tiểu Bình tập trung quyền lực Đảng trong tay, dồn Mao Trạch Đông vào thế “ngồi chơi xơi nước”, “hữu danh vô thực” sau thất bại “bước tiến nhẩy vọt” khiến Mao uất hận dùng “đại cách mạng văn hoá” long trời lở đất để quật ngược lại. Cuộc xung đột giữa Nhậm Ngã Hành và Đông Phương Bất Bại cũng kỳ bí và ghê gớm như cuộc xung đột giữa Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ.

Thần Long Giáo trong Lộc Đỉnh Ký cũng được dùng để ám chỉ đảng Cộng Sản Tầu. Giáo Chủ Hồng An Thông là hình ảnh xấu xí của Mao Trạch Đông, bà vợ ác nghiệt nhưng trẻ đẹp Tô Thuyên tức Hồng Phu Nhân biểu hiệu cho Giang Thanh, bọn Ngũ Long Thiếu Niên tượng trưng cho Vệ Binh Đỏ. Những cảnh tượng xấu xa, tàn bạo, tệ hại liên quan đến Thần Long Giáo mà Kim Dung mô tả rất gần với thực trạng chính trị Hoa Lục thời Đại Cách Mạng Văn Hoá.

Kế tiếp là trường hợp của các chính khách quốc gia Trung Hoa trong mắt Kim Dung theo như sự suy đoán của ông Huy

Cũng trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, nếu Triêu Dương Thần Giáo (bị gọi là Ma Giáo) tượng trưng cho phe Cộng Sản thì phái Bạch Đạo tương trưng cho phe Quốc Gia. Phe Bạch Đạo chính thức theo lập trường bảo vệ đạo lý và tình trạng đương hữu nhưng trong thực tế phân hoá trầm trọng. Có những người đàng hoàng, tử tế nhưng không thiếu kẻ gian ác. Nhân vật tiêu biểu cho loại người sau là Nhạc Bất Quần, chưởng môn của phái Hoa Sơn, sau lên làm “minh chủ” của 5 phái “hợp nhất” gọi là Ngũ Nhạc kiếm Phái gồm Hoa Sơn, Hành Sơn, Tung Sơn, Thái Sơn và Hằng Sơn.

Nhân vật Nhạc Bất Quần được Kim Dung dùng để ám chỉ Tưởng Giới Thạch, sau khi “quốc phụ” sáng lập là Tôn Dật Tiên chết, thì trở thành lãnh tụ số 1 của Trung Hoa Dân Quốc và Trung Hoa Quốc Dân Đảng.

Kim Dung dùng lối chơi chữ ở đây. Không để ý thì không thấy. Nhạc, theo chữ Hán, là hòn núi lớn gồm chữ “khâu” là gò và “sơn” là núi. Cả 3 chữ “nhạc”, “khâu” và “sơn” đều chỉ những khối lớn do đá cấu tạo nên. Mà đá tức là “thạch”, Tưởng Giới Thạch!

Dưới ngòi bút có phần cố ý… “bôi bác” của Kim Dung, Nhạc Bất Quần có bề ngoài khả kính của một lãnh tụ võ lâm mang ngoại hiệu Quân Tử Kiếm nhưng thực chất là Nguỵ Quân Tử hay Quân Tử giả hiệu.

Tưởng Giới Thạch còn có tên là Tưởng Trung Chánh hàm ý thành tín ngay thẳng, không những chính thức theo chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên – Dân Tộc độc lập, Dân Quyền tự do, Dân Sinh hạnh phúc – mà còn luôn luôn đề cao Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ nhưng, theo Kim Dung, thật sự là người theo chủ nghĩa quyền uy, một nhà độc tài hữu phái đứng đầu một chính quyền ung thối vì tham nhũng.

Giống như Nhạc Bất Quần lớn tiếng tố cáo, miệt thị Ma Giáo, Tưởng Giới Thạch kết án Cộng Sản tà nguỵ, bất nhân nhưng bên trong Tưởng hành động còn tà nguỵ, bất nhân hơn hay cũng chẳng kém. (Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, Kim Dung còn nghiêng về Nhậm Ngã Hành tức Mao Trạch Đông, hàm ý Mao vẫn đỡ tệ hại hơn Tưởng. Chi trong Lộc Đỉnh Ký, qua nhân vật Giáo chủ Hồng An Thông Kim Dung mới xem Mao, Tưởng đều đáng ghét như nhau).

Thông điệp chính trị của Kim Dung

Trở lại những ẩn số chính trị mà ông Huy tìm thấy, những ẩn số quan trọng nhất có lẽ là những thông điệp mà Kim Dung đã kín đáo gửi đến cho đồng bào Trung Hoa của ông. Những thông điệp này cũng có thể trở thành những điều đáng suy ngẫm cho những người hoạt động chính trị hay tranh đấu chính trị nói chung ở bất cứ nước nào, Trung Hoa, Việt Nam, Miến Điện, Mỹ, Nhật, Âu, Phi… Chẳng hạn như:

1. Chính nghĩa dựa trên đạo lý thường chỉ là nhận thức chủ quan, dễ dàng đưa đến sự thiên vị. Đoàn thể nào cũng xem đạo lý của mình là đúng, là chính còn đạo lý của đoàn thể khác là sai, là tà. Đấy là chưa kể “nói một đằng, làm một nẻo”.

2. Trong mọi đoàn thể đều có người tốt, người xấu chứ không phải người của chính phái nhất định là tốt, người của tà phái nhất định là xấu. Ma Giáo có thể có người tử tế như Hướng Vấn Thiên, Khúc Dương Trưởng Lão, danh môn chính phái như Thiếu Lâm, Võ Đang có thể có đệ tử đồi bại như Trần Hữu Lượng, Tống Thanh Thư. Hệ quả này là người ta phải có tinh thần cởi mở và khoan dung đối với nhau. Nên cởi mở và khoan dung như Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ.

3. Mô tả quá trình các nhân vật đạt đến vị trí tối cao như lãnh tụ, như minh chủ nguyên tắc của Đạo Đức Kinh được thực thi là “tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi” (biết đủ thì không bị nhục, biết dừng lại đúng lúc thì không bị nguy) và nguyên tắc “bất tranh” (không tranh dành cho bằng được). Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần tàn phế, tử vong, thân bại danh liệt vì quá tham lam, ham hố. Mưu thâm thì hoạ cũng thâm !

4. Trong đoạn cuối của Tiếu Ngạo Giang Hồ, giáo chủ Triêu Dương Thần Giáo ngỏ lời gả con gái là Nhậm Doanh Doanh cho Lệnh Hồ Xung và mời Lệnh Hồ Xung làm Phó Giáo Chủ. Mặc dù yêu Nhậm Doanh Doanh tha thiết, Lệnh Hồ Xung khước từ và bỏ đi. Điều này có nghĩa: Riêng tại các nước có sự phân tranh Quốc-Cộng như trường hợp Trung Hoa (cũng như Cao Ly, Cuba, Việt Nam) sẽ không có, không thể có, hoà giải, hoà hợp dân tộc thực sự nếu các đảng Cộng Sản đang nắm quyền lực tiếp tục chủ trương độc tài, độc đảng, độc tôn phi lý. Các đảng Cộng Sản này phải đi bước trước là thực hiện sự cải cách thực sự.

Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua cho đến tận ngày nay có đến hằng trăm triệu độc giả ở Trung Hoa, Đài Loan, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Âu Châu,… say mê nghiền ngẫm truyện Võ Hiệp Kim Dung, có hàng trăm tác giả viết sách, báo bình luận về tư tưởng, cuộc đời của Kim Dung, thậm chí xuất hiện cả trường phái “Kim Học”.

Tuy nhiên, không thấy ai nghiêm túc đặt vấn đề “đi tìm các ẩn số chánh trị” trong các tác phẩm của Kim Dung. Hoặc giả có đặt vấn đề thì chỉ “giải quyết” bằng cách đưa ra các khái niệm mơ hồ về chuyện Tả, Hữu, Quốc, Cộng… chứ không có ai tìm ra được các những “bí mật” ẩn tàng một cách rõ ràng, mạch lạc và có hệ thống như ông Nguyễn Ngọc Huy.

Kim Dung đã “qua mặt” được tất cả mọi người(2) nhưng không “qua mặt” được một người, một người Việt Nam!

Phải chăng “Dẫu cường nhược có lúc khác nhau song hào kiệt đời nào cũng có”?

(Tháng 12/2018)

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập, minh họa và phụ chú.

(2)
“…ông Huy suy đoán Kim Dung vốn là người trí thức khuynh Tả, có thiện cảm với các đoàn thể theo Xã Hội Chủ Nghĩa và các quốc gia theo chế độ Cộng Sản và không có thiện cảm với các đoàn thể thuộc phái Hữu và các quốc gia Tây Phương.” – Cao Tuấn, phần I.

DCVOnline: Đối với Kim Dung, dùng quá khứ như một tấm gương cho hiện tại không chỉ là một kỹ thuật dùng trong học thuật.

Ông sinh ra ở một thị trấn giàu có dọc theo đồng bằng sông Dương Tử năm 1924, là con thứ hai trong bảy anh chị em, trong một gia đình có lịch sử phục vụ triều đình Trung Hoa. Vào năm 1727, một vị tiền nhân trong dòng họ của ông đã phạm húy, đụng đến Ung Chánh Đế (cha của Càn Long) chỉ vì hai câu thơ bất cẩn, đã bị trảm thủ và đầu lâu bị cắm trên cọc nhọn làm gương. Hai thế kỷ sau, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc gia đình ông đã phải tản cư, và mẹ ông, vì kiệt sức, đã chết trong khi chạy tránh bom Nhật Bản. Sau cuộc cách mạng Cộng sản, năm 1949, thân phụ của Kim Dung bị coi là kẻ thù của giai cấp vô sản, bị xử tử, và gia sản bị tịch thu. Lúc đó, Kim Dung đang sống bình an ở Hồng Kông, một thuộc địa Anh Quốc. Ông hy vọng trở thành một nhân viên ngoại giao, nhưng, không thể làm việc với chính phủ Trung Cộng, và đã chọn làm người biên kịch, phê bình phim và làm báo.

Thành công của cuốn sách Thần Điêu Đại Hiệp, cuốn tiểu thuyết võ hiệp thứ ba của Kim Dung, cho phép ông đứng ra lập tờ báo riêng của mình, tờ Minh Báo, vào năm 1959. Trong những năm đầu của tờ báo, Kim Dung đã tự viết nhiều bài đăng trên trang nhất và các bài xã luận lên án những chính sách thái quá trong kế hoạch kinh tế “Đại nhảy vọt” và cuộc “Cách mạng Văn hóa” của Mao đã gây ra nạn đói và chết chóc.

Nhân viên của tờ Minh Báo do Kim Dung chọn là những chuyên viên sử học và thi sĩ đã được đào tạo căn bản, đa số là người Trung Hoa đại lục tị nạn cộng sản; điều này đã khiến tờ báo, cùng với tiểu thuyết của ông có sắc thái đặc thù trở thành đích ngắm và bị cuộc cách mạng văn hóa đánh nát như tương (cũng như hầu hết sách Trung Quốc đương đại được dịch sang tiếng Anh hiện nay). Các bài xã luận chống chủ nghĩa Mao khiến ông đã bị cộng sản nằm vùng ở Hong Kong đe dọa thủ tiêu nhiều lần, và, vào năm 1967, Kim Dung đã phải tạm rời khỏi Hồng Kông một thời gian ngắn đi lánh nạn ở Singapore. Khi về lại Hong Kong, ông đã nổi danh là một nhà báo chính luận không màng nguy hiểm đến mạng sống vì đất nước.

Trong nhiều chục năm, Kim Dung đã phủ nhận những nhận xét cho rằng rằng tiểu thuyết võ hiệp của ông phóng dụ chính trường hiện đại.

Nhưng với nhiều độc giả của ông, đây là chuyện khó tin vì trong khi tờ Minh Báo hàng ngày ghi lại những sự kiện khủng khiếp của thời Mao ở những bản tin và trong các bài xã luận, thì những đoạn tiểu thuyết võ hiệp mỗi ngày của Kim Dung mô tả một cao thủ võ hiệp ngạo mạn và được một đám đệ tử xùy xụp tôn sùng. Trong tiểu thuyết, Kim Dung lại đưa ra một nhân vật phản diện khác là một cao thủ lãnh đạo tà giáo, độc ác, có một người vợ độc đoán, suốt ngày gào thét, muốn lên ngôi quyền lực tối cao trong giới giang hồ. Bạn đọc của Kim Dung khó mà không thấy sự tương đồng của tiểu thuyết với đời thường ở một Mao Chủ tịch, với Giang Thanh, vợ của Mao, và và đám giáo đồ cuống tín Hồng vệ binh của họ. Tuy nhiên, Kim Dung luôn lúng túng về việc liệu những cuốn sách của ông có phải là là để ám chỉ, để gián tiếp phê phán về chính sự hiện tại bằng những câu chuyện kể về quá khứ.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, Nick Frisch đã hỏi Kim Dung về ngụ ý chính trị của những tác phẩm của ông’ Kim Dung đã làm người hỏi ngạc nhiên khi ông công nhận thực sự là thế. Ông nói, nói về nhân vật phản diện trong của cuốn tiểu thuyết võ hiệp cuối cùng, Lộc Đỉnh Ký, của ông, “Vâng, đúng thế, Hồng An Thông, giáo chủ Thần Long giáo, có nghĩa là Đảng Cộng sản.”

Kim Dung xác nhận vài cuốn tiểu thuyết võ hiệp về sau của ông là những câu chuyện phóng dụ những sự kiện xảy ra trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

Cuốn Thần Điêu Đại Hiệp (Thần Điêu Hiệp Lữ,神鵰俠侶), viết trong những những năm cuối thập niên 50, ghi lại những chấn thương xã hội Trung Hoa phải gánh chịu khi Cộng sản lên cầm quyền, bằng những ký ức của tổ tiên của họ về những cuộc xâm lăng của dân du mục Mông Cổ  từ phương bắc. Các nhân vật trong Thần Điêu Đại Hiệp cũng phải đối diện với thách thức giống như người Hoa ở thế hệ của Kim Dung: một là chọn bắt tay với chế độ miền bắc mới lên ngôi quyền lực hay hai là chạy trốn vào miền nam như một người tị nạn yêu nước, và nỗi thống khổ của họ khi mất đi sông núi, đất nước của tổ tiên. Mặc dù Thần Điêu Đại Hiệp là một tiểu thuyết võ hiệp hư cấu, nhưng nó gợi lên ẩn dụ chính của Trung Hoa về cách viết lịch sử: tấm gương, một dấu ấn của quá khứ mà chúng ta nhìn vào để thấy được những sự thật của hiện tại.

Hai câu thơ của Kim Dung với 14 chữ đầu tựa 14 tác phẩm của ông:
Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc 飛雪連天射白鹿 Whirling snow blankets the sky, I hunt white deer / Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên 笑書神俠倚碧鴛 Laughing as I write legends of chivalry and romance (Nguồn và Anh ngữ do Eileen Chengyin Chow dịch).

(Trích Nick Frisch, “The Gripping Stories, and Political Allegories, of China’s Best-Selling Author”, The New Yorker, April 13, 2018. [Nick Frisch phỏng vấn Kim Dung].