Giàu mạnh hay Tự do trước? Con gà và quả trứng của Trung Quốc

Rana Foroohar – DCVOnline lược dịch

photo_cknThả lỏng bàn tay sắt đủ để tạo ra hệ thống pháp quyền ở Trung Quốc sẽ là thách thức chính – và là một cơ hội kinh tế – cho chính phủ nước này trong những thập kỷ tới.

Bài viết này của Foroohar là phần thứ ba trong loạt bài về phát triển doanh nghiệp Trung Quốc và tác động của chúng lên nền kinh tế toàn cầu.

Có rất nhiều điểm đáng thắc mắc trong sự hiểu biết thông thường về Trung Quốc, một trong những câu hỏi gân gà nhất là: Trung Quốc có phải làm giàu trước khi trở thành một xứ tự do hay không. Khái niệm này cho rằng khi Trung Quốc phát triển thành một quốc gia trung lưu, nó sẽ tiếp nhận những phong cách dân chủ tự do của phương tây, gồm có hệ thống quản trị tốt và minh bạch hơn, một cơ sở tư pháp mạnh và độc lập hơn, và hàng loạt quyền công dân sẽ được tôn trọng và bảo vệ. Nhưng như đã đi thăm Trung Quốc trong hai tuần qua, tôi đã nghe được một phiên bản thú vị về câu chyện con gà và quả trứng này: nếu muốn trở nên giàu mạnh hơn, TQ cần phải trở nên tự do hơn – và không chần chừ.

"nhà" ở của người đi lao đông ở thành thị. Nguồn: http://biweekly.isvoc.com/
“nhà” ở của người đi lao đông ở thành thị. Nguồn: http://biweekly.isvoc.com/

Lập luận đó xoay quanh hai yếu tố. Đầu tiên, Trung Quốc đã là một quốc gia thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc hiện nay trên 5.000 $ mỗi năm, và nhiều khu vực ven biển có thu nhập gấp đôi (trên 17.000 $ ở Thượng Hải và Bắc Kinh). Đây được coi là thu nhập trung lưu quốc tế (lưu ý rằng giá sinh hoạt ở Trung Quốc thấp hơn nhiều so với đời sống ở Mỹ). Thật vậy, có nhiều người Trung Quốc còn giàu hơn thế nhiều: Có hơn một triệu triệu phú ở Trung Quốc, và rất nhiều người Trung Quốc có thể đủ khả năng có tất cả xa hoa của giới trẻ phương Tây. Các thành phố như Thượng Hải, Bắc Kinh, Vũ Hán, Thành Đô có đầy phố những cửa hàng cho trẻ em cao cấp, phòng làm trắng răng, quán Starbucks nhộn nhịp bán cà phê sữa với giá Mỹ, và các trung tâm kiểu Kaplan, đắt tiền, luyện thi cho thanh thiếu niên Trung Quốc vào các trường nội trú Anh và Mỹ.

Đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc đang thay đổi. Càng ngày càng ít đi về mặt xuất khẩu hàng rẻ tiền, và nhiều hơn nữa về mặt sản xuất phức tạp, và những loại dịch vụ mới, cũng như bất động sản. Theo Andy Rothman, một chuyên viên kinh tế vĩ mô được đánh giá cao ở ngân hàng CLSA tại Thượng Hải, khu vực nhà nước xơ cứng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp tư nhân hiện đang tạo nên gần 100% việc làm mới ở Trung Quốc. Và các doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi phải có luật pháp về hợp đồng mạnh hơn để sống còn. “Nền kinh tế TQ ngày càng được lèo lái do các doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, và bất động sản, nhưng ở đó lại không có pháp quyền,” Rothman nói, đề cập đến một thực tế là hệ thống tư pháp là không hiệu quả và phán quyết có xu hướng thất thường. Khi nền kinh tế phát triển chậm lại, như bây giờ và sẽ tiếp tục khi Trung Quốc vẫn còn leo lên những bậc thang kinh tế cao hơn thì nguy cơ xung đột về pháp lý sẽ phát triển. Dữ liệu nhà nước cho thấy, từ năm 2008 đến 2012, các vụ kiện về thương mại và hàng hải dân sự liên quan đến nước ngoài, thường trong vòng tranh chấp về những thứ như sở hữu trí tuệ, tăng 57%.

Ngay cả khi hợp đồng được bảo vệ, hình phạt cũng không đáng kể. John Ford, Tổng Giám đốc công ty Diamond Power ở Vũ Hán, một chi nhánh làm phụ kiện nồi hơi tại TQ của một công ty Mỹ, nói với tôi rằng mặc dù công ty của ông phải cạnh tranh với nhiều hãng làm hàng nhái ở địa phương, như công ty Mỹ đã không có một vụ kiện tụng nào vì gần như không thể thắng kiện được, và tiền bồi thường không đáng bao nhiêu. Chính quyền địa phương ở Vũ Hán muốn Diamond Power làm nhiều thiết bị tiên tiến hơn, nhưng Ford cho biết công ty mẹ ở Mỹ rất “cảnh giác” về hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ. “Trung Quốc cần có một hệ thống tốt hơn để đối phó với vấn đề này,” Rothman nói, hoặc đầu tư sẽ giảm sút. Các chuyên gia từ những nơi như Ngân hàng Thế giới và Viện Quốc tế Vụ Thượng Hải ồng ý. Lý tưởng nhất, Đảng Cộng sản phải tuân thủ hệ thống pháp luật quốc gia như hiến pháp Trung Quốc đã định. Nhưng, Rothman và những người khác cho rằng, có thể người ta sẽ không thấy thay đổi theo hướng đó trong mười năm tới, đây là làn gió ngược sẽ tiếp tục làm trì trệ sự cân bằng lại nền kinh tế Trung Quốc.

Người ta có thể thấy sớm hơn những cải cách về quyền dân sự, đặc biệt là đổi mới hệ thống “hộ khẩu” của Trung Quốc hiện đang chia dân chúng thành hai hạng bất bình đẳng – người dân nông thôn và dân ở thành thị. Từ những năm 1950, Trung Quốc đã không cho phép người dân nông thôn đến các thành phố để làm việc, để nhận trợ cấp xã hội như y tế, trợ cấp hưu trí và giáo dục. Họ chỉ có thể nhận được những phúc lợi đó nếu họ quay trở lại ngôi làng của họ – và các dịch vụ xã hội nói ở nông thôn chi bằng một phần nhỏ những gì người sống trong thành phố được hưởng. Người di cư cũng không có quyền pháp lý ở đô thị, họ không có thể gửi con đến trường học địa phương, thu nhập của bằng một phần nhỏ của những gì cư dân hợp pháp ở thành phố kiếm được, và họ không được mua bất động sản ở thành phố, trị giá khoảng 60% tài sảng cá nhân tại Trung Quốc. Theo báo cáo 2030 của Ngân hàng Thế giới về Trung Quốc, hệ thống hộ khẩu đã tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn, về mặt tài chính, xã hội và giáo dục, giữa cư dân đô thị hợp pháp, và 230 triệu người di cư không chính thức hiện đang chiếm 17% dân số ở đô thị.

Đầu tháng này, Bộ Công an Trung Quốc thông báo rằng nó đã đang làm việc để đổi mới hệ thống hộ khẩu. Động lực cho sự thay đổi này là cả chính trị và kinh tế. Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, có một tầng lớp cư dân sống chui bất hợp pháp trong thành phố (đong như dân số của Indonesia) vẫn không khá hơn lên theo năm tháng – và đây là một vấn đề bất ổn định xã hội rất lớn đối với chính phủ. “Khi có một nhóm người đang bị kẹt cứng trong nghèo đói thì đó không phải là một điều tốt cho một nền dân chủ; nhưng trong một chế độ chuyên chế, đó là một công thức đưa đến kết quả thực sự tồi tệ,” Rothman nói. Thật vậy, giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khá bất an trước Mùa Xuân Ả Rập, trở thành một động lực chính để đi tới việc cải cách hộ khẩu hiện nay, các chuyên gia chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho biết. Kế hoạch này từ từ công bố lợi ích mới và tình trạng pháp lý đối với một số người di cư, từ thành phố này sang thành phố khác. Nhưng Rothman tin rằng một khi đã bắt đầu, quá trình này sẽ tiến nhanh, vì người di cư ở khắp Trung Quốc nhận ra những gì đang xảy ra ở các thành phố khác và chính phủ buộc phải phản ứng để chặn lại những cuộc di cư hàng loạt.

Tốn phí để đổi mới hệ thống hộ khẩu, cho một nhóm bắt đầu khoảng 20 triệu người di cư, sẽ vào khoảng 320 tỉ $ (khoảng 16.000 $ cho mỗi công nhân, với chi phí chia làm ba phần: chính phủ, công ty và người lao động). Nhưng Gan Li, chuyên gia kinh tế Trung Quốc người chỉ đạo cuộc điều tra thu nhập gia đình, nói rằng phụ cấp chính phủ và của giới chủ nhân nếu tăng lên sẽ thúc đẩy thu nhập ở thành thị Trung Quốc khoảng 29%, nhờ đó mức tiêu dùng sẽ tăng theo và giúp ây dựng một xã hội tiêu thụ Trung Quốc đang cần phát triển. Thật vậy, hàng triệu người trong một chốc có thể mua bất động sản và bắt đầu mua hàng tiêu dùng cho những căn nhà đó. (Dân ở nông thôn và người tạm cư chỉ tiêu khoảng 45% số tiền dân đô thị hợp pháp chi tiêu cho hàng bền.)

Cải cách hộ khẩu cũng sẽ giúp tăng lượng và chất của lực lượng lao động – người lao động di cư thường ít học hơn và ít hiệu quả hơn so với khối lao động có hợp đồng hợp pháp. Một cuộc khảo sát của các công ty đa quốc gia gần đây nhận thấy rằng trong khi đổi từ lao động tạm cư sang khối lao động có hợp đồng hợp pháp làm tăng mức chi phí 4,5%, nhưng sản lượng bình quân cho mỗi công nhân tăng 27%.

Tất nhiên, những lợi ích kinh tế nhờ những cải cách luật pháp như vậy có thể tăng vọt một cách bất ngờ. Cải cách hộ khẩu làm nổi bật hệ thống quyền sở hữu tại Trung Quốc, ở đó tất cả đất đai thuộc sở hữu của nhà nước. Khi nhà nước quyết định khai thác, phát triển khu đất, người nông dân thường được đền bù ít hơn so với giá trị thị trường. Luật sư trong trường Luật ở Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh nói rằng những trường hợp tranh chấp đất đai đang gia tăng, gây áp lực khiến Đảng (CSTQ) phải chuyển đổi sang một hệ thống theo định hướng thị trường thực sự được sở hữu tài sản – đây là một bước mà một số nhà kinh tế tin rằng có thể mở khóa cho hơn một tài sản trị giá nghìn tỷ đô la trong nền kinh tế Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, tự do chính nó có thể mang lại một Vụ nổ Lớn của sự thịnh vượng – nhưng chỉ khi nào Đảng CSTQ đã đủ sức để tiến hóa. Thả lỏng bàn tay sắt đủ để tạo ra hệ thống pháp quyền ở Trung Quốc sẽ là thách thức chính – và là một cơ hội kinh tế – cho chính phủ nước này trong những thập kỷ tới.

© 2013 DCVOnline


Nguồn: China’s Chicken-and-Egg Problem: What Comes First, Wealth or Freedom?  Rana Foroohar. time.com, June 19, 20132

4 Comments on “Giàu mạnh hay Tự do trước? Con gà và quả trứng của Trung Quốc

  1. Bài viết này đúng và có lý đến mức nào? Nếu nó đúng thì nó là bài viết dạy khôn cho Trung Quốc để Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh và có sức mạnh đè bẹp Việt Nam (nếu Việt Nam cứ tiếp tục theo đuôi Trung Quốc). Nếu Trung Quốc không thèm nghe lời bàn về luật tác quyền thì sẽ gặp phải khó khăn về phát triển khoa học. Ngày nay, Trung Quốc là tổ sư cóp py, thời xưa Trung Quốc là tổ sư dấu nghề. Có môn võ, môn thuốc gia truyền nào cũng dấu nhẹm, chỉ truyền trong gia đình hay người thật thân. Hậu quả là có nhiều bài thuốc, nhiều kiến thức bị thất truyền vì khi một gia đình không có hậu duệ thì kiến thức đó biến mất, không truyền lại cho ai được. Còn Tây phương có phát minh về khoa học thì công bố ra. Mọi người học được rồi lại sinh ra phát minh khác nhờ thế mà khoa học Tây phương vượt qua Trung Quốc. Nhưng muốn công bố phát minh thì phải có luật bảo vệ tác quyền. Còn thiếu luật bảo vệ tác quyền thì sẽ phải dấu nghề, nghĩa là đi theo con đường cũ của Trung Quốc.

  2. Dù TQ gà hay trứng thì các cháu VN phải nhớ rằng (thế hệ các bác đã xong): Nếu ngưới TQ gặm miếng xương rồi thẩy xuống đất, chó tới cũng chỉ ngửi rồi vẫy đuôi bỏ đi. Còn Mỹ ăn xong thẩy xuống, chó tới còn gặm đủ no. Đế Quốc Mỹ muôn năm!

  3. Nếu tuân thủ các luật bản quyền thì kinh tế TQ không có tình trạng tiến bộ như ngày hôm nay. Luật bản quyền chỉ nên áp dụng cho những nước đã phát triển, mà thực tế cũng chứng minh là chỉ có vài nước là áp dụng nghiêm chỉnh. Luật bản quyền thực ra là để bảo vệ mối lợi nhuận kếch sù của các tập đoàn tư bản vì đa phần các phát minh kỹ thuật quan trọng, có lợi nhuận lớn thu được nhờ luật bản quyền thường đều phát xuất từ các công ty thuộc các tập đoàn khủng.

    Nếu nói về luật thì các nước phát triển cũng đã lợi dụng tình trạng “luật rừng” của các nước chậm phát triển để “dump” vô tội vạ các chất phế thải công nghệ từ các nhà máy của họ tại các nước này thay vì theo phương cách an toàn tốn kém theo luật tại các nước của họ.

  4. ” .. câu chuyện con gà và quả trứng này: nếu muốn trở nên giàu mạnh hơn, TQ cần phải trở nên tự do hơn – và không chần chừ.”
    Có nhiều nước theo chính thể tự do hơn TQ nhiều nhưng kinh tế lẹt đẹt cho nên sự tự do không phải là điều kiện cần cho đất nước giàu mạnh. Trong một nền kinh tế thị trường thì sự cung cầu được điều tiết do lơi nhuận và cạnh tranh, sở dĩ có số lượng lớn influx dân từ thôn quê vào các khu đô thị là vì nhu cầu nhân công giá rẻ của giới chủ nhân mới người TQ, điều này tương tự như các nhà sản xuất Anh Mỹ Nhật không thể cho nhập cư dân TQ nên họ phải di dời nhà máy sản xuất qua TQ. Cải cách hộ khẩu hiển nhiên là không tác dụng, bài học của Venezuela còn đó, nhưng để mặc thị trường tự điều chỉnh thì mâu thuẫn giàu nghèo có thể là tai họa cho chế độ vì dân số TQ quá lớn. Hiển nhiên đây là bài toán khó cho TQ.