Đài Loan nói với Việt Nam: ‘Chúng tôi không phải là Trung Quốc’

Ma Nguyen | DCVOnline

Các công ty Đài Loan đang treo cờ quốc gia ở Việt Nam để bảo vệ lợi ích của họ nhằm đối phó với thực tế là người dân địa phương chống Trung Quốc

Một người biểu tình với biểu ngữ trong một cuộc biểu tình trước văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc vào ngày 16 tháng 5 năm 2014 sau khi những người biểu tình chống Trung Quốc đốt cháy các nhà máy ở Việt Nam. Ảnh: AFP/Sam Yeh

Các công ty Đài Loan tại Việt Nam đang ngày càng lâm vào tình trạng trên đe dưới búa khi Trung Quốc tăng cường áp lực ngoại giao để phô trương căn cước quốc gia của họ.

Nếu họ treo cờ quốc gia của Đài Loan bên ngoài văn phòng và nhà máy của họ tại Việt Nam, thì Trung Quốc lên tiếng đe dọa Hà Nội về chủ quyền của TQ tại đảo quốc Đài Loan; theo quan điểm Bắc Kinh, Đài Loan là một tỉnh ly khai thuộc TQ.

Nếu xếp lá cờ của họ lại, thì các nhà máy của họ có thể được cho là thuộc của Trung Quốc và có thể trở thành mục tiêu của những người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc đang thấy lợi ích thương mại và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở Việt Nam như một mối đe dọa đến chủ quyền của đất nước.

Tình trạng cả hai bên đều thiệt đã xẩy ra vào tháng 7, khi Bắc Kinh chính thức khiếu nại ngoại giao với Hà Nội đã cho phép các doanh nghiệp Đài Loan treo cờ đỏ và xanh (Cộng hòa Trung Hoa) trên các cơ sở ở địa phương của Đài Loan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang đã được trích dẫn trong những bản tin,

“Trên thế giới chỉ có một Trung Quốc, và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Chúng tôi đã đặt vấn đề với phía Việt Nam, và họ đã ra lệnh cho các công ty liên hệ sửa đổi những àn động sai trái của họ.”

Một lá cờ Đài Loan trong hình ở một nơi không được tiết lộ. Ảnh: Facebook

Trên thực tế vấn đề đó vẫn không rõ vì người ta vẫn thấy lá cờ Cộng hòa Trung Hoa treo trước một số doanh nghiệp Đài Loan gần một tháng sau đó. Tính đến năm 2017, theo thống kê chính thức Đài Loan là nước đầu tư lớn thứ tư của Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư khoảng 8 tỷ đô la Mỹ.

Việt Nam là một mục tiêu chính của chính sách đối ngoại “hướng Nam” của Đài Loan nhằm tăng cường quan hệ với Đông Nam Á.

Tuy nhiên, chuyện lấn cấn về lá cờ của của Đài Loan là một chương trong bi kịch ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, đang gây ra những hệ quả không may mới cho những quốc gia dựa vào việc sản xuất tại Việt Nam cho chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Đài Loan không muốn phải đối phó với tinh thần chống Trung Quốc đang tăng ở Việt Nam; Trong hai tháng qua đã có một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc dữ dội và lan rộng nhất từ nhiều năm trước đây. Hàng trăm ngàn người phản đối trên khắp đất nước, châm ngòi cho một cuộc đàn áp tàn khốc đã dẫn đến hàng trăm vụ bắt giữ.

Tia lửa làm bùng nổ sự phản đối trong dân chúng là một dự thảo luật nhằm thiết lập Đặc khu Kinh tế (SEZ) mà nhiều người Việt Nam tin rằng sẽ cho phép Trung Quốc thống trị các khu vực kỹ nghệ lớn với một điều khoản cho thuê 99 năm. Được biết các doanh nghiệp Đài Loan hiện đang lo ngại rằng cơn giận của người dân sẽ đưa đến những vụ tấn công nhầm vào các nhà máy và doanh nghiệp của họ trong làn sóng phản đối mới.

Những người biểu tình Việt Nam hô khẩu hiệu chống lại một đề nghị cho các công ty Trung Quốc thuê đất dài hạn trong một cuộc biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10 tháng 6 năm 2018. Ảnh: AFP/Kao Nguyen

Giáo sư Đại học California, Angie Ngoc Tran viết trong blog hàn lâm New Mandala, “Những người biểu tình nêu lên nhung nguy hiểm mất chủ quyền quốc gia đối với Trung Quốc, được cho sẽ là nước ngoài hưởng lợi chính của dự án Hành chính và Kinh tế Đặc biệt.”

Bà Trần lưu ý rằng trong khi dự thảo luật không đề cập đến Trung Quốc, nó đưa ra những đặc quyền cho giới đầu tư ở ba đặc khu kinh tế của Việt Nam nói riêng: một ở biên giới Trung Quốc, một khu vực khác nằm trên bờ biển Nam Trung Hoa. một khu vực của Campuchia bị chi phối bởi đầu tư của Trung Quốc; Angie Ngoc Tran đặt câu hỏi,

“Còn ai khác sẽ có lợi nhiều nhất khi kiểm soát cả hành chính và kinh tế trên đường bộ, đường hàng không, đường biển ở ba khu vực này?”

Khi người Việt Nam đứng lên chống lại một dự luật mà họ coi là sang nhượng chủ quyền đất nước cho cho Trung Quốc, thì những lá cờ Đài Loan bên ngoài các doanh nghiệp địa phương của họ cũng bay lên.

Giới quan sát nói rằng các công ty Đài Loan không phải đang biểu lộ tinh thần yêu nước đối lại Trung Quốc mà đó là một quyết định thực tế của những công ty sản xuất tại Việt Nam. Các công ty Đài Loan ở đây biết rất rõ về việc chính trị và kinh doanh thường trộn lẫn một cách khốc liệt ở Việt Nam.

Vào tháng 5 năm 2014, Bắc Kinh quyết định đưa một giàn khoan dầu vào một phần của Biển Đông mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền đã dẫn đến những ngày biểu tình chống Trung Quốc bùng nổ trên khắp Việt Nam. Các cuộc biểu tình ở địa phương đã cho thấy sự giận dữ của người dân đối với những lợi ích của Trung Quốc bằng cách gây tổn hại, cướp bóc và phá hủy hơn 350 nhà máy ở tỉnh Bình Dương.

Trong bức ảnh này chụp vào ngày 14 tháng 5 năm 2014, những người biểu tình cầm cờ Việt Nam cố đẩy cửa trước một nhà máy ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, như các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 15 tháng 5 lan rộng đến 22 tỉnh của Việt Nam. Sự thù hận kéo dài giữa các nước láng giềng đã sôi sục ở Việt Nam với các cuộc biểu tình ở các thành phố lớn và các đám đông đang quật phá các nhà máy nước ngoài sau khi Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu vào vùng biển đang có tranh chấp. Ảnh AFP

Những người biểu tình, tuy nhiên, thường nhầm lẫn khi tấn công những mục tiêu của họ bằng cách nhắm vào các nhà máy có chữ châu Á nước ngoài trên các bảng hiệu của họ khiến không chỉ có các công ty Trung Quốc mà còn các nhà máy Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan cũng bị tấn công.

Trong khi Việt Nam xác nhận ba người Trung Quốc tử thương trong vụ cận chiến năm 2014, các báo cáo nước ngoài trích dân hồ sơ của bác sĩ đưa con số lên đến 21 nạn nhân. Hàng trăm người Trung Quốc bỏ chạy, và nhiều người đã lấy máy bay vượt biên giới sang Campuchia bên cạnh.

Các doanh nghiệp Đài Loan đang treo cờ rõ ràng lo ngại có thể bạo lực chống Trung Quốc quá mức sẽ lặp lại mà cũng vô tình ảnh hưởng vào những công ty nước ngoài khác.

Một doanh nhân Đài Loan nói với một tờ báo địa phương rằng công ty đồ gỗ của ông bị tổn thất 1 triệu USD trong vụ biểu tình bạo lực năm 2014 và gần đây ông đã treo cờ của Đài Loan bên ngoài công ty của mình khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bắt đầu trở lại vào tháng Sáu.

Dự thảo luật SEZ gây ra các cuộc biểu tình hiện đang nằm trong hồ sơ tại Quốc hội do Đảng Cộng sản cầm quyền, nhưng một số người tin rằng một làn sóng mới của những cuộc biểu tình chống Trung Quốc có thể nổ bùng nếu và khi luật được thông qua.

Khoảng một ngàn người đổ vào hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để phản đối Công ty Formosa của Đài Loan, có một nhà máy thép mà họ tuyên bố là đã làm cá chết hàng loạt do ô nhiễm của Formosa gây ra ở bờ biển miền Trung Việt Nam.

Những người biểu tình Việt Nam biểu tình chống lại tập đoàn Formosa của Đài Loan trong một cuộc biểu tình ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 1 tháng 5 năm 2016. Ảnh: AFP/Jacques Smit/NurPhoto

Kinh nghiệm gần đây của Đài Loan làm tăng thêm rủi ro chính trị của họ. Trong năm 2016, nhà sản xuất thép Đài Loan Formosa đã gây ra một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất tại Việt Nam khi đã thả hàng tấn chất thải độc hại vào vùng biển miền Trung, giết chết một số lượng lớn cá và tàn phá bờ biển.

Thảm họa này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã xẩy ra một phần do một nhận xét thiếu tế nhị của một giám đốc điều hành Formosa – trong khi đang xảy ra thảm họa môi trường – là Việt Nam cần phải lựa chọn giữa ngành công nghệ thép hiện đại hoặc ngành đánh cá truyền thống.

Công ty Formosa đã trả một khoản tiền phạt 500 triệu đô la Mỹ nhưng hiện đang mở rộng cơ sở cũng đã bị ảnh hưởng trong cuộc biểu tình bạo lực năm 2014. Nhưng nếu các cuộc biểu tình chống Trung Quốc mới bùng nổ trong những tuần sắp tới, thì không rõ liệu việc treo cờ Cộng hòa Trung Hoa sẽ bảo vệ được các doanh nghiệp Đài Loan tránh khỏi tinh thần bài ngoại của người dân hay không.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Taiwan to Vietnam: ‘We’re not Chinese’ . Ma Nguyen | Asia Times | August 7, 2018.