Cho tôi lại ngày nào… Đồng cỏ Việt Nam

 Nhiều tác giả

sgTrăm năm nữa cái gì còn mất
Có hề chi, này, một chút rong rêu…

Vũ Kiện, 1997

Vườn tao ngộ

Dương Tâm Chí

Giữa cười cợt mà lòng đau như xé
Rượu ròng ròng làm nước mắt đưa cay
Chí lớn hoài công, vá trời lấp bể
Chai cạn cằn mà tay đã rung tay
Chạm cái nữa cho môi mềm lưỡi cứng
Tuyết lên rồi cho gió cuốn mang theo
Trăm năm nữa cái gì còn mất
Có hề chi, này, một chút rong rêu…
(Thơ Vũ Kiện, Đất Lạnh 1997)

[…]

Những đồng cỏ thơ ấu Việt Nam còn gì trong tâm tư bạn và trong dự phóng tương lai của bạn?

Đòng cỏ Việt Nam. Nguồn: OntheNet.
Đồng cỏ Việt Nam. Nguồn: OntheNet.

Đối với tôi, cho tới ngày nay “những đồng cỏ thơ ấu Việt Nam” vẫn còn nằm tại chỗ y như ngày tôi bắt đầu biết nhận thức. Nếu có  ai đó  lấy GPS đi tìm thì  chắc chắn sẽ  tìm ra nơi chốn có đồng cỏ thơ ấu Việt Nam  “của tôi” nhưng không thể nào tìm được trái tim tôi ở đó; đám chủ nhân ông mới của một ngày của tháng tư 1975 đã làm tôi trở nên xa lạ với nơi chốn mà tôi trân quý.

Có lẽ trái tim của “ông lái đò” và anh Vinh Dài cũng văng đâu đó như tôi khi 2 anh tâm sự với nhau về nước mưa ở Canada hay Yaoundé hay  “những đồng cỏ thơ ấu Việt Nam” khi viết câu này, Hạt mưa rơi ngàn năm vẫn vậy, chỉ có lòng người cảm thấy xót xa cho một thời đã qua đi…”, hạt mưa vẫn vậy, đồng cỏ vẫn xanh nhưng đó là một màu xanh giả tạo của cỏ synthétique lót sân đá banh mà chủ mới đã áp đặt lên vận mạng của những người còn ở lại trên cánh đồng xưa…

Tháng 12 năm 1974, học xong, tôi chuẩn bị tinh thần để trở về đồng cỏ của tôi, tôi háo hức như một lực sĩ chạy tiếp sức, chuẩn bị bước vào lằn ranh sân chạy, tôi sẵn sàng nhận cây gậy của người chạy trước chuyền lại. Tâm trạng của tôi lúc đó giống như tâm trạng của một nhà văn mà tôi không nhớ tên, viết lúc mới học xong khóa căn bản ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung…Lúc ra khỏi cổng trường, đương sự chỉ mỉm cười  và nói: “Tổ Quốc ơi! Ta đã  sẵn sàng!”  Tôi mê câu này…

Nhưng hỡi ơi, người chuyền gậy cho tôi đã bị cơn hồng thủy cuốn đi; đá nát vàng tan.Tôi hụt chân không được chạy tiếp đoạn đường mà những thế hệ trước đó đã vạch cho tôi…Trước tôi đã có hàng hàng lớp lớp người chuyền tay nhau cây gậy tiếp sức; sau tôi cũng có hàng hàng lớp lớp khác đang chờ…

Chúng tôi, những kẻ đi sau đã mang món nợ với những người đi trước, một món nợ mà tôi khó trả được, chúng tôi không thể làm gì để tiếp tục vun bồi cho đồng cỏ thêm xanh. Những thế hệ đi trước đã hy sinh tất cả để cho tôi có được những ngày yên bình cắp sách đến trường, những ngày tôi nhởn nhơ đi học ở miền Đất Lạnh thì họ đã liều thân với Hạ Lào, với Mùa Hè Đỏ Lửa…

Tôi xa lạ với đồng cỏ hiện nay, nhưng tôi hy vọng rằng bãi cỏ synthétique với đám chủ nhân ông quái ác này cũng sẽ được “Cơ giời, vận nước” gỡ bỏ đi, tôi không mất niềm tin và Những ngày xưa thân ái, xin trả lại cho tôi…


[Nguồn: Trích đoạn từ “Góc vườn tao ngộ”, Dương Tâm Chí, Đất Lạnh 2013]

Cho tôi lại ngày nào…

Nguyễn Duy Vinh

[…]

Sinh viên Việt Nam học không thua ai

Chơi thì chơi nhưng sinh viên Việt Nam thời đó rất xuất sắc trong việc học. Đa số sinh viên mít thời đó ra trường thường đứng đầu lớp. Không đứng đầu lớp thì cũng ít nhất summa cum laude hay cum laude. Vì lý do chiến tranh, đa số ở lại học tiếp. Và vì vậy số sinh viên mít có bằng Master hoặc Ph.D. trước 1975 rất cao. Ai chịu khó học cũng thành công. Có những tay ăn chơi, lo chơi nhiều hơn lo học thế mà sau này khi “tỉnh ngộ” ghi danh học lại và rồi cũng đỗ đạt thành công.

Nói chung hầu như ai cũng thành danh. Điều này chứng tỏ nền giáo dục Việt Nam ở miền Nam trước 1975 là một nền giáo dục rất tốt. Những sinh viên ra trường như tôi không muốn về nước phục vụ chế độ cộng sản cũng tìm được việc tốt đi làm để nuôi thân. Và không những nuôi thân và nuôi gia đình không thôi, chúng tôi còn gửi về Việt Nam tiền và thuốc men để cứu giúp gia đình trong những năm khó khăn nhất sau ngày 30 tháng 04 năm 1975.

Và bây giờ khi ngồi đây nhìn lại một quá khứ đầy may mắn, chúng tôi không bao giờ hối tiếc đã chọn nơi này làm quê hương. Quê hương và con người Canadien và Québecois hiền lành đã tạo cho chúng tôi những hoàn cảnh và điều kiện (duyên lành) thật tốt để mưu cầu hạnh phúc. Và dĩ nhiên chúng tôi không bao giờ quên ơn này.

Xây tượng Tiếc Thương ngay tại thành phố Québec

Tiếc Thương (Quebec, Canada). NguoofnL Đất Lạnh 2013.
Tiếc Thương (Quebec, Canada). Nguồn: Đất Lạnh 2013.

Rồi việc gì đến sẽ đến, 30 tháng 04 đã đưa dân tộc Việt Nam, nhất là miền Nam, vào những vòng điêu đứng. Chính sách tàn bạo của “bên thắng cuộc” sau ngày 30 tháng 04 đã làm cho vết thương chiến tranh kéo dài mãi đến năm 1985, với những trại cải tạo (dùng chữ nhà tù cải tạo thì chính xác hơn), vùng kinh tế mới, đánh tư sản và mại bản v.v… Những người Việt vượt biên đến Québec cũng làm cho thành phố này sống động hơn trước với nhiều quán ăn Việt Nam hơn. Lúc bấy giờ có các anh Võ Văn Đạt, Nguyễn Văn Sơn, Đặng Vũ Thế Hiển, một số sinh viên mít đang học ở Laval và các chủ nhà hàng Việt Nam ở Québec đã có công thuê đất, tạc tượng và dựng lên một đài kỷ niệm thuyền nhân và chiến sĩ VNCH ngay tại một trong những nghĩa trang sang trọng của thành phố, nghĩa trang Notre Dame de Belmont nằm bên cạnh đường Ste Foy trước khi xuống đến basse-ville.

Hôm khánh thành tượng đài kỷ niệm có cả trăm người Việt tị nạn về từ Montréal. Đây là tượng đài kỷ niệm thuyền nhân có thể gọi là được xây đầu tiên trên thế giới. Mô hình người lính VNCH được chép lại từ tượng Tiếc Thương của nghĩa trang Biên Hòa và người vẽ (designer) cho tượng đài Québec chính là anh Dương Tâm Chí nhà mình.

Và nói đến 30 tháng 04 thì tôi không thể không nhắc đến anh Vũ Kiện, nhà thơ của đặc san Đất Lạnh đã qua đời ngay tại thành phố Québec nơi anh đã học thành tài. Tôi vẫn nhớ mãi những bài thơ của anh đã được nhạc sĩ Trọng Nghĩa phổ nhạc và hát vào những năm 1986 / 87. Hiện nay qua điện thư trao đổi với anh Trọng Nghĩa, anh có gửi cho tôi những phóng ảnh thư pháp và bài vở của anh Vũ Kiện. Hôm nào có dịp tôi sẽ rủ các bạn hát với tôi những bài này. Xin chép xuống đây một bài mà tôi thích nhất mang tựa đề Những Con Thuyền Lang Thang:

bật que diêm thứ nhất

anh nhìn sâu mắt trong

tìm thời gian đánh mất

tình xưa nhen trong lòng

bật que diêm thứ hai

tay lùa vào trong tóc

giấc mộng nào phôi phai

xuôi dòng sông ngà ngọc

những con thuyền lang thang

trôi bằng sông ra bể

những niềm đau kể lể

hằn cánh buồm gian nan

bật que diêm thứ nhất

anh nhìn sâu mắt trong

tìm thời gian đánh mất

tình xưa nhen trong lòng

bật que diêm thứ hai

tay lùa vào trong tóc

giấc mộng nào phôi phai

xuôi dòng sông ngà ngọc

những con thuyền lang thang

trôi bằng sông ra bể

những niềm đau kể lể

hằn cánh buồm gian nan

anh chèo bên này sông

bên kia, thuyền của giặc

anh né tầu hải tặc

thuyền anh lạc giữa dòng

những con thuyền long lở

đêm biển cuồng bao la

giông bão đè hơi thở

liệm tình diêm thứ ba

bật que diêm thứ bốn

bật que diêm thứ năm

gió to hùa sóng lớn

hy vọng, tàn tro câm

ôi những người khốn khổ

cầm que diêm soi đường

lửa nào cho thuyền nhỏ

đất nào cho quê hương

Xin nhận nơi này làm quê hương

Canada, quê hương bây giờ.
Canada, quê hương bây giờ.

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, vì từng hoàn cảnh đưa đẩy, chúng tôi mỗi đứa trôi dạt về những nơi chốn khác nhau. Phần lớn đã chọn lựa những nơi đã cho mình công ăn việc làm. Riêng tôi thì vô cùng may mắn. Sau những năm dạy học ở Phi Châu, tôi được về dạy học ở Laval 8 năm liền trước khi đổi việc và về Ottawa làm việc cho Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia. Tôi cảm nhận được một điều qua kinh nghiệm đi làm là có khả năng không không đủ, mình phải có may mắn được sự giúp đỡ của đồng nghiệp hoặc của những thiện tri thức (nghĩa là phải có “qưới nhơn phù hộ” như người miền Nam mình hay nói). Những may mắn đó tôi đều được diễm phúc có. Ngày nay về hưu tôi vẫn mang trong lòng sự biết ơn của tôi đối với tất cả Thầy Cô, bạn hữu, đồng nghiệp và gia đình đã luôn giúp đỡ tôi trên bước đường tiến thân và trong cuộc sống tha phương cầu thực. Quê hương Canada hiền hòa, người dân có tấm lòng ưu ái vị tha tuy khí hậu ở đây rất lạnh lẽo vào mùa đông. Và chúng tôi vẫn giữ mãi những kỷ niệm đẹp của những năm còn là sinh viên dưới mái trường Laval yêu dấu.

Tôi xin ngừng bút […] và xin cầu chúc tất cả cựu sinh viên Việt Nam trước 1975 ở Canada một buổi họp mặt đầy tình người, tình đồng môn và nhất là có thật nhiều niềm vui trong những ngày hội ngộ. Và nhớ nhé, nhớ

Cho tôi lại ngày nào…Trăng lên bằng ngọn cau… Cha tôi ngồi xem báo… Bên cây đèn dầu hao… (bài Kỷ Niệm của Phạm Duy).

Ôi thời niên thiếu nay còn đâu.


[Nguồn: Trích đoạn từ “Cho tôi lại ngày nào…”, Nguyễn Duy Vinh, Đất Lạnh 2013]

2 Comments on “Cho tôi lại ngày nào… Đồng cỏ Việt Nam

  1. Nhìn hình ảnh chiếc “xe lam 3 bánh” và những tà áo dài trắng trên đường phố Sài Gòn ngày xưa mà chảy nước mắt.
    Xin cám ơn BBT/DCVOnline.

    • Xin chia sẻ nỗi buồn với ông, và cùng với bạn đọc NT Quân, xin cãm ơn DCVOnline trong nhiều năm qua, đã luôn sưu tầm những hình ảnh, tài liệu thật độc đáo và đầy nghệ thuật đặng cống hiến bà con cô bác xa gần. Đa tạ!

      Em xin phép “chú thích” tấm ảnh chút đỉnh…

      Người đẹp [xin lỗi, nay chắc cũng gọi bằng cụ] đang cỡi chiếc mô-bi-lét (nghe ông B Đ khoe) duyên dáng quá; khách trên chiếc xe lam đang đọc giòng chữ “tài xế cẩn thận – Xin đừng giơ tay ra ngoài nguy hiểm”; chú lính lái chiếc díp…có tật thả dê; nam thanh nữ tú thật ngoong lành…

      Túm lợi, ngắm bức tranh trên thật hài hòa – phố xá văn minh, hạ tầng cơ sở khá đầy đủ; và con người miền nam thật hiền lành, nhơn bản có thừa.