Ứng viên thị trưởng Richmond nói “không có đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc”

Bob Mackin | DCVOnline

Trong một cuộc phỏng vất một luật sư bất động sản và di trú muốn đánh bại thị trưởng Malcolm Brodie đương nhiệm để trở thành thị trưởng người Hoa đầu tiên của Richmond vào ngày 20 tháng 10 cho biết  rằng không có đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc và quê hương của bà bị hiểu lầm.

theBreaker đã hỏi Hong Guo sau cuộc họp tất cả các ứng cử viên ngày 2 tháng 10 tại Trung tâm người Cao niên Richmond về sự mong muốn thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Richmond và Trung Quốc của bà, bất chấp những lo ngại về những đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc nơi không có báo chí tự do. Bà Guo nói

“Tôi không nghĩ như vậy, tôi không đồng ý. Tôi nghĩ Trung Quốc có rất nhiều tự do ngôn luận.”

Luật sư Richmond thông báo sẽ ra tranh cử Thị trưởng Richmond hồi thang Sáu vừa qua. Nguồn theBreaker

theBreaker nói rằng có nhiều nhà báo đã bị bỏ tù ở Trung Quốc. Bà Guo nói

“Tôi không tin. Tôi biết rất nhiều người ở Trung Quốc, và tôi chưa bao giờ nghe về điều này. Bạn chưa bao giờ ở Trung Quốc, tôi đoán vậy. Đó là lý do tại sao tôi muốn bắc cầu hiểu biết, có quá nhiều hiểu lầm, có rất nhiều hiểu lầm.”

Mặc những bằng chứng mâu thuẫn với lời của Guo, bà nói “99,9%” người ta sẽ đồng ý với bà ấy. Bà cho biết những tờ báo quốc tế lớn với các phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc, chẳng hạn như New York Times và Wall Street Journal, “không thực sự hiểu chính sách hoặc tình hình của Trung Quốc.” Guo nói tiếp,

“Ông đến Trung Quốc và ở đó 5 năm và ông sẽ hiểu. Ông sai rồi. Vâng. Ông sai quá.”

“Các phương tiện truyền thông Trung Quốc ở Trung Quốc có rất nhiều tự do, để thảo luận, chỉ trích và đưa ra đề nghị.”

Guo đang phải đối phó với những thách thức nghiêm trọng vói tư cách ứng cử viên sau khi bị Hội Luật gia của B.C. đòi phải hầu tòa vì hành vi không chuyên nghiệp và là bị đơn trong vụ kiện 13 triệu đô la về một thỏa thuận bất động sản bị sụp đổ. Không có cáo buộc nào chứng minh được bà phạm luật và Guo phủ nhận những việc làm sai trái.

theBreaker tiếp tục hỏi Guo về kiến thức của cô về các vấn đề nhân quyền gần đây ở Trung Quốc.

H: “Như vậy, Tổ chức Ân xá Quốc tế sai hoàn toàn, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền sai luôn… tất cả những tổ chức đó đều sai?”

Guo: “Vâng, nếu họ nói vậy thì họ sai rồi.”

Bên ngoài văn phòng liên lạc của Trung Quốc tại Hong Kong một người hoạt động ủng hộ dân chủ thương tiếc cái chết của Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel vào ngày 13 tháng 7, 2017. Nguồn: Bobby Yip/Reuters.

H: “Còn Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba), người được giải Nobel thì sao?”

Guo: “Tôi không biết, OK, vì vậy tôi nghĩ rằng chúng tôi đi hơi xa một chút …”

H: “Người Trung Quốc được giải Nobel cuối cùng đã chết trong tù, vợ ông ta mới thoát ra ngoài, đã đến Đức?”

Guo: “Đó là một sự dối trá. Đó không phải là sự thật. Vâng, hãy cho chúng tôi sự thật, bởi vì chúng tôi là luật sư và chúng tôi cần bằng chứng, chúng tôi không thực sự muốn nói chuyện… ”

Nghệ sĩ Trung Quốc Ai Weiwei đứng trước một bức chân dung bằng tre tại Viện Nghệ thuật Marciano ở Los Angeles ngày 4/10/2018. Nguồn: http://www.laist.com

H: “Còn Họa sĩ Ai Weiwei (Ngải Vị Vị) thì sao?”

Guo: “Tôi không biết, tôi không biết gì về người này.”

H: “Họa sĩ nổi tiếng, người cùng thiết kế vận động trường Tổ Chim …”

Guo: “Tôi không biết về việc này. Tôi không biết điều này …”

H: “Bà chưa từng nghe nói về nghệ sĩ Ai Weiwei?”

Guo: “Tôi chưa bao giờ nghe về điều này.”

H: “Bà chưa từng nghe về người được giải Nobel, chưa từng biết đến nghệ sĩ nổi tiếng? Bà có đọc bất kỳ tờ báo phương Tây nào ở đây tại Canada, Globe and Mail, National Post không? Họ có đăng tin về Trung Quốc.”

Guo: “Có.”

Hỏi: “Tôi đang hỏi những câu hỏi này bởi vì bà muốn xây cầu nối giữa Richmond và Trung Quốc… Tôi đang hỏi về kiến thức của bà về các vụ đàn áp nhân quyền của Trung Quốc.”

Guo: “Không có đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc, OK.”

Liên Hiệp Quốc đã trích dẫn các báo cáo về các trại giam người Uighur ở  Quận Luopu, Tỉnh Hotan, Tân Cương Trung Quốc. Nguồn ảnh: Twitter bit.ly/2PBPq1d – thàng 4, 2017.

H: “Bà có biết điều gì đang xảy ra ngay tại Tân Cương, trong các trại cải tạo không?”

Guo: “Ông biết gì, và làm thế nào ông có thể biết được? Ông đã ghé thăm trại đó chưa? Hãy đi thăm trại đó đẻ chứng kiến tận mắt. Bởi vì tôi có rất nhiều bạn bè, đối tác kinh doanh và họ hàng, họ ở Trung Quốc, họ ở đó mỗi ngày, họ biết rõ hơn ông, họ biết rõ hơn CBC, họ biết rõ hơn tờ New York Times. Họ biết.”

 
Chuyên gia Liên Hiệp Quốc: Ước tính có 2 triệu người Uighur và người thiểu số Hồi giáo bị đưa vào các trại cải tạo ở Tân Cương. Nguồn: Hong Kong Free Press

H: “Tại sao bà nghĩ như vậy? Bà đã nói với tôi qua điện thoại khi tôi phỏng vấn bà rằng bà không làm việc với chính phủ Trung Quốc mà…”

Guo: “Hết … Tôi nghĩ đến đây là hết.”

Những người làm việc với Guo, kể cả cả đối tác kinh doanh Wolfgang Richter và đại diện bất động sản Sutton Peter Schellenberg, đã đưa bà ra khỏi tòa nhà và chặn không cho phóng viên này tiếp tục đặt thêm câu hỏi về doanh nghiệp của bà Guo.

Cuối năm 2017, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho biết đã có 262 nhà báo bị bỏ tù trên khắp thế giới. 41 người đang ở trong các nhà tù của Trung Quốc chỉ đứng thứ nhì sau Thổ Nhĩ Kỳ có 73 nhà báo đang bị giam.

Biếm họa của Jiang Yefei vẽ Tập Cận Bình thiên vị giới nhà giàu ở Trung Quốc. Nguồn: theBreaker

Vào tháng Bảy, CPJ đưa tin một tòa án tỉnh Tứ Xuyên đã kết án người vẽ biếm họa chính trị tự do Jiang Yefei đến sáu năm rưỡi tù giam sau một phiên tòa bí mật vì tội “lật đổ quyền lực nhà nước” và “vượt biên giới quốc gia bất hợp pháp”. Jiang đã trốn sang Thái Lan năm 2008 sau khi bị chính quyền quấy nhiễu vì ông chỉ trích phản ứng của chính phủ đối với trận động đất ở Tứ Xuyên. Ước tính đã có 69.000 người chết, nhiều người ở trong các tòa nhà dễ bị động đất sụp đổ.

Báo cáo thường niên của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết 10 nhà báo từ trang web 64TianWang.com, đưa tin về các cuộc biểu tình ở Trung Quốc, đã bị bỏ tù vào cuối năm 2017: Wang Jing, Zhang Jixin, Li Min, Sun Enwei, Li Chunhua, Wei Wenyuan, Xiao Jianfang , Li Zhaoxiu, Chen Mingyan và Wang Shurong. Người đồng sáng lập trang web, Huang Qi, bị buộc tội “rò rỉ bí mật quốc gia” và chỉ được phép gặp luật sư của mình sau tám tháng bị giam giữ.

Blogger Lu Yuyu, người đã ghi lại các cuộc biểu tình ở Trung Quốc, đã bị kết án bốn năm tù vào tháng 8 vì đã “tranh cãi và gây rắc rối.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết các chính phủ nước ngoài đã không làm gì nhiều để thay đổi hồ sơ về quyền của Trung Quốc ngày càng xấu đi trong khi chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng tóm thâu nhiều quyền lực hơn.

HRW đưa tin cho hay nhà chức trách đã buộc Liu Feiyue, người sáng lập trang web Quyền Dân sự và Đời sống, tội “rò rỉ bí mật nhà nước” và âm mưu “lật đổ lật đổ quyền lực nhà nước.” Liu có thể bị tù chung thân nếu bị kết án.

Về tác giả | Bob Mackin đã đi nhiều nơi ở Trung Quốc. Trong năm 2008, ông đã tham gia Thế vận hội Bắc Kinh đại diện cho Sun Media. Chuyến thăm gần đây nhất của ông là đầu năm 2015.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Richmond mayoral candidate says “there is no human rights abuse in China”. Bob Mackin | Breaker News | October 3, 2018. DCVOnline minh họa bổ túc.