Tại sao đảng Dân chủ không thắng nhiều hơn trong cuộc bầu cử 2018

Lincoln Mitchell | DCVOnline

Cuộc bầu cử dân biểu và thượng nghị sĩ trung hạn năm 2018, đã bắt đầu ngay sau khi Donald Trump được dự đoán là người sẽ đắc cử Tổng thống năm 2016, cuối cùng cũng kết thúc.

Dân biểu Chủ tịch khối Thiểu số ở Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi sau ngaày bầu cử ở Washington, 6 tháng 11 năm 2018. REUTERS/Jonathan Ernst

Kỳ bầu cử vừa qua đã phá vỡ tất cả những kỷ lục bầu cử giữa kỳ trước đây, ước tính có 114 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu, và cuộc bầu cử đã làm cả thế giới chú ý như hầu hết những cuộc vận động tranh cử tổng thống. Những ngày trước cuộc bầu cử là những vụ gởi bom qua bưu điện đến những người từng chỉ trích Tổng thống Mỹ và cuộc tấn công bắn chết người tại một giáo đường Do Thái ở Pittsburgh — hành động bạo lực chống Do Thái tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Với tất cả những việc như thế vừa xẩy ra, có lẽ điều kỳ lạ nhất về cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay là mức độ bình thường của chúng — ít nhất là về mặt kết quả.

Đối với nhiều đảng viên đảng Dân chủ, cuộc bầu cử trung hạn 2018 này chính là một trận chiến bảo vệ nền dân chủ Mỹ. Về phía đảng Cộng hòa, họ đã tuyên truyền vận động rằng chiến thắng của Dân chủ làn này sẽ đưa nước Mỹ đến chủ nghĩa xã hội, hoặc ít nhất là một cuộc suy thoái tàn khốc. Đảng Cộng hòa vận động bầu cử với khẩu hiệu “Việc làm chứ không phải đám loạn” cùng lúc hù dọa cho cử tri sợ hãi tin rằng đám người nhập cư, ‘do mạnh thường quân George Soros tài trợ’, đang chuẩn bị vượt sang biên giới phía nam nước Mỹ. Lù lù trong tất cả những sự kiện đó là phong cách, tweets và những cuộc tụ tập biểu dương lực lượng của Tổng thống Donald Trump.

Tác động của cuộc bầu cử hôm thứ Ba rất sâu rộng. Đa số của đảng Dân chủ ở Hạ viện sẽ có thể sẽ ngăn được một số dự luật không cho lên đến Thượng viện thuộc sự kiểm soát của đa số nghị sĩ đảng Cộng hòa, nghĩa là Trump không sẽ bị kiềm chế ở Washington và các dự luật bảo thủ có rấi ít, nếu có, cơ hội trở thành luật. Ngoài ra còn có một khả năng rất có thể xẩy ra rằng Hạ viện có thể bỏ phiếu để truất quyền Tổng thống của Trump sau khi cuộc điều tra về sự can thiệp bầu cử năm 2016 của Nga hoặc vì những mâu thuẫn lợi ích kinh doanh kết thúc. Dù đa số nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện sẽ không bỏ phiếu để kết tội ông ta, nhưng một việc luận tội ở Hạ viện vẫn có thể là một thất bại chính trị. Ngoài ra, cuộc vận động tái trah cử của Trump đã bắt đầu không chính thức và hơn một chục ứng viên của đảng Dân chủ có thể trở thành những ứng cử viên mạnh, sẽ là đối thủ chống lại Trump.

Tuy nhiên, ở thời điểm không thể đoán trước này vẫn dẫn đến kết quả có thể đoán được. Đảng Dân chủ thắng cuộc rõ ràng vào ngày 6 tháng 11, như chính đảng không kiểm soát văn phòng tổng thống trong hầu hết mọi cuộc bầu cử giữa kỳ kể từ thời Tổng thống Franklin Delano Roosevelt năm 1934. (Ngoại lệ là hai cuộc bầu cử trung hạn vào năm 1998 và 2002.) Tuy nhiên, đợt sóng xanh mà nhiều người trong đảng Dân chủ hy vọng đã không xẩy ra. Đảng Dân chủ có thêm khoảng 30 ghế ở Hạ viện và có thể chỉ mất hai hoặc ba ghế thượng viện trong một cuộc tranh cử rất khó khăn, nhưng tương đương với hầu hết các cuộc bầu cử giữa kỳ gần đây, kết quả đó không thể tạo thành một làn sóng dữ. Lý do kết quả bầu cử như vậy là do nền kinh tế đang phát triển tốt. Sóng xanh tạt vào bờ của nền kinh tế mạnh và tan đi.

Nếu đã tham gia một hội thảo khoa học chính trị khoảng 20 đến 30 năm trước và được báo cho hay rằng vào năm 2016, tổng thống thuộc đảng Cộng hòa và nền kinh tế khá mạnh, người ta cũng có thể đoán được kết quả này, hoặc những con số rất giống nhau. Những cuộc bầu cử trung hạn trước đây đã thu hút ít sự chú ý hơn và không bị chi phối vì một vị tổng thống ưa gây hấn, chia rẽ cũng có kết quả tương tự.

Kết quả bình thường này cho thấy một cuộc bầu là cơ hội nêu bật sự mâu thuẫn giữa một chính thể Mỹ mà hầu hết luôn thay đổi với thói quen bỏ phiếu và kết quả không phải lúc nào cũng phản ảnh điều đó. Đảng Cộng hòa đang chuyển đổi từ một đảng bảo thủ truyền thống sang một đảng dân túy, trong khi Đảng Dân chủ đang tìm sự ủng hộ mới trong khu vực ngoại ô từng là thanh trì vững chắc của đảng Cộng hòa vững. Một tổng thống đã phá vỡ nhiều định chế dân chủ Mỹ và có phong cách và ứng xử chi phối giới truyền thông trong hơn ba năm qua thấy rằng vào thời điểm bầu cử, số phận của đảng của ông ta, như của hầu hết các tổng thống khác, được xác định bằng một vấn đề quan trọng, nhưng tương đối bình thường, đó là tình hình kinh tế.

Dường như đối với nhiều người nếu không phải hầu hết người Mỹ, óc đảng phái vẫn là động lực chính ảnh hưởng đến phiếu bầu của họ. Trong mọi cuộc bầu cử ở thế kỷ này, tổng số phiếu của cử tri cho cả hai đảng tương đối không khác nhau nhiều do đó không thể đưa đến kết một quả thắng thua long trời lở đất trong hơn 20 năm qua. Tôi nhận thấy điểm này trong khi nói chuyện với cử tri ở một quận của những lá phiếu thay đổi ở Columbus, Ohio, trong những ngày cuối cùng của cuộc vận động bầu cử. Những cử tri dân chủ bày tỏ ý muốn kiềm chế được Trump, nhưng hầu hết cử tri đảng Cộng hòa chỉ đơn giản giải thích cho tôi hiểu tại sao họ bầu cho đảng Cộng hòa bằng câu nói “Tôi là đảng viên Cộng hòa”, với một giọng điệu rất thực tế khi họ nói tại sao họ thích đội footnball của đại học Ohio State. Khuynh hướng đảng phái sâu đậm đó, ngay cả khi không bị sự tức giận hay niềm đam mê lớn kích động, đã khiến cho những cuộc bầu cử quốc gia có kết quả một chín một mười, ít cơ hội gây sóng gió. Kết quả cuộc bầu cử trung hạn cho thấy cả hai đảng có thể huy động cử tri của họ và mặc dù có vẻ như là ở thời điểm khủng hoảng dữ dội, những sự thật hiển nhiên lâu đời trong nền chính trị Mỹ — hoặc ít nhất một số trong những thực thật đó vẫn còn áp dụng.

Lincoln Mitchell là một người cầm bút và học giả làm việc ở New York và San Francisco. Ông dạy tại Khoa Khoa học Chính trị của Đại học Columbia.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Why the Democrats didn’t do better in the midterms| Lincoln Mitchell | Reuteurs, NOVEMBER 7, 2018.