Bốn chục năm sau khi đụng độ với KKK, Một cộng đồng người Việt thịnh vượng ở Texas

John Burnett | Trà Mi

Chính quyền Trump gần đây đã loại bỏ nhóm chữ “một quốc gia của những người di cư” trong thuật ngữ chính thức.

Hiền Trần, 66 tuổi và con Lucy của bà trước khu chung cư Làng Thái Xuân ở Houston ngày 29 tháng 10. Nguồn: Scott Dalton cho NPR

Khi người tị nạn Việt Nam đầu tiên định cư tại thị trấn ven biển Seadrift ở Texas, họ đã chạm trán với dân địa phương và bị một số người oán giận. Xích mích giữa người tị nạn vàn dân địa phương lên đến đỉnh điểm vào ngày 25 tháng 11 năm 1979, khi nhóm kỳ thị chủng tộc Ku Klux Klan đến tận làng của dân chài gốc Việt. Họ đe dọa ngư dân Việt Nam đang cạnh tranh với ngư dân da trắng địa phương và bảo người tị nạn phải lên bờ và đi khỏi thị trấn. Đây là một phần của sự đối đãi như thù địch của dân địa phương đối với một phần trong số 130.000 người tị nạn Việt Nam đến Hoa Kỳ sau khi Sài Gòn sụp đổ.

Bốn mươi năm sau, người Việt Nam hiện đang là một cộng đồng vững mạnh dọc theo Bờ Vịnh phía nam Hoa Kỳ. Vòng cung của kinh nghiệm định cư của người ti nạn Việt Nam là bài học lịch sử, và nó cho chúng ta một ống kính để nhận định về thái độ hiện tại của người Mỹ đối với người nhập cư.

Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam tại một trung tâm mua sắm ở Houston. Nguồn: Scott Dalton cho NPR
Thảo Hà, lớn lên ở Houston và hiện đang dạy xã hội học tại một trường cao dẳng ở California, đang lái xe và nói chuyện với với các phóng viên của NPR về cuộc sống ở Sài Gòn Nhỏ ở Houston. Nguồn: Scott Dalton cho NPR
Kim Nguyễn và con gái Kimmy, 17 tuổi, đi mua sắm tại một siêu thị châu Á khổng lồ ở Houston. Nguồn: Scott Dalton cho NPR

Chính quyền Trump muốn giảm tốc độ nhận người nhập cư hợp pháp vào Mỹ, mục đích chính là vặn nhỏ lửa “nồi nấu chảy” của xã hội Mỹ. Tổng thống Trump tin rằng quá nhiều người nhập cư không đồng hóa vào với xã hội Mỹ và họ đang mở rộng tầng lớp thấp nhất trong xã hội.

Trump muốn nhận những người nhập cư dựa trên khả năng và trình độ giáo dục hơn là nhận người nhập cư theo mặt liên hệ gia đình; đó chính là cách rất nhiều người Việt Nam [và cả bố mẹ vợ của Tổng thống Trump – TM] đã đến Mỹ sau làn sóng người tị nạn đầu tiên đến đây vào cuối của Chiến tranh Việt Nam.

Vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, nhiều người Việt Nam tị nạn đợt sau đã di cư đến vùng Bờ Vịnh phía Nam nước Mỹ vì thích sống ở khu vực khí hậu ấm ám và tiếp tục hành nghề đánh cá, mà họ đã làm khi còn ở Việt Nam.

The Nguyen, bằng tiếng tiếng Anh nặng giọng Việt Nam nói,

“Thực sự [KKK] không thích chúng tôi. Có vẻ như họ lỳ thị và họ muốn đuổi chúng tôi đi. Nhưng chúng tôi không bỏ cuộc dễ dàng như vậy.”

Ông Nguyễn 61 tuổi nói ông là một trong số ít những ngư dân Việt Nam bắt cua ở thị trấn này còn nhớ những chuyện tồi tệ ngày xưa.

Ông The Nguyễn tại tiệm bán mồi và cua của ông ở Seadrift. Nguồn: Scott Dalton cho NPR
Một thùng cua xanh mới bắt sẵn sàng gởi đến các nhà hàng trên Bờ Vịnh Texas. Nguồn: Scott Dalton cho NPR

Nguyễn theo làn sóng người Việt Nam tị nạn di cư đến Seadrift vào năm 1978 lúc còn là một thanh niên 21 tuổi gầy ốm, đầy hoang mang. Ông đã bắt đâu nghề chài lưới ở mặt Vịnh San Antonio, yên bình với những con bồ nông bay lượn trên không và bầy cá biển bơi quanh dưới nước.

Xung đột

Ngay từ buổi ban đầu, đã có xung đột giữa ngư dân Việt Nam và người dân Texas, việc giao tế lại thêm phức tạp vì rào cản ngôn ngữ. Người địa phương tức giận vì những người mới đến được sự giúp đỡ của Washington và được Giáo hội Thiên Chúa giáo tài trợ. Hơn nữa, người Việt ưa làm việc suốt ngày đêm, và đặt quá nhiều bẫy cua.

Khuynh hướng chống người di cư Việt Nam ngày trước nay đã chuyển sang chống người di cư gốc La tinh. Nhưng vào thời điểm đó, những người Việt Nam mới đến là mục tiêu của sự chống đối. Dân địa phương chống đối phần lớn vì nền kinh tế bất ổn, vì nghĩ rằng những người di cư mới đến đã lấy mất công ăn việc làm và sinh kế của người Mỹ.

Tim Tsai, người làm phim tài liệu

Diane Wilson, một người xưng là ngư dân thế hệ thứ tư tự ở Seadrift nói,

“Khi bắt cua, người ta đặt một cái bẫy cua ở đây rồi đi khoảng hơn 10 thước để đặt một cái bẫy cua khác, đặt bẫy cách nhau như vậy. Nhưng khi người Việt Nam đến và bắt đầu đi bắt cua thì họ đặt thêm mười [bẫy cua] vào chỗ đã có có một cái bẫy. Vì họ không biết và không ai chỉ cho họ.”

Diane Wilson, một người dân Seadrift nói thẳng và một ngư dân thế hệ thứ tư, đứng cạnh một chiếc thuyền bắt tôm không còn hoạt động. Nguồn: Scott Dalton cho NPR

Cứ thế căng thẳng leo thang. Một ngư dân địa phương da trắng bắt cua bị bắn chết trong một vụ tranh chấp với ngư dân Việt Nam về vùng đánh cá. Hai đàn ông Việt Nam bị buộc tội giết người, nhưng được tha bổng vì lý do tự vệ. Đó là lúc nhóm Ku Klux Klan xuất hiện và mọi việc trở nên thê thảm hơn. Wilson nói tiếp,

“Sau vụ bắn chết người nó nổ “ cái đùng”. Một số nhà đã bị đốt cháy. Một số thuyền bị đốt cháy. Và tôi nghĩ rằng một số lớn người Việt đã bỏ đi vì họ sợ.”

Ông Nguyễn nói ông không biết gì về nhóm KKK trước vụ nổ súng. “Khi anh chàng đó bị bắn chết thì họ xuất hiện. Họ đốt 2, 3 chiếc thuyền cua. Sau đó, tôi đã bỏ đi.”

Vì muốn an toàn, Nguyễn và những ngư dân Việt Nam bắt cua khác đã trốn sang Louisiana. Hai năm sau, nhóm KKK đã đe dọa người Việt tới tận vùng Vịnh Galveston. Klansmen đốt cây thánh giá trong sân nhà của những người lưới tôm Việt Nam và lái một chiếc thuyền tôm chạy quanh vịnh, ở đầu tầu treo lơ lửng một hình nộm ngư dân bắt tôm. Cuối cùng, Trung tâm Luật nghèo đói miền Nam và Hiệp hội ngư dân Việt Nam đã đệ đơn kiện trong một vụ kiện liên bang và đã thành công trong việc ngăn chặn các hoạt động đe dọa của nhóm KKK và giải tán lực lượng bán quân sự của họ.

Tim Tsai, một người làm phim ở Austin, đang sản xuất một bộ phim tài liệu về vụ nổ súng ở Texas ngày xưa, nói:

“Rất nhiều điều người đã nói trong các cuộc biểu tình của KKK hồi đó gần y như luận cứ của những gì chúng ta đang nghe từ nhóm cực hữu kỳ thị hôm nay, như “Mỹ trước nhất”.

“Khuynh hướng chống người di cư Việt Nam ngày trước này đã chuyển sang chống người di cư gốc La tinh. Nhưng vào thời điểm đó, những người Việt Nam mới đến là mục tiêu của sự chống đối. Dân địa phương chống đối phần lớn vì sự bất ổn của nền kinh tế, vì nghĩ rằng những người di cư mới đến đã lấy mất công ăn việc làm và sinh kế của người Mỹ.”

Một vài năm sau, tình hình đã yên bình trở lại ở Seadrift, Nguyễn và những ngư dân Việt Nam khác đã trở lại. Nguyễn lập gia đình và mở một tiệm bán mồi trên bến cảng, nơi ông vẫn làm việc. Ông có bốn chiếc thuyền đánh cá trên vịnh, mỗi biổu chiều đều mang về những thùng cua xanh.

Bốn mươi năm sau, Seadrift là một cộng đồng đa diện, nhiều màu hơn là một nồi nấu chảy.

Người Việt có đời sống văn hóa tách biệt với người dân bản xứ ở Texas — họ nói tiếng Việt và ăn mừng Tết Nguyên Đán. Nhưng những người ngư dân trên vịnh không còn phá hoại bẫy cua nữa. Họ đã thống nhất chống lại kẻ thù chung: luật lệ nặng nề, ô nhiễm đại dương và tôm nhập cảng giá rẻ.

Van Le, chủ tiệm đồ biển Seadrift Seafood cùng với chồng, ở trong phòng chế biến, nơi phụ nữ Việt Nam lọc thịt cua và đóng hộp. Nguồn: Scott Dalton cho NPR
Một người cân cá tại một cửa hàng tạp hóa phần lớn bán hàng hóa Việt Nam. Nguồn: Scott Dalton cho NPR
Dan Dang, người Việt Nam, tại chu cư Làng Thái Xuân. Nguồn: Scott Dalton cho NPR

“Bây giờ chúng tôi làm việc với nhau. Nếu có việc gì đó, chúng tôi sẽ gặp nhau. Gây quỹ, sinh hoạt nhà thờ, và làm tất cả những điều đó. Chúng tôi giờ là những người bạn tốt của nhau.”

Little Saigon ở Houston

Một trăm năm mươi dặm dọc theo bờ biển về hướng đông bắc của Seadrift là thành phố Houston, nơi có hơn 80.000 người Mỹ gốc Việt — dân số lớn nhất ở ngoài tiểu bang California. Giống như Astros, trung tâm vũ trụ của NASA và đầm lầy ngập nước, người Việt giờ đây là một phần của những gì làm cho Houston là Houston.

Bạn có thể lái xe dọc Đại lộ Bellaire – con phố chính của quận Little Saigon — và đọc tên đường bằng tiếng Việt, nhìn lá cờ Việt Nam Cộng hòa bay phất phới bên ngoài những quán phở, nghe Radio Saigon, và đi thăm Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam.

Xe ô tô chạy qua một khu vực có tên đường phố Việt Nam. Nguồn: Scott Dalton cho NPR
Thảo Hà, lớn lên ở Houston và bây giờ đang dạy học ở California, ở một cửa hàng Việt Nam với hai lá cờ Nam Việt Nam chạy dài trên bức tường phía sau cô ở Houston. Nguồn: Scott Dalton cho NPR. 

Thảo Hà, cầm tay lái một chiếc XUV khổng lồ nói,

“Bây giờ bạn thấy Don’s Café đó, một tiệm bánh mì rất nổi tiếng. Ngày bạn càng thấy nhiều doanh nghiệp tên Việt Nam trên khu phố này.”

Thảo Hà đến Houston với cha mẹ vào năm 1975 và hiện dạy môn xã hội học tại trường cao đẳng MiraCosta ở California.

Theo bà Hà, các thị trấn đánh cá dọc theo bờ biển phía nam không phải là những nơi duy nhất không muốn đón nhận người Việt Nam hồi đó. Hà nói,

“Có sự phân biệt chủng tộc, có sư bắt nạt; trẻ con hàng xóm đã bảo chúng tôi về lại nước của chúng tôi đi, gọi chúng tôi là gooks và những loại như thế.”

Mặc dù những người tị nạn phải đối đầu với sự phân biệt, kỳ thị chủng tộc, nhưng họ biết rằng họ có sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ liên bang, đã mang họ từ Đông Dương đến Hoa Kỳ.

“Và bây giờ thì hoàn toàn ngược lại, nơi [Chính quyền hiện tại] đang làm mọi thứ có thể đuổi những người muốn nhập cư đi, từ chối những người xin tị nạn, trục xuất những người đã có mặt ở đây. Bây giờ nếu người Việt Nam ồ ạt sang Mỹ, chúng tôi sẽ không có cơ hội tương tự như xưa.”

Để họ trở thành công dân

Sau khi lực lượng cộng sản thắng cuộc, những người tị nạn Việt Nam chạy thoát và mang theo tinh thần triệt để chống chủ nghĩa cộng sản. Giống như người Cuba trước họ, nhiều người Việt đã trở thành những đảng viên Cộng hòa trung kiên. Sự trung thành chính trị đó tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Steven Le, một bác sĩ gia đình có khuynh hướng bảo thủ, đại diện cho Little Saigon trong Hội đồng Thành phố Houston, và ủng hộ phần lớn chương trình nghị sự chống nhập cư của tổng thống Trump. Ông nói từ văn phòng của mình tại tòa thị chính,

“Rõ ràng là tôi nghĩ rằng tất cả các quốc gia nên có biên giới và nên bảo đảm không để xẩy ra nhiều việc nhập cư bất hợp pháp. Nhưng về mặt pháp lý, chúng ta nên giữ cho tiến trình [nhập cư] đó tiếp diễn.”

Le nói tiếp,

“Là một quốc gia, chúng ta đã phạm sai lầm hồi đầu những năm 1900 với Đạo luật loại trừ người Trung Quốc. Sau này chúng ta mới thấy họ là những công dân tốt, tuân thủ pháp luật, đóng góp rất nhiều cho đất nước. Không nên có một tiến trình ngăn chặn người nhập cư hợp pháp.”

Bác sĩ Lê tin rằng có cách để đảm bảo người sinh ở nước ngoài hội nhập với cộng đồng lớn hơn ở bản xứ.

“Tôi thấy cách dễ nhất để đồng hóa và để tự hào rằng bạn là một người Mỹ là thực sự biến họ trở thành công dân. Dễ hiểu và giản dị.”

Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Chính sách Di cư, người Việt Nam ở Mỹ đang phát triển mạnh.

So với những người nhập cư khác, người Việt Nam có thu nhập cao hơn, ít sống trong cảnh nghèo đói hoặc thiếu bảo hiểm y tế, và có nhiều khả năng trở thành công dân Hoa Kỳ, mặc dù họ kém ở mặt tiếng Anh.

Một hợp chất dân miền Nam và người châu Á thịnh vượng

Mike Trinh tự hào là một phần của cộng đồng doanh nhân người Mỹ gốc Việt thịnh vượng của Little Saigon ở Houston. Sau khi trở thành võ sĩ vô địch Quyền Anh Cước thích (kick-boxing), Trịnh đã mở tiệm Mike’s Seafood. Ông nói,

“Tất cả những gì tôi có thể nói là, tâm lý người di cư, chúng tôi làm việc vất vả để có những gì của của chúng tôi. Chúng tôi làm nên sự nghiệp với hai bàn tay trắng.”

Quán Mike’s Seafood chuyên về đồ biển Việt Nam-kiểu Cajun, một hợp chất của dân miền Nam và dân châu Á đã chính phục Houston. Trinh dẫn chúng tôi vào bếp, với những thùng tôm sủi bọt và không khí có vị cay cay.

Mike Trinh — kick boxer biến thành chủ nhà hàng – ngồi trong tiệm bán món ăn đồ biển Mike ở Little Saigon ở Houston. Nguồn: Scott Dalton cho NPR
Mike Trinh phục vụ khách bằng món đồ biển Việt Nam-Cajun, món ăn đã chính phục Houston, tại nhà hàng Mike’s Seafood. Nguồn: Scott Dalton cho NPR

 

“Chúng tôi nêm nếm đủ loại gia vị. Hành tây, tỏi, đủ mọi thứ. Cộng đồng người Việt chúng tôi thích rất nhiều hương vị. Một số người cho gừng, một số người cho sả. Mọi người đều có những cách đặc biệt riêng của mình.”

Bên kia thị trấn, trong một khu chung cư Việt Nam mang tính lịch sử tên là Làng Thái Xuân, Mỹ Linh Trần vừa mới từ trường về nhà. Cô ấy là một giáo viên dạy toán và khoa học 22 tuổi, đang sống trong hai nền văn hóa. Trần đứng bên ngoài căn phố của bố mẹ cô, đối diện với đền thờ Phật ở sân trong. Cô mỉm cười nói,

Mỹ Linh Trần, 22 tuổi, một giáo viên lớp 4, trước căn phố của gia đình cô ở chung cư Làng Thái Xuân Village ở Houston. Nguồn: Scott Dalton cho NPR

“Tôi biết nhiều bạn bè người Mỹ của tôi sốc vì tôi vẫn ở với cha mẹ. Nhưng họ không hiểu. Đó là một sự lựa chọn. Và nếu tôi có thể, và nếu bạn trai của tôi đồng ý, nếu chúng tôi kết hôn tôi vẫn muốn tiếp tục ở lại với cha mẹ. Và anh ấy có vẻ okay.”

Cha mẹ của Mỹ Linh muốn cô giữ lại càng nhiều bản sắc Việt Nam càng tốt.

“Họ không thực sự thích khi tôi nói tiếng Việt có giọng Mỹ. Nhưng họ không hiểu, thực tế là tôi cũng có giọng Việt Nam khi nói tiếng Anh.”

Chính quyền Trump gần đây đã loại bỏ nhóm chữ “một quốc gia của những người di cư” trong thuật ngữ chính thức. Tuy nhiên, ở Houston, nhà chức trách đang tự hào thành phố của họ đã trở thành đa dạng nhất nước Mỹ. Và người Việt Nam ở sâu trong lòng của nó.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Decades After Clashing With The Klan, A Thriving Vietnamese Community In Texas | JOHN BURNETT| NPR | November 25, 2018.