Điều mà thế giới Ả Rập cần nhất là quyền tự do ngôn luận

Jamal Khashoggi | Trà Mi dịch

Thế giới Ả Rập cần một phiên bản hiện đại của phương tiện truyền thông xuyên quốc gia cũ để công dân thế giới đó có thể được thông báo về những sự kiện toàn cầu.

Jamal Khashoggi. Hình do Alex Fine vẽ cho tờ Washington Post.

Karen Attiah, biên tập viên Mục Quan điểm Toàn cầu (Washington Post) | Tôi đã nhận được bài viết này từ dịch giả và phụ tá của Jamal Khashoggi vào sau ngày Jamal bị mất tích ở Istanbul [2 tháng 10]. The Washington Post đã tạm chưa đăng bài này vì chúng tôi hy vọng Jamal sẽ quay lại để ông ấy và tôi có thể cùng hiệu đính. Bây giờ tôi phải chấp nhận: Điều đó sẽ không xảy ra. Đây là bài viết cuối cùng của ông ấy mà tôi sẽ hiệu đính cho The Washington Post. Bài viết này nói lên trọn vẹn sự cam kết và niềm đam mê vì tự do của Jamal Khashoggi trong thế giới Ả Rập. Sự tự do mà ông dường như đã trả giá bằng mạng sống của chính mình. Tôi sẽ mãi mãi biết ơn ông đã chọn The Washington Post làm tòa soạn cuối cùng của ông cách đây một năm và đã cho chúng tôi cơ hội cùng nhau làm việc.

Gần đây tôi đã lên Mạng đọc phúc trình về “Tự do trong thế giới” năm 2018 do Freedom House phát hành và đã nhận thức được một vấn đề nghiêm trọng. Chỉ có một quốc gia trong thế giới Ả Rập đã được xếp vào loại “tự do”. Đó là Tunisia. Jordan, MoroccoKuwait đứng hạng thứ hai, xếp vào loại “tự do một phần.” Phần còn lại của các nước trong thế giới Ả Rập được xếp vào loại “không có tự do”.

Kết quả là, người Ả Rập sống ở những quốc gia này không được thông tin hoặc được thông tin sai lạc. Họ không thể giải quyết sự việc một cách thỏa đáng, hãy khoan nói đến việc thảo luận công khai về những vấn đề ảnh hưởng đến khu vực và cuộc sống hàng ngày của họ. Đường lối tuyên truyền của nhà nước chi phối tâm lý công chúng, và trong khi có nhiều người không tin những điều đó, phần lớn dân chúng là nạn nhân của những thông tin bịa đặt này. Đáng buồn thay, tình trạng này dường như không thay đổi.

Thế giới Ả Rập đã căng tràn hy vọng vào mùa Xuân năm 2011. Các nhà báo, giới hàn lâm và dân chúng nói chung đã tràn đầy mơ ước thấy một xã hội Ả Rập xán lạn và tự do trong những quốc gia của họ. Họ mong đợi sẽ được giải phóng khỏi quyền bá chủ của chính quyền và sự kiên định can thiệp và kiểm duyệt thông tin của giới thống trị. Những kỳ vọng này đã chóng tan vỡ; những xã hội này hoặc đã rơi trở lại hiện trạng cũ hoặc đã phải đối diện với những điều kiện khắc nghiệt hơn trước.

Bạn thân mến của tôi ơi, bỉnh bút nổi tiếng người Saudi Saleh al-Shehi, đã viết một trong những bài nổi tiếng nhất từng được đăng trên báo chí Ả Rập Saudi. Chẳng may, ông ấy bây giờ đang thụ án tù năm năm không chính đáng vì những ý kiến được coi là trái ngược với chính quyền Saudi. Việc chính quyền Ai Cập tịch thâu toàn bộ những bản đã in của tờ báo, al-Masry al Youm, đã không gây phản cảm hay kích động được phản ứng từ những người trong báo giới. Những hành động loại này không còn đưa đến hậu quả là sự phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế. Thay vào đó, chúng chỉ có thể gây ra việc lên án nhanh chóng rồi sau đó là sự im lặng.

Kết quả là, các chính phủ Ả Rập đã được trao quyền tự do để tiếp tục bịt miệng giới truyền thông với tốc độ ngày càng tăng. Đã có lúc các nhà báo tin rằng Internet sẽ giải phóng thông tin khỏi sự kiểm duyệt và kiểm soát giới truyền thông báo giấy. Nhưng sự tồn tại của những chính phủ này, tùy thuộc rất nhiều vào sự kiểm soát thông tin, đã cố gắng hết sức ngăn chặn mạng Internet. Họ cũng đã bắt giữ các phóng viên địa phương và làm áp lực với giới thương mại quảng cáo để gây thiệt hại cho doanh thu của một số những tờ báo trong tầm ngắm.

Có một vài dấu hiệu tiếp tục thể hiện tinh thần của Mùa xuân Ả Rập. Chính phủ Qatar tiếp tục hỗ trợ việc thông tin quốc tế, trái ngược với những nỗ lực của nước láng giềng vẫn duy trì sự kiểm soát thông tin để hỗ trợ cho “trật tự của một Ả Rập cũ.” Ngay cả ở Tunisia và Kuwait, nơi báo chí ít nhất được coi là tự do một phần, giới truyền thông chỉ tập trung vào các vấn đề trong nước chứ không đưa tin về những vấn đề mà thế giới Ả Rập phải đối phó. Họ đang do dự cung cấp một diễn đàn cho các nhà báo từ Ả Rập Saudi, Ai Cập và Yemen. Ngay cả Lebanon, viên ngọc quý trên vương miện của thế giới Ả Rập khi nói đến tự do báo chí, đã trở thành nạn nhân của sự phân cực và bị ảnh hưởng của nhóm Hezbollah ủng hộ Iran.

Thế giới Ả Rập đang đối phó với một phiên bản của một Bức màn sắt ở đây, không do các diễn viên bên ngoài mà do chính các lực lượng nội địa đang tranh giành quyền lực áp đặt. Trong Chiến tranh Lạnh, Đài phát thanh châu Âu tự do, đã phát triển trong những năm đó để trở thành một tổ chức quan trọng, đóng một vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng và duy trì hy vọng tự do. Người Ả Rập cần một cái gì đó tương tự. Vào năm 1967, tờ New York Times và The Washington Post đã cùng làm chủ tờ báo International Herald Tribune, để nó trở thành một diễn đàn cho tiếng nói từ khắp nơi trên thế giới.

Tờ báo tôi cộng tác, The Washington Post, đã chủ động dịch nhiều bài viết của tôi và đăng chúng bằng tiếng Ả Rập. Tôi xin được cảm ơn. Người Ả Rập cần phải đọc bằng ngôn ngữ riêng của họ để họ có thể hiểu và thảo luận về các khía cạnh khác nhau và sự phức tạp của nền dân chủ ở Hoa Kỳ và phương Tây. Nếu một người Ai Cập đọc một bài báo phơi bày chi phí thực của một dự án xây dựng ở Washington, thì họ sẽ có thể hiểu rõ hơn về các tác động của các dự án tương tự trong cộng đồng của họ.

Thế giới Ả Rập cần một phiên bản hiện đại của phương tiện truyền thông xuyên quốc gia cũ để công dân thế giới đó có thể được thông báo về những sự kiện toàn cầu. Quan trọng hơn, chúng ta cần cung cấp một diễn đàn cho tiếng nói Ả Rập. Chúng tôi đang bị đói nghèo, bị quản lý kém và có nền giáo dục kém. Bằng cách tạo ra một diễn đàn quốc tế độc lập, không bị những ảnh hưởng của các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc tuyên truyền gây thù hận, những người dân bình thường trong thế giới Ả Rập sẽ có thể giải quyết các vấn đề cấu trúc mà xã hội của họ đang phải đối phó.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: What the Arab world needs most is free expression | Jamal Khashoggi | The Washington Post | October 17, 2018.