Hỗn thế ma vương Mao Trạch Đông

Lưu Hiểu Ba | Hồ Như Ý dịch

Về kinh tế thì không thể từ nội bộ chế độ công hữu, kinh tế kế hoạch để tìm thấy động lực thúc đẩy cải cách kinh tế; về tư tưởng thì không thể từ trong nội bộ của chủ nghĩa Marx giáo điều tìm kiếm tư tưởng mới; về mặt văn hoá theo nghĩa rộng thì không thể từ trong nội bộ văn hoá truyền thống […] tìm thấy cái gọi là tinh hoa.

Lời người dịch | Ngày 16 tháng 5, dưới sự chỉ đạo của Mao, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành một thông báo chính thức về cuộc Đại Cách mạng văn hóa. Trong tài liệu này, Bành Chân bị chỉ trích gay gắt và nhóm “Năm tên” bị giải tán và được thay thế bởi Nhóm Cách mạng văn hóa. Ngày 18 tháng 5, Lâm Bưu tuyên bố trong một bài phát biểu rằng

“Chủ tịch Mao là một thiên tài, và mọi thứ Chủ tịch nói đều thực sự tuyệt vời; những lời nói của Chủ tịch sẽ tạo ra ý nghĩa cuộc sống của hàng trăm ngàn người trong chúng ta.”

Vì vậy, bắt đầu giai đoạn đầu của sự sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông do Giang Thanh, Lâm Bưu và những kẻ cùng phe điều hành được xem là Sự kiện mở màn chính thức cho cuộc cách mạng văn hoá của Mao Trạch Đông.

Lời của người biên tập | Khi Lưu Hiểu Ba tái đăng bài viết này trên Boxun vào năm 2006, đã từng có lời giải thích như sau: Bài viết này được viết vào gần 20 năm trước, vốn đăng trên tờ “Giải Phóng Nhật Báo” (hiện này là “Tạp chí Khai Phóng” vào số tháng 11 năm 1988. Vào ngày 24 tháng 6 năm 1989, tờ Bắc Kinh Nhật Báo tố cáo tôi là “bàn tay đen tối”, bài viết này được xem là môt trong những chứng cứ chủ yếu, được xưng là “quả bom tấn” để “chống Cộng chống nhân dân”. Hơn nữa chỉ trích rằng trong bài viết thì cụm từ “bốn thay thế” là “chủ trương cương lĩnh” của tôi. Đúng dịp 30 năm ngày mất của Mao Trạch Đông, truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc lại bắt đầu tuyên truyền kỷ niệm long trọng vong linh của của Mao bạo chúa.

Bất luận “Đại cách mạng văn hoá” được nhìn từ góc độ nào, thì nó đều là một đại kỳ quan khoáng cổ tuyệt kim, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Trung Quốc, lịch sử thế giới. Người phát động cuộc cách mạng này Mao Trạch Đông cũng trở thành một nhân vật thần bí. Bởi vì, trước Mao Trạch Đông chết thì Trung Quốc không có một ai đưa ra được lời đánh giá dù chủ có một chút xíu mang tính suy đoán về ông ta; sau khi ông ta chết, ông ta vẫn như bóng ma bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc bồi hồi mãi không đi.

Sau khi lịch sử trôi qua, sẽ không có cơ hội thứ hai để người ta chọn lựa, kể cả khi hết sức hối hận vạn phần thì cũng không làm được gì. Sẽ không tiếp tục có một Mao Trạch Đông thứ hai xuất hiện trên lãnh thổ Trung Quốc, cũng sẽ không còn có 1 tỷ người tiếp tục thành khẩn tin tưởng, sùng bái một cách cuồng nhiệt như vậy, cũng sẽ không còn có một hình tượng, âm thanh, động tác, văn tự có thể có được quyền uy tuyệt đối như Mao Trạch Đông. Thậm chí là, khi Mao Trạch Đông còn sống, không có người nào dám nói chữ “không” đối với ông ta; sau khi Mao chết, cũng chỉ có thể dùng cách nói bảy phần công lao, ba phần sai lầm để định luận về ông ta. Đối với ông ta, người Trung Quốc đều không có dũng khí dám đánh roi lên xác chết ông ta, khi phủ định ông ta, cũng là một bộ dạng rụt rè hiền lành.

1. Mao Trạch Đông khiến cho các đời đế vương ảm đạm vô sắc

“Mâu thuẫn cảm xúc về Mao Trạch Đông” đã trở thành một bệnh kín di truyền đối với người Trung Quốc hiện nay. Một phương diện nó cho thấy người Trung Quốc đã ngu muội tới mức độ nhận đủ mọi nhục nhã vẫn còn muốn hô lên “Vạn tuế” ba lần. Một phương diện khác cũng nói rõ cá nhân Mao Trạch Đông đã thành công tới mức làm cho tất cả những hoàng đế khác của Trung Hoa ảm đạm vô quang.

Vào đầu thế kỷ này, khi một nông dân quê mùa lạc hậu đến từ thôn làng tỉnh Hồ Nam tên là Mao Trạch Đông vừa bước vào thành Bắc Kinh, anh ta đã bị nhiều văn nhân cũng người nổi tiếng có danh vọng khi đó miệt thị và chê cười; ngay cả sau khi anh ta gia nhập Đảng Cộng sản thì cũng bị những nhân vật cao tầng trong đảng bài xích. Một mực cho tới “Hội nghị Tuân Nghĩa”, khi không có một nhân vật nào dám đứng ra thu thập tàn cuộc sau cuộc Trường Chinh, Mao Trạch Đông mới dùng đảm phách và tinh thần chấp nhận mạo hiểm của ông ta, chinh phục lấy cái đảng đã một mực bài xích ông ta, hơn nữa để một nhân vật có tiếng nói trong Đảng là Trương Quốc Đào bị gạt ra ngoài lề. Hơn nữa, những phần tử trí thức và quan chức cấp cao bên trong Đảng Cộng sản hoàn toàn không nghĩ tới, sau năm 1949, bọn họ từng người từng người trở thành đồ chơi trong tay Mao Trạch Đông. Thủ pháp cao minh của Mao Trạch Đông khi thực hiện trò chơi chính trị “đấu tranh cùng người khác” đã đạt tới cảnh giới cao nhất “vô pháp chi pháp, chính là tối pháp” (cách làm vô pháp vô thiên vô luật pháp mới là biện pháp cao minh nhất).

Nếu chỉ giới hạn trong phạm vi bên trong Trung Quốc, nhìn từ góc độ lịch sử Trung Quốc để đánh giá Mao Trạch Đông, không còn nghi ngờ gì nữa ông ta chính là người thành công nhất từ trước tới nay. Không một người nào khác có thể hiểu rõ tính cách của người Trung Quốc hơn ông ta; không có người nào thông thuộc hơn ông ta khi dùng nghệ thuật tranh đấu lẫn nhau ở nội bộ chính quyền chuyên chế độc tài; không có ai bằng ông ta về nhẫn tâm xảo quyệt, giỏi về ứng biến, lưu manh thành tính; càng không có ai được như ông ta khi đóng vai trở thành vầng mặt trời đỏ huy hoàng xán lạn như thế. Trong tay Mao Trạch Đông, tư tưởng truyền thống lấy dân làm gốc của Trung Quốc đã biến thành “nhân dân vạn tuế” và “toàn tâm toàn ý vì nhân dân phục vụ”, mà ông ta lại thông qua một loạt những phong trào chính trị để người dân hoàn toàn trắng tay. Gần như một mình sức mạnh của ông ta đối kháng với cả Trung Quốc, giống hệt như mối quan hệ giữa một thanh niên cao to lực lưỡng và một cô bé nhỏ nhắn phục tùng vậy.

Trong lịch sử Trung Quốc có hoàng đế nào có thể so sánh được với Mao Trạch Đông về quyền lực và danh vọng? Ông ta đã đem chính thể chuyên chế truyền thống Trung Quốc, đem sự ngu muội và yếu nhược của người Trung Quốc đẩy lên tới sự cực đoan trước nay chưa từng có. Ở trong từng cuộc chiến tranh giành quyền lực, ông ta hết sức lợi dụng điểm yếu tính cách của người Trung Quốc nhằm tấn công đối thủ giống như mèo vờn chuột, đã từng có bao nhiêu nhân vật bên trong Đảng Cộng sản có quyền lực cao hơn ông ta, chức vụ cao hơn ông ta, từng người đều bị hạ gục nằm dưới chân của Mao. Dã tâm lúc thiếu thời “Hỏi trời cao đất rộng, ai làm chủ chìm nổi”, quả nhiên đã biến thành hiện thực sau mấy mươi năm. Một khi ông ta ngồi lên bảo toạ quyền lực, liền hưởng thụ suốt đời.

Ở Trung Quốc, ông ta có thể coi khinh tất cả mọi thứ, mỗi một động tác của ông ta đều có căn cứ hợp lý, mỗi một câu nói của ông ta đều là trở thành chỉ thị của thần thánh, ông ta tạo ra một loại nghệ thuật có một không hai: ngang ngược không đạo lý chính là chân lý duy nhất.

2. Mao Trạch Đông không ảnh hưởng tới tiến trình lịch sử thế giới

Nhưng mà, nếu chúng ta nhìn ra phạm vi toàn thế giới, nhìn từ góc độ tiến trình của lịch sử thế giới mà nói, Mao Trạch Đông đã triệt để thất bại. Ông ta không thể đem một nước Trung Quốc hoàn toàn mới giới thiệu với thế giới, cũng không thay đổi được tiến trình lịch sử thế giới, không cách nào trở thành lãnh tụ chính trị mang tính toàn cầu có thể ảnh hưởng tới sự vụ quốc tế. Ông ta bất quá chỉ là diễn đi diễn lại lịch sử liên miên bất tuyệt hàng nghìn năm của Trung Quốc, rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát cũng không thể tự cứu được bản thân. Ông ta không phải là không có dã tâm xưng bá thế giới; nếu không như vậy, Mao tuyệt đối sẽ không trở mặt đối với Liên Xô, càng là sẽ không thể chờ đợi mà tạo ra thần thoại chính trị “Trung Quốc là trung tâm của cách mạng thế giới thứ ba”, cũng sẽ không vì địa vị quốc tế của một cá nhân mà hào phóng đem sức mạnh tài lực của quốc gia hướng về các quốc gia nghèo đói lạc hậu dốc túi, đem từng khoản tiền khó khăn của người dân Trung Quốc tặng cho các quốc gia lạc hậu này.

Muốn trở thành lãnh tụ của siêu cường quốc ngoài Hoa Kỳ và Liên Xô đích xác là dã tâm của Mao Trạch Đông. Điều không may là tham vọng có thừa nhưng năng lực thì lại không đủ. Ông ta không có sức mạnh và trí tuệ để tạo ra một Trung Quốc hùng mạnh, có đủ sức đối kháng lại Hoa Kỳ và Liên Xô, cũng tự nhiên không đủ sức mạnh để đưa bản thân nâng tầm vào vị trí lãnh tụ quốc tế. Toàn bộ những hành vi của Mao Trạch Đông, không có bất kỳ hành động nào không phù hợp với truyền thống những kẻ độc tài Trung Quốc, nhưng lại không có dấu hiệu nào hướng ra ngoài kết nối với thế giới hiện đại. Ông ta bị văn hoá tiến bộ của nhân loại vứt lại đằng sau, chỉ có thể tự đóng cửa bản thân, chui vào trong chiếc vỏ bao quanh, trong những cuộc đấu đá nội bộ thoả thích giải phóng dục vọng quyền lực vô hạn của bản thân bên trong chiếc vỏ Trung Quốc. Chơi đùa Trung Quốc đối với Mao Trạch Đông dễ dàng như trở bàn tay; chơi với thế giới, ông ta chỉ giống như một địa chủ chỉ biết giữ khư khư lấy mảnh đất hai ba mẫu của minh, luôn lo sợ người khác cướp đoạt mất. Đây hoàn toàn là tính cách của một thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa.

3. Mao Trạch Đông đã đem người Trung Quốc hạ cấp biến thành nô lệ

Ở bên trong Trung Quốc, kể từ ngày đầu tiên khi ông ta tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trở đi, Mao chính là không ngừng giày vò, lần sau đặc sắc hơn lần trước, lần sau vui vẻ hơn lần trước, một mực cho đến Đại Cách Mạng Văn Hoá là đỉnh cao trào trong cuộc đời của ông ta. Mao Trạch Đông không những lợi dụng sự ngu muội của người Trung Quốc, còn lợi dụng những dục vọng và khát vọng phá hoại của người Trung Quốc sau nhiều năm bị áp bức, không có chỗ phát tiết ra ngoài. Những chế độ mà ông ta đã tạo nên cùng với những cuộc cách mạng kiểu phong trào, chúng không dẫn sinh mệnh lực của con người đi về hướng xây dựng và sáng tạo, mà là dẫn dắt đi về phía huỷ diệt và phá hoại, hơn nữa là sự phá hoại và huỷ diệt cực kỳ to lớn.

Đại Cách Mạng Văn Hoá cũng là một lần bùng nổ sức mạnh sống của người Trung Quốc, đặc biệt là sự kích động và dư thừa năng lượng của tuổi thanh xuân. Bằng những hành động ngang ngược không cố kỵ thúc ước nào như đánh, đập, cướp, phá, cũng thông qua một lần lại một lần những buổi lễ chúc mừng cách mạng hoành tráng, làm cho những người tham dự được thoả mãn phát tiết năng lượng và cảm xúc của bản thân để nhận được một loại thoả mãn khi giải phóng sức mạnh sống. Nhưng khi đối mặt với thế giới, Mao Trạch Đông một lần lại một lần gặp phải thất bại, thậm chí yếu đuối đến mức không dám chính diện nhìn vào bản thân ông ta.

Mao Trạch Đông đích xác có tư cách cười nhạo Tần Thuỷ Hoàng, Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông, Tống Thái Tổ cùng với người đã dùng vó ngựa chinh phục khắp Đại lục Á Âu là Thành Cát Tư Hãn, những đế vương này khi so sánh với Mao, đích thật họ có trí tuệ, nhân cách với những chỗ không bằng ông ta. Nhưng Mao hoàn toàn không có chút tiền vốn nào để so sánh với những lãnh tụ chính trị mang tầm thế giới, bởi vì thể chế chính trị mà những người này tạo ra thuộc về toàn nhân loại, mà Mao Trạch Đông chỉ thuộc về Trung Quốc, hơn nữa tội nghiệt to lớn. Về điểm này, tôi cho rằng Mao Trạch Đông cũng rất đáng thương, bởi vì ở Trung Quốc những đối thủ mà ông ta đối măt đều có tố chất quá kém, thậm chí không thể nói là đối thủ. Mao Trạch Đông cùng đánh bóng bàn với một đối thủ luôn thua cuộc với ông ta ở tỉ số 20-0. Loại đối kháng này, cố nhiên luôn để cho ông ta bay bổng chiến thắng, nhưng cũng làm cho thắng lợi của ông ta hoàn toàn không có chút giá trị nào cả.

Dưới sự thống trị của Mao Trạch Đông, mỗi người Trung Quốc đều là 0, 1 tỉ người Trung Quốc cộng lại thì tổng cũng là 0. Vì vậy cuối cùng Mao Trạch Đông cũng trở thành 0.

Tình cảnh như vậy của Mao Trạch Đông cũng giống hệt như tình cảnh của cả dân tộc Trung Hoa. Tự đóng cửa để nhìn lại bản thân, thật sự cảm giác rằng đẹp đẽ không gì sánh được, đường đường nam tử Hán nghiêm trang đứng đắn, nền văn hoá lâu đời mấy nghìn năm xán lạn làm cho người ta chói mắt; mở cửa ra và nhìn lại bản thân lần nữa, ngay lập tức sẽ nhìn thấy nguyên hình đầy khiếm khuyết, không những không cảm thấy bản thân đẹp đẽ, ngược lại giống như thấy trên mặt toàn nếp nhăn. Giống như một người già chống gậy nhưng lại muốn bú sữa mẹ vậy; văn hoá lâu đời lưu truyền mấy ngàn năm giống như bản thân đang mặc những bộ đồ cổ trang thô tục tới mức không thể chịu đựng nổi, ngoài việc đem làm sản phẩm trưng bày, hoàn toàn không có một chút tác dụng nào khác. Nói một cách thẳng thắn hơn, trong lịch sử thế giới cận đại hiện đại thì người Trung Quốc không phải là con người, mà họ sống tại với cuộc sống của nô lệ. Một loạt những cuộc vận động chính trị được phát động bởi một tay Mao Trạch Đông, khi thỏa mãn dục vọng cá nhân của ông ta đồng thời, cũng đem theo tất cả người Trung Quốc cùng nhau xoá tên khỏi lịch sử nhân loại.

Tất cả những việc mà Mao Trạch Đông có thể làm được, một mặt là kết quả từ sức hút cá nhân của ông ta, mặt khác là do văn hoá Trung Quốc đem lại. Sự hèn yếu do ngu muội của người Trung Quốc cùng chính thể chuyên chế ngàn năm không thay đổi, đã cung cấp một sàn diễn tốt nhất cho Mao Trạch Đông biểu hiện tài năng. Những vở kịch mà Mao Trạch Đông đạo diễn trên vũ đài này, là một loạt những vở diễn đã từng oanh động một thời như “Phản phái hữu”, “Đại Nhảy Vọt”, “Phong trào dọn dẹp bốn thứ”, nhưng tất cả những tác phẩm này đều là đồ nhái, hoàn toàn là bản copy các tác phẩm của một ma vương chuyên chế khác là Stalin. Kiệt tác được cá nhân Mao Trạch Đông sáng tác mang tên “Đại Cách Mạng Văn Hoá”. Đây là một tác phẩm được tạo ra lấy sự hy sinh to lớn của toàn bộ người dân Trung Quốc làm cái giá để trao đổi. Sự độc nhất vô nhị của nó nằm ở chỗ đem chủ nghĩa chuyên chế phát triển tới một cảnh giới trước nay chưa từng có. Bởi vì thế, đối với dân tộc Trung Hoa mà nói, Mao Trạch Đông không chỉ là tội nhân thiên cổ. Đi từ phủ định “Đại Cách Mạng Văn Hoá” tới phủ định Mao Trạch Đông là điều tất yếu của lịch sử.

Thanh niên tại một cuộc biểu tình trong cao trào Hồng Vệ Binh đang giơ cao tác phẩm của Chủ tịch Đảng Cộng sản Mao Trạch Đông, thường được gọi là Sách đỏ nhỏ của Mao và trương cao tấm áp phích hình Karl Marx, ngày 14 tháng 9 năm 1966. Lưu Hiểu Ba cho rằng, trí thức lẫn người dân Trung Quốc nên tự nhìn lại trách nhiệm của ban thân khi mù quáng sùng bái Mao Trạch Đông. Nguồn Ảnh: AP.

4. Không thể chỉ phản hôn quân mà không phản chuyên chế độc tài

Tuy vậy, với một quốc gia có hàng nghìn năm với truyền thống phong kiến như Trung Quốc mà nói, phủ định Mao Trạch Đông một cách triệt để không hề dễ dàng, cũng giống như sự thất bại qua từng lần lại từng lần các phong trào phản phong kiến vậy. Ở Trung Quốc đương đại, tôi cho rằng có hai nguyên nhân khiến cho người ta khó có thể phủ định Mao Trạch Đông một cách triệt để.

Đầu tiên, chỉ phản lại hôn quân, tham quan mà không phải là phản chế độ chuyên chế, hoàng quyền là di sản văn hoá của người Trung Quốc. Trong những lần cải cách trong lịch sử, người ta đều đem tham nhũng hủ bại quy kết là sai lầm đoạ lạc đạo đức nhân cách và sai lầm tư tưởng của một kẻ thống trị nào đó. Tìm kiếm “Minh chủ” và “quan chức thanh liêm” là giấc mộng mà người Trung Quốc đã đi tìm khắp mấy nghìn năm qua, cho tới nay họ vẫn đang tiếp tục giấc mộng này. Nếu không phải như vậy, kể từ sau năm 1949 người ta lại đem hy vọng một mực đặt ở trên người của Mao Trạch Đông và cộng sự của ông ta? Nói cách khác, chỉ cần người ta vẫn còn tin rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx trong một nền văn hoá chuyên chế mới có thể cứu rỗi Trung Quốc, chính là tin tưởng chính trị chuyên chế và độc tài tư tưởng mới có thể cứu rỗi Trung Quốc, tức là kể cả sau khi Mao Trạch Đông bị phủ định, vẫn còn có Mao Trạch Đông thứ hai, thứ ba xuất hiện.

Không phải là hôn quân, tham quan làm cho chính thể chuyên chế hủ bại, tham nhũng, mà là tính di truyền tiên thiên của thể chế chuyên chính độc tài sản sinh ra hôn quân và tham quan. Nếu như không có được sự bảo hộ của chính trị dân chủ, bất cứ người nào trong chính phủ chuyên chế đề sẽ trở thành hôn quân, tham quan, điều này không liên quan tới nhân phẩm cá nhân. Chính trị gia đáng khinh bỉ nhất cũng không cách nào làm mọi chuyện theo ý bản thân trong một nền chính trị dân chủ, ngược lại chính trị gia cao thượng nhất trong một chính thể chuyên chế sẽ trở nên ngang ngược muốn làm gì thì làm. Không có sự bảo chứng của chế độ chính trị lập hiến, bất cứ kẻ cầm quyền nào đều sẽ đi về phía độc tài.

Do đó, nếu chỉ là đem phủ định một mình Mao Trạch Đông xem ông ta là một hôn quân, mà không phải là đem ông ta xem là đại biểu của chủ nghĩa chuyên chế đương đại đã mục nát để phủ định, vậy thì đồng nghĩa với không làm gì cả, và kết quả của nó chỉ có thể là nhà độc tài mới thay thế nhà độc tài cũ. Nếu may mắn, là một nhà độc tài tiến bộ khai minh thay thế cho một nhà độc tài ngu dốt tầm thường.

Nhưng mà, bất luận thế nào, chuyên chế vẫn là chuyên chế, nó tuyệt sẽ không vì người (lãnh đạo) độc tài tiến bộ khai minh mà biến thành thể chế dân chủ. Nhìn từ điều này, quan trọng nhất không phải là phủ định Mao Trạch Đông với vai trò một cá nhân, một hôn quân, mà là phủ định Mao Trạch Đông với vai trò người cầm trịch đại diện cho cả hệ thống chính trị chuyên chế độc tài. Nhưng những phê phán đối với Mao Trạch Đông kể từ Cải cách mở cửa tới nay, vẫn chỉ dừng lại ở mức độ “chỉ phản hôn quân mà không phản chuyên chế độc tài”. Càng nực cười là, trong khi những người đó ra sức phủ định hôn quân và tham quan thì chính họ tranh nhau đem bản thân xem là “minh chủ” và “quan chức thanh liêm”.

5. Người Trung Quốc cần dũng cảm tự phủ định chính bản thân

Thứ hai, chỉ phủ định một số ít những người cầm quyền mà không phủ định quần chúng cũng như chính bản thân mỗi người, thì đây cũng không phải là sự phủ định thật sự đối với chủ nghĩa chuyên chế mà đại diện là Mao Trạch Đông. Giống như ở phía trước đã nói, Đại Cách Mạng Văn Hoá được sinh ra là bởi sự cực đoan hoá của chủ nghĩa chuyên chế. Cực đoan hoá chủ nghĩa chuyên chế, một mặt là bởi vì những kẻ cầm quyền được đại diện bởi Mao Trạch Đông cực đoan hoá độc tài; mặt khác là bởi vì tầng lớp dân chúng đông đảo bị những kẻ thống trị cực đoan hoá sự ngu muội và hèn yếu. Mao Trạch Đông cho dù có nhiều sức mạnh hơn, cũng không thể một người tiến hành “Đại Cách Mạng Văn Hoá”. Sức mạnh của Mao Trạch Đông đến từ sự ngu muội và yếu đuối của nhân dân, ông ta là người tập hợp và thừa hưởng thành quả từ sự ngu muội của 1 tỉ người dân Trung Quốc.

Cũng có nghĩa là, sự sinh ra và kéo dài của bất cứ một chính thể chuyên chế nào, đều là kết quả được tạo ra bởi những kẻ thống trị và người bị trị cùng sự duy trì của họ. Không có những kẻ bị trị phục tùng cho người thống trị, cũng sẽ không có chuyên chế thống trị. Cụ thể với lịch sử và hiện trạng của Trung Quốc, không có nô tính của người Trung Quốc được nuôi dưỡng từ chủ nghĩa phong kiến truyền thống lâu đời, chủ nghĩa chuyên chế Trung Quốc tuyệt đối sẽ không thể sinh tồn lâu dài, phát triển trắng trợn không kiêng nể như vậy.

Ở trong Đại Cách Mạng Văn Hoá, nếu không có hàng nghìn vạn cánh tay giơ cao và hô to “Mao chủ tịch vạn tuế”, không có “Mao ngữ lục” màu đỏ bao phủ khắp đại địa của Trung Hoa, không có phong trào “sáng sớm xin chỉ thị, buổi tối báo cáo” phổ cập khắp mọi góc mọi nơi, không có 1 tỉ người Trung Quốc cất cao giọng hát bài “Đông Phương Hồng”, thì cái tên Mao Trạch Đông làm thế nào trở thành mặt trời đỏ vĩnh viễn không bao giờ lặn, chiếu rọi khắp nhân gian đây cơ chứ? Bởi thế, phủ định Mao Trạch Đông thì cũng nhất thiết phải phủ định 1 tỉ người Trung Quốc đã đem Mao Trạch Đông xem là “Đại cứu tinh”, “Mặt trời đỏ”. Phủ định 1 tỉ người Trung Quốc nhất thiết phải bắt đầu từ mỗi một người, đặc biệt là bắt đầu phủ định từ chính bản thân của những phần tử trí thức có văn hoá.

Trong quá khứ, lý luận của chúng ta một mực đem cách mạng chống phong kiến chỉ lý giải ở mức độ lật đổ hoàng đế hoặc kẻ thống trị, bởi vậy cũng đem vô số cuộc khởi nghĩa nông dân lớn lớn nhỏ nhỏ trong lịch sử Trung Quốc xem là cách mạng thúc đẩy tiến trình lịch sử. Nhưng mà, sự thực đã chứng minh, cách mạng nông dân lật đổ hoàng đế, chỉ tạo nên một vòng tròn khép kín trong lịch sử Trung Quốc và tuổi thọ trăm năm của chủ nghĩa chuyên chế.

Mà cách mạng chống độc tài thật sự, nhất thiết phải là một cuộc cách mạng nhằm vào toàn xã hội đại diện cho chủ nghĩa chuyên chế (phương thức sinh tồn, phương thức tư duy của toàn bộ mọi người). Cuộc cách mạng này không những cần phải đánh đổ hoàng đế, càng là cần tiêu diệt nền văn minh tiểu nông là chỗ dựa sinh tồn và duy trì của hoàng quyền. Phương thức sinh tồn của chuyên chế và tiểu nông là một nền văn minh nông nghiệp hữu cơ chỉnh thể. Muốn hiện đại hoá thì cần phải tiêu diệt văn minh nông nghiệp ngay từ ở phương thức sinh tồn, nếu không làm được điều này thì bất kỳ cuộc cách mạng nào có ý đồ lật đổ chủ nghĩa chuyên chế đều sẽ thất bại.

6. Phủ định Mao là một lần thay xương đổi thịt của toàn dân tộc Trung Quốc

Những phong trào chỉ chống lại hoàng đế mà không chống lại phương thức sinh tồn tiểu nông, chỉ có thể là bạo loạn mà không phải cách mạng. Đối với Trung Quốc mà nói, đánh đổ một hoàng đế, phủ định môt Mao Trạch Đông không khó, khi hành động của con người không được, vẫn còn trời giúp ta (ý nói Mao Trạch Đông cuối cùng cũng là phải chết). Điều khó khăn ở chỗ cần tiêu diệt ý thức tiểu nông to lớn như biển cả. Cũng giống như năm xưa Lỗ Tấn đã từng phê phán một cách vô tình những căn tính xấu của quốc dân Trung Quốc. Vậy mà, những kẻ khai sáng ở lịch sử đương đại Trung Quốc, đại đa số đều là chửi sự anh minh của hoàng đế, một khi đối mặt với quần chúng, càng là một bộ mặt lấy lòng xun xoe, mỉm cười, cúi đầu hướng về ngu muội. Mà loại hiện tượng này nhìn bề ngoài là đứng về phía quảng đại quần chúng đối lập với chủ nghĩa chuyên chế, nhưng trên thực tế là muốn sau khi chửi đổ hoàng đế thì tự bản thân sẽ trở thành hoàng đế, trở thành vị cứu tinh của nhân dân. Khi đắc chí, tự phong bản thân trở thành hoàng đế; khi bất đắc chí, nhân dân là hoàng đế. Mao Trạch Đông chính là cao thủ dùng trò chơi đùa “nhân dân sùng bái” để xây dựng địa vị quyền lực tối cao cho bản thân.

Loại trò chơi này người Trung Quốc chơi đến quen thuộc, chơi đến mức say đắm cực kỳ vui thích, từ thời đại Tiên Tần với “Dân bản tư tưởng” một mực cho đến thời Mao Trạch Đông với “Nhân dân vạn tuế”, “toàn tâm toàn ý vì nhân dân phục vụ”, trang phục có thể nói là liên tục đổi mới, nhưng chúng vĩnh viễn bọc lấy một túi da thối tha.

Sau khi Đại Cách Mạng Văn Hoá kết thúc, lại có bao nhiều người được xưng tụng là nhà cải cách tiên phong vẫn giơ cao cao tấm biển hiệu chữ vàng “Vì nhân dân phục vụ” đi rêu rao khắp chợ đây? Lại có bao nhiêu người trong Đại Cách Mạng Văn Hoá đã từng viết những tờ Đại Tự Báo cách mạng nhất, sắc bén nhất lại đem quảng cáo bản thân là anh hùng chống lại “Bè lũ bốn tên” đây? Lại có bao nhiêu người được minh oan từ những thành phần bị đánh nhãn “Phái hữu”, “Đi theo đường lối tư bản” đã biến mình thành “Cực tả phái” trong thời kỳ mới đây? Ngoại trừ “Bè lũ bốn tên”, Mao Trạch Đông và một số ít những người đã chết, những người Trung Quốc còn lại thì người người đều là nạn nhân của Đại Cách Mạng Văn Hoá và là anh hùng chống lại Bè lũ bốn tên.

Bản lĩnh người Trung Quốc trốn tránh trách nhiệm, tự mỹ hoá ca ngợi bản thân thật sự là hiếm có trên thế giới. Người viết thân là một thành viên của dân tộc Trung Hoa, thật sự cảm thấy kiêu ngạo, tự hào và quang vinh vì điều này.

Những ví dụ tương tự về căn tính dân tộc như trên còn rất nhiều, ví dụ như “ngu trung”, “đám đông là trên hết”, “chủ nghĩa bình quân”, “chủ nghĩa dân tộc”…Nhưng mà, đối với hiện thực Trung Quốc hiện nay mà nói, tất cả những điều này đều có thể quy kết thành một điểm: không thể từ trong nội bộ chủ nghĩa chuyên chế tìm ra sức mạnh để phủ định chủ nghĩa chuyên chế.

Nói một cách cụ thể là: về chính trị thì không thể từ trong nội bộ một đảng độc tài tìm thấy sức mạnh để chống lại một đảng độc tài; về kinh tế thì không thể từ nội bộ chế độ công hữu, kinh tế kế hoạch để tìm thấy động lực thúc đẩy cải cách kinh tế; về tư tưởng thì không thể từ trong nội bộ của chủ nghĩa Marx giáo điều tìm kiếm tư tưởng mới; về mặt văn hoá theo nghĩa rộng thì không thể từ trong nội bộ văn hoá truyền thống Trung Quốc tìm thấy cái gọi là tinh hoa. Mà chỉ có thể dùng chế độ dân chủ đa đảng cùng tồn tại để thay thế độc tài độc đảng, dùng chế độ sở hữu tư nhân, kinh tế thị trường để thay thế cho kinh tế kế hoạch, sở hữu công; dùng ngôn luận đa nguyên hoá, tự do về tư tưởng để thay thế cho nhất nguyên hoá; dùng văn hoá hiện đại của thế giới (Phương Tây) để thay thế cho văn hoá truyền thống của Trung Quốc.

Phủ định Mao Trạch Đông, theo ý nghĩa cơ bản nhất là phủ định phương thức sinh tồn kiểu tiểu nông hàng nghìn năm nay của người Trung Quốc, là một lần thoát thai hoán cố. Mặc dù, sự phủ định này có thể một lần là thực hiện được, cũng có khả năng là một quá trình lịch sử rất lâu dài; nhưng người Trung Quốc nhất định phải khởi động tiến trình này ngay từ bây giờ.

Tôi cho rằng, đây cũng là quá trình phủ định dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử thế giới, bởi vì sức sống ngoan cường của chủ nghĩa chuyên chế Trung Quốc có thể xưng là số một thế giới. Mặc dù, trong quá trình dài lâu này, có khả năng mức độ đau khổ nặng nề khó có thể chịu đựng, nhưng mà, ngoài việc nhẫn nhịn đau khổ dày vò ra, người Trung Quốc ở đương đại không còn sự lựa chọn nào khác.

Nếu không làm thế, mặc dù hồn Mao Trạch Đông đã về Tây Thiên, nhưng thứ chủ nghĩa chuyên chế mà ông ta đại diện vẫn vĩnh viễn là mặt trời đỏ không bao giờ lặn.


50 năm sau cuộc Cách mạng Văn hóa ồn ào của Trung Quốc

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Lưu Hiểu Ba tái đăng bài viết này trên Boxun vào năm 2006.