Đọc “Thú Người” của Herta Müller

Trịnh Bình An

hhdCó sách đọc dễ, có sách đọc khó – “Thú Người” của Herta Müller là sách đọc khó.

Nguyên tác “Herztier” và bản tiếng Anh “The Land of Green Plums” đã nhận giải thưởng văn chương “International IMPAC Dublin Literary Award” năm 1998, sau đó nhận thêm nhiều giải thưởng văn học khác như giải Kleist, giải Franz Kafka, giải Walter Hasenclever và giải Nobel Văn Chương 2009. Tác phẩm đã được dịch ra trên 50 thứ tiếng.

Ông Michael Krüger, giám đốc nhà xuất bản Carl Hanser tại Munich (German) từng có lời nhận xét về Herta Müller:

“Hai mươi năm sau sự phân chia Đông-Tây nước Đức, Herta Müller được tưởng thưởng vì bà đã duy trì những ký ức về sự vô nhân của chế độ cộng sản. Bà là điển hình cho một dòng văn chương châu Âu quyết tâm đem lịch sử vào hiện tại với sự sắc sảo của phân tích và sự chính xác của thi ca.”

Herta_Müller
Herta Müller. Nguồn ảnh: kulturzentrum-klausenburg.ro

Tôi đã đọc “Cuộc Hẹn” (The Appointment) của Müller bản tiếng Anh – nguyên tác “Heute wär ich mir lieber nicht begegnet” (Hôm nay, nếu tôi không phải gặp tôi thì tốt hơn) – và thấy lời nhận xét trên của ông Krüger không sai, vì thế khi được cầm trên tay một bản tiếng Việt tác phẩm của Müller tôi rất vui mừng. Nhưng sau khi đọc vài trang thì choáng – khó hiểu quá! Tôi vận hết trí thông minh ra để cố tìm ra ý tác giả nhưng vẫn thấy rối mù.

Dương Hoàng Dung – người dịch “Herztier” từ bản gốc tiếng Đức qua tiếng Việt – cũng phải công nhận rằng: “Nhiều độc giả người Đức đọc truyện bằng chính tiếng Đức đã phải bỏ dở, không đọc tiếp từ những trang đầu tiên hay phải đọc lần thứ hai, ba mới có thể hiểu hết ý tác giả” (**). Thế nhưng “Thú Người” vẫn toát ra sức hấp dẫn kỳ lạ khiến tôi phải suy nghĩ nhiều và muốn chia xẻ với bạn đọc một vài cảm nhận, dù còn rời rạc.

Nhưng trước tiên, xin tóm tắt phần cốt truyện trước:

Sau cái chết của Lola (một nữ sinh viên và cũng là đoàn viên), 4 sinh viên khác: Edward, Georg, Kurt, và một nữ sinh viên (nhân vật “tôi” trong truyện) kết bạn với nhau. Họ là những thanh niên từ thôn quê lên tỉnh thành, mong tìm một bầu không khí dễ thở hơn. Nhưng sớm nhận ra rằng sự khủng bố luôn luôn bao trùm người dân trong chế độ cộng sản (Romania thời Ceausescu những năm 1980). Sau khi ra trường, 4 người bị điều đi làm ở những nơi khác nhau. Họ vẫn giữ liên lạc bằng thư từ, và để lọt qua sự kiểm duyệt họ nghĩ ra một lối viết ẩn dụ. Thế nhưng sự cẩn thận này vẫn không giúp họ thoát khỏi nanh vuốt công an.

Nội dung truyện khá đơn giản, càng quen thuộc hơn với những ai từng sống dưới chế độ cộng sản. Ta có thể liên tưởng tới những tiểu thuyết của các nhà văn trong nước như Võ Thị Hảo, Tạ Duy Anh, Bùi Tấn hay Trung Hoa như Giả Bình Ao, Ba Kim, gần đây nhất là Mạc Ngôn – Nobel Văn Chương 2012. Nhưng cái khác của “Thú Người” là một giọng văn hết sức đặc biệt, vừa khô khan, bén ngọt nhưng lại vừa lãng đãng, lung linh.

“Cái chết thật rẻ như một lỗ rách trong túi áo, người ta đút tay vào đó và cả cơ thể bị kéo theo.”

“Mấy cái muỗng khua lách cách như thể chúng chứa bát dĩa trong bụng.”

“Bà lên dây chiếc đồng hồ báo thức không còn gõ tích tắc. Mẹ bảo, không có đồng hồ báo thức sẽ không có buổi sáng.”

“Tôi chỉ thấy cuộc hành trình thật dài ra và khoảng cách kéo thật xa, tôi bảo, mấy cây hoa hướng dương chẳng còn lá, chỉ còn trơ mấy cành đen đủi, vẽ nên sự ngăn cách thật chắc chắn.” (*)

Nếu nói văn Müller mang chất thơ thì người Việt phải là những bạn đọc dễ cảm nhận nhất vì người Việt thích đọc thơ, làm thơ. Người làm thơ, nói một cách tổng quát, thường là người yêu thiên nhiên, thích miêu tả cái đẹp của thiên nhiên, thích dùng các hiện tượng tự nhiên như cây cỏ, hoa lá, núi sông, để diễn tả dáng vẻ cũng như tâm tình. Herta Müller cũng thế, văn của bà tràn ngập hình ảnh, màu sắc, âm thanh, và cả mùi vị của thiên nhiên.

Do đó, ta sẽ bắt gặp những câu văn nghe hao hao như những câu thơ Việt, như câu văn: “Rằng thỉnh thoảng bầu trời có mùi cay đắng, nhưng đó là từ mùi hơi riêng của tôi chứ không phải của mùa thu” (*) khiến ta chạnh nhớ tới câu thơ: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu – Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Hay nếu Thâm Tâm dùng hoa sen cuối mùa để tả những người con gái lỡ thì trong Tống Biệt Hành: “Bây giờ mùa hạ sen nở nốt – Một chị, hai chị cũng như sen – Khuyên nốt em trai giòng lệ sót” thì Müller dùng cây khô để nói đến người bạn gái đã thắt cổ tự vẫn: “Khi các cây đã trơ cành tôi không còn chịu đựng nổi vẻ chết chưa chôn của người phụ nữ trong tranh”.(*)

Nhưng dù là văn vần hay văn xuôi, điều hấp dẫn người đọc vẫn phải là những khám phá mới lạ, tránh những hình tượng cũ mòn. Cho nên câu thơ “mai cốt cách, tuyết tinh thần” tuy vẫn còn đẹp đấy nhưng đã hết làm ta rung động. Muốn làm người đọc kinh ngạc, người thơ cần có lúc đảo tung cái trật tự sẵn có.

Một thí dụ cho sự đảo ngược trật tự là hai câu thơ Đường: “Lạc hoa tương dữ hận – Đáo địa nhất vô thanh” (Hoa như cùng mối hận, rơi chạm đất mà vẫn lặng thinh). Hình ảnh hoa rơi thường được dùng cho những khung cảnh êm đềm, có buồn nhưng vẫn lãng mạn, nhưng hoa rơi trong “Nam Hành Biệt Đệ” lại biểu tượng cho nỗi uất hận đến nghẹn ngào.

Herta Müller thường dùng hoa hướng dương nhưng không ở cái nghĩa phấn khởi “nở tình yêu ban sớm” như lời bài hát nọ. Hoa hướng dương của Müller khi tươi thì vàng choé đến nhức mắt, khi khô thì u uất đến đe dọa. Một hình tượng khác được bà “lật ngược” là những cánh cửa sổ. Dương Hoàng Dung giải thích điều này như sau:

“Hình ảnh cánh cửa sổ mở trong truyện không chỉ cho người đọc nhìn thấy những đám mây, nơi ký gửi đầy mộng mơ của tình bạn trong một xã hội luôn bị rình rập, gieo rắc nghi ngờ, mà cánh cửa sổ hé mở còn cho ấn tượng về sự chết chóc, hành động giết người. Ở một nơi nào đó trên thế giới này có một cánh cửa sổ đã hé mở để đẩy người ta đến cái chết. Ở một nơi nào đó có một chế độ đã đẩy người ta đến ý nghĩ tự tử.” (**)

Nếu văn của “Thú Người” thú vị, tại sao khó đọc?

“Thú Người” được kể qua nhân vật “tôi”, nhưng người này có lối kể chuyện rất lộn xộn: đang nói về cha tôi mẹ tôi, đột nhiên quay sang kể chuyện bà hàng xóm, ông thợ cắt tóc,… mà những chuyện ấy lại chẳng dính dáng gì tới nhau nên khiến cho câu chuyện thành khó hiểu, có thể nói, khó hiểu đến phát chán lên được.

Một điều khác cần để ý khi đọc văn Herta Müller là những ẩn dụ với nhiều ý nghĩa, như hình tượng những trái mận xanh, trẻ con thích ăn mận xanh vì khoái miệng nhưng sẽ bị đau bụng. Trong “Herztier”, người ta ăn rất nhiều mận xanh:

“Mấy gã bảo vệ hái đầy nhóc túi áo những trái mận xanh. Họ hái rất nhanh, nhét đầy cái bao cất trong áo khoác. Họ muốn chỉ hái một lần mà ăn được thật lâu. Khi túi áo choàng đã đầy mận họ rời mấy cây mận thật nhanh. Bởi thế “bọn ngốn mận” trở t hành tiếng chửi rủa. Người ta cũng dành tiếng chửi này cho bọn nhà giàu mới nổi lên, bọn tự phủ nhận mình, bọn lương tâm co rúm khi từ tay không bước lên, và cả những hình dạng bước qua xác người chết” (*)

Chúng ta hẳn không xa lạ gì với “bọn ngốn mận”, người Việt gọi chúng là “nhóm lợi ích”, “tư bản đỏ”, “bày sâu bọ”, “trí thức tay sai”,… Vì trong Herztier lúc nhúc những kẻ ngốn mận xanh nên bản dịch tiếng Anh đặt tựa mới là “The Land of Green Plums” (Vùng Đất của Những Trái Mận Xanh).

Vậy “Herztier” thật ra có nghĩa gì?

“Herztier” là chữ tự chế của Müller, lấy ý từ chữ “Inimal” tiếng Romania, gồm “Inima” nghĩa là Trái tim và “Animal” – Con thú. Sau đó tác giả chuyển qua Đức ngữ: Tim – Hert và Thú – Tier, họp lại thành “Herztier”. Do đó, Herztier nghĩa đen là trái tim thú, và được Dương Hoàng Dung dịch thoát thành “Thú Người”. Chữ “con thú người” được thấy rải rác trong truyện, như: “Khi bài hát chấm dứt, bà nghĩ đứa nhỏ đã ngủ say. Bà bảo hãy để con thú người trong cháu nghỉ ngơi, hôm nay cháu đã chơi nhiều rồi.” (*)

Bản tính con người gồm có hai phần: nhân tính và thú tính, với thú tính là bản năng sinh tồn. Dưới chế độ cộng sản, khi nhân tính bị sỉ nhục và bị bóp nát thì con người chỉ còn lại thú tính. Từ góc nhìn này, ta có thể hiểu ra dụng ý của tác giả khi dùng cách viết mà ở trên tôi gọi là “rời rạc đến phát chán”.

Suốt từ đầu đến cuối, ta dường như không thấy sự biểu hiện nào của cảm xúc. Bạn bè, chồng vợ, cha con, mẹ con, đều chỉ là những đối tượng mà một người bắt buộc phải tiếp xúc. Những cái chết đau thương được kể với một giọng hết sức dửng dưng. Khi con người buộc phải sống trong sợ hãi, thường xuyên nghi ngờ lẫn nhau, họ đánh mất mọi xúc cảm. Tới một lúc nào đó họ chỉ còn biết đi, đứng, nghe, nhìn, nói, ăn, ngủ, làm việc như những cái máy, như con thú, lúc đó không còn con người, chỉ còn “con thú người”.

Thế nhưng, những điều vừa nói trên sẽ chẳng đem lại cho tác phẩm văn học này giá trị gì nhiều nếu không có yếu tố nhân cách của người viết. Đó là nhân cách của một người quyết liệt trong đấu tranh nhưng đầy lòng thương cảm trong sáng tác. Rất nhiều sự kiện trong truyện là tự sự của chính Herta Müller: cha bà từng là sĩ quan SS; khi còn sinh viên bà đã tham gia Aktionsgruppe Banat – tổ chức các nhà văn đấu tranh cho tự do ngôn luận dưới chế độ độc tài Ceauşescu; khi đến làm việc trong xí nghiệp bà từ chối cộng tác với mật vụ nên thường bị thẩm vấn, đe dọa. Cả cuộc đời nhà văn là một tấm gương bất khuất trước bạo quyền. (***)

Tuy khô khan, nhưng trong “Thú Người” vẫn có những đoạn văn sinh động đến mức hài hước khi mô tả cái vẻ ngu si đần độn nhưng vẫn ra dáng bệ vệ của bọn cán bộ cộng sản. Dưới đây là đoạn Tereza – bạn gái của nhân vật “tôi” – kể về buổi họp chi bộ tuyên dương công trạng người cha đã chết của cô.

“Sau này, Tereza kể, mình đã nghiêng người như trước buổi trình diễn. Vài người cuời, vài người còn vỗ tay nữa . Rồi mình bắt đầu văng tục . Họ không cười và không vỗ tay lâu được vì ở chủ tịch đoàn chả còn ai vỗ tay nữa cả. Họ dường như đã bị bắt quả tang và giấu tay đi.

Mấy người có thể chổng đầu xuống và dùng lỗ đít bắt ruồi đấy, Tereza bảo.

Một người ngồi hành ghế đầu để tay lên đùi . Ông ta đã ngồi lên nó nên chúng đỏ lên như tấm khăn trải bàn. Nhưng cả lỗ tai ông ta cũng vậy, mặc dù ông ta không ngồi lên chúng, Tereza bảo.

Ông ta quai miệng ra hít hơi vào và co quắp mấy ngón tay lại. Người ngồi cạnh ông ta, một ông ốm yếu với đôi chân dài, đạp giầy vào mắt cá chân cô, ra hiệu rằng cô hãy ngồi xuống và im đi, Tereza kể .

Tereza rụt chân lại và bảo: Nếu thế chưa đủ thì mấy người có thể hút nước vào đầu cho tới chừng nào mấy người nghĩ ra điều gì khác hay hơn.

Giọng mình thật bình tĩnh, Tereza bảo. Mình mỉm cười, đầu tiên họ nghĩ rằng mịnh định cảm ơn họ đã tuyên dương bố mình. Và rồi cả bọn họ đều có bộ mặt cú vọ, với những cặp mắt trắng dã, trắng còn hơn bức tường vôi trong phòng.” (*)

Đoạn văn này làm ta liên tưởng tới vẻ mặt tím ngắt của Nguyễn Phú Trọng và đồng bọn sau bài viết đanh thép của Nguyễn Đắc Kiên.

Ngay khi giải Nobel Văn Chương 2009 được công bố, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cấm dịch, in các tác phẩm của nhà văn Herta Müller. Tôi nghĩ cũng vì lý do đó mà dù biết “Herztier” khó đọc, kén người đọc, Tủ Sách Tiếng Quê Hương vẫn tìm cách đưa tác phẩm này tới tay mọi người.

sunflower
Hoa hướng dương. Nguồn ảnh: http://my.englishclub.com

Cho tới khi viết những giòng cuối, tôi thú thật vẫn còn “đánh vật” với “Thú Người”. Nhưng đó vẫn là một cuốn sách độc đáo mà tôi sẽ tiếc lắm nếu bỏ qua, và tôi mong các bạn cũng sẽ thấy như thế.

© 2013 DCVOnline


(*) – Trích đoạn từ “Thú Người” – bản dịch Dương Hoàng Dung – Tủ Sách Tiếng Quê Hương phát hành – Liên lạc: Uyên Thao – [email protected], hay, Trần Phong Vũ – [email protected]
(**) – Trích trong 
“Thú Người – Lời Ngỏ” , Dương Hoàng Dung , 07/03/2013.
(***) – Đọc thêm
 “Herta Müller – Nobel Văn chương 2009”. Trịnh Bình An, 21/10/2009 , DCVOnline.net

3 Comments on “Đọc “Thú Người” của Herta Müller

  1. Tôi vừa mua “Thú Người” của Tủ sách Tiếng Quê Hương, và quả thật là cũng giống như tác giả Trịnh Bình An, tôi đang “đánh vật” với cuốn sách dịch này. Nhưng dù sao bài viết trên DCVOnline đã cung cấp những info hữu ích để người đọc có chút ý niệm sơ khởi về một tác phẩm từng đoạt nhiều giải thưởng văn chương quốc tế, nhờ đó mà việc “đánh vật” có đỡ vất vả phần nào. Xin cám ơn.

  2. Bạn NTQ đọc xong nhớ viết một bài cảm tưởng thật hay, coi như là quảng cáo cho tủ sách TQH luôn thể. LV